TẬP TRUNG VÀO BỔN PHẬN CHÍNH YẾU CỦA BẠN

EPICTETUS

Trích: Nghệ Thuật Sống Của Epictetus; Việt dịch: Đỗ Tư Nghĩa; Sách Khai Tâm phát hành.

HÃY LÀM CHO NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN HÒA ĐIỆU VỚI TỰ NHIÊN

Trong mọi vấn đề – lớn hay nhỏ, công hay tư – hãy hành xử phù hợp với những quy luật của tự nhiên. Việc hòa điệu ý chí của bạn với tự nhiên nên là lý tưởng cao nhất của bạn.

Bạn thực tập lý tưởng này ở đâu? Trong những điều cụ thể của đời sống hằng ngày, với những trách nhiệm và bổn phận cá nhân mình. Khi bạn thực hiện một công việc nào đó, thí dụ, tắm, thì hãy làm như vậy – với hết sức mình – phù hợp với tự nhiên. Khi bạn ăn, hãy làm như vậy, với hết sức mình – phù hợp với tự nhiên, vân vân.

Điều quan trọng không phải là bạn đang làm cái gì, mà là bạn đang làm nó như thế nào. Khi chúng ta hiểu đúng đắn và sống theo nguyên tắc này, thì mặc dù những khó khăn vẫn khởi lên – vì chúng cũng là một phần của trật tự thiêng liêng – chúng ta vẫn có bình an nội tâm.

NHỮNG BIẾN CỐ KHÔNG LÀM ĐAU CHÚNG TA, NHƯNG NHỮNG QUAN ĐIỂM CỦA CHÚNG TA VỀ CHÚNG THÌ CÓ THỂ

Những sự thể, tự chúng không làm ta đau hay ngăn trở chúng ta. Cách chúng ta nhìn những sự thể này là chuyện khác. Chính thái độ và phản ứng của ta mới là cái mang đến cho ta phiền não.

Do vậy, ngay cả cái chết, tự thân nó và một mình nó cũng không phải là cái gì ghê gớm. Chính khái niệm của ta về sự chết – cho rằng nó đáng sợ – mới là điều làm ta sợ hãi. Hãy xem xét kỹ khái niệm của ta về cái chết và về mọi sự khác. Chúng có thực sự đúng không? Chúng có đang mang đến cho bạn lợi lạc nào không?

Đừng sợ hãi cái chết hay sự đau đớn. Hãy sợ nỗi sợ hãi của ta về chúng. Chúng ta không thể chọn lựa hoàn cảnh bên ngoài mình, nhưng chúng ta luôn có thể chọn lựa cách đáp ứng lại chúng.

HÃY TẠO RA CÔNG TRẠNG CỦA RIÊNG BẠN

Đừng bao giờ lệ thuộc vào sự thán phục của kẻ khác. Không có sức mạnh nào trong nó cả. Công trạng cá nhân không thể được phái sinh từ một nguồn ngoại tại. Nó không thể được tìm thấy trong những giao du cá nhân của bạn, cũng như không thể được tìm thấy trong sự nể trọng của người khác. Một sự kiện của đời là, những người khác, ngay cả những người yêu mến bạn, sẽ không nhất thiết đồng ý với những ý kiến của bạn, hiểu bạn, hay chia sẻ sự tâm huyết của bạn. Hãy trưởng thành! Hơi đâu mà quan tâm đến những gì mà người khác nghĩ về mình!

Hãy tạo ra công trạng của riêng bạn.

Công trạng cá nhân không thể đạt được qua việc giao du của bạn với những con người kiệt xuất. Bạn đã được giao cho công việc của riêng mình để làm. Hãy bắt tay vào làm ngay bây giờ, làm hết sức mình và đừng bận tâm là ai đang quan sát bạn.

Hãy làm công việc có ích và không màng đến niềm vinh dự hay sự thán phục mà những nỗ lực của bạn có thể giành được từ người khác. Không có cái gọi là công trạng “ăn theo”.

Những thắng lợi và kiệt xuất của người khác, chúng thuộc về họ. Cũng như vậy, những vật sở hữu của bạn có thể có sự kiệt xuất, nhưng chính bạn không thu được sự kiệt xuất từ chúng.

Hãy nghĩ về điều đó. Cái gì thực sự là của riêng bạn? Cách bạn sử dụng những ý kiến, những tài nguyên nội tại và những cơ hội đến với mình. Bạn có những cuốn sách? Hãy đọc chúng. Hãy học từ chúng. Hãy áp dụng sự minh triết của chúng. Bạn có kiến thức chuyên môn? Hãy đưa nó vào sử dụng một cách đầy đủ và tốt đẹp. Bạn có những dụng cụ? Hãy đem nó ra và chế tạo hay sửa chữa đồ đạc. Bạn có một ý kiến hay? Hãy làm theo nó tới cùng. Hãy tận dụng những gì mà bạn có, những cái thực sự là của mình.

Bạn có thể hài lòng một cách chính đáng với chính mình và thanh thản, khi bạn đã hòa điệu những hành động của mình với tự nhiên, bằng cách nhận ra cái gì thực sự là của riêng mình.

HÃY TẬP TRUNG VÀO BỔN PHẬN CHÍNH YẾU CỦA BẠN

Có một thời gian và một nơi chốn cho sự vui chơi giải trí, nhưng bạn không bao giờ nên để cho chúng lấn lướt những mục đích chân thực của đời mình. Nếu bạn ở trên một chuyến hải trình và con tàu thả neo tại một hải cảng, bạn có thể lên bờ tìm nước uống và tình cờ nhặt được một cái vỏ ốc hay một thảo mộc nào đó. Nhưng hãy cẩn thận; hãy lắng tai để nghe tiếng gọi của vị thuyền trưởng. Hãy giữ sự chú ý của bạn hướng về con tàu.

Rất dễ dàng bị xao lãng bởi những cái vặt vãnh của trần gian. Nếu vị thuyền trưởng gọi thì bạn phải sẵn sàng rời bỏ những thứ đó và chạy trở về, thậm chí không nhìn lại đằng sau. Nếu bạn đã già thì đừng đi xa khỏi con tàu; nếu không, bạn sẽ không về kịp khi được thuyền trưởng gọi.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY XEM CUỘC ĐỜI NHƯ MỘT BỮA TIỆC
  2. BÌNH AN NỘI TẠI
  3. NHỮNG GÌ BẠN CÓ THỂ KIỂM SOÁT, VÀ NHỮNG GÌ KHÔNG THỂ KIỂM SOÁT

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH