NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Thi sĩ nói riêng, những nghệ sĩ nói chung, và tất cả mọi người đều đi tìm thực tại: một thế giới hài hòa (cosmos, chữ “vũ trụ” của văn hóa Tây phương có nghĩa là hòa điệu) nằm đâu đó đằng sau những hình tướng tầm thường hầu như không có sự sống của cuộc đời bình thường và khô hạn này. Chẳng hạn họa sĩ và lý thuyết gia của chủ nghĩa hình thức Anh, Clive Bell (1881-1964) nói: “Tình cảm thẩm mỹ tuy không tách rời với thực tại đời thường, nhưng là cái thực tại rốt ráo, tức là bản thân thực tại, thực tại như chính nó. Đó là thực tại cao nhất, là cái chung trong mọi cái riêng, là cái âm điệu xuyên thấm trong mọi vật”.
Thi sĩ là người muốn sống đời sống thực của vũ trụ:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.
(Cảm xúc – Xuân Diệu)
Thi sĩ là người muốn thấy và sống cái thực tại nền tảng hòa điệu của thế giới giác quan này, nghĩa là đi tìm cái thật (chân), cái đẹp (là sự hài hòa của con người với người khác và thế giới), và đó cũng là cái tốt (thiện, so với một thế giới phân mảnh, xung đột đầy rẫy trong sự sống, đó là cái xấu). Thực tại ấy với Đông phương gọi là Đạo, với Tây phương gọi là Hữu thể (L’Être).
Dù thế nào, cái thế giới, cảnh giới mà thi sĩ muốn thể hiện và chia sẻ với người khác qua ngôn ngữ phải là cái thật, cho dù đó có là một cái gì hoàn toàn tưởng tượng, siêu thực đi nữa, thì cái tưởng tượng, cái siêu thực ấy vẫn là cái tưởng tượng và siêu thực thật. Đơn giản vì không thi sĩ nào lại viết ra những câu thơ mà mình biết đó là giả, dối trá; vì giả thì phải dở. Cái cảnh giới ấy phải là cái đẹp; dù là tả cái xấu, nhưng thi sĩ vẫn muốn tìm ra và nói lên khía cạnh thẩm mỹ của cái xấu, cái “bản thể” nằm sau hiện tượng xấu, và phải chăng cái xấu vẫn có một sự hài hòa tự nền tảng với cái đẹp? Và cái ấy phải là cái tốt, cái tốt theo nghĩa thẩm mỹ là sự thỏa mãn về mặt mỹ cảm đối với thi sĩ và người đọc. Cái thế giới, cảnh giới mà thi sĩ muốn vươn tới, muốn tương ưng, muốn khám phá và chia sẻ (dù vươn tới được ở mức nào, biểu lộ ở mức nào thì tùy thuộc vào nhân cách, bản lĩnh của thi sĩ ở mức nào) với ba khía cạnh Chân Thiện Mỹ là cái mà chúng ta thường gọi là thực tại, siêu hình học Tây phương gọi là thực tại tối hậu, hữu thể tối hậu, hình nhi thượng học Á Đông gọi là Đạo.
Thực tại ấy có sẵn hay con người sẽ tạo thành nó bằng nhân cách cao nhất của mình, điều đó chúng ta không bàn ở đây. Chúng ta chỉ đưa ra một định nghĩa chung cho cả Tây phương lẫn Đông phương, cho con người nói chung để có một ý niệm. Một ý niệm thôi vì định nghĩ nào cũng phiến diện và không hoàn hảo. Huống gì tuy cùng khao khát hướng về cùng một thực tại, một hy vọng của mọi hy vọng, nhưng mức độ thâm nhập, kinh nghiệm thực tại đó có mức độ sâu cạn khác nhau nơi những con người khác nhau và nơi những nền văn hóa khác nhau. Với một định nghĩa tổng quát chung cho các nền văn hóa của Đông phương và Tây phương, thì Đạo hay Hữu thể là tất cả những cái hiện hữu và không hiện hữu, tất cả những cái biểu lộ và cái không biểu lộ, tất cả những cái hữu hình và vô hình (như cái chết là vô hình đối với con người chúng ta) trong tất cả chiều sâu và chiều rộng của chúng.
Ở đây chúng ta nói qua về cái biểu lộ (hiện hữu, hữu hình) và cái không biểu lộ (không hiện hữu, vô hình). Có thể chia làm ba cấp độ:
– Cái biểu lộ và không biểu lộ ở cấp độ vật thể (ontique): cái không biểu lộ là cái vật thể chưa biết, chưa thấy nghe. Chỉ cần đến, gặp gỡ kinh nghiệm ở cấp độ giác quan và ý thức là trở thành cái biểu lộ, cái được thấy nghe, hiểu biết.
– Cái không biểu lộ ở cấp độ trung gian: là cái “thần” của sự vật hay sự việc. Các thi sĩ và những nghệ sĩ cảm thụ được cái thần và biểu hiện nó ra thành nghệ thuật.
– Cái không biểu lộ ở cấp độ hữu thể (ontologique): tiến lên nữa, người ta đi vào thế giới bản thể thay vì thế giới hiện tượng, thế giới của “tánh” thay vì thế giới của “tướng”. Cái không biểu lộ ở đây là thể tánh của sự vật, là hữu thể của vật thể, là đạo của đời sống bình thường.
Như thế, chúng ta có thể hình dung rằng con người càng tiến hóa, càng hiểu biết thì những lãnh vực không biểu lộ càng biểu lộ ra, cho đến mức tất cả bề rộng và bề sâu của thế giới đều biểu lộ. Một người tiến đến mức tất cả đều được biểu lộ, đều được hiểu biết, thuật ngữ Phật giáo gọi là người giác ngộ và trí hiểu biết của người đó là Nhất thiết trí trí. Qua nhận xét này, chúng ta có thể có một định nghĩa (trong rất nhiều định nghĩa) về thi sĩ: người cố gắng biểu lộ cái thế giới còn chưa biểu lộ bằng phương tiện ngôn ngữ. Cái chưa biểu lộ này Lão Tử nói là: “Nhìn không thấy gọi là Di, lắng tai không nghe gọi Hi, cầm nắm không được gọi là Vi”. Cái không biểu lộ ở cấp độ hữu thể, kinh Pháp Hoa gọi là “thật tướng của tất cả các pháp”.
Trong bối cảnh hệ thống kinh Bát Nhã, tất cả những cái biểu lộ là “sắc thọ tưởng hành thức” và cái không biểu lộ “không có hình tướng, vượt khỏi tư tưởng, không có chỗ trụ” là tính Không. Và sự thật, chân lý của hệ Bát Nhã là: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”… Tính Không là “thật tướng của các pháp”. Chúng ta thấy điều này được thể hiện trong thơ họa của các nước Đông Á như thế nào.
Với một kiến giải như vậy, con người bị bao vây trong Đạo (như là tất cả những gì biểu lộ và không biểu lộ trong thật tướng của chúng) dù con người có biết hay không. Ý kiến của các thiền sư: “Người ta ngồi trong rổ cơm mà chết đói lu bù; người ta ở trong biển nước mà chết khát lu bù”.
Những chữ Đạo, Hữu thể và những chữ để chỉ thực tại tối hậu khác thuộc về loạt những chữ xuất hiện sớm nhất ở hai nền văn hóa Đông phương và Tây phương. Cũng tương tự, thi ca là thể loại ngôn ngữ xuất hiện sớm nhất ở cả hai nền văn hóa: thơ có trước văn xuôi. Thí dụ ở Hy Lạp có những anh hùng ca Odyssé và Illiade của Homère, Bài thơ Parménide (Poème de Parmémide) là một bản văn đầu tiên đề cập trực tiếp đến Hữu thể. Ở Ấn Độ là thánh ca, những anh hùng ca (sử thi) Ramayana, Mahabharata, Bhagavad-gita… Ở Trung Hoa là Kinh thi, Đạo đức kinh, những bài thơ của Khuất Nguyên… Tác giả của chúng (mà chúng ta gọi là thi sĩ) ở thuở bình minh của văn hóa nhân loại đều được xem là những tiên tri: các bài thơ trong Cựu Ước Job, Thi Thiên, Nhã Ca (của vua Salomon)… Ở Ấn Độ, đó là những rishi (những đạo sĩ nhìn thấy suốt thực tại, những người thấu thị). Ở Trung Hoa, những bài thơ trong Kinh Thi được giảng giải trong mối liên hệ với Đạo (như Chu Hy). Cho đến gần đây, Rimbaud cho mình là nhà thấu thị (le voyant), thi sĩ miền Trung Đông có tác phẩm Nhà tiên tri, Tagore cũng quan niệm thi sĩ là đạo sĩ.
Thơ có trước văn xuôi vì thơ là tiếng nói trực tiếp, và người làm ra thơ là người thấy trực tiếp. Có lẽ những lời nói đầu tiên của Đức Phật sau khi giác ngộ là thơ, kệ: “Qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi ta đã miên man đi, đi mãi. Ta đi tìm mãi mà không gặp người thợ cất cái nhà này… Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Như Lai đã chứng Vô sanh bất diệt và đã tận diệt mọi sinh tử”. Những bài kệ ngộ đạo và thị tịch của những thiền sư, những bài ca giảng đạo của Tilopa, Milarepa, Vĩnh Gia Huyền Giác, Tuệ Trung thượng sĩ chứng tỏ điều này. Nhưng thơ là gì? Chỉ nói riêng truyền thống Tây phương, thơ ca (poésie) có từ tiếng Hy Lạp poésis là sáng tạo. Những ngành nghệ thuật khác cũng sáng tạo, nhưng có lẽ thơ không từ đâu hết, những chất liệu của thơ không thấy được, mà được tạo ra, cho nên thơ gần với ý nghĩa sáng tạo hơn hết. Từ thời Platon và Asistote, thi ca và nghệ thuật được gọi là sự mô phỏng (mimésis). Thi sĩ là người mô phỏng, bắt chước thực tại ở mức cao nhất có thể được. Nhưng mô phỏng phải hàm ý trước đó đã có sự phát hiện khám phá được, tìm thấy được. Phát hiện, kinh nghiệm cái không biểu lộ của thế giới biểu lộ, cái mà ở đây chúng ta gọi là thực tại – dù sự phát hiện này có mức độ sâu hay cạn, rõ ràng hay lờ mờ là tùy vào bản lĩnh thi sĩ – và nói ra được, mô phỏng lại được bằng ngôn ngữ thi ca là sứ mạng của thi sĩ. Trong ý nghĩa đó, thi ca là một sự giải thích thực tại, và chính điều này đưa đến quan niệm “hiệu lực thanh tẩy” (carthasis), hay theo thuật ngữ PG, “tịnh hóa”, của nghệ thuật. Thi ca là sự truyền thông, thông tin về thực tại, do đó, thi sĩ mang dáng dấp của người sứ giả, người đưa tin, nhà tiên tri. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Hermes là vị thần đưa tin, những tin tức “định mệnh” làm thay đổi chuyển hóa cả một đời người, làm cho con người chết đi trong thế giới tầm thường để sống lại trong thế giới “Trời đất người” mới mẻ.
Một bài thơ đúng nghĩa là một thông điệp về sự sống, về đời sống và do đó về hình thức và nội dung bài thơ là một cơ thể sống. Nó là một tập hợp những vật thể có ý nghĩa, những tương quan sống động; nó là một đời sống thu nhỏ, tinh chất, phản ánh chính những quy cách của đời sống. Bài thơ là sự thu gọn của đời sống đang hoạt động, cả ánh sáng và bóng tối, nụ cười và nước mắt, mãn nguyện và thất vọng…, do đó nó cũng có những quy luật sống động như chính những nguyên lý tạo ra đời sống. Thế nên, về hình thức và nội dung, bài thơ phải có tính hữu cơ, tính hài hòa, tính tương giao phản chiếu lẫn nhau, tính nhịp điệu, tính vận động sinh trưởng miên man, tính khai mơi ý nghĩa đến mức bao la và sâu thẳm… Những tính cách này là một số tính cách để xác định một bài thơ “hay”, “sống” mãi với thời gian. Thi ca và nghệ thuật được gọi là cái được “sáng tạo” ra, bởi vì chúng phản ánh đời sống ở mức độ sâu thẳm, mà đời sống chính là cái đang tự sáng tạo, đang tự biến chuyển không ngừng. Thi ca được gọi là sáng tạo vì nó mang được sự sống, thể hiện được ý nghĩa của đời sống, ý nghĩa của thực tại đang sống động trước mắt chúng ta. Thi sĩ là người có khả năng phát hiện ý nghĩa của đời sống và diễn đạt ý nghĩa ấy ra truyền thông cho người khác biết. Thi sĩ là nhà tiên tri của đời sống là vì thế.
Thi sĩ là “những con ong của cái vô hình” (R.M.Rilke). Thi sĩ là người nghe được “những bông tuyết rơi của mùa vắng mặt” (S.J.Perse). Thi sĩ là người cảm nghiệm cái vô thường ở tận những thế kỷ sau:
Em về mấy thế kỷ sau.
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.
Ta đi để lại đôi dòng.
Lá rơi có dội ở trong sương mù
(Bùi Giáng).
Thi sĩ là người cảm nghiệm những sự kiện bình thường mà quá đỗi phi thường của đời sống:
Hôm nay có một người du khách
Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên(Nguyễn Bính)
Buồn ở sông xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong một tiếng chim qua(Xuân Diệu)
Anh một mình nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh.
(Xuân Diệu)
Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
(Phạm Công Thiện)
Những điều trên đều là những sự kiện, nhưng là những sự kiện mang tính ý nghĩa của con người, là những ý nghĩa mang tính ý hướng (intentionnalité, chữ của Hiện tượng luận Husserl). Đó là những sự kiện ý nghĩa xảy ra trong và của thực tại, xảy ra trong và của Hữu thể, xảy ra trong và của Đạo. Như thế, phải chăng bằng cảm thụ sâu sắc và thẩm mỹ của mình, thi sĩ đã lật ngược nhũng sự vật bình thường, đem chúng về đặt trong ý nghĩa uyên nguyên, trong ánh sáng nguyên sơ của chúng? Sáng tạo là lật ngược những sự vật của giác quan bình thường để làm hiển lộ ra mắt ẩn kín, không biểu lộ của chúng. Thực tại thì có vô lượng nghĩa, như bản kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa đã cho thấy. Văn học hiện đại cũng nói đến sự đa tầng đa nghĩa của một bài thơ, và đó là giá trị của bài thơ.
Thi sĩ là người phát ngôn của Đời sống (hay của Hữu thể, của Đạo). Người phát ngôn (le porte-parole) nghĩa đen là người mang lời nói. Lời nói với truyền thống Tây phương, cụ thể là với Heraclite, là Logos (le Verbe). Logos là lời nói, diễn đạt, ý nghĩa hay lý tính, chân lý hay định luật, hữu thể (Karl Jaspers giải thích). Logos là “Tất cả là Một” (nguyên văn câu đầu tiên trong bản văn của Heraclite: “Nếu ngươi nghe, không phải nghe ta, mà nghe Logos (lời), thì minh triết là: Tất cả là Một”). Tóm lại, Logos là “Tất cả là Một, Một là Tất cả”. Nếu có thể nói thêm, kiến giải về Logos này đã đạt đến thế giới “lý sự vô ngại”, chứ chưa đạt đến thế giới “sự sự vô ngại” của tông Hoa Nghiêm. Chúng ta biết rằng sau Heraclite 5 thế kỷ, thánh Jean đã dùng từ Logos này trong câu mở đầu phần Phúc Âm của mình: “Ban đầu có Ngôi Lời (Logos, le Verbe). Ngôi Lời ở cùng Thượng Đế và Ngôi Lời là Thượng Đế”. Chúng ta cũng biết rằng trong dòng lịch sử triết học Tây phương, biện chứng pháp (la dialectique) và cái chúng ta hay gọi là “logic” (logique, luận lý học, hợp luận lý) đều lưu xuất từ danh từ Logos này.
Nếu nói trong bối cảnh của Lão Tử Đạo Đức kinh, ngôn ngữ, lời nói là cái Đức của Đạo, vì Đức là sự biểu lộ của Đạo. Do đó, thi sĩ chính là sự biểu lộ, cái Đức của Đạo trong con đường ngôn ngữ. Trong ngữ cảnh của kinh Dịch, thi sĩ là người thấu cảm được “cái đại đức của thiên địa”, “thấy được cái tâm của thiên địa”, “thấy được cái tình của thiên địa vạn vật” (quẻ Hàm, quẻ Hằng, quẻ Tụy…) và diễn đạt ra bằng ngôn ngữ, tức là bằng một loại “văn” của Trời đất. Linh hồn thi ca là con rồng tinh thần và tâm linh trong quẻ Kiến mở đầu cho 64 quẻ của kinh Dịch.
Đối với Phật giáo Mật thừa, một vị giác ngộ thì thân, ngữ, tâm của vị ấy cũng được bao hàm trong ánh sáng và năng lực của giác ngộ. Ngữ của vị ấy thấm nhuần năng lực của giác ngộ và trở thành thần chú (mantra). Trung tâm năng lực (chakra, luân xa) thuộc về ngữ ở cổ họng được phát huy triệt để và lời nói trở thành năng lực, năng lực là lời nói. Do đó những lời pháp bằng hình thức thơ của những thành tựu quả (siddha) được gọi là những bài ca kim cương (vajra), những bài ca của lời kim cương. Những bài ca đó chính là thực tại tối hậu hiện thân bằng ngôn ngữ.
Ở Việt Nam, vào thế kỷ XVIII, Ngô Thì Nhậm viết sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, phần Đại chân viên giác thanh nói về 24 thanh. Đây là một tổng hợp Phật, Nho, Lão mà nền tảng là Phật giáo. Nguyên thanh là nguyên ngôn, lời tiếng nguyên thể (Logos), với 24 cách biểu hiện. Mỗi thanh đều có mặt Bồ tát Quán Thế Âm, vị Bồ tát quán sát âm thanh mà giác ngộ. Tiếng lời nguyên thể (nguyên thanh) cũng là tiếng lời giác ngộ (Viên Giác thanh). Trong ngữ cảnh này, thi sĩ là người nghe được tiếng lời uyên nguyên (nguyên ngôn, nguyên thanh) đang ở trong và của vạn vật, hữu hình cũng như vô hình và diễn đạt chúng bằng tiếng lời của con người với tính thẩm mỹ, nhịp điệu và hài hòa (cũng là những tính chất của vạn vật).
Dù có nhiều đường lối tiếp cận linh hồn của thơ, bao giờ thơ cũng là lời thể hiện sự sáng tỏ của một con người trước thực tại. Càng thấy rõ thực tại bao nhiêu, thi sĩ càng có những câu thơ “bất hủ” bấy nhiêu. Càng gần với Nguyên ngôn Logos bao nhiêu, những lời tiếng, những câu thơ của thi sĩ càng vang vọng, càng ở mãi trong trí nhớ độc giả bấy nhiêu. Càng gần với cái Đời Sống viết hoa bao nhiêu, thơ của thi sĩ càng sống động và càng có cuộc sống lâu dài bấy nhiêu. Thi sĩ là sứ giả, là người mang lời nói của Đạo và lời nói ấy hẳn là một thông điệp. Thi sĩ là người chăn dắt cái vô hình, vô tướng. Nuôi dưỡng cái vô hình là làm xuất lộ nó trên bình diện hữu hình của ngôn ngữ, đó là sứ mạng của thi sĩ xét như là thiên sứ, như là nhà tiên tri.
Cho nên, ít nhất là với Đông phương, thi sĩ luôn luôn sống cuộc đời tu dưỡng. Chỉ lấy thí dụ Nguyễn Du:
Ta đọc Kim Cương cả nghìn lần
Phần lớn yếu chỉ không rõ nghĩa
Giờ đến dưới Thạch Đài Phân Kinh
Mới hay “không chữ” thật chân kinh.(Lương Chiêu Minh Thái Tử phân kinh thạch tài)
Có tu dưỡng (chữ này của Nho giáo) cả đời như vậy mới có một ngày hình tướng vật lý (physique, vật lý học, hình tướng học) đột biến thành siêu vật lý, siêu hình học (métaphysique, vượt khỏi vật lý, hình tướng):
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiên thời hợp hóa long(Không lời, một mình đối diện cây trúc trước sân
Khi sương tuyết tiêu bèn hóa thành rồng)(Ký Hữu 1, Quách Tấn, Tố Như thi trích dịch, An Tiêm, 1973)
Có thiền định thiền quán (vô ngôn độc đối) thì mới có ngày cây trúc biến thành con rồng tâm linh, vật vô tri mới biến thành “thật tướng vô tướng”. (Từ ngữ thật tướng vô tướng này từ câu chuyện Thiền tông: Một hôm Đức Phật đưa cành hoa lên, trong đại chúng chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật nói với ngài Ca Diếp: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay phó chúc cho ông”). Có như vậy Nguyễn Du mới “Bốn thời tâm kính tự như như”. Nếu được như vậy, hẳn ông đã thấy được cái đẹp không lệ thuộc vào hình tướng, vượt ngoài hình tướng. Và do đó, hình tướng nào cũng đẹp, vì hình tướng nào mà chẳng ở trong tâm kính tự như như? Đây có thể nói là ông đã bước vào sự sáng tạo bổn nguyên, sự sáng tạo không cần người sáng tạo, nơi đó cái Chân, Thiện, Mỹ và những gì gì nữa là Một.
Chỉ từ một cuộc chuyển hóa như vậy cái hình nhi hạ học mới biến thành hình nhi thượng học, nói theo Nho giáo, lời nói biến thành Nguyên ngôn (Logos), đời mới biến thành Đạo, hay nói theo Phật giáo, sanh tử mới biến thành Niết bàn, phương tiện (upaya) mới biến thành trí huệ (prajna). Và cũng từ đó con người mới trở thành thi sĩ đích thực: một con người (Nhân) sống để nối kết cho trời và đất (thiên và địa). Thi sĩ là người chăn cừu (một ý tưởng của Tây Phương, hay nói theo Thiền tông là người chăn trâu) chăn dắt ngôn ngữ và sự vật (vì từ đây ngôn ngữ và sự vật là một) trên cánh đồng bao la của Hữu thể, của Đạo, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo, trên cánh đồng của ánh sáng trí huệ và nguồn nước từ bi. Chỉ từ sự tu dưỡng đưa đến chuyển hóa, con người mới trở thành thi sĩ và cũng hoàn thanh sứ mạng làm người. Sứ mạng thi sĩ là chăn dắt ngôn ngữ, sự vật trở về Nguyên ngôn, trở về với Đạo.
Trong khi khoa học kỹ thuật khai thác vật thể (vật lý học, physique) thì thi sĩ khai thác cái vô hình, vô tướng (siêu hình hoc, métaphysique). Ở đây chúng ta thấy một điểm tương đồng với Phật giáo: hành giả là người tìm cách thấy được cái phi tướng, cái vô tướng, điều đó kinh Kim Cương nói là thấy Như Lai, tức là thấy thực tại tối hậu (kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai). Sứ mạng thi sĩ là chăn dắt ngôn ngữ, sự vật đi đến (hay trở về) chỗ Thái Hòa (Bảo hợp thái hòa: kinh Dịch). Trong ngữ cảnh Tây phương, thi sĩ là người chăn dắt cuộc trường chinh Odyssée trở về Quê hương hữu thể. Thi sĩ là người đem cuộc phiêu lưu của Don Kichotte (cũng là cuộc phiêu lưu của Tây phương) đặt lại trong Quê hương hữu thể: phiêu lưu là phiêu lưu trong Quê hương chứ không phải là phiêu lưu không quê hương vô vọng. Phiêu lưu ấy phải là một cuộc “du hý”, như thuật ngữ Phật giáo để chỉ cuộc đời “phiêu lưu” của Bồ tát. Thi sĩ là nhà huyền bí (mystique) và như Lão Tử nói, “Huyền chi hựu huyền”, huyền rồi lại thêm huyền.
Ngày nay thi ca nói riêng và văn học nói chung trên thế giới đều yếu đi vì không chú ý đến siêu hình học, hay nói theo chữ của Đông phương, đạo học. Và người em của nó, người luôn luôn sát cánh giúp đỡ nó, phê bình văn học cũng vậy. Mặc dù có đủ mọi thứ chủ nghĩa: thuyết chuyển cảm, biểu hiện, trực giác, ngữ nghĩa học, tâm phân học, hiện tượng luận, mỹ học tiếp nhận, giải thích học, cấu trúc và hậu cấu trúc… nhưng những phương pháp ấy đều bỏ quên siêu hình học hay hữu thể học, do đó mà thiếu cái nền tảng chung cho mọi giải pháp.
Thiếu sự tu dưỡng cần thiết, thi ca yếu đi vì không nói lên được Đời Sống, được Thực tại. Người ta có thể đổi mới thơ bằng những bẻ gãy hình thức, phá bỏ nhịp điệu, bằng những thủ thuật của ngôn ngữ và ý tưởng hoặc bằng cách đề cập khá sổ sàng, khá “hiện thực” những vấn đề người xưa ít bàn đến (như vấn đề tình dục), nhưng làm sao có thể đổi mới khi con người chưa đổi mới? Làm sao có thể tu dưỡng thi ca khi chủ thể sáng tạo thi ca là con người chưa chịu tu dưỡng? Ở thế kỷ XVIII, Bùi Huy Bích đã nói: “Người quân tử đời sau biết chăm chỉ học hỏi để sửa mình rồi dần dần trở thành người có văn chương, đó là người bậc nhất. Những người tập làm văn chương rồi thấy được nghĩa lý trong đó, là bậc thứ hai. Còn hạng kém nhất thì chỉ biết có văn chương mà thôi”.
Thậm chí những lời nói của người xưa như “văn dĩ tải Đạo”, văn để chuyên chở Đạo, cũng được hiểu theo nghĩa hình nhi hạ học là văn để chuyên chở đạo lý (đạo lý theo cấp độ hình nhi hạ học), để tuyên truyền, để làm sáng cho ý kiến xã hội… Văn để chuyên chở Đạo nghĩa là trong văn luôn luôn hàm chứa Đạo, Đời sống, Thực tại. Heidegger cũng có một câu nói tương đồng: “Ngôn ngữ là ngôi nhà của Hữu thể”.
Chính vì sự bỏ quên Hữu thể, bỏ quên đạo làm cho thi ca trở nên mất giá nhất so với những lãnh vực xã hội khác. Chính sự vô cảm với Hữu thể, với Đạo làm cho chúng ta ngày nay không còn được nghe những tâm tình con người mang tầm vóc vũ trụ (tầm vóc trời đất) như của Khuất Nguyên, Lý Bạch, Thiền sư Viên Chiếu đời Lý, Huệ Trung thượng sĩ đời Trần.. Khi không còn chú ý đến Hữu thể, đến Đạo, thơ chỉ còn là ngôn ngữ của đời thường, được sử dụng như một đồ vật xài xong rồi bỏ đi.
Làm sao để ngôn ngữ thơ, lời nói thi ca có thể “siêu sanh” (hay “tái sanh”) vào bờ cõi của Thi ca, cõi Thơ, cõi Đạo?