CHỮA LÀNH TRÍ

JACK KORNFIELD

Trích: Con Đường Từ Bi; Nguyên tác: A Path With Heart; Việt dịch: Như Lôi; NXB Đà Nẵng

Y hệt việc chữa lành thân và tâm thông qua sự nhận diện, chúng ta cũng có thể chữa lành trí. Y hệt việc học biết về bản chất và nhịp điệu của các tri giác và cảm thọ, chúng ta cũng có thể học biết bản chất của các ý nghĩ. Khi lưu tâm đến các ý nghĩ của mình trong lúc thiền định, chúng ta khám phá ra rằng chúng không nằm trong vòng kiểm soát của ta – chúng ta bơi trong một dòng chảy tự ý thường trực của những kí ức, kế hoạch, kỳ vọng, phán xét, hối tiếc. Tâm trí bắt đầu phơi bày cách nó dung chứa mọi khả tính, thường là mâu thuẫn với một thứ khác – những phẩm chất hoàn mỹ của một vị thánh và những lực lượng đen tối của một tên độc tài và sát nhân. Do những thứ này, tâm trí hoạch định và hình dung, tạo ra những đấu tranh vô tận và những kịch bản để thay đổi thế giới. 

Nhưng gốc rễ đích thực của các chuyển động trong cái trí là sự bất như ý. Chúng ta có vẻ như vừa muốn sự kích thích vô tận vừa mong được bình an hoàn hảo. Thay vì đang được suy nghĩ của mình phục vụ, chúng ta lại bị nó lái theo nhiều cách vô thức và không suy xét. Mặc dù các ý nghĩ có thể vô cùng hữu ích và sáng tạo, phần lớn chúng thường chi phối trải nghiệm của chúng ta với những ý niệm như thích đấu với không thích, cao hơn đấu với thấp hơn, cái tự mình đấu với cái khác. Chúng kể những câu chuyện về thành công và thất bại, vạch kế hoạch an ninh, nhắc nhở chúng ta theo thói quen về việc chúng ta nghĩ mình là ai hay thế nào. 

Bản chất nhị nguyên của ý nghĩ này là gốc rễ của đau khổ trong ta. Bất cứ khi nào ta nghĩ về bản thân như là một thực thể riêng biệt, nỗi sợ hãi và chấp trước khởi lên và ta càng thêm siết chặt, phòng thủ, tham vọng, và cục bộ. Để bảo vệ bản ngã riêng biệt ấy, ta đẩy nhiều thứ nhất định ra xa, trong khi ủng hộ nó bằng cách chấp chặt vào những thứ còn lại và đồng nhất mình với chúng. 

Một bác sĩ tâm thần từ Trường Đại học Y khoa Stanford đã phát hiện những chân lý này khi ông tham dự khóa tu miên mật đầu tiên dài mười ngày. Mặc dù ông nghiên cứu phân tâm và đã tham gia trị liệu, ông chưa bao giờ thực sự chạm trán với chính trí óc của mình theo kiểu không ngừng nghỉ suốt mười lăm giờ một ngày bằng thiền tọa và thiền hành. Về sau ông đã viết một bài báo về trải nghiệm này, trong đó ông mô tả cách một giáo sư tâm thần cảm nhận về việc ngồi và quán sát bản thân phát rồ. Cơn lũ ý nghĩ không ngừng khiến ông sửng sốt, với đủ loại chuyện hoang dại mà nó kể. Đặc biệt lặp đi lặp lại là những ý nghĩ tự-phóng-đại, về việc trở thành một đại đạo sư hoặc nhà văn nổi tiếng hay thậm chí là đấng cứu thế. Ông biết đủ để xem xét nguồn mạch của các ý nghĩ này, và ông phát hiện rằng chúng hoàn toàn bám rễ trong nỗi sợ hãi: Suốt khóa tu ông cứ cảm giác không chắc chắn về bản thân và những gì mình đã biết. Những ý nghĩ to lớn này là sự bù đắp của trí nên ông sẽ không phải cảm thấy nỗi sợ về chuyện mình không biết. Nhiều năm sau, vị giáo sư này đã trở thành một thiền giả thiện xảo, nhưng thoạt đầu ông đã phải kiến tạo bình an với những kiểu bận rộn và sợ hãi của một trí óc chưa được huấn luyện. Kể từ đó, ông cũng đã học được cách không nắm chặt các ý nghĩ của riêng mình một cách quá nghiêm trọng. 

Chữa lành trí xảy ra theo hai cách: Ở cách đầu, chúng ta đem chú tâm vào nội dung các ý nghĩ của mình và học cách tái chỉnh hướng chúng một cách khéo léo hơn thông qua các bài tập quán chiếu thông tuệ. Nhờ chánh niệm, ta có thể dần hiểu ra và tiết giảm những kiểu lo lắng và ám ảnh vô ích, chúng ta có thể thanh lọc sự hoang mang của mình và giải phóng những tầm nhìn và quan niệm mang tính phá hủy. Ta có thể dùng suy nghĩ có ý thức để quán chiếu sâu sắc hơn về những gì chúng ta trân trọng. Việc đưa ra câu hỏi, Tôi đã yêu thương đủ chưa? từ chương đầu là một ví dụ cho điều này, và ta cũng có thể hướng ý nghĩ của mình vào những đại lộ khéo léo của từ ái, tôn trọng, và sự thư thái của trí. Nhiều thực tập Phật giáo dùng những điệp ngữ nhất định cốt để phá vỡ những kiểu suy nghĩ sáo mòn có tính phá hoại, cũ kĩ để tạo ra sự thay đổi. 

Tuy nhiên, dù cho chúng ta bắt tay vào cuộc tái thiết tâm trí, có thể ta sẽ không bao giờ thành công hoàn toàn. Tâm trí dường như có một ý chí của riêng nó bất chấp việc ta muốn định hướng nó nhiều đến mức nào. Thế nên, để chữa lành sâu sắc hơn cho những mâu thuẫn của trí, ta cần buông bỏ sự đồng nhất hóa mình với chúng. Để chữa lành, ta phải học cách lùi bước trước mọi câu chuyện của trí, vì những mâu thuẫn và quan niệm của ý nghĩ chúng ta chẳng đời nào kết thúc. Như Đức Phật đã nói, “Những người lắm quan niệm chỉ đi quanh quẩn gây phiền người khác”. Khi thấy được bản chất chính thực của trí là suy nghĩ, chia chẻ, hoạch định, ta có thể giải thoát mình khỏi vòng cương tỏa sắt đá của chủ nghĩa phân ly và tiến đến nghỉ ngơi trong thân và tâm. Theo cách này, ta bước ra khỏi sự đồng nhất hóa của mình, khỏi những kỳ vọng, quan niệm và phán xét cùng những mâu thuẫn đã khởi lên. Trí nghĩ về bản ngã như là một thực thể riêng biệt, nhưng tâm biết rõ hơn. Như một tổng sư Ấn Độ vĩ đại, Sri Nisargadatta, diễn tả, “Trí tạo ra vực thẳm, và tâm vượt qua nó”. 

Nhiều nỗi buồn lớn của thế gian khởi lên khi trí mất kết nối với tâm. Khi thiền định, chúng ta có thể tái hợp với tâm mình và khám phá ra một cảm thức nội tại về sự quảng đại, thống nhất, và bi mẫn bên dưới mọi mâu thuẫn của ý nghĩ. Tâm cho phép các câu chuyện và các ý niệm, những phóng tưởng và sợ hãi của trí mà không tin vào chúng, không phải theo đuổi chúng hay thỏa mãn chúng. Khi chạm tới tầng sâu bên dưới mọi sự bận rộn của ý nghĩ, chúng ta khám phá được sự tĩnh lặng chữa lành ngọt ngào, một trạng thái bình an cố hữu trong mỗi chúng ta, một thiện tâm, sức mạnh và sự toàn vẹn là quyền tập ấm của chúng ta. Thiện căn này đôi khi được gọi là bản tánh ban đầu của chúng ta, hay là Phật tánh. Khi quay lại với bản tánh ban đầu, khi thấy được mọi cách thức của trí và vẫn an trú trong sự bình an và thiện tâm này, chúng ta khám phá ra phép chữa lành cho trí.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI CÓ BIẾT YÊU THỰC SỰ KHÔNG
  2. CHỮA LÀNH TINH THẦN
  3. BẢN DIỆU CA

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ