SUGAHARA YUKO
Trích: Cha Mẹ Nhật Dạy Con Tự Lập; Dịch: Nguyễn Thị Thu; NXB Văn Học
Có một người mẹ đã bị sốc và vô cùng đau khổ khi cậu con trai đang học lớp 2 chán nản nói rằng “con muốn chết đi cho xong”. Đương nhiên, sao mà không sốc cho được, khi đứa con mình yêu thương và chăm sóc nói “con muốn chết”. Người mẹ ấy, khi tham dự một buổi nói chuyện của tôi, đã nước mắt lưng tròng “Tôi phải làm gì bảy giờ? Hãy tư vấn giúp tôi!”.
Người mẹ ấy đã yêu thương nâng niu chăm chút cho cậu bẻ hết mực. Từ nhỏ chị đã cho con tham gia các lớp học phát triển trí tuệ với mong mỏi lớn lên con sẽ trở thành người ưu tú. Bề ngoài cậu bẻ có vẻ là đứa ngoan hiền, biết nghe lời cha mẹ, học giỏi, được thầy yêu, bạn mến, xưa nay không có vấn đề gì đặc biệt. Mẹ cậu bé cũng là người tính tình vui vẻ, hoạt bát và quảng giao, có tinh thần cầu tiến và ý chí cao.
“Cậu bé luôn làm theo ý mình hay luôn cố gắng làm theo ý mẹ?”. Nếu cậu bé cảm thấy “vui vẻ” thì chắc chắn sẽ không bao giờ nghĩ đến cái chết. Tôi đã tự nhủ như thế. Sau khi nghe tâm sự rất chân thành của người mẹ, tôi đã hiểu ra rằng bản thân người mẹ ấy đã không biết cách kiểm soát tinh thần cầu tiến của chính mình.
Khi còn là một đứa trẻ, cô ấy cũng là người rất biết nghe lời cha mẹ, học hành chăm chỉ, lúc nào cũng cố gắng để vươn lên phía trước. Khi sinh con, cô ấy cũng muốn hướng con mình như vậy, quá nóng vội muốn nuôi dạy để con trở thành người xuất sắc. Và cậu con trai cũng đã lớn lên theo đúng những gì mà cô ấy kỳ vọng.
“Tôi nghĩ tất cả những gì tôi làm đều là vì con”. Suy nghĩ “tất cả là vì con” không phải là suy nghĩ giả dối. Nếu con cảm nhận được suy nghĩ ấy giống như là “tình yêu thương” thì có lẽ cậu bé sẽ không bao giờ nói “con muốn chết”.
Bản thân cậu bé ấy, dẫu cho không trở thành người xuất sắc đúng như những gì mẹ cậu mong muốn, thì vẫn có thể trở thành người xuất sắc với chính mình. Thế nhưng, vì muốn con lớn lên theo đúng ý mình, người mẹ đã can thiệp quá nhiều mà vô tình biến con thành “đứa con ngoan theo lý tưởng của cha mẹ” chứ không phải để “trẻ được trở thành chính mình”.
Sống mà cử phải làm theo đúng sự kỳ vọng của người khác quả là mệt mỏi và bất hạnh. Chính vì thế tôi rất hiểu tâm trạng chán nản và không muốn sống của cậu bé ấy. Trẻ lớn lên trong sự kỳ vọng quá nhiều của cha mẹ sẽ không học được cách yêu thương bản thân. Tuy nhiên, điều đáng mừng là người mẹ ấy đã kịp thời nhận ra ý nghĩa trong câu nói chán nản của con trai. Một cách vô thức cậu bé muốn mẹ thấu hiểu sự chán nản ấy và gửi gắm đến mẹ thông điệp “Mẹ à, sống theo đúng những gì mẹ kỳ vọng thực sự rất mệt mỏi. Con mong mẹ hài lòng về những gì bản thân con có chứ không phải về những thứ mẹ kỳ vọng vào con?”.
Vậy đấy, nếu người mẹ ấy biết nới lỏng suy nghĩ, chấp nhận những điểm dù tốt dù xấu của con, thì cậu bé có thể vui sống. Đồng thời khi cha mẹ sống vui vẻ, con cũng sẽ học được rằng đó chính là cuộc sống.