ROBIN SHARMA
Trích: Nhà Lãnh Đạo Không Chức Danh; Robin Sharma; NXB Trẻ 2020
“Cô thật sự xem phục vụ phòng là một nghề ư?”
“Hẳn nhiên. Đó là một nghề nghiệp, đối với tôi. Và tôi làm việc mỗi ngày để có thể càng ngày càng giỏi hơn. Tôi không ngừng thách thức bản thân phải vượt lên chính mình của ngày hôm qua. Tôi nỗ lực hết sức để đạt đến sự tinh thông trong nghề phục vụ phòng. Ý tưởng đó đem lại cho tôi rất nhiều động lực. Và tôi cũng muốn nói với anh rằng sự xuất sắc trong công việc là một trong những bí mật thật sự của hạnh phúc.”
“Thật sao?”
“Đúng vậy. Không gì bằng cảm giác tự hào khi hoàn thành công việc một cách hoàn hảo. Và anh biết đấy, hoàn thành một công việc tầm cỡ thế giới cũng là một phần mục đích sống,” Anna nói với vẻ triết lý.
“Vì sao vậy?” tôi hỏi. Nhiều năm qua tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề cá nhân chỉ vì tôi cảm thấy cuộc đời mình không có mục đích gì cả.
“Công việc mang đến cho anh một nền tảng hàng ngày để khám phá người lãnh đạo nội tâm. Mỗi ngày là một cơ hội để giành lại thêm một chút tiềm năng mà anh đã chôn vùi và để đánh thức mối quan hệ giữa anh hiện tại và anh ở mức xuất sắc nhất. Mỗi ngày là một cơ hội để thể hiện tốt hơn khả năng sáng tạo tiềm ẩn và tính nhân văn quý giá của anh. Và có thể nói mục đích chính của cuộc sống là thể hiện sự lỗi lạc và thiên tài thật sự của anh với những người xung quanh sao cho anh có thể giúp đỡ nhiều người hơn, bằng cách riêng của mình. Đó là lý do vì sao tôi cho rằng hoàn thành một công việc tầm cỡ thế giới cũng là một phần mục đích chính của cuộc sống.”
Tôi trở nên lặng lẽ. Tôi nhìn Tommy, dường như ông vẫn chưa thật sự ổn hẳn sau cơn ho. Ông gật đầu đồng ý với những lời nói của Anna. Vào giây phút đó, tôi bỗng nhận ra rằng công việc không hề chỉ là một phương tiện để đốt thời gian và trả hóa đơn. Nó là một món quà và là một phương pháp ngoạn mục để tiếp cận người lãnh đạo nội tâm của tôi. Khi đó, tôi không chỉ có một cuộc sống hạnh phúc hơn mà tôi còn có thể góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
“Nếu anh còn nghi ngờ, tôi muốn khẳng định rằng mỗi người chúng ta đều có tiềm năng trở thành thiên tài trong công việc của mình. Hầu hết chúng ta không tin rằng đó là sự thật. Nhưng niềm tin chỉ là những suy nghĩ lặp đi lặp lại cho đến khi chúng trở thành sự tin tưởng cá nhân của chúng ta. Và điều đáng buồn là mọi niềm tin đều không tránh khỏi trở thành một lời tiên tri tự trở thành sự thật. Cho dù anh nghĩ điều gì đó là có thể hay không thể, gần như chắc chắn anh luôn luôn đúng, bởi vì niềm tin quyết định hành vi của anh. Sự thật là mỗi người đều có một thiên tài thuần túy bên trong chúng ta. Nhưng tất cả chúng ta đều tự tạo nên những chướng ngại chắn giữa con người hiện tại và con người tiềm năng của chúng ta. Những chướng ngại như niềm tin hạn hẹp về khả năng của mình và những rào cản như sự xao lãng hàng ngày cuối cùng sẽ dồn lại thành số không. Một trong những bước tiến tốt nhất anh có thể làm là hãy xóa bỏ một cách có phương pháp tất cả những bức tường chắn giữa anh và thiên tài của anh. Bước tiến đó sẽ đưa anh đến gần hơn tới những tiềm năng tốt nhất của mình.”
Anna tiếp tục, cao giọng hơn, “Một yếu tố chủ chốt trong cuộc tìm kiếm người lãnh đạo nội tâm giỏi nhất của mình là trở nên gắn kết hơn với những giây phút khi thiên tài tự nhiên của anh được thể hiện hoàn chỉnh nhất. hãy sống vì những giây phút đó và anh sẽ bắt đầu cảm nhận chúng ngày càng nhiều hơn. Và Blake, nếu anh thật sự nhận thức được anh tài giỏi đến mức nào, có lẽ anh sẽ bị sốc đến vài ngày. Hầu như tất cả chúng ta đều không nhận thức được sự lỗi lạc của chính mình và tự chôn vùi người khổng lồ sáng tạo, bản năng tự nhiên của chúng ta. Không phải người ta sống và làm việc ở mức trung bình bởi vì họ là người trung bình. Họ cư xử ở mức trung bình bởi vì họ quên mất mình thật sự là ai. Họ tin vào những suy nghĩ sai lầm mà những người xung quanh dạy họ, và họ bắt đầu tự xem mình là ‘không có gì đặc biệt’ và ‘không phải thiên tài’. Và bởi vì họ tự xem mình như thế nên họ cũng hành động như thế. hãy nhớ nhé, Blake, anh sẽ không bao giờ cư xử một cách mâu thuẫn với sự tự nhận thức của anh về bản thân. Những lựa chọn suy nghĩ của anh quyết định kết quả hoạt động của anh. Cấu trúc tinh thần và cách anh xử lý những điều kiện bên ngoài sẽ nâng anh lên đến mức lỗi lạc hoặc sẽ hạ anh xuống mức tầm thường. Vì vậy, hãy tự xem mình có khả năng trở nên lỗi lạc.”
“Bởi vì nếu tôi tin rằng mình không có khả năng trở nên lỗi lạc thì đó sẽ là một lời tiên tri tự trở thành sự thật, phải không?” tôi hỏi.
“Đúng vậy,” Anna đáp. “Những người thành công có những suy nghĩ thành công, và những lãnh đạo giỏi nhất có những thói quen lãnh đạo bậc nhất. Một số nghiên cứu đã khẳng định rằng mất khoảng 10 ngàn giờ để trở nên tinh thông một việc gì đó.”
“Tôi chưa bao giờ nghe điều đó, nhưng có vẻ hấp dẫn đấy,” tôi nói.
“Tôi đọc về điều đó lần đầu tiên trong một bài viết trên tạp chí Harvard Business Review có tựa đề ‘Điều gì làm nên một chuyên gia’ và đó là một ý tưởng rất hay. Bài viết nói về cách những ngôi sao hàng đầu ở các lĩnh vực, từ thể thao đến âm nhạc, tạo nên những thành quả kiệt xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy mọi chuyên gia tầm cỡ thế giới đều có một điểm chung: họ đầu tư khoảng 10 ngàn giờ để rèn luyện kỹ năng của mình. Một điều có thể rút ra được là mỗi người chúng ta đều có tiềm năng đạt đến mức tinh thông trong công việc của mình. Nhưng nói chung sẽ mất khoảng 10 ngàn giờ nỗ lực tập trung rèn luyện một kỹ năng để có thể đạt đến mức XSNTG.”
“Xuất sắc Nhất Thế giới,” tôi nhắc lại ý nghĩa những chữ viết tắt của Anna.
“Đúng vậy, Blake. Những người chơi golf giỏi nhất thế giới bỏ ra khoảng 10 ngàn giờ tập luyện để đạt đến tầm cỡ thế giới trong môn thể thao này. Những nhà khoa học giỏi nhất thế giới đắm mình trong các nghiên cứu khoảng 10 ngàn giờ, và sự cống hiến đó khiến họ trở nên xuất sắc. Những nghệ sĩ giỏi nhất thế giới tập trung tập luyện các kỹ năng trong khoảng 10 ngàn giờ, và với cường độ tập luyện đó, họ đạt đến mức thiên tài. Như thế, sự tập trung kết hợp với thời gian sẽ tạo nên sự tỉnh thông. Tất cả chúng ta, là những Lãnh-đạo-Không-Chức-danh, đều có khả năng đạt đến tầm mức dường như không thể đạt được đó. Không may là hầu hết chúng ta không chỉ không tin mình có thể làm được mà còn không dành đủ thời gian cần thiết để làm.”
“Quả là một tư tưởng sâu sắc!”
“Cảm on, Blake. Nếu nhiều người hiểu được rằng họ có thể trở nên tài giỏi đến thế nào thì các doanh nghiệp, cộng đồng và quốc gia – tất cả các dạng tổ chức – đều sẽ có thể hoạt động ở mức độ siêu việt. Thật ra, 10 ngàn giờ tập luyện trong cuộc sống thường nhật cộng thêm thời gian ngủ và thời gian cho các hoạt động thường ngày khác sẽ vào khoảng 10 năm. Vì vậy khái niệm 10 ngàn giờ có thể được gọi là Quy luật 10 Năm. Anh thật sự cần phải tập trung vào công việc mà anh muốn trở nên tinh thông trong khoảng 10 năm. Đó là một công thức ít người biết để đạt được thành công tầm cỡ thế giới: 10 năm nỗ lực tập trung và rèn luyện không ngừng. Nhưng có bao nhiêu người sẵn sàng làm điều đó trong thế giới “cả thèm chóng chán” của chúng ta hiện nay? Mọi người đều muốn được tưởng thưởng ngay lập tức, trong khi sự tinh thông đòi hỏi thời gian, nỗ lực, và sự kiên nhẫn. Quá nhiều người trong chúng ta không có quyết tâm hoặc bỏ cuộc quá sớm. Và họ tự hỏi tại sao họ không bao giờ có thể trở thành siêu sao trong công việc của mình.”
“Rồi thay vì nhận trách nhiệm cá nhân trong sự thất bại vì không đáp ứng đủ những điều kiện cần, họ lại bào chữa và đổ lỗi cho những người khác như sếp họ và các đồng nghiệp, hoặc đổ lỗi cho những yếu tố xung quanh như bản chất cạnh tranh của ngành nghề và môi trường biến động,” tôi nói thêm.
“Đúng thế, Blake. Có những người đổ lỗi cho cha mẹ hoặc quá khứ của họ, hoặc thậm chí cho thời tiết. Thú vị thay cách con người tự bảo vệ mình – và khi làm thế, họ tự hủy diệt chính mình.”
“Tôi đã hiểu rõ rồi, Anna. Cuối cùng thì mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta phản ứng với môi trường xung quanh. Chúng ta có thể chọn cách đáp lại mọi tình huống mà mình đối mặt bằng những nỗ lực đáng kinh ngạc. Hoặc chúng ta có thể rút lui xuống mức trung bình và mắc kẹt vào những điều tiêu cực. Bên cạnh những lời bào chữa mà chúng ta có khuynh hướng tung ra để tự bảo vệ, chúng ta còn để mình bị xao lãng bỏi hàng triệu vấn đề nhỏ nhặt không quan trọng khác.”