LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI LÒNG THAM?

SOUSHIN KANETAKE


Trích: “Sống Tối Giản Phong Cách Thiền” Soushin Kanetake Dịch: Trương Hoàng Lan Nhà Xuất Bản Hồng Đức – 2023 Ảnh: Internet

–🌿💐🌿–

Khi lòng tham xuất hiện và khiến bạn cảm thấy “Mình muốn mua cái này”, “Mình muốn có cái kia”, bạn cần một đôi mắt phân biệt rõ ràng món đồ nào mới thật sự cần thiết.
Xã hội chủ nghĩa tư bản hiện nay luôn có nhiều cách khơi dậy ham muốn mua sắm của người tiêu dùng. Để không bị cuốn vào vòng xoáy ấy, điều quan trọng là chúng ta phải có một đôi mắt tỉnh táo.
Bạn có biết con mắt thứ ba trên trán tượng Phật được gọi là “bạch hào” hay không? Người ta gọi đó là con mắt của tâm hồn.
Có một giai thoại như sau. Date Masamune lúc nhỏ bị mắc bệnh đậu mùa, mắt trái mất đi ánh sáng. Từ nhỏ mắt trái đã không thể nhìn thấy, cộng thêm tính cách nhát gan nên ông đã rất sợ khuôn mặt của Bất Động Minh Vương.
Một hòa thượng của tông Lâm Tế khi thấy cảnh ấy đã nói với Masamune rằng, “Con hãy thử nhìn vào ngài Bất Động Tôn này. Ngài ấy đang tức giận vì điều gì con có biết không? Ngài đang tức giận với những kẻ chuyên đi ức hiếp những người yếu thế. Đó là cơn giận của chính nghĩa”.
Sau đó, vị hòa thượng chỉ tay vào “bạch hào” và nói rằng “Con mắt thứ ba này là con mắt của tâm hồn, bởi vậy con cũng nên mang trong mình một con mắt như vậy”, nhờ đó mà Masamune đã có thể vực dậy bản thân một cách mạnh mẽ.
Trước mắt chúng ta luôn liên tục xuất hiện những đồ vật làm khơi dậy lòng ham muốn, như các đồ vật tiện lợi, dễ thương, trông bắt mắt hay hiện đại nhất,… Tuy nhiên, trong chính những lúc ấy, điều quan trọng là hãy dừng lại một bước, sử dụng đôi mắt tâm hồn và cẩn trọng trong việc lựa chọn.
BIẾT RẰNG “MỘT LÀ ĐỦ, KHÔNG CẦN TÌM KIẾM ĐẾN MƯỜI”
Trong Thiền, người ta cho rằng những đồ vật khơi dậy lòng tham thì nên vứt bỏ. Sẽ rất khó để giảm lòng tham từ mười xuống còn không, nhưng nếu giảm từ mười xuống một thì chắc chắn chúng ta ai cũng có thể làm được.
Ngày xưa, một hòa thượng nổi tiếng của chùa Yakushiji là Takada Kouin đã nói rằng:
“Người bỏ ra nhiều công sức nhất, được đền đáp dù chẳng bao nhiêu nhưng vẫn vui vẻ, chính là Bồ Tát”.
Người bình thường nếu làm được một thì sẽ muốn mười đánh giá từ người khác. Bồ Tát bỏ ra mười lần công sức và nhận lại một đánh giá, dù chỉ có một người công nhận thôi thì ngài cũng đã đủ mãn nguyện rồi. Đó là câu chuyện về tầm quan trọng của việc trở thành một người như Bồ Tát. Sau khi nghe câu chuyện của ngài Takada, tôi cũng có suy nghĩ “Thì ra là vậy”.
Đã là con người thì việc hoàn toàn xóa bỏ khao khát được người khác công nhận là điều không thể. Bởi vậy, dù bạn chỉ đạt một chút công nhận thôi là cũng được rồi. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc mang một lập trường rằng bản thân phải nỗ lực hết sức để đạt được sự công nhận ấy.
Lòng tham cũng tương tự. Với người bình thường, một có lẽ đã đủ nhưng họ vẫn ham muốn tới mười. Có một từ gọi là “tri túc”, từ này bắt nguồn từ một câu trong “Kinh Pháp Cú” của Ấn Độ với ý nghĩa “Người biết đủ mới là người giàu sang nhất”.
Ngay từ đầu, bởi vì lòng tham quá lớn nên chúng ta mới không thỏa mãn nó được. Nếu giảm bớt lòng tham thì khi ấy, ta mới có thể cảm nhận được bản thân đã đủ giàu sang. Nếu để lòng tham lớn dần thì dù có bao nhiêu vật chất xung quanh đi chăng nữa, tâm hồn của ta cũng chẳng thể nào được thỏa mãn.

LÒNG THAM SẼ THAY ĐỔI THEO NĂM THÁNG

Khi còn trẻ, chúng ta thường muốn cái này muốn cái kia, tiền lương hầu như hoàn toàn dùng để thỏa mãn lòng tham của bản thân, tuy nhiên theo thời gian, sẽ có người mất dần những ham muốn ấy.
Càng lớn tuổi thì cơ thể con người càng yếu đi, ở một mức độ nào đó, tinh thần của ta cũng trở nên điềm tĩnh hơn, chúng ta không còn ham muốn vật chất một cách không kiểm soát như xưa nữa.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp càng lớn tuổi thì các loại ham muốn cũng thay đổi. Khi nhìn vào những người ở nhiều vị trí và hoàn cảnh khác nhau, tôi cảm thấy rằng càng lớn tuổi thì trong họ chỉ còn đọng lại ham muốn danh tiếng mà thôi.
Khi càng lớn tuổi, chúng ta càng có suy nghĩ rằng bây giờ dù có nhiều tiền hơn cũng chẳng thể làm gì được. Thực tế thì cơ thể ta sẽ trở nên già yếu, công việc cũng không thể làm suôn sẻ như xưa, khi đó chúng ta có xu hướng bám lấy quá khứ đã qua, bởi hiện tại bản thân mình không còn được như lúc trẻ nữa.
Đối với trường hợp như vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người cần thay đổi giá trị quan để phù hợp với tuổi tác của bản thân trong từng thời điểm. Có nhiều người vì hiện tại không làm được việc như lúc trẻ nên cảm thấy bản thân không còn giá trị trong xã hội, bởi vậy họ cứ bám chặt lấy cái gọi là “vinh quang của quá khứ”.
Tuy nhiên, những người lớn tuổi lại đóng một vai trò xã hội trong việc truyền đạt lại kinh nghiệm của bản thân đến cho thế hệ sau. Những người có thể nuôi dạy được thế hệ tiếp theo đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống này. Hơn nữa, chỉ khi những người này nhận ra vai trò của bản thân thì họ mới có thể nhìn thấy được giá trị “hiện tại” của mình.
Lòng tham cũng vậy. Tại sao chúng ta lại ham muốn vật chất? Đó là bởi vì ta muốn gây sự chú ý đối với mọi người xung quanh? Hay ta chỉ là muốn giải tỏa căng thẳng mà thôi?
Hãy thường xuyên tự hỏi bản thân “hiện tại” của bạn và thay đổi giá trị quan của mình đến mức dù không mua thêm đồ vật thì bạn vẫn cảm thấy thỏa mãn được.

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TỪ BỎ “THÓI SƯU TẦM”?

Để tránh làm tăng số lượng đồ vật, hãy ngừng mua nhiều đồ vật giống nhau về chủng loại.
Những đồ vật thường được mua nhiều lần có thể kể đến ở đây là túi xách, giày dép, đồng hồ, dụng cụ học tập, mỹ phẩm,… Có nhiều người chỉ cần mở ngăn kéo tủ ở nhà ra là tìm thấy biết bao nhiêu bút bị đen.
Ngược lại, cũng có những người mắc “thói sưu tầm”, tức là họ cất công để sưu tầm một số thứ nhất định. Đọc đến đây, tôi nghĩ nhiều người cũng đoán được tôi đang nói về điều gì rồi. Nhất là đối với con trai, họ rất thích sưu tầm từ những thứ nhỏ như đồng hồ, mô hình nhựa, mô hình nhân vật cho tới những thứ lớn như xe máy, xe hơi cao cấp. Đó là bởi vì họ cảm nhận được niềm vui trong việc sưu tầm như vậy.
Họ cảm thấy vui khi nhìn số lượng đồ vật tăng dần lên, và chỉ cần nhìn ngắm thôi là họ đã thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, dù có sưu tầm nhiều đồ vật bao nhiêu chăng nữa, họ cũng không thể mang theo lúc chết được. Khi ấy, những người còn sống sẽ phải xử lý số đồ vật của người đã khuất.
Đây có thể là một câu chuyện hơi cực đoan, nhưng các nhà sư của Thiền Tông không hề có tham muốn về nhà cửa hay đất đai gì cả. Tại sao lại như vậy? Có lẽ bởi những nhà sư ấy sống với cảm giác rằng trái đất này đâu đâu cũng là nhà của họ. Nếu bạn có thể suy nghĩ được như vậy, mọi thứ sẽ không còn quá quan trọng nữa. Dù bạn có nhà hay sân vườn riêng, bạn chỉ cần chạy ra công viên là có thể tận hưởng không gian lớn hơn nhiều so với khu vườn của bạn. Bạn chỉ cần mang lập trường rằng “Đó cũng là khu vườn của mình” là được.
Tương tự, đối với những người sưu tầm đồng hồ vì sở thích, hãy thử đến cửa hàng đồng hồ và xem những hàng trưng bày trong đấy như đồ vật của mình, từ đó thay đổi giá trị quan của bản thân xem sao.
Đối với những người tích sưu tầm truyện tranh, hãy xem những kệ trong tiệm sách như kệ sách của mình là được, còn nếu ưa thích sưu tầm giày và mũ, bạn hãy đến cửa hàng giày và mũ để nhìn ngắm những kệ trưng bày, khi ấy bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn thôi.

–🌿💦🌿–

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM BẠN VỚI “TIỀN BẠC”

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH