SỰ HÀI HÒA ĐÍCH THỰC LÀ GÌ ?

Vu Đan

Trích: “Khổng Tử Tinh Hoa” (Những Điều Diệu Kỳ Từ Tư Tưởng Và Triết Lý Sống Khổng Tử); Nhà Xuất Bản Trẻ, 2010

Bạn không nên nghĩ rằng minh triết của Khổng Tử là quá cao siêu và xa vời, hoặc là một điều gì mà con người ngày nay chỉ có thể sùng kính ngước nhìn.

Những chân lý về thế giới này lúc nào cũng dễ hiểu và giản dị, hệt như mặt trời mọc mỗi ngày ở phương đông, như mùa xuân gieo hạt và mùa thu gặt hái. Những chân lý mà Khổng Tử đem đến cho chúng ta luôn luôn là những chân lý dễ nắm bắt nhất.

Chân lý ấy dạy cho chúng ta cách sống một cuộc sống hạnh phúc theo nhu cầu tinh thần của chính mình.

Minh triết của Khổng Tử có thể giúp chúng ta đạt được hạnh phúc tinh thần trong thế giới hiện đại, giúp chúng ta làm quen với nhịp sống hàng ngày và cảm nhận những gánh nặng riêng để biết chúng ta đang ở đâu trong cuộc đời này.

Thỉnh thoảng chúng ta có thể nghĩ rằng những gì chúng ta đọc là thiếu tính lô-gíc. Rất nhiều câu nói tập trung vào chỉ một vấn đề, không có nhiều đoạn văn dài hơi, và gần như mọi thứ chúng ta tìm ra đều đơn giản và ngắn ngủi.

Khổng Tử nói: “Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu?” (Luận Ngữ, chương XVII, tiết 18), ý rằng: Xem kìa, trời ở trên đầu ta, uy nghiêm và lặng lẽ, không bao giờ nói một lời, thế mà bốn mùa cứ vần xoay mãi mãi, và tạo vật cứ sinh sôi nảy nở chung quanh ta. Vậy trời có cần nói nữa không?

Những gì chúng ta tìm thấy nơi Khổng Tử là cách suy nghĩ dung dị và gần gũi. Chính với thái độ này mà Khổng Tử gieo ảnh hưởng đến các học trò của ông.

Khổng Tử có ba ngàn học trò, bảy mươi hai người trong số đó là những người uyên thâm và đức hạnh hiếm có. Mỗi người trong số này là một hạt giống, và sau đó mỗi người đến lượt mình lại đi gieo hạt giống minh triết và nhân sinh quan rộng khắp.

Đó là lý do vì sao ở Trung Quốc người ta gọi Khổng Tử là nhà hiền triết. Hiền triết là những người tài giỏi và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong thời đại mình. Họ đem đến cho chúng ta sự xác quyết và niềm tin. Những người như vậy chỉ có thể là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên, xuất hiện từ chính trong cuộc sống của chúng ta, chứ không phải từ trên trời rơi xuống.

Cảm thức về sự phát triển tự nhiên, cân bằng này có thể được tìm thấy trong truyền thuyết Trung Hoa kể chuyện Bàn Cổ phân chia trời – đất để tạo lập thế giới. Sự phân chia này không phải là đột biến, như trong truyền thuyết sáng thế phương Tây, theo đó mọi người có thể nghĩ rằng Bàn Cổ sẽ dùng một cái rìu khổng lồ thình lình chẻ trời và đất ra làm đôi, sau đó một nguồn sáng chói lóa chiếu soi khắp mọi nơi, và vạn vật xuất hiện. Đó không phải là phong cách truyện kể Trung Hoa.

Kiểu truyện kể mà người Trung Hoa quen thuộc là kiểu truyện kể trong Tam Ngũ Lịch Kỷ (Lịch sử Trung Hoa cổ đại), bao gồm những chuyện kể mang tính chất thần thoại về sự khai thiên lập địa. Ở đây chúng ta thấy sự khai thiên lập địa là một tiến trình rất dài, êm đềm, thong thả và đầy những dự báo:

“Thuở trời đất hỗn mang còn như lòng trắng và lòng đỏ một cái trứng khổng lồ suốt mười tám ngàn năm. Bàn Cổ sinh ra và lớn lên giữa cái trứng đó. Bầu trời và mặt đất bắt đầu tách làm đôi. Ông lấy những chất trong và sáng tạo ra Trời, những chất đục và tối tạo ra Đất. Theo đó, bản chất Dương thuần khiết trở thành trời, bản chất Âm nặng nề trở thành đất. Bàn Cổ sống giữa trời và đất, mỗi ngày có chín sự biến đổi, một vị thần ở trên trời và một hiền nhân ở dưới đất. Mỗi ngày Bàn Cổ cao thêm một trượng, bầu trời cao thêm một trượng, mặt đất cũng dày thêm một trượng. Khi ông được mười tám ngàn tuổi, bầu trời cao vô định, mặt đất sâu vô định, và Bàn Cổ lớn vô định.”

Trời và đất tách làm đôi, không phải theo cách một vật thể cứng gãy làm đôi, mà là một sự tách rời từ từ của hai bản chất: bản chất dương nhẹ nhàng, thuần khiết bay lên, trở thành bầu trời, bản chất âm nặng nề chìm xuống, trở thành mặt đất.

Nhưng đó chưa phải là kết thúc sự phân chia giữa trời và đất. Tiến trình đó chỉ mới bắt đầu. Hãy để ý người Trung Hoa quan sát những biến đổi như thế nào. Hãy nhìn Bàn Cổ, người ở giữa trời và đất trải qua “chín sự biến đổi trong một ngày”: hệt như đứa bé sơ sinh với những biến đổi nhỏ xíu, tinh vi đang diễn ra.

Có một giai đoạn trong những biến đổi đó mà truyện kể gọi là “một vị thần ở trên trời, một hiền nhân ở dưới đất”, nghĩa là Bàn Cổ trở thành một sinh thể thông thái và mạnh mẽ ở cả hai vương quốc (Trời và Đất).

Đối với nước Trung Hoa, ý tưởng làm chủ cả hai vương quốc này là phương cách tồn tại lý tưởng, một sự tồn tại mà loài người chúng ta khao khát hướng tới: bầu trời là nơi chủ nghĩa lý tưởng trải rộng đôi cánh của nó và bay tự do, thoát khỏi mọi sự ràng buộc của luật lệ và những trở ngại của thế giới hiện thực; còn khả năng giữ vững đôi chân trên mặt đất là để chúng ta có thể tiến bước trong thế giới hiện thực.

Chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa hiện thực là bầu trời và mặt đất của chúng ta. Nhưng những biến đổi của Bàn Cổ vẫn đang diễn ra và câu chuyện của chúng ta còn tiếp tục. Sau khi trời và đất tách rời, mỗi ngày bầu trời cao thêm một trượng, mặt đất dày thêm một trượng, và Bàn Cổ lớn thêm một trượng theo với bầu trời.

Quá trình biến đổi vẫn tiếp tục trải qua mười tám ngàn năm, cho đến sau cùng “bầu trời cao vô định, mặt đất sâu vô định, và Bàn Cổ lớn vô định”.

Nói cách khác, loài người bình đẳng với bầu trời và mặt đất: trời, đất và người được coi như Tam Tài – ba sự vật vĩ đại và quan trọng như nhau, nhờ đó mà thế giới được tạo lập. Khổng Tử nhìn thế giới theo cách này: con người đáng tôn trọng và con người nên tôn trọng chính mình.

Khi đọc Luận Ngữ của Khổng Tử, chúng tôi thấy rằng Khổng Tử rất ít khi nghiệt ngã và cứng rắn với học trò của mình, ông thường nói chuyện với họ một cách thoải mái, nhã nhặn, dường như chỉ là những gợi ý để họ có thể tự suy ngẫm. Tất cả chúng ta đều đã nhìn thấy các thầy giáo quở trách học trò, bảo chúng không được làm điều này điều nọ. Đó là khi người thầy không phải là chính mình. Một người thầy xuất sắc thực sự phải giống như Khổng Tử, ôn hòa trao đổi quan điểm với học trò của mình, cùng nhau đạt đến điểm cốt lõi là làm sao cho Tam Tài – trời, đất và người (Thiên, Địa, Nhân) – cùng phát triển toàn vẹn.

Tinh thần thoải mái, thong thả, tự tại này và thái độ khiêm cung, kính cẩn là điều mà tất cả chúng ta nên khao khát đạt tới. Luận Ngữ của Khổng Tử là hiện thân của lý tưởng này.

Mục tiêu tối hậu của chúng ta là thấm nhuần những lời dạy của Khổng Tử để hợp nhất Trời, Đất và Người trong một chỉnh thể trọn vẹn, để mang đến cho chúng ta sức mạnh vô hạn. Chúng ta thường nói: một dân tộc muốn tồn tại và phồn vinh, thì phải có Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Và chúng ta vẫn đang theo đuổi sự cân bằng hài hòa này nên trong thời đại ngày nay, những tư tưởng của Khổng Tử vẫn có thể dẫn dắt chúng ta.

Chúng ta có thể rút ra được sức mạnh to lớn từ đó, một sức mạnh bắt nguồn từ sâu xa tư tưởng của Khổng Tử. Chính từ sức mạnh này mà Mạnh Tử, một trong những triết gia vĩ đại khác của Trung Quốc, người kế thừa Khổng Tử và khai triển sâu hơn những ý tưởng của ông, được biết đến như “đức quân tử”.

Chỉ khi những tinh túy của Trời, Đất và Vạn vật kết hợp lại trong tâm hồn con người, thì chúng mới có thể đạt được sự mạnh mẽ như bản thể của chúng ta.

Chúng ta nên hiểu “thiên nhân hợp nhất” như thế nào? Là ý nói con người và thế giới tự nhiên trong sự hòa điệu hoàn hảo.

Chúng ta đang nỗ lực tạo ra một xã hội hài hòa, nhưng sự hài hòa đích thực là gì? Nó không chỉ là sự hài hòa bên trong một ngôi nhà nhỏ, cũng không phải chỉ là những quan hệ chân thành giữa mọi người. Nó còn phải bao gồm toàn bộ thế giới tự nhiên, là chung sống và phát triển hài hòa hạnh phúc trên trần gian này. Mọi người phải cảm thấy trân trọng thế giới tự nhiên và sẵn lòng thuận theo nhịp điệu của nó.

Đây là một thứ sức mạnh. Nếu chúng ta biết cách trau rèn sức mạnh này và dựa vào nó, thì chúng ta sẽ có thể có được trí tuệ cao rộng của Khổng Tử.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỜI CÓ ĐẠO THÌ RA LÀM MỌI VIỆC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP