CẢM GIÁC THUỘC VỀ TẬP THỂ

DALE CARNEGIE

Trích: 10 Bước Để Có Cuộc Sống Trọn Vẹn.; Hoàng Huấn Dịch; Nxb: Lao Động, 2018

Cảm Giác Thuộc Về Tập Thể

Nhiều cơ quan, tổ chức gia tăng tinh thần làm việc theo nhóm và tinh thần đồng đội là điều cần thiết để nhóm hoạt động thành công. Về mặt tâm lý, người ta thích cảm nhận rằng họ là phần tử của một tập thể: một nhóm, một công ty, một cộng đồng hoặc một đơn vị trong quân đội… Người ta vui hơn, hợp tác hơn và làm việc hữu ích hơn trong nhóm của mình – nhất là những nhóm hoạt động hiệu quả và thành công. Trên thực tế, có một số người thường hãnh diện rằng trước đây mình từng phục vụ trong quân ngũ. Một số lại tự hào kể họ đang làm việc cho IBM, Microsoft, Apple, General Motors, Sony, Toyota, hoặc những công ty nổi tiếng toàn cầu khác.

Chúng ta có thể xây dựng tinh thần cộng đồng cho những người xung quanh chúng ta như thế nào? Nhà quản lý thành công xây dựng tinh thần làm việc theo nhóm bằng cách thể hiện cho các thành viên hiểu rõ mục tiêu chung và tạo cơ hội cho họ xác định họ sẽ đáp ứng mục tiêu đó như thế nào. Bằng cách để mọi người cùng tham gia vào việc quyết định công việc, họ cảm thấy mình là thành viên quan trọng đối với phòng ban và càng tận tụy với công việc. Nếu đầy lòng nhiệt tình, họ sẽ hứng thú làm việc và cố gắng hết sức mình.

Hãy đối xử với người ta như thể họ là người tốt, bạn giúp họ trở thành người như vậy.*

_Johann Wolfgang von Goethe, đại thi hào, kịch tác gia và tiểu thuyết gia

Billy không bao giờ quên được vị sếp đầu tiên. Anh ấy nhớ: “Tôi nghĩ ra một ý tưởng hay và có thể giúp phòng ban mình tăng năng suất. Rất hào hứng, tôi tới gặp sếp và trình bày về điều đó. Nhưng ông ta đã không nghe và nói: “Bạn lãnh lương để làm việc, mà không phải để ngồi nghĩ chuyện này chuyện kia. Hãy trở về bàn làm việc đi.” Vậy là tôi không bao giờ đề nghị bất cứ điều gì nữa.”

Nhân viên trực tiếp làm việc có cái nhìn sâu sắc đối với công việc đó nên thường có những đề xuất cải tiến hiệu quả. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều có khả năng sáng tạo hơn ta nghĩ. Vì thế, nên khuyến khích mọi người mạnh dạn đề xuất ý tưởng và xem xét nó một cách nghiêm túc. Nếu không thể chấp nhận một ý tưởng nào đó, hãy giải thích rõ lý do tại sao và đừng bao giờ bỏ qua cũng như coi thường nó.

Các thành viên của nhóm nên cảm thấy thoải mái thảo luận với sếp về sự tiến bộ của bản thân. Trên thực tế, có một số sếp vô tình dựng lên hàng rào ngăn cách giữa họ và nhân viên nên nhân viên không cảm thấy thoải mái để tiếp cận họ. Chúng ta có thể không nhận ra điều này, nhưng nếu nhân viên hiếm khi tới gặp chúng ta để nói về những trục trặc, sự cố, thì điều đó không có nghĩa là không có sai sót. Rất có khả năng rằng nhân viên cảm thấy bất tiện khi thảo luận với chúng ta về những việc đó.

Trong bất cứ tình huống nào, lợi ích của việc truyền thông cởi mở, công khai là rất rõ ràng. Chắc bạn còn nhớ trường hợp hãng Johnson & Johnson đã triệu hồi khoảng 31 triệu chai Tylenol khi họ phát hiện một số viên nang bị kẻ thủ ác mở ra và đánh tráo thuốc. Hành động ngay thẳng và nhanh chóng này của ban giám đốc đã được báo chí công khai khen ngợi và cổ phiếu của công ty phục hồi tương đối nhanh. Sự kiện này (đã xảy ra trên 30 năm) đã tạo ra danh tiếng cho công ty và góp phần đặt ra tiêu chuẩn mới trong kinh doanh để đối phó với khủng hoảng.

Cơ Hội Để Phát Triển

Không ai muốn gặp chuyện không tốt đẹp. Việc cư xử khéo léo với người khác cũng bao gồm việc bảo đảm cho người ta có cơ hội phát triển. Trong môi trường công sở, một số khảo sát cho thấy rằng đối với nhiều nhân viên, công việc hứng thú và đáng giá thì quan trọng hơn lương bổng và sự thăng tiến. Tuy nhiên, thật khó để đánh giá công việc nào có thể tạo nên sự nhiệt tình và hào hứng. Với công việc điều hành, nhà quản lý chuẩn bị nhân sự và chọn nhân viên từ rất sớm để tham gia vào dự án, thu thập nhiều ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy nhân viên làm việc và chịu trách nhiệm với sự thành bại của dự án. Còn ở vị trí nhân viên, họ tích cực đóng góp trong nhiều vấn đề, giúp tạo nên môi trường làm việc mà họ yêu thích và muốn duy trì nó.

Tôi đã chú ý từ lâu rằng những người thành công hiếm khi nào nghỉ ngơi và rơi vào thế bị động. Họ giao thiệp và chủ động trong mọi việc.*

_Leonardo da Vinci, nhà thông thái

Nếu nhận thấy có những cơ hội phát triển cho cả bản thân và công việc, nhân viên hầu như sẽ không tìm việc làm ở nơi khác. Khi tạo ra những cơ hội huấn luyện để phát triển kỹ năng và thăng tiến trong nghề nghiệp, điều đó cho thấy nhà quản lý sẵn lòng đầu tư vì lợi ích của nhân viên. Điều này rất cần thiết trong việc giữ chân nhân viên. Chúng ta cũng có thể thể hiện sự quan tâm tới nhân viên bằng cách khuyến khích họ tham gia sinh hoạt ở những hội nghị, hội thảo, các tổ chức về nghề nghiệp thông qua việc đóng phí thành viên, cho phép họ vắng mặt ở công ty, tài trợ chi phí tham dự, tiền ăn trưa. Trên thực tế, những công ty nào khéo léo giữ chân được nhân tài thường đạt hiệu suất cao do sự đồng tâm hiệp lực (không nhất thiết là sự thăng tiến) và sự tận tụy của đội ngũ nhân viên. Những công ty giữ chân được nhân tài thường mang tiếng tốt là tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên. Khi có sự đồng thuận trong công việc, nhân viên sẽ tận tụy và hướng tới mục tiêu chung và sự định hướng của cơ quan, tổ chức. Thật vậy, một cuộc khảo sát cho thấy 92% người tham gia cho biết một công việc có tăng lương hàng năm không hấp dẫn bằng công việc mà họ được huấn luyện để phát triển cho bản thân và nghề nghiệp.

Công Nhận Nhu Cầu Của Người Khác

Chúng ta có thể không biết được chính xác nhu cầu đặc biệt của người khác, nhưng chúng ta có thể chú ý tới mối quan tâm của họ dù rằng nó không dính dáng tới mình. Chẳng hạn, nếu bạn chung phòng đang học, chúng ta không bước vào phòng này và mở tivi làm ồn ào, ảnh hưởng tới bạn mình. Trong môi trường công sở, những cơ quan, tổ chức nào nhận thức được rằng nhân viên cần có cuộc sống cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giữ chân họ nhiều hơn so với các công ty chỉ biết ăn, thở, ngủ vì… công việc. Nếu hiểu được và tôn trọng cuộc sống cá nhân và gia đình của nhân viên, công ty sẽ không để tình trạng làm việc tới kiệt sức xảy ra và tạo được sự gắn bó, trung thành từ phía nhân viên. Theo Hội Quản trị Nhân lực Mỹ, nhà tuyển dụng cần nhận thức được tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Để từ đó, họ có thể sẵn lòng đưa ra kế hoạch làm việc uyển chuyển và thông cảm với việc chăm sóc song thân, con cái, vợ/chồng của nhân viên mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÀNH THẬT QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC
  2. 40 GƯƠNG THÀNH CÔNG – ANDREW CARNEGIE
  3. ALBERT EINSTEIN

Bài viết mới

  1. CỨ THỬ XEM – NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN
  2. HÃY TRỞ THÀNH “TẤM GƯƠNG” CHO GIẤC MƠ CỦA CON NGƯỜI
  3. KIM TỰ THÁP, NGUỒN NĂNG LƯỢNG VĨ ĐẠI