EDWARD ESPE BROWN
Edward Espe Brown nói rằng: nấu ăn trong chánh niệm là không xao lãng và kiềm chế. Ấy là nấu ăn bằng toàn bộ con người bạn – thân, tâm và cảm xúc. Và hãy nhớ rằng, sẽ tốt hơn nếu bạn cảm nhận con đường của mình trong bóng tối và tự hỏi đâu là điểm quan trọng nhất.
Một năm nọ, tại một khóa thiền kéo dài một tuần, tôi nghĩ đó là năm 1968, thiền sư của tôi, Suzuki Roshi đã giảng về cách thực hành Zen (Thiền). “Zen”, thầy nói, “ấy là cảm nhận con đường của con trong bóng tối. Con có thể nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu có nhiều ánh sáng hơn, để biết nơi con đang đi đến và vội vàng chạy đến đó, nhưng Zen là cảm nhận con đường của con trong bóng tối. Sau đó, con sẽ cẩn thận và thật nhạy cảm với những gì đang diễn ra”.
Sau đó, tôi hỏi Thầy (lúc đó, tôi còn trẻ), “Hmm, cảm nhận con đường của con trong bóng tối … Bây giờ chương trình đã kết thúc, nếu chúng ta tổ chức một bữa tiệc thì sao ạ?”
Thầy nói: “Nếu con làm với tinh thần ấy, sẽ là hoàn toàn ổn đấy”.
“Tuyệt vời” – tôi nghĩ, và bắt đầu đứng dậy sau khi quỳ xuống trước mặt thầy trong khi giọng nói của thầy khiến chuyển động của tôi dừng lại đột ngột. “Điểm quan trọng nhất là …” và thầy dừng lại, trong khi tôi tự nhắc mình chăm chú lắng nghe những từ được chậm rãi phát ra, “là tìm ra… điểm… quan trọng nhất là gì”. Và tôi nghĩ thầy sẽ nói với mình! Nhưng người đã không và nhiều năm sau, tôi tiếp tục nghiên cứu về điều này.
Một trong những nơi mà tôi đã học hỏi về điều này là trong căn bếp. Khi chúng ta nấu ăn, điểm trọng nhất là gì? Là một thiền giả, có rất nhiều câu trả lời sẵn sàng có: chánh niệm, im lặng, quan sát tâm của bạn, tĩnh lặng và bình an. Tất cả đều tốt. Nhưng có ai trả lời là chuẩn bị thức ăn không? Hay, cảm nhận con đường của bạn trong bóng tối? Chúng ta cần nghiên cứu kỹ cách ta thực hiện những gì mình đang làm, và tự hỏi mình, điểm quan trọng nhất là gì?
Người ta thường nói: “Hãy chánh niệm ở trong bếp khi bạn đang làm việc. Có lẽ điều này là hữu ích, nhưng thật không may là từ này bị sử dụng quá mức, và thường không chính xác. Khi mọi người không tự dọn dẹp sau khi làm việc, họ đang không chánh niệm. Khi họ nói chuyện phiếm trong lúc nấu ăn, ấy là họ đang không rõ biết. Nói một cách khác, khi ai đó không làm những gì nên làm, nghĩa là họ đang không chánh niệm. Vì vậy, hãy chánh niệm để làm việc thật đúng đắn, theo cách mà bạn cần phải làm.
Tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ rằng chánh niệm là trải nghiệm kinh nghiệm của bạn mà không đánh giá tốt hay xấu, đúng hay sai. Chánh niệm theo cách này, bạn có thể ghi nhận các món ăn, mảnh vụn hoặc đồ thừa trên bề mặt trước đây là bề mặt sạch – và điều này có thể được tiếp nối bằng việc chọn cách phản hồi. Nói rằng những người để lại những vật ấy là không có chánh niệm, nói một cách khác là họ tệ, điều đó thì sai. Đối với tôi, điều này không giống như là đang có chánh niệm. Chánh niệm là rõ biết mà không phán xét.
Bạn muốn chuẩn bị thức ăn, hay muốn chánh niệm? Và có cách nào để làm được cả hai việc này không? Tôi muốn đưa ra các lựa chọn thay thế cho cách giải thích thông thường về việc “chánh niệm khi vào bếp”, nhưng tôi lưu ý người đọc nên cảm nhận con đường của bạn trong bóng tối và nghiên cứu điểm quan trọng nhất. Nói cách khác, hãy tự tìm ra cách biến việc làm trong bếp trở thành suối nguồn của sự tỉnh biết.
Khi tôi hỏi Suzuki Roshi về lời khuyên dành cho làm việc trong bếp, ngài nói: “Khi bạn vo gạo, hãy vo gạo. Khi bạn cắt cà rốt, hãy cắt cà rốt. Khi bạn khuấy súp, hãy khuấy súp”. Mặc dù rất giống nhau, nhưng điều này không giống như “chánh niệm trong bếp”, điều này nghe có vẻ như bạn có hai việc phải làm: rửa sạch và chánh niệm, cắt gọt và chánh niệm, khuấy đảo và chánh niệm. Phần chánh niệm đó sẽ như thế nào? Có lẽ là có xíu cứng nhắc, vì xung động của bạn sẽ di chuyển chậm rãi và cẩn thận để chỉ có một lượng năng lượng và cảm xúc vừa phải xuất hiện để đáp ứng hoàn cảnh. Nói cách khác, hầu hết mọi người đều nghe rằng chánh niệm là cách để kiểm soát bản thân.
Tuy nhiên, điều tuyệt vời và kỳ diệu là tìm ra cách thể hiện việc cắt cà rốt bằng toàn bộ con người và tâm ý của bạn; cách vo gạo bằng mắt và tay của bạn, kết nối thức với các giác quan và thế giới – không chỉ lướt qua các chuyển động. Điều này đưa tôi đến một điểm mấu chốt quan trọng. Khi bạn ngừng chuyển động và biểu hiện việc khuấy súp, sống động trong giây phút hiện tại, cảm xúc có thể nổi lên. Trong khi một số người thấy điều này có vấn đề và dường như khuyên bạn nên giải tỏa, gợi ý của tôi là hãy mời gọi niềm đam mê nấu nướng của bạn.
“Hãy sờ bằng tay, nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi. Hãy để mọi thứ đến và ở trong trái tim bạn. Hãy để trái tim của bạn trở lại và ở trong mọi thứ”.
Thay vì cố gắng bó buộc bản thân để không có bất ổn gì nảy sinh, hãy sử dụng những gì sinh động và hay thay đổi – các cảm xúc – để tiếp thêm sinh lực cho sự hiện diện của bạn trong căn bếp. Hãy mời chúng cắt gọt, khuấy, rửa, sờ, chà, sục; hãy mời chúng nhìn, ngửi, nếm và vui chơi. Bản chất của NẤU ĂN là một niềm đam mê đối với đời sống: tạo cho nó một địa bàn để thực hành – để nó hoạt động. Nếu tôi chỉ nấu ăn khi tôi yêu thương, tốt bụng và nhân từ nhất thì tôi đã chết đói từ lâu rồi. Tôi không bảo các bạn diễn xuất trong bếp; tôi khuyến khích các bạn biến những cảm xúc phiền não, cũng như sự nhiệt tình và phóng khoáng, thành một thứ gì đó có thể ăn được và bổ dưỡng – thức ăn.
Vì vậy, cùng với chánh niệm, việc vo gạo khi bạn đang vo gạo là hãy chú trọng nhiều hơn đến sự chăm chú, tập trung, để ý và năng lượng. Những hành động này khá hòa quyện với nhau: Hãy chuẩn bị thức ăn. Hãy biến nó thành hiện thực! Rửa, cắt, nấu, nếm, thưởng thức. Hãy tập trung các giác quan nhiều nhất có thể. Không chỉ thoáng qua trên hành động và phương cách làm thế nào để thực hiện nó một cách dễ dàng, hiệu quả, và không nỗ lực (không chỉ là việc thực hiện các chuyển động). Hãy tập trung vào việc quan sát và cảm nhận hơn là đưa ra các chỉ thị và thực thi các quy tắc. Hãy để sinh lực sống của bạn nở rộ và tỏa sáng. Hãy tương tác. Hãy học cách làm thế nào sử dụng thân thể của bạn khi nấu nướng.
Kiểu hướng dẫn này phù hợp với tính bất nhị của thực hành và giải thoát. Khi chế biến thức ăn là khi bạn đang nhận biết nền tảng. Bạn đang thực sự nấu ăn. Không chỉ là cuộc nói chuyện; không chỉ là một trải nghiệm kích thích tư tưởng – mà ta có thể ăn nó.
Hãy dấn thân vào những gì bạn đang làm. Lời khuyên của Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) là hãy để mọi thứ đến và ở lại trong trái tim bạn. Hãy để trái tim của bạn trở lại và ở trong mọi thứ. Suốt cả ngày lẫn đêm. Dấn thân là gặp gỡ và kết nối, ngoài việc gặp gỡ và kết nối đó là hồi đáp. Những hồi đáp từ trái tim, và ý định bên trong của bạn là cách đem lại những điều tốt đẹp nhất. Đó là học cách liên hệ với mọi thứ trong thế giới này và với thân thể của bạn, thay vì tìm cách trốn ở một nơi mà bạn không cần phải liên hệ bất cứ thứ gì. Có những công thức để làm đúng và được chấp thuận. Không có công thức nào để nói cho bạn những gì trái tim bạn biết. Hãy tin tưởng trái tim hơn cái đầu là một lời khuyên nhỏ hữu ích và quý giá. Bạn chọn làm điều đó, và thực hành tìm ra con đường của mình trong bóng tối.
Các sản phẩm được chế biến nói rằng: “Tôi rất nhanh chóng. Tôi rất tiện lợi. Bạn sẽ không cần phải quan tâm đến tôi chút nào đâu. Đặt tôi vào lò vi sóng và tôi sẽ ở đó cho bạn, theo đúng cách bạn muốn”. Công thức nấu ăn nói rằng: “Hãy làm những gì tôi nói với bạn và mọi thứ sẽ ổn thôi – bạn cũng có thể tạo ra những kiệt tác (và nếu nó không phải là một kiệt tác, thì đừng quá bận tâm)”. Dấn thân vào thế giới là nghiên cứu xem nên làm gì với một củ khoai tây, một củ cà rốt, những bắp cải và những trái ớt chuông. Phải làm gì và làm như thế nào. Bạn đã ở trong bóng tối chưa? Hãy sờ bằng tay, nhìn bằng mắt, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi. Hãy để mọi thứ đến và ở trong trái tim bạn. Hãy để trái tim của bạn trở lại và ở trong mọi thứ. Năng lực nấu nướng của bạn sẽ phát triển và phát triển từ việc bạn tận tâm tận lực, không biết phải làm gì nhưng cẩn thận tìm đường. Bạn vào bếp và trở nên thân thiết với công việc nấu nướng thông qua nấu nướng. Bạn bắt đầu tin tưởng vào thẩm mỹ của chính mình, và kinh nghiệm nấu ăn gần gũi của bạn (và đôi khi là phản hồi khó chịu từ người khác) bắt đầu mách bảo cho phong cách sau này của bạn.
Sau vài tháng làm đầu bếp tại Thiền Viện Tassajara, tôi đến gặp Suzuki Roshi với một vấn đề khác: “Làm thế nào để con kêu gọi đồng nghiệp thực hành theo cách họ nên làm?” Tôi giải thích với thầy rằng tôi đang cố gắng thực hành hướng dẫn của thầy khi vo gạo, nhưng những người khác trong bếp thường đến làm việc muộn, biến mất lâu trong phòng tắm, và khi họ mở miệng, tay họ đã ngừng cử động. “Con nên làm cách nào để khiến họ thực sự thực hành?”
Roshi đã không nói: “Hãy bảo họ chánh niệm hơn”. Thầy chăm chú lắng nghe, những cái gật đầu của thầy nhấn mạnh vào chuỗi những câu lải nhải của tôi. Tôi xem điều này như một sự xác nhận: “Vâng, ta biết, rất khó để nhận được sự giúp đỡ tốt trong những ngày này”. Thầy dường như hoàn toàn thông cảm. Khi tôi đã nói xong, thầy dừng lại một chút, rồi làm tôi giật mình nói: “Muốn thấy được sự thiện lành, hữu ích thì phải có tâm tĩnh lặng”.
Tôi phản đối với chính mình: “Đó không phải là những gì con đã hỏi thầy”. Tôi đã nhận về một cái gì đó mới để nghiên cứu.
Làm thế nào để bạn sống sót trong nhà bếp? Nhảy qua ngọn lửa ư? Một chìa khóa mà tôi tìm ra không phải là hãy tĩnh tâm trước rồi mới tìm kiếm sự thiện lành, hữu ích, mà chỉ đơn giản là tìm kiếm sự thiện lành, hữu ích. Nó đây. Những gì bạn tìm kiếm – bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế. Khi bạn tìm kiếm lỗi, bạn sẽ tìm thấy nó. Và tôi bắt đầu tìm kiếm sự thiện lành.
Việc nhìn nhận sự thiện lành bao gồm hai phương diện: tương đối và tuyệt đối. Khi bạn nếm những gì bạn đưa vào miệng, bạn có thể nhận thấy vị ngọt hoặc chua, hương vị của đất hoặc của mặt trời, và cùng với những đặc điểm tương đối này, bạn có thể cảm nhận được thứ gì đó cần thiết, thứ gì đó từ bên ngoài, thứ gì đó ở đây không chỉ là một cái gì đó. Hãy tiếp tục và nếm trải nó – thiện lành vốn có trong kinh nghiệm cẩn thận, chú ý và cởi mở tiếp nhận thời điểm này của bạn. Khi sự rõ biết của bạn ở trong bóng tối, và bạn đang mở rộng nhận thức của mình, bạn cũng có thể nếm trải tính tốt vốn có của chính mình và thiện lành của những người khác đang làm việc với bạn. Bạn có thể gặp sự chân thành, tốt bụng, hết lòng, và dễ bị tổn thương, đau buồn, lo lắng, cương quyết, bướng bỉnh. Và bạn cũng có thể gặp tâm: bao la và rộng lớn. Thật đáng kinh ngạc!
Bạn có thể chuyển nỗ lực của mình, chuyển sự chú ý của mình. Từ việc làm đúng, nhằm đạt được sự chấp thuận, bạn chuyển sang tiếp xúc và làm việc với các nguyên liệu có sẵn trong tay. Khi đang nhìn để xem những gì có sẵn, bạn tưởng tượng sẽ làm gì với các nguyên liệu, đồng thời tôn vinh sự hữu dụng của chúng. Nỗ lực bình thường của chúng ta là mơ ước một bức tranh về cách chúng ta muốn mọi thứ trở thành, và nỗ lực biến nó thành hiện thực. Bây giờ, trong bóng tối, bạn cảm nhận được cách của mình, và trí tuệ của bạn lóe lên: một món salad, một món súp; sự hữu dụng của cải bó xôi, táo và quả óc chó cất lên tiếng nói với bạn. Thân thể trở nên sống động bởi vì bạn đang làm điều gì đó. Đúng vậy, thật tốt khi bạn dừng lại, ngồi xuống và cho phép những thôi thúc chuyển động thông thường có cơ hội đi vào bên trong thay vì hướng ra bên ngoài – đó là công việc tuyệt vời. Đôi bàn tay thích được là chính chúng. Bạn cho chúng sự sống bằng cách cho phép chúng tìm cách làm mọi thứ – làm thế nào để rửa và cắt, khuấy và nhào, múc và lau. Thức của bạn thoát ra khỏi cái tổ hay hang ổ của nó trong đầu và tìm đường đi vào các hoạt động. Đây là những bàn tay có con mắt ở ngay trong lòng, có thể nhìn thấy và kết nối với mọi đối tượng tiếp xúc. Trong mối liên hệ này là sức khỏe và sự chữa lành, bạn đang học cách làm việc với sự thiện lành, hữu ích của mọi vật và nhận được phước lành từ việc là một con người.
Mọi người đều biết rằng nấu ăn có thể gây căng thẳng. Khi sự rõ biết của bạn trở nên quá tải, hãy dừng lại một chút và lập một danh sách kiểm tra trong tâm (hoặc thậm chí viết ra) về những việc cần phải làm. Chỉnh sửa danh sách cho phù hợp với thực tế: bạn có bao nhiêu thời gian và năng lượng, và việc cần làm tiếp theo là gì, để bạn có thể dành sự quan tâm không chia chẻ của mình cho việc ấy. Khi căng thẳng, hãy dừng lại và kiểm tra trước khi tiến hành từng bước.
Như Suzuki Roshi đã đề cập: “Khi bạn ở trong bóng tối, bạn không biết mình sẽ đi đâu, nhưng nếu bạn cẩn thận cảm nhận con đường của mình thì nơi bạn đang ở là chỗ tốt”. Vì sức khỏe và hạnh phúc, niềm vui và sự thịnh vượng của bạn, hãy vào bếp và đi ra. Hãy cùng nếm trải những phúc lành của thời điểm này.