ĐỔ LỖI CHO AI ?

Joan Z. Borysenko - Gordon F. Dveirin

Trích: Để Kén Thành Bướm; Dịch giả: First News; NXB.Tổng Hợp

Khi thay đổi ngăn cản sự phát triển, chúng ta có khuynh hướng hoặc tự trách mình hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Cả hai cách đều làm ta mất tự tin và không chú ý đến sự việc đang xảy ra. Trong truyện ngắn “A Descent into the Maelstrom” (Đi vào vùng nước xoáy), Edgar Allan Poe đã minh chứng tầm quan trọng của vấn đề cần lưu ý đến các sự kiện xung quanh: Khi con tàu bị cuốn vào vùng nước xoáy, vỡ tan tành và sắp sửa bị nuốt chửng xuống đáy đại dương, nhân vật của chúng ta đã nhanh mắt để ý đến một số mảnh vỡ của con tàu bị cuốn theo dòng nước. Anh quan sát chúng bị hút xuống tận đáy biển rồi trồi lên một cách an toàn vượt xa khỏi dòng nước chết chóc. Thế là anh biết mình cần phải bám víu vào cái gì. Khả năng giữ bình tĩnh và hành động mau lẹ trong những tình huống gay go – không sợ hãi, không đổ lỗi, không cố giải thích mà chỉ chú ý đến những gì đang thật sự xảy ra – là điều con người cần đạt đến để ứng phó với các biến động trong đời.

Nếu hiểu được học thuyết quy kết do các nhà tâm lí học đặt ra, ta sẽ cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của sự việc đang thật sự xảy ra. Khi cuộc sống bị đảo lộn, cái gì sẽ tự động phát sinh cho chúng ta? Chúng ta quy kết nó cho cái gì? Và làm thế nào chúng ta có thể tuân theo sự hướng dẫn mà lúc nào cũng có sẵn, vượt xa cách ứng xử thông thường của chúng ta?

Tôi còn nhớ, khi quá trình chữa trị bệnh bạch cầu của cha tôi hủy hoại cuộc sống của ông và cả gia đình chúng tôi, ông đã lựa chọn con đường giải thoát để giữ lại chân giá trị của mình. Một đêm nọ, chờ cho mẹ tôi ngủ thiếp đi, ông lặng lẽ lẻn vào phòng khách trong căn hộ chung cư cao tầng ở Miami, mở cửa sổ và gieo mình tự tử.

Suốt nhiều năm sau đó, mẹ tôi tự giày vò với ý nghĩ bà thật đáng trách. Bà lập luận rằng, giá mà bà thức dậy lúc ba giờ sáng thì việc đó đã không xảy ra và có lẽ cha tôi đã không chết đau đớn như vậy.

Những lúc chúng tôi ngồi bên nhau, mẹ tôi cứ kể đi kể lại câu chuyện này trong cảm giác tội lỗi. Không biết làm gì hơn, tôi cố bảo mẹ đừng day dứt nữa, rằng cái chết của cha không phải là lỗi của mẹ, rõ ràng ai cũng biết điều đó.

Cảm giác tội lỗi này là điều bất hợp lý. Vì mặc cảm tội lỗi mà chúng ta cho rằng mình đã bỏ qua một biểu hiện nào đó mà nếu nhận biết, ta sẽ ngăn chặn được điều đáng tiếc. Đúng hơn, đây là một biểu hiện cho mong muốn không để xảy ra những điều mà ta không thể kiểm soát được.

Đối với tuổi thơ, điều này thể hiện như một cảm xúc tự nhiên. Nếu người cha hoặc mẹ chết đi, trẻ có thể tin rằng mình chịu trách nhiệm về vấn đề đó bởi có khi giận dữ, trẻ đã buột miệng mong cho họ chết. Đó là lý do tại sao mọi sự mất mát khó được trẻ chấp nhận, đặc biệt nếu trẻ không có cơ hội để bày tỏ nỗi sợ hãi và mặc cảm tội lỗi. Lúc trưởng thành, khi mất đi người thân hay điều mình yêu quý, theo lẽ tự nhiên chúng ta vẫn có những cảm xúc tương tự như thời thơ ấu.

Cách hành xử của mẹ tôi đối với việc này là tự trừng phạt mình. Bà không gọi điện cho bạn bè nữa và tự nhốt mình mười ba năm trong nhà. Nhưng thậm chí, tự đặt ra hình phạt giam hãm mình trong cô độc cũng không đủ để bà xua đi nỗi ám ảnh khi mất đi người mình yêu quý.

Theo thời gian, cuối cùng mẹ cũng thôi nói về cái chết của cha. Trái lại, tôi đã mất nhiều năm liền để bắt đầu nhận thức về biến cố đó và khởi đầu cho quá trình dằn vặt, đau khổ của mình. Tôi thường tự nghĩ, có phải mình là người biết lắng nghe và chia sẻ tốt hay không, hay trong nỗi đau khổ của riêng mình, tôi chỉ biết cô lập mẹ cho đến khi chính bà thôi nói về việc đó. Cảm giác không sẵn sàng chia sẻ nỗi đau với bà là mặc cảm tội lỗi của riêng tôi.

Đức Phật so sánh nỗi khổ đau như cái chén đựng đầy muối: nếu ta đổ muối vào tô nước, nước sẽ trở nên mặn chát và không thể uống được. Nhưng nếu ta đổ chén muối vào hồ nước, nước vẫn ngọt. Nói cách khác, nếu ta tâm sự về những chấn thương tình cảm với người thân và nhận được sự chia sẻ – thì cũng giống như việc lấy muối ra khỏi tô nước và cho vào hồ. Niềm đau vẫn còn đó nhưng tâm ta có thể bình an. Dần dần, thay vì xâm chiếm cả tâm trí ta, nỗi khổ đau càng lúc càng nhỏ đi. Điều này đặc biệt đúng khi ta sẵn sàng mở rộng lòng mình, bước ra thế giới bên ngoài làm nhiều điều mới mẻ và có ý nghĩa hơn. Tự bước ra ngoài, tập trung vào những điều cần làm cho người khác, sẽ tạo ra hồ nước rộng lớn hơn nhiều để nỗi khổ đau hòa tan vào đó.

Chúng ta hãy suy nghĩ về việc tại sao một số người chẳng bao giờ bình phục sau một chấn động về cảm xúc, trong khi một số khác trải qua sự chuyển hóa đáng ngạc nhiên và có thể truyền nhiều cảm hứng cho người khác. Sự khác biệt là do thái độ, quan điểm và sự nhận thức của mỗi người đối với tổn thương. Giáo sư tiến sĩ Martin Seligman của Đại học Pennsylvania là bậc thầy về thuyết quy kết. Ông nhận thấy mỗi khi gặp khó khăn, những kẻ bi quan, yếm thế thường tự trách mình. Họ cho rằng, việc nảy sinh vấn đề là do khuyết điểm, thiếu sót của riêng họ. Thêm nữa, họ còn khái quát hóa, vượt xa tình huống trước mắt – không những họ tin rằng mình có lỗi trong việc gây ra những khó khăn ở hiện tại, mà họ còn nghĩ chính họ thường làm hỏng mọi thứ và phận số bất hạnh này sẽ đeo đuổi họ đến tận cuối đời.

Seligman gọi hiện tượng này là “sự quy kết 3P”: người bi quan tự trách bản thân và cho rằng mọi thứ đều chĩa vào mình (person- ally); họ nghĩ rằng nỗi bất hạnh sẽ lan tỏa suốt chặng đường trong đời họ (pervasive); và họ tin rằng câu chuyện buồn về cuộc sống của họ sẽ mãi mãi tồn tại (permanent).
Những người lạc quan có cách suy nghĩ hoàn toàn khác hẳn, nhờ đó họ vượt qua mặc cảm tội lỗi dễ dàng hơn nhiều so với người bi quan.

Các nhà tâm lí học Suzanne, Kobasa và Maddi đã nghiên cứu cách hành xử của người lạc quan khi có biến cố hay sự thay đổi xảy ra trong một nhóm các nhà lãnh đạo công ty AT & T. Khi nội bộ công ty có sự cải tổ, gây ra nhiều căng thẳng và bất an cho nhân viên, thì không những công việc của họ phải thay đổi do xáo trộn, mà họ còn có nguy cơ mất việc.

Nghiên cứu cho thấy, nhà lãnh đạo nào có cá tính mạnh thì vẫn giữ vững tinh thần và có sức khỏe tốt hơn so với những người hay căng thẳng và dễ suy sụp. Những nhà điều hành chịu đựng được căng thẳng đều có cùng đặc tính mà Kobasa và Maddi gọi là “đặc tính 3C”. Chữ C đầu tiên tượng trưng cho thử thách (challenge) – họ đều có đầu óc thực tế và hiểu rằng thay đổi là điều không thể tránh được, là giai đoạn quan trọng trong cuộc sống. Thay vì lo sợ cho địa vị, thân phận của mình, họ nghĩ rằng thay đổi là cơ hội để phát triển sức mạnh mới. Lòng tự trọng cao và ý thức về quyền lực khiến họ đánh giá tình hình mới như là một cơ hội để phát triển và nắm giữ ưu thế.

Chữ C thứ hai tượng trưng cho lời cam kết (commitment), là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa cuộc sống. Chữ C thứ ba tượng trưng cho sự kiểm soát (control). Các nhà lãnh đạo dày dạn không lãng phí thời gian cố đúc khuôn những điều vượt quá tầm ảnh hưởng của họ. Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào những điều họ có thể làm để cải thiện tình hình. Thí dụ, cho dù bạn không kiểm soát được tình thế, không biết mình có kiếm được việc làm vào ngày mai hay không, nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được chất lượng công việc của mình vào ngày hôm nay, hoặc vẫn kiểm soát được các thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình.

Theo bản tính, tôi là người bi quan khi có điều không may xảy ra. Phản ứng đầu tiên của tôi là tự trách mình và cảm thấy tự hổ thẹn. Điều này đưa đến mặc cảm tội lỗi có hại cho sức khỏe. Nhiều năm trôi qua, tôi học được cách để ý đến sự quy kết của mình và nhận ra lối suy nghĩ bi quan, yếm thế của mình không có “Thật” với chữ T được viết hoa – nó chỉ là một khuôn mẫu của tư duy. Sự thấu hiểu này cho phép tôi mở ra tầm nhìn mới, là cơ hội để quay lại và nắm giữ viễn cảnh rộng lớn hơn, như đổ chén muối vào hồ nước.

Nhận biết rằng có thể suy nghĩ sự việc một cách khác đi, tôi thích tưởng tượng vào địa vị của tôi, một người chịu đựng được căng thẳng có thể suy nghĩ như thế nào? Nếu tôi sợ mất mát điều gì thì tôi cố nghĩ xem tình huống này đang thử thách sức mạnh gì đây để giúp mình phát triển? Đó là chữ C (chal- lenge) đầu tiên: Sự thay đổi này là mối đe dọa hay cơ hội? Có lẽ chữ C thứ hai (commit- ment) là khung tham chiếu quan trọng nhất cho sự thay đổi – chúng ta tận tụy nhất cho điều gì? Nếu tôi cảm thấy mình không làm chủ được tình hình, tôi sẽ sử dụng chữ C thứ ba (control): “Ngay bây giờ, mình có thể kiểm soát được cái gì cho thỏa đáng?”. Nhiều năm trôi qua, tôi đã phát triển được lời cam kết về tính gan dạ và lòng can đảm, nếu lưỡng lự thì sẵn sàng lắng nghe kinh nghiệm. Và đó chính là hạt giống của sự chuyển hóa.

Ngay cả nếu bản tính bạn là người bi quan và không tự động nhớ đến “đặc tính 3C”, bạn vẫn có thể học cách hình dung thực hiện sự việc theo tiến trình như thế. Đó là bắt đầu cho sự tự do, và cũng là lý do tại sao các nhà tâm lí học thích nghiên cứu cái mà họ gọi là năng lực. Thí dụ, nếu bạn biết suy nghĩ và hành động của một người bán hàng thạo việc là như thế nào, bạn có thể dạy cho người khác những kinh nghiệm đó: sự hiểu biết trong nghệ thuật bán hàng.

Học cách suy nghĩ theo hướng chịu đựng được mọi căng thẳng, thách thức là sự thay đổi sáng suốt, giúp bạn tránh được cạm bẫy tự trách bản thân, làm giảm tối thiểu ảnh hưởng mặc cảm tội lỗi, đồng thời nắm giữ hệ thống tư tưởng chuyển hóa hơn là bị dồn vào cảnh tuyệt vọng.

SUY NGẪM
Hãy nghĩ về khoảng thời gian khi có sự thay đổi khó chịu xảy ra trong đời. Bạn quy kết sự thay đổi này cho cái gì? Dựa vào “sự quy kết 3P” của Seligman để xác định bạn có đang suy nghĩ giống như người bi quan, yếm thế không? Và bạn cũng hãy sử dụng “đặc tính 3C” của Kobasa và Maddi để xem mình có đang suy nghĩ theo cách của người chịu đựng được căng thẳng hay không? Hãy cụ thể hóa sự quy kết của bạn bằng cách cẩn thận diễn đạt lại những gì bạn có thể nói với chính mình.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THẾ NÀO LÀ SỰ THÔNG THÁI ?
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. TĨNH TẠI GIỮA ĐỜI

Bài viết mới

  1. ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG LÀ MÓN QUÀ VÔ GIÁ DÀNH CHO BẠN
  2. TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU BÌNH ĐẲNG
  3. THIỀN CẦU NGUYỆN