MƯỜI HAI QUAN NIỆM KINH DOANH TUỔI 20 NÊN BIẾT

INAMORI KAZUO

Trích “Tuổi 20 Hiên Ngang Bước Vào Đời” Tác giả: Inamori Kazuo Người dịch: Hương Linh Nhà Xuất Bản Công Thương – Nhà Xuất Bản Thaihabooks.

TUỔI 20 HIÊN NGANG BƯỚC VÀO ĐỜI – INAMORI KAZUO

🌴🌴🌴🍄🌴🌴🌴

Nguyên tắc cần thiết khi kinh doanh, khi làm việc như một người con của xã hội

“Mười hai quan niệm kinh doanh” tôi đề cập dưới đây là những tư tưởng cần thiết khi kinh doanh. Nếu như, bạn ra ngoài xã hội và thành lập công ty, 12 điều dưới đây sẽ rất cần thiết với bạn. Cho dù bạn không mở công ty, những quan niệm này sẽ giúp bạn sống và làm việc thật tốt như một người con của xã hội. Nhất định bạn phải nắm vững những điều này nhé.
1. Làm rõ mục đích, ý nghĩa của công việc.
2. Lập mục tiêu cụ thể.
3. Mang khát khao mãnh liệt.
4. Nỗ lực không thua bất cứ ai.
5. Tối đa hóa doanh thu, tối thiểu hóa chi phí.
6. Kinh doanh là quyết định giá trị.
7. Kinh doanh được quyết định bằng ý chí siêu cường.
8. Tinh thần chiến đấu rực cháy.
9. Mang dũng khí chinh phục trở ngại.
10. Luôn thực hiện công việc sáng tạo.
11. Thành thực với trái tim bác ái.
12. Luôn tích cực với tâm hồn tươi sáng, trái tim thuần khiết nắm giữ ước mơ và kỳ vọng

Mười hai quan niệm này được tổng hợp trong suốt quãng thời gian tôi lãnh đạo Kyocera và KDDI, đây là những nguyên tắc kinh doanh thực tiễn tôi đúc rút từ trải nghiệm của mình. Tất cả đều là những nỗ lực bền bỉ của tôi tính đến thời điểm hiện tại.

1. Làm rõ mục đích, ý nghĩa của công việc

– Đặt ra mục đích cao cả và quang minh chính đại
Tôi thành lập công ty năm 27 tuổi, bắt đầu với 28 nhân viên. Tuy nhiên, chỉ có tám người trong số đó muốn cùng tôi gây dựng công ty, còn lại tôi tuyển thêm 20 nhân viên tốt nghiệp cấp hai trong năm đó. Dù chỉ bắt đầu với một công ty quy mô nhỏ bé như vậy, việc trước tiên tôi phải làm là xác định rõ “mục đích và ý nghĩa của công việc.” Tôi phải “đặt ra mục đích cao cả và quang minh chính đại”. Khi ra ngoài xã hội, bạn cần phải hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của cuộc đời mình.

Đặc biệt khi khởi nghiệp, điều này càng quan trọng. Làm sáng tỏ mục đích và ý nghĩa của công việc là điều kiện tiên quyết. Thông thường, nếu mở công ty dưới hình thức liên doanh, có người sẽ cho rằng mục đích kinh doanh là để kiếm nhiều tiền hoặc nuôi sống gia đình. Đó không phải là những mục đích xấu nhưng nếu vậy, nhân viên sẽ chỉ là người giúp đỡ vị giám đốc kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Như vậy, cả công ty sẽ không thể cùng nhau gắng sức. Vì vậy, tôi tin mục đích và ý nghĩa của công việc phải được nâng lên tầm cao mới vĩ đại hơn.

Nếu công ty chỉ thỏa mãn những ước vọng cá nhân của Inamori Kazuo như phô diễn kỹ thuật, kiếm nhiều để nuôi gia đình… cả công ty sẽ không thể đoàn kết hợp lực. Nếu tôi đặt mục tiêu của công ty là “Theo đuổi hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần của toàn thể nhân viên,” đây sẽ là lời kêu gọi hãy cố gắng vì hạnh phúc của tất cả mọi người. Không phân biệt ông chủ hay nhân viên, tất cả cùng hợp thành một thể thống nhất và xây dựng công ty lớn mạnh. Mục tiêu chung này có thể khơi dậy tinh thần của tất cả.

Nhưng nếu như người chủ doanh nghiệp không chính nghĩa phân minh, nhân viên sẽ không cố gắng. Vì thế, mục đích kinh doanh của chúng tôi không chỉ là mang lại hạnh phúc về vật chất và tinh thần cho nhân viên mà còn là cống hiến cho sự tiến bộ của xã hội và loài người thông qua phát triển khoa học – kỹ thuật.

2. Lập mục tiêu cụ thể

– Để các nhân viên cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu đã đặt ra.
Bước tiếp theo là lập mục tiêu cụ thể khi vận hành doanh nghiệp. Điều quan trọng ở đây là song song với việc lập mục tiêu cụ thể, người đứng đầu doanh nghiệp cần phải giúp các nhân viên luôn nhận thức được mục tiêu đã đặt ra.

Ví dụ, nếu hiện tại doanh thu hàng năm của công ty là 100 triệu yên, hãy đặt ra mục tiêu doanh thu năm tới là 200 triệu yên. Hãy lập ra mục tiêu rõ ràng bằng con số cụ thể, không chỉ đối với doanh thu mà cả lợi nhuận, số lượng nhân viên, quy mô công ty…

Nói tóm lại, bạn không nên đặt mục tiêu là con số mơ hồ trên phạm vi toàn công ty; mục tiêu phải là con số được phân tích cụ thể dựa trên số liệu chi tiết của từng phòng ban. Bạn nên lập mục tiêu chính xác và đặt ra con số rõ ràng cho từng đơn vị nhỏ nhất của tổ chức.

Ngoài ra, bạn không nên lập một mục tiêu chung duy nhất cho cả năm mà nên đặt theo từng tháng. Nhờ thế, bạn chắc chắn có thể ghi nhớ rõ ràng mục tiêu. Tôi nghĩ rằng chỉ như vậy mới có thể ngày ngày nỗ lực hoàn thành trách nhiệm và vai trò của bản thân.

Ngoài ra, điều kiện thiết yếu là phải giúp các nhân viên cùng nắm rõ mục tiêu. Nếu mục tiêu không rõ ràng, người đứng đầu không thể chỉ đạo phương hướng làm việc và nhân viên cũng không biết phải phấn đấu ra sao. Kết cục, mỗi cá nhân lại tự ý đi theo hướng riêng của mình, năng lực cả công ty bị phân tán, không phát huy được khả năng của một tập thể.
Tôi thường nói với nhân viên: “Hãy cùng hòa hợp véc-tơ nhé.” Người chủ doanh nghiệp đưa ra chỉ thị về kế hoạch hay phương châm kinh doanh rõ ràng còn các nhân viên cùng tập trung hướng đến mục tiêu của công ty và nỗ lực hết mình.
Ngoài ra, tôi cũng cho rằng không cần thiết phải lập ra kế hoạch kinh doanh dài hạn. Phần lớn những chủ doanh nghiệp quy mô lớn hay những người tư vấn kinh doanh đều nói rằng cần có kế hoạch trung và dài hạn. Họ cho rằng đó mới là phương pháp kinh doanh đúng đắn. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác. Hiện tại Kyocera có vạch ra kế hoạch trung và dài hạn, tuy nhiên trong khoảng 30 năm trước, khi giữ vai trò người đứng đầu, tôi gần như không thực hiện việc này. Tôi chỉ lập kế hoạch kinh doanh trong một năm. Sẽ có người thắc mắc tại sao tôi không lập kế hoạch dài hạn mà công ty vẫn phát triển như vậy?

Rất khó để dự đoán tình hình kinh tế hay môi trường kinh doanh vì chắc chắn chỉ trong vòng vài năm sẽ có những biến đổi vô cùng lớn. Vì vậy, nếu lập kế hoạch dài hạn, chắc chắn ta sẽ phải thường xuyên thay đổi kế hoạch đó theo tình hình thực tế.

Điều quan trọng khi lập kế hoạch trung và dài hạn là phải khiến tất cả nhân viên cùng nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, nếu kế hoạch thường xuyên bị thay đổi, họ sẽ mất niềm tin vào nó. Bởi vậy, tôi chỉ lập kế hoạch kinh doanh theo từng năm và từng tháng, quyết tâm đạt được những mục tiêu đó. Tôi hoàn toàn dự đoán được tình hình kinh tế và môi trường kinh doanh trong một năm tới nên có thể cố gắng hết khả năng.

3. Mang khát khao mãnh liệt

– Mang khát khao mãnh liệt tới mức có thể xuyên suốt ý thức tiềm năng.

Thứ ba là mang khát khao mãnh liệt và nỗ lực không ngừng nghỉ đến mức có thể xuyên suốt ý thức tiềm năng. Đây là cách nói rất khó hiểu nên tôi nghĩ cần phải giải thích một chút.
“Khát khao mãnh liệt” tức là mong muốn ta dành cho công ty và khát khao biến nguyện vọng đó thành hiện thực.
Hơn nữa, tôi thêm vào tính từ “mãnh liệt” để nhấn mạnh tầm quan trọng. Nói tóm lại, cần phải mang trong tim tinh thần chiến đấu ngoan cường.

Khi còn trẻ, tôi từng học Yoga và nghiệm ra một điều. Trên núi Himalaya ở Ấn Độ, những hành giả Yoga thường nói: “Nếu mang trong mình nguyện vọng và khát khao mãnh liệt hay suy nghĩ thật quyết tâm, bạn sẽ thăng tiến và có thể biến ước mong thành hiện thực.” Khi làm kinh doanh, tôi luôn tâm niệm rằng chìa khóa của thành công nằm ở khát khao và nguyện vọng mãnh liệt muốn đạt được mục tiêu.

Trong kinh doanh, sẽ nảy sinh vô số vấn đề chẳng hạn như muốn phát triển kỹ thuật nhưng không có đủ kỹ sư, hay muốn nghiên cứu sản phẩm nhưng không có tiềm lực kinh tế. Có những việc bạn muốn làm nhưng mãi không thể thực hiện được. Dẫu thế, đừng từ bỏ mà hãy luôn nghĩ về nó ngay cả khi ngủ với khát khao mãnh liệt.

Con người sở hữu ý thức hiện thực khi thức và ý thức tiềm năng ở những nơi ta không nhìn thấy. Khi không ngừng suy nghĩ lặp đi lặp lại, mọi suy nghĩ của bạn sẽ len lỏi vào ý thức tiềm năng, đồng thời ý thức tiềm năng này sẽ vượt lên trên ý thức hiện thực, khi đó ta có thể sử dụng nó.

Tôi nghĩ các bạn thường không nhận ra chúng ta sử dụng ý thức tiềm năng khi làm việc. Dù làm việc hay học tập, chúng ta ghi nhớ và nói chuyện bằng ý thức đã được hiện thực hóa nên thường lầm tưởng ý thức tiềm năng không được sử dụng đến, nhưng không phải vậy. Tôi sẽ lấy ví dụ về việc lái xe ô tô.
Khi mới tập lái xe, bạn sẽ suy nghĩ một cách có ý thức về từng bước khởi động và điều khiển xe. Nhưng khi đã lái quen rồi, tay chân bạn sẽ tự động thực hiện các thao tác nhanh hơn cả suy nghĩ. Đó chính là ý thức tiềm năng. Lái xe trong khi phải học từng thứ một chắc chắn khiến bạn thấy phức tạp và nản lòng. Chắc chắn khi ra khỏi xe, đầu óc bạn sẽ quay cuồng. Nhưng một khi đã quen và lái xe bằng ý thức tiềm năng, bạn sẽ không cảm thấy mệt mà ngược lại còn thấy thú vị.

Công việc cũng như vậy. Nhân viên ở những công ty sản xuất như chúng tôi ngày ngày phải làm các thao tác đơn giản giống nhau. Nếu liên tục làm việc như vậy trong một tuần, mọi người sẽ bắt đầu than thở mỏi vai, đau hông hay mỏi mắt vì phải liên tục nhìn vào vật liệu kích thước nhỏ. Cơ thể họ không chịu đựng nổi nên chỉ sau khoảng ba tháng là có người muốn nghỉ việc. Phải học và làm việc bằng ý thức hiện thực đến ba tháng sẽ khiến nhân viên cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên sau ba tháng, họ sẽ có thể làm việc bằng ý thức tiềm năng và không còn mệt mỏi, công việc sẽ thực sự trở nên nhàn hạ và thoải mái.

Dù không tập yoga hay ngồi thiền, bạn vẫn có thể biến ý thức hiện thực thành ý thức tiềm năng nếu cố gắng lặp đi lặp lại công việc. Như đã đề cập, tôi luôn mang nguyện vọng mạnh mẽ trong trái tim muốn Kyocera trở thành công ty hàng đầu: doanh thu đạt 100 triệu yên, thu về lợi nhuận 10 triệu yên và có thể thưởng nhiều cho nhân viên. Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng ngày đó sẽ đến. Vì mỗi ngày tôi đều suy nghĩ như vậy, nó trở thành ý thức tiềm năng trong tôi.

Khi điều hành công ty, nếu cố gắng hết mình vì công việc, biến khát vọng dành cho công ty thành ý thức tiềm năng, bạn sẽ khiến công việc diễn ra thuận lợi hơn.

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHÍNH VÌ SỐNG MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN, CON NGƯỜI MỚI GẶP PHẢI GIAN NAN
  2. GẶP GỠ “NGƯỜI THẦY CỦA VẬN MỆNH”
  3. HOÀN HẢO

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ