THẬT TƯỚNG CỦA TỰ NGÃ

KOSHO UCHIYAMA ROSHI

Trích: Bạn Nấu Ăn Cuộc Đời Bạn Như Thế Nào? Từ Thiền Nấu Bếp Đến Giác Ngộ; Bình giảng: Kosho Uchiyama Roshi; NXB Thiện Tri Thức.

Trong chương trước tôi đã chỉ ra rằng tọa thiền của Đạo Nguyên phải không là cái gì tách lìa với đời sống chúng ta cũng không lìa khỏi Phật pháp. Chúng ta thực hành tọa thiền không phải chỉ để có một loại kensho xuất thần hay kinh nghiệm ngộ. Bản chất của tọa thiền phải là hướng dẫn cuộc đời chúng ta trong ánh sáng của những chân lý không thể chối cãi của đời sống. Dù Giáo Huấn Điển Tọa đi vào những chi tiết về làm thế nào chuẩn bị và chăm sóc đời sống hàng ngày của chúng ta căn cứ trên loại tọa thiền này, chúng ta vẫn phải hỏi câu hỏi nền tảng: Tọa thiền là gì? 

Đoạn sau từ Chánh Pháp Nhãn Tạng Tùy Văn Ký 3:18, diễn tả rất tốt điều đó: “Tọa thiền là thật tướng của Tự Ngã”. Rất thường trong đời sống chúng ta, chúng ta mất cái thấy về chân ngã. Tọa Thiền tái lập lại sự nhìn thấy của mình. Trong Hiện Thành Công Án có nói, “Học đạo của chư Phật là học Tự Ngã.”

Một thí dụ thường xuất hiện trong báo, cột lời khuyên sẽ làm sáng tỏ điều này. “Hôn nhân hiện thời của tôi đã được an bài, nhưng mới đây tôi đã thực sự yêu một cô gái nơi tôi làm việc. Lần đầu tiên tôi biết yêu và muốn lấy cô ấy. Xin nói cho tôi nên làm điều gì”. Người ta thường rên rỉ về những vấn đề buồn cười như thế này. Có lẽ tôi đưa ra cảm tưởng mà tôi không có, nhưng không phải như vậy. Khi còn trẻ tôi đã khổ sở vì những loại vấn đề tương tự, thế nên tôi không cười ai cả. Tôi đã khổ sở kinh khủng vì những sự việc tương tự và đã gây ra đau đớn cho hai người đàn bà trong đời tôi với sự kêu ca của mình. 

Chính xác bởi vì tôi đã khổ sở vì loại rên than ấy, cho nên tôi hiểu rằng vấn đề nằm trong phạm vi của chữ “thực sự” trong câu “Tôi đã thực sự yêu”. Tóm tắt, nói rằng bạn tìm thấy một người bạn yêu hơn vợ chồng bạn có thể là một sự kiện hiện hữu như một ý tưởng hay cảm giác trong lòng bạn, nhưng nó không có giá trị bằng một sự kiện, không thật như nó có vẻ thế. Nó chỉ là sự tự lừa dối, và chúng ta tự lừa dối bằng cách tin rằng một sự kiện hiện hữu trong tâm ta là chân lý tuyệt đối.

Đây chỉ là một thí dụ, nhưng nếu bạn nghĩ về nó, những loại lừa dối tương tự xảy ra hàng ngày. Chẳng hạn con thích để tóc dài theo lối hippie, cha mẹ yêu cầu cắt vì có vẻ dơ dáy. Những ý kiến khác nhau giữa nàng dâu và mẹ chồng… Những va chạm ý kiến này đi vào đấu trường quốc tế, giữa những quan điểm chính trị khác nhau, và đôi lúc xảy ra chiến tranh, thảm cảnh.

Tại sao những khác biệt này xảy ra? Căn bản, bởi vì chúng ta bám lấy ý kiến nào đó như là một thực tại và tự lừa dối mình khi tin thực tại ý tưởng ấy là chân lý tuyệt đối. Khi gặp một hoàn cảnh đặc biệt, sẽ tốt nếu những ý tưởng như nhau đi vào tâm mỗi người, nhưng không phải như vậy. Như khuôn mặt mỗi người khác nhau thì tự nhiên những ý tưởng sanh khởi trong tâm mỗi người cũng khác nhau. Nhưng nếu chúng ta quá bám chắc vào những ý tưởng của mình và cứ xem chúng như những gương mẫu của một chân lý không thể sai chạy, hậu quả không thể tránh sẽ là một va chạm của những ý tưởng cuối cùng là chiến tranh.

Vị hoàng tử Phật giáo vĩ đại thứ nhất của Nhật Bản Thánh Đức Thái Tử, đã viết rất rõ ràng trong Hiến pháp Mười Bảy Điều, “Mọi người đều có tâm của mình và tâm của mỗi người thấy sự vật một cách khác nhau. Khi người khác đúng thì tôi sai. Khi tôi đúng thì những người khác sai. Tôi không nhất định là trí và những người khác không nhất định là ngu. Chúng ta đều chỉ là những người bình thường.” 

Sự kiện chúng ta đều chỉ là những người bình thường thì gần nhất với sự thật. Loại hiểu biết này chắc chắn quan trọng hơn bị trói buộc một cách ám ảnh vào những ý tưởng của mình về công bằng hay chính đúng, chúng chỉ dẫn đến bất hòa, chiến đấu và chiến tranh. Khi chúng ta đều bám chấp và khăng khăng chúng ta đúng, chúng ta đều bị kích động, và trong môi trường quốc tế, rốt cuộc đi đến chiến tranh.

Chúng ta chỉ có thể nói ở đây chúng ta đã hoàn toàn đánh mất cái nhìn thấy bản tánh chân thật, tuyệt đối của đời sống. Tốt bao nhiêu khi chúng ta có thể biểu lộ sự hiểu biết của chúng ta về bản tánh tuyệt đối của sự vật hơn là trở lại với các giác quan của mình. Trong Phật giáo, sự minh mẫn nghĩa là sống mà không đánh mất cái nhìn thấy thật tướng của Tự Ngã.

Thường thường chúng ta lòng vòng bị kích động bởi những ý tưởng và cảm giác tràn đầy trong tâm. Khi chúng ta làm tọa thiền, chúng ta bỏ mặc tất cả và có một sáng suốt tươi mới, chân thật. Chỉ cái ấy là thật tướng của Tự Ngã. Khi thực hành tọa thiền, chúng ta phải để mặc những ý tưởng sanh khởi, bất kể chúng đáng sợ hay huy hoàng thế nào. Khi làm vậy, thật tướng của chúng ta tự biểu lộ một cách tự nhiên. Trong Giáo Huấn Điển Tọa điều này được ám chỉ như là một đại tâm. 

“Đại Tâm (daishin) giống như một trái núi, vững chắc và không nghiêng lệch. Thí dụ như đại dương, nó khoan dung và nhìn mọi sự từ viễn cảnh bao la nhất.”

Trong Phật giáo khi dùng chữ đại, nó không hề có nghĩa đại so với nhỏ bé. Nếu suy nghĩ “lớn” theo cách này, nó trở nên một so sánh tương đối không có ý nghĩa. 

So sánh với một electron, chẳng hạn, mắt của một con kiến thì khổng lồ, nhưng so sánh nó với một con cá voi, rõ ràng cá voi lớn hơn. So với trái đất, một cá voi rất nhỏ, và so sánh với một thiên hà, trái đất là vô cùng nhỏ. Nếu bạn nghĩ dải Thiên Hà là lớn thì nó chẳng là gì khi so với vũ trụ. Và vũ trụ như thực thể lớn nhất cũng không là gì khác hơn một khái niệm trong tâm chúng ta, và chúng ta chỉ như một loại nấm trên bề mặt trái đất. Thế thì cái gì lớn, cái gì nhỏ? 

Chừng nào chúng ta tiếp tục làm những so sánh thuộc trí óc thì không cách gì nói cái gì là lớn. Chừng nào lớn là cái gì đối nghịch với nhỏ thì luôn luôn không đi đến được một kết luận. Trong Phật giáo, loại suy nghĩ so sánh này không bao giờ được chú ý. Ngược lại, lớn nghĩa là chấm dứt những so sánh lớn và nhỏ. Đồng thời, nó cũng có nghĩa ngừng suy nghĩ theo trắng – đen, thương – ghét, tốt – xấu, thiên đàng – địa ngục, giác ngộ – mê lầm. Nói cách khác, lớn nghĩa là không chú ý tới ý tưởng phân biệt. 

Trong đoạn tôi đã trích ở trước từ Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi, Đạo Nguyên viết, “Hãy buông bỏ mọi quan hệ, dẹp hết mọi hoạt động,” ngài đang nói rằng bản thân tọa thiền là Đại Tâm. Tương tự, trong Giáo Huấn Điển Tọa, Đạo Nguyên nói, “Có một Đại Tâm nghĩa là không thành kiến và từ bỏ biên kiến.”

Vấn đề ở đây rõ ràng nói về nghĩa của không phân biệt. Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, không thể sống không phân biệt giữa tốt xấu, thích và không thích. Nói cho là quan trọng không có nghĩa là chúng ta đi quanh đưa chìa khóa nhà cho một kẻ trộm, hay một khẩu súng trường cho một người điên. Chúng ta không thể hành động mà không chọn lựa hay phân biệt. 

Nhưng, có phải là lão suy những người mà suy nghĩ của họ nặng nề đến nỗi họ tin những ý tưởng về tốt hay xấu của là không thể chối cãi, và những người đào hầm cố thủ trong cách suy nghĩ của mình đến độ bị chôn vùi trong đó. Tọa thiền nắm lấy cái tâm lão suy này, cái tâm chật hẹp này thường xuyên phân biệt tốt xấu và ném đi xa. Nó làm cho tâm dễ uốn nắn hơn và có thể nhìn thấy từ một viễn cảnh bao la hơn. Tọa thiền làm cho tâm giống một núi cao và biển lớn. 

Lý do tôi ám chỉ Giáo Huấn Điển Tọa là “một sách nấu ăn cho đời sống đặt nền trên tọa thiền”, bởi vì nó chỉ ra một đời sống tôn giáo như thế nào với một tâm không nghiêng lệch là trái tim của những công việc hàng ngày nơi cần thiết phân biệt và chọn lựa.

Bình luận


Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ