LẤY TRÍ TUỆ XỬ LÝ VIỆC, LẤY TỪ BI ĐỐI ĐÃI NGƯỜI

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Thiền Mặc Chiếu; Thích Huệ Thiện dịch và chú thích; NXB. Văn Hóa-Văn Nghệ

Có vị Bồ Tát hỏi tôi: “Tu Mặc Chiếu, là công việc tình huống gì đều không bận tâm đến, nếu cảm thấy vợ hay chồng của mình làm việc sai trái, như trường hợp này, thì nên hay không nên quan tâm tới?” Tôi trả lời rằng: “Điều này nên xem xét tình huống. Nếu đối phương sẵn lòng tiếp nhận, thì vì sao lại bỏ mặc chứ? Nếu biết rằng quan tâm, sẽ biến thành chiến tranh gia đình, làm cho cả hai đều phiền não, thì vẫn nên quan tâm sao? Mặc kệ đi! Mặc dù sẽ có vấn đề, nhưng chí ít cũng không nghiêm trọng”. Hầu hết nhiều người thích bao biện, ưa tỏ ra vẻ bất bình; lúc không quan tâm, vấn đề còn không nghiêm trọng, nhưng hễ can thiệp vào, vấn đề lại càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, người tu hành cần nên dùng trí tuệ để xử lý công việc, cần nên lấy tâm từ bi để quan tâm con người. 

Người có trí tuệ, có từ bi, gọi là người tu hành, bậc Bồ Tát. Trong lúc tu hành Bồ Tát đạo, xử lý vấn đề hệ giao tiếp giữa người với người, cần phải lấy ba thứ cách thức để xử lý:

  1. Cách thức thứ nhất là đối với hàng đệ tử rất có tu hành, cũng rất có tín tâm mà nói; nếu như hai người đang tranh chấp, người nào cũng cho rằng đối phương là sai, thì vị thầy có trí tuệ này, chắc chắn là với kẻ có lý đánh cho 30 gậy, với kẻ không có lý cũng đánh cho 30 gậy. Đã là người tu hành, còn so đo gì chứ? So đo tức sản sinh phiền não rồi. Các vị đã từng nghe qua chưa, các Thiền sư và Tổ sư ở Trung Quốc ngày xưa, động một tý là liền gậy, hét; đánh người là gậy, mắng người là hét. Đây là bởi vì người thầy có trí tuệ, biết rất rõ đệ tử là người rất có tu hành, rất có tín tâm, cho nên mới sử dụng thứ cách thức tiện lợi này. Trường hợp các vị, nếu như hỏi một câu, tôi liền đánh một gậy, có lẽ quý vị sẽ gọi báo ngay cho cảnh sát, nói rằng chỗ này là trại điên liền. 
  2. Cách thức xử lý thứ hai là lúc thấy đệ tử ham muốn tu hành, nhưng không có tín tâm, cũng không có tu hành gì cả nảy sinh tranh chấp, họ đều cứ lải nhải sai lầm của đối phương, cách thức xử lý của người thầy là: “Các ông đều đúng cả, đều không có sai trái, lỗi là thầy không dạy các ông thật tốt, cho nên các ông mới cãi nhau”. Bởi vì người thầy thừa nhận lỗi lầm, thì cả hai người đệ tử sẽ cảm thấy có lỗi với người thầy, liền không cãi lại nữa, cũng không có chuyện gì nữa. 
  3. Cách thức xử lý thứ ba là đối với hàng đệ tử có một chút tu hành, nhưng lòng tin không mạnh mẽ, vậy thì cần phải nói đạo lý đối với họ, nên dùng Phật pháp để khai thông, an định họ: “Việc sai trái của người ta là có lý do, đó là bởi vì người ta đứng ở lập trường của người ta; còn đứng ở lập trường của ông là đúng, nhưng ông là Bồ Tát, thì ông chịu thiệt một chút đi. Tôi biết, Đức Phật cũng biết, để cho người khác lợi dụng một chút, là sự từ bi của ông”. 

Độ chúng sanh chính là cách độ như thế, cách này họ mới sẽ ở lại được, mới sẽ tiếp tục tu hành, nếu không như thế thì há chẳng phải là đã cắt đứt căn lành của họ sao? Theo cách như thế này, thì cả hai người đều sẽ ở lại, cũng không hề cãi nhau lại nữa.

Mặc Chiếu, thì lúc đang Mặc, là không có phải trái, đúng sai. Chúng tôi đã giới thiệu qua “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác”; “Dứt học, vô vi, đạo nhân nhàn, chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân”, “Biết mà không đụng chuyện, chiếu mà chẳng phan duyên”. Mặc Chiếu không phải là không biết, chẳng xử lý, mà là đừng nên có tâm phiền não, bằng không thì sẽ đi ngược đường với phương pháp của Mặc Chiếu. Bởi vì, một khi có tâm phiền não, thì đã mất trí tuệ và từ bi rồi. Vì vậy, cần nên lấy tâm từ bị để đối xử tiếp đãi con người, lấy tâm trí tuệ để xử lý công việc. Bằng không, nếu chẳng lấy trí tuệ để xử lý, thì nguyên là chính mình không có phiền não, lại lấy phiền não của người khác làm thành phiền não của chính mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CỐNG HIẾN HẾT MÌNH TRONG CÔNG VIỆC CHÍNH LÀ TINH THẦN BỒ TÁT
  2. CÀNG TỪ BI, SÁNG SUỐT CÀNG ÍT PHIỀN MUỘN
  3. PHẬT HÓA GIA ĐÌNH – HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Bài viết mới

  1. CỨ THỬ XEM – NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN
  2. HÃY TRỞ THÀNH “TẤM GƯƠNG” CHO GIẤC MƠ CỦA CON NGƯỜI
  3. KIM TỰ THÁP, NGUỒN NĂNG LƯỢNG VĨ ĐẠI