KHÔNG SỢ CHÊ BAI

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc - Sự Nghiệp; Nguyễn Phố dịch; NXB. Lao Động.

Thời xưa có một vị tể tướng, phong thái khoan dung đại độ. Một hôm, người em của ông muốn đến nơi khác để làm quan, người anh nói:“Tính khí em không đằm thắm, anh lo sự nghiệp của em sẽ không thuận lợi”. Người em nói: “Không sao đâu! Em nghe lời dạy bảo của anh, người khác có chê bai phỉ báng em, em đều không đôi co tranh cãi!” Người anh nói: “Có thật không? Nếu như có người nhổ nước bọt vào mặt em, em làm thế nào?” Người em trả lời: “Em không đôi co với kẻ ấy, chỉ cần chùi sạch chỗ nước bọt là xong!” Người anh ngừng một lát, nói: “Nếu là anh, anh không làm như vậy. Sở dĩ người khác nhổ vào mặt em là vì người ta không thích thú em, em chùi nó đi thì người ta càng không thích thú. Trong trường hợp này, cứ để cho nó tự khô, không cần phải lấy tay chùi đi, đó mới được xem là đạt đến bản lĩnh thượng thừa của sự nhẫn nhục”.

Con người sống ở đời chắc chắn sẽ nhận chịu rất nhiều điều chê cười phỉ báng. Ở vào trường hợp đó, mỗi người làm thế nào cung cấp cho mình một sức mạnh? Và từ trong sự phỉ báng chê cười ấy cần học tập phước huệ nghiêm trang.

Một người tu hành đích thực nghe người khác chê cười, phỉ báng mình, không những không tức giận mà còn cảm thấy như được uống nước cam lộ. Hòa thượng Bố Đại từng nói: “Có người mắng lão già, lão già chỉ nói tốt; có người đánh lão già, lão già tự nằm xuống; có người nhổ vào mặt lão già, thì nó sẽ tự khô; bạn cũng đỡ tốn hơi sức, mà tôi cũng ít phiền não”. Từ những câu nói trên, chúng ta có thể thấy đối với những đánh mắng, phỉ báng của người khác, hòa thượng Bố Đại đã giải quyết rất là thoải mái tự nhiên.

Một người, từ khi bắt đầu hiểu được việc đời không biết đã gặp bao nhiêu chê cười phỉ báng của người khác. Ví như ông Hồ Thích được mọi người trong xã hội tôn sùng cũng phải là “tiếng khen vừa đến, lời chê theo liền”. Thử nhìn những bậc thánh hiền vĩ đại của thế giới, có vị nào là không đi ra từ trong những lời chế giễu phỉ báng? Chế giễu phỉ báng có thể đánh đổ một số người, nhưng chỉ có thể đánh đổ những người yếu đuối tầm thường, không có năng lực, không thể đánh đổ người có lý tưởng, có trách nhiệm, có nhiệt tình. Đối với việc chê cười phỉ báng, chúng ta nên xem nó làm tăng ngược thượng duyên của trí năng phước đức để làm trang nghiêm chúng ta, tuyệt đối không nên để nó khích động cái tâm sân hận của chúng ta. Sách Thành thực luận ghi: “Lời ác độc mắng chửi kẻ tiểu nhân, không thể chịu nổi như chim bị ném đá, lời ác độc mắng chửi người quân tử, như voi được rải hoa”. Sự khác biệt giữa tiểu nhân và quân tử có thể thấy rõ từ trong thái độ ứng phó trước những lời chế giễu chê bai.

Khi cư sĩ Lý Bính Nam đến hoằng dương Phật pháp lần đầu tiên ở Đài Loan cũng gặp nhiều rắc rối. Lúc đó, cư sĩ Lý Bính Nam hòa nhã khiêm tốn nói: “Các vị thiện tri thức, tôi không dám xem thường các vị, các vị đều đáng là các vị Phật!” Thậm chí còn nói: “Các vị thiện tri thức, cảm ơn các vị, các vị đã đem lại cho tôi những điều khó chịu này tức là đang tiêu trừ tội nghiệp của tôi, cảm ơn các vị đã cho tôi cơ hội để tiêu trừ tội nghiệp”. Do đó, xem ra chê cười phỉ báng của người đời không những không có chỗ xấu, chỗ dở, trái lại, nó còn là nhân tố làm trang nghiêm chính mình, làm tăng trưởng trợ duyên cho trí năng phước đức. Đen tối là điềm báo trước của sự sáng sủa, những trái ngược bên ngoài càng làm tăng ngược thượng duyên của việc hành thiện. Tóm lại, có thể nói rằng không có chế giễu phỉ báng chưa hẳn đã làm tỏ lộ được nhân cách vĩ đại của con người, chưa hẳn đã tỏ rõ tiết tháo của các bậc thánh hiền.

Làm thế nào chịu đựng được sự chế giễu phỉ báng, tôi xin đưa ra ba điểm dưới đây:

1. Không nói lời chế giễu phỉ báng. Không nói lời chế giễu người khác, không nói lời phỉ báng người khác. Nếu có người phát hiện thường ngày mình hay nói chế giễu người khác, thì bắt đầu từ nay tuyệt đối mình không nói nữa, tức là mình không phải là người ác khẩu.

2. Không nghe lời chế giễu phỉ báng. Không cần để ý đến những lời chế giễu phỉ báng lan truyền từ bên ngoài. Nếu một người thường chú ý đến những lời đồn nhảm thì trong lòng sẽ càng khó chịu, một khi đã khó chịu sẽ không có sức mạnh, không có tinh thần để làm các việc khác. Cần biết “lời thị phi thường do nơi người hiểu biết”, một người có trí năng không thể lan truyền tin nhảm, và đương nhiên cũng không thể tùy tiện tin vào lời đồn nhảm.

3. Không sợ chế giễu phỉ báng. Phỉ báng, chê bai có thể tiêu trừ tội nghiệp của chúng ta, cho nên không những không sợ chê cười phỉ báng mà càng có thể chuyển biến chê cười phỉ báng thành sự kích thích sức mạnh của thân tâm.

Trích dẫn từ sách Thái căn đàm

Không nói lời thị phi là chân thành khoan hậu,

không biện hộ điều sai trái của mình là cao kiến.

Biểu dương điều thiện của người khác là sự báo ơn,

thương cảm tội lỗi của người khác là việc tu đức.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. XA RỜI THỊ PHI PHIỀN NÃO
  2. TÔI LÀ PHẬT
  3. NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CẦN DẠY CHO CON

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP