BỊ BỎ RƠI

LISE BOURBEAU

Trích: Nhận diện 5 tổn thương; Quế Chi dịch; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức, năm 2023.

Bỏ rơi ai đó, tức là từ bỏ họ, buông bỏ họ, không muốn chăm sóc họ nữa. Nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn giữa phủ nhận với bỏ rơi. Thỉnh thoảng chúng ta có thể nghĩ rằng mình bị phủ nhận, vì người khác đẩy ta ra, không muốn thấy ta bên cạnh nữa. Ta không phải gắn mình với tình huống đã xảy ra, mà là với nỗi đau mà ta trải nghiệm với nó. Để biết rõ hơn tổn thương nào đã bị đánh thức, chúng ta phải thực sự tỉnh táo với phản ứng của mình và với người mà chúng ta trải qua vấn đề này. Khi vấn đề có liên quan đến một người cùng giới tính với ta thì đó luôn luôn là tổn thương kiểu phủ nhận, và khi liên quan đến người khác giới, đó là tổn thương bỏ rơi.

Tổn thương bỏ rơi diễn ra ở phạm trù sở hữu và hành động, trong khi tổn thương phủ nhận là ở phạm trù tồn tại.

Dưới đây là một số ví dụ cho các tình huống có thể đánh thức tổn thương bỏ rơi ở một đứa trẻ.

Một đứa bé có thể cảm thấy mình bị bỏ rơi…

  • Nếu mẹ nó đột nhiên quá bận bịu với đứa em mới ra đời. Cảm giác bị bỏ rơi có thể trở nên quá lớn đến nỗi đứa bé này thường xuyên đau ốm hoặc bệnh tật để được chú ý nhiều hơn. Đứa trẻ sẽ có ấn tượng là mẹ nó liên tục rời nó ra để chăm sóc em bé. Nó bắt đầu tin rằng chuyện này sẽ mãi như thế, rằng nó sẽ không bao giờ còn tìm lại được người mẹ ngày xưa của mình nữa.
  • Nếu cha mẹ của đứa bé đi làm suốt cả ngày và không có thời gian dành cho nó.
  • Khi nó nhập viện và người ta phải để nó ở đó. Nó không hiểu chuyện gì xảy ra với mình. Nếu nó cảm thấy trước khi vào bệnh viện cha mẹ nó đã hơi khó chịu với nó (và nếu nó có cảm giác là cha mẹ đã chán nó rồi) thì cảm giác bị bỏ rơi có thể còn sâu sắc hơn nữa. Ở bệnh viện, nó có thể đinh ninh rằng cha mẹ nó đã bỏ rơi nó mãi mãi. Cho dù cha mẹ có đến trông nom nó cả ngày thì nỗi đau một khi đã được khơi dậy sẽ choán hết tâm hồn nó. Nỗi đau này xui khiến nó bắt đầu tạo ra một mặt nạ ngụy trang, bởi nó tin rằng làm thế là giúp nó không phải lặp lại nỗi đau này lần nào nữa.
  • Khi cha mẹ nó nhờ ai đó trông nom nó khi họ đi du lịch, cho dù đó là nhà ông bà nó chăng nữa.
  • Nếu mẹ nó đau ốm triền miên và cha nó quá bận rộn hay vắng mặt trong việc chăm sóc nó. Nó buộc phải tự lo lấy thân mình.

Tôi biết một người phụ nữ có một nỗi sợ khủng khiếp khi cha cô qua đời lúc cô 18 tuổi. Cái chết đó, mà với cô giống như một sự bỏ rơi, đã để lại vết hằn thực sự sâu sắc, bởi trong nhiều năm qua, mẹ cô không ngừng nói với cô rằng bà ấy sẽ tống cổ cô ra khỏi cửa ngay khi cô 21 tuổi. Người phụ nữ này vốn đã mang sẵn trong mình cảm giác bị mẹ chối bỏ, đã rất sợ hãi, vì cô chỉ nghĩ rằng: “Chuyện gì sẽ xảy đến với mình nếu phải rời khỏi nhà này một thân một mình mà không có cha chăm sóc?”

Nhiều người chịu tổn thương bỏ rơi đã chứng thực rằng họ thấy thiếu sự trò chuyện giao tiếp với cha/mẹ khác giới khi họ còn nhỏ. Họ cảm thấy cha/mẹ này rất khép kín và họ bực bội với cha/mẹ này vì đùn đẩy mình toàn bộ cho phụ huynh kia. Nhiều người trong số này đã tin rằng cha/mẹ khác giới không thích mình.

Theo như những gì tôi quan sát thấy thì tổn thương bỏ rơi diễn ra với cha/mẹ khác giới. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rất thường xuyên một người bị bỏ rơi cũng bị phủ nhận nữa. Khi còn trẻ, người này đã cảm thấy mình bị cha/mẹ cùng giới phủ nhận và cha/mẹ khác giới bỏ rơi, mà theo người đó, người cha/mẹ khác giới này đáng lẽ phải chăm sóc họ nhiều hơn và đặc biệt là phải làm sao bảo vệ họ khỏi bị cha/mẹ kia chối bỏ. Một đứa trẻ có thể từng gặp chuyện mà nó cảm thấy bị cha mẹ cùng giới bỏ rơi nhưng trên thực tế, đó lại là tổn thương phủ nhận. Tại sao vậy? Tại vì cha/mẹ cùng giới này hành xử như thế vì bản thân người đó cũng phủ nhận chính mình và đứa trẻ cảm thấy được điều đó tận trong sâu thẳm trái tim nó. Nếu một người cha người mẹ phủ nhận bản thân có một đứa con cùng giới, thì việc người đó chối bỏ đứa con này, cho dù là trong vô thức, là hoàn toàn bình thường và hết sức tự nhiên, bởi lẽ đứa con này luôn nhắc người đó về bản thân mình. Ví dụ về người phụ nữ mất cha khi chị 18 tuổi đã minh họa rất rõ cho tổn thương kép phủ nhận và bỏ rơi này.

Trong quá trình đi sâu tìm hiểu, bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn mọi người đều có nhiều tổn thương. Tuy nhiên, mức độ đau khổ của mỗi tổn thương là mỗi khác.

Những người bị bỏ rơi không cảm thấy được cho ăn đầy đủ. Cơ thể thiếu dưỡng chất cũng có thể nảy sinh tổn thương này, thường là trước tuổi lên hai. Lớp mặt nạ chúng ta tự tạo ra cho mình hòng trốn tránh tổn thương này chính là lớp mặt nạ PHỤ THUỘC. Do đó, tôi sẽ dùng từ này để chỉ người bị bỏ rơi. Trong suốt cuốn sách này tôi sẽ gọi họ là người phụ thuộc.

Lớp ngụy trang này thể hiện ra ở một cơ thể thiếu trương lực cơ, luôn buông thống. Một tấm thân dài ngoẳng, mảnh khảnh và ủ rũ cho thấy một tổn thương bị bỏ rơi rõ ràng hơn. Cơ bắp ẻo lả, không phát triển và dường như không thể nâng đỡ được cơ thể cho thẳng thớm như nó cần. Cơ thể thể hiện chính xác những gì đang diễn ra trong nội tâm của con người. Người phụ thuộc tin rằng anh ta không thể nào đứng được một mình và anh ta cần ai đó làm chỗ dựa cho mình. Cơ thể anh ta phản ánh nhu cầu dựa dẫm ấy. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở người này một đứa trẻ nhỏ đang cần được nâng đỡ.

Đôi mắt to buồn bã cũng thể hiện tổn thương bị bỏ rơi; chúng dường như muốn thu hút sự chú ý của người khác. Đôi bắp chân yếu ớt. Có ấn tượng là đôi cánh tay quá dài, chúng lủng lẳng dọc hai bên thân. Đó là kiểu người dường như không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình khi đang đứng, đặc biệt là khi người khác nhìn họ. Nếu một bộ phận của cơ thể có vị trí dường như hơi thấp hơn so với bình thường thì đó cũng là một đặc điểm của mặt nạ phụ thuộc. Người này cũng có thể có lưng cong, gù như thể cột sống không đỡ vững vàng được cho nó. Một số bộ phận cơ thể có khi còn lòng thòng hoặc lỏng lẻo, nhũn nhẽo như là hai vai, vú, mông, má, bụng, bìu ở đàn ông.

Như bạn có thể thấy, đặc điểm nổi bật nhất ở người phụ thuộc là da thịt nhợt nhạt, thiếu trương lực cơ. Ngay khi bạn thấy một bộ phận cơ thể ẻo lả, èo uột, bạn có suy ra rằng người này đang mang lớp ngụy trang phụ thuộc để che giấu tổn thương bỏ rơi của mình.

Đừng quên rằng mức độ sâu sắc của tổn thương quyết định độ dày của mặt nạ. Một người cực kỳ phụ thuộc sẽ có tất cả những đặc điểm được đề cập ở trên. Nếu chỉ có một vài đặc điểm, thì đó là vì tổn thương của họ kém đau đớn hơn mà thôi. Quan trọng là cần phải biết rằng trong trường hợp ai đó vừa béo tốt lại vừa bệu bạo, không cơ bắp ở một số bộ phận cơ thể nào đó, thì sự èo uột cơ bắp này cho thấy tổn thương bỏ rơi, còn đặc điểm thừa cân của họ cho thấy còn có một tổn thương khác nữa mà chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong cuốn sách này.

Bạn cũng phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa mặt nạ chạy trốn và mặt nạ phụ thuộc. Hãy hình dung là có hai người rất gầy đứng bên cạnh bạn; một người chạy trốn trong khi người kia phụ thuộc. Cả hai có thể đều có mắt cá chân nhỏ và cổ tay nhỏ. Sự khác nhau là ở màu da. Người chạy trốn có da bọc xương hơn nhưng cơ bắp săn chắc, trong khi người phụ thuộc có da có thịt hơn nhưng trương lực cơ thấp.

Khi một người phải chịu đựng cả hai tổn thương phủ nhận và bỏ rơi, bạn sẽ thấy trong cơ thể họ vừa có đặc điểm của kiểu người chạy trốn vừa có đặc điểm của kiểu người phụ thuộc. Tổn thương đập vào mắt nhất chính là tổn thương mà người đó phải chịu đựng thường xuyên nhất.

Hãy quan sát những người xung quanh bạn để phát hiện ra tổn thương của họ. Đó là một bài tập trực giác tuyệt vời. Vì cơ thể biểu hiện hết thảy về bản thân chúng ta nên càng ngày càng có nhiều người đã cố, bằng mọi cách, thay đổi diện mạo cơ thể, như bằng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bằng cách nâng tạ để luyện cơ bắp chẳng hạn. Khi chúng ta cố che giấu cơ thể của mình là chúng ta đang cố che đậy những tổn thương tương ứng với các bộ phận cơ thể đã được thay đổi.

Cách duy nhất để phát hiện ra sự biến đổi cơ thể ở người khác là bằng trực giác. Tôi đã gặp kiểu người này rất nhiều lần. Ví dụ, khi quan sát một khách hàng trong một buổi tư vấn, tôi thấy ngực cô ấy rất gọn trong khi ấn tượng đầu tiên của tôi khi lần đầu tiên gặp cô ấy lại là bộ ngực lủng lẳng. Ấn tượng này chỉ “lóc” lên trong một giây. Vì tôi đã biết tin tưởng vào trực giác của mình nên tôi nói với cô ấy: “Thật buồn cười, tôi nhìn chị và tôi nhận ra bộ ngực đẹp đẽ thon gọn của chị, nhưng vừa mới lúc trước đây tôi nhìn thoáng cái lại thấy bộ ngực hơi lỏng lẻo. Chị đã phẫu thuật thẩm mỹ rồi phải không?” Cô ấy xác nhận với tôi đúng là cô ấy đã phải nhờ cậy đến phẫu thuật thẩm mỹ vì cô ấy không thích bộ ngực của mình.

Một số chi tiết, nhất là nước da, thì khó quan sát hơn vì có lớp trang điểm, áo lót, những miếng đệm độn vai, độn mông và những phụ kiện khác dễ gây nhầm lẫn. Dù thế nào nếu bạn soi mình trong gương thì bạn sẽ không thể tự dối mình. Do đó, ta nên nghe theo trực giác và ấn tượng đầu tiên khi nhìn một người khác.

Tôi biết những người đàn ông đã tập tạ nhiều từ khi còn trẻ. Mặc dù cơ bắp của họ rất lực lưỡng và đẹp đẽ nhưng người ta vẫn cảm nhận thấy ở họ sự thiếu trương lực cơ. Điều đó giải thích tại sao khi thôi tập tành cơ bắp, họ thấy cơ thể mình cực kỳ mềm nhão. Điều này chỉ xuất hiện ở những người đàn ông phụ thuộc. Chúng ta không thể chữa lành được tổn thương bằng cách che giấu nó. Tôi xin trở lại với ví dụ về vết thương trên bàn tay ở chương đầu tiên. Ngay cả khi người đó che giấu bàn tay trong chiếc găng tay hoặc sau lưng mình, vết thương của họ cũng không lành lại được.

Trong số năm kiểu người thì người phụ thuộc là kiểu người dễ trở thành nạn nhân nhất. Nhiều khả năng là một trong hai cha/mẹ họ hoặc thậm chí cả hai cũng là nạn nhân. Các nạn nhân thường tạo ra đủ loại khó khăn trong cuộc sống của mình: đặc biệt là những vấn đề về sức khỏe để thu hút sự quan tâm, chú ý. Việc này đáp ứng nhu cầu được chú ý của người phụ thuộc, họ nghĩ là mình không bao giờ được quan tâm đầy đủ. Khi họ làm mọi việc có thể để thu hút sự chú ý, trên thực tế là họ đang tìm cách để cảm thấy mình là người đủ quan trọng đến mức được người khác giúp đỡ. Họ tin rằng nếu họ không thu hút sự chú ý của người khác thì họ không bao giờ có thể trông cậy vào người này được. Ngay từ khi người phụ thuộc còn rất bé, hiện tượng này đã thể hiện rất rõ ràng. Những đứa trẻ phụ thuộc muốn an tâm rằng nếu vấp ngã thì nó có thể dựa vào ai đó để lấy lại cân bằng.

Đây là kiểu người hay làm lớn chuyện; một việc bé nhất cũng có thể xé ra to được. Ví dụ, nếu chồng/vợ của họ không gọi trước để báo đến muộn, thì họ sẽ nghĩ đến cái chuyện tồi tệ nhất và không hiểu tại sao chồng/vợ mình lại bắt mình phải băn khoăn lo lắng khổ sở thế này. Khi nhìn vào một người hành xử như là nạn nhân, người ta thường băn khoăn không hiểu sao người đó có thể gặp lắm vấn đề đến vậy. Người phụ thuộc thì không coi những việc như thế là vấn đề vì thông qua chúng họ nhận được nhiều chú ý, và do đó với họ chúng là cơ hội, là món quà. Nhờ có chúng mà họ không cảm thấy mình bị bỏ rơi. Bị bỏ rơi đối với họ mà nói còn đau khổ hơn tất cả những rắc rối mà họ tự đâm đầu vào. Chỉ có người phụ thuộc khác mới có thể thực sự hiểu được điều này. Một người càng hành xử theo kiểu nạn nhân, thì chứng tỏ tổn thương bỏ rơi của người đó càng lớn.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GIẢM THIỂU SỰ TÁC ĐỘNG CỦA BẢN NGÃ VÀ NHỮNG TỔN THƯƠNG
  2. VÍ DỤ VỀ TỔN THƯƠNG BẤT CÔNG ĐƯỢC KÍCH HOẠT
  3. CHỮA LÀNH VÀ NHỮNG LỢI ÍCH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ