SUY NGHĨ TỪ LẬP TRƯỜNG CỦA NGƯỜI KHÁC

TAKESHI FURUKAWA

Trích: Mình Là Cá, Việc Của Mình Là Bơi; Việt dịch: Như Nữ; NXB Thế giới; Công ty VH&TT AZ VN, 2018

Các bạn có biết cuốn sách Quy tắc chiếc gương (Nhà xuất bản Sogo Horei) không? 

Đây là cuốn sách rất nổi tiếng, đã bán được triệu bản của tác giả Yoshinori Noguchi. 20% độc giả khi đọc cuốn sách này đều đã rơi nước mắt. 

Nhân vật chính trong cuốn sách này là Eiko một bà mẹ có đứa con hay bị bắt nạt. Eiko đã đến gặp nhà tâm lý học Yaguchi và mang theo niềm hy vọng cuối cùng. Yaguchi đã nói “Chuyện con của chị cũng giống như tấm gương phản chiếu lại mối quan hệ bất hòa giữa chị và bố mình. Thế nên, chị hãy tha thứ cho bố của mình.” Nhân vật chính Eiko có một người bố rất nghiêm khắc và ngoan cố. Từ ngày bé cô đã không thích bố của mình. Sau này, dù đã kết hôn nhưng cô vẫn đối xử với bố mình như người xa lạ. 

Trước những lời nói của Yaguchi, Eiko ban đầu muốn phản kháng lại, nhưng vì con, cuối cùng cô đã làm theo những lời khuyên ấy. Lời khuyên ấy chính là “hãy cảm ơn bố của chị”. 

Khi Eiko gọi điện cho bố mình và nói lời cảm ơn vì ngày bé bố đã dẫn đến công viên chơi, đã nuôi dưỡng cô thành người, giây phút ấy người bố ngoan cố ấy đã bật khóc. 

Và cuối cùng Eiko đã hiểu cảm giác của bố mình. 

“Bố thực ra rất rất yêu tôi. Ông ấy chỉ muốn nói thật nhiều, thật nhiều với tôi như một người cha. Thế nhưng tôi lại luôn phủ nhận tình yêu của ông ấy. Chắc ông ấy phải buồn lắm. Ông ấy là một người rất mạnh mẽ, dù công việc có khó khăn vất vả thế nào ông ấy cũng chịu đựng được. Vậy mà giờ đây ông ấy lại bật khóc. Không thể thể hiện được tình yêu thương với con gái lại đau khổ đến vậy sao.” 

Cuối cùng, Eiko cũng bật khóc. 

Nếu bạn đọc cuốn Quy tắc chiếc gương này, bạn sẽ thấy điều quan trọng trong đó chính là khi bạn chán ghét một ai đó, nếu đứng ở vị trí của họ để xem xét, bạn sẽ thấy rất nhiều thứ mà khi đứng ở vị trí của chính mình, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra. 

Trong các mối quan hệ của chúng ta, nếu bạn cứ giữ mãi sự tức giận, hận thù với đối phương thì tầm nhìn của bạn sẽ bị thu hẹp đi rất nhiều. Khi đó, bạn chỉ có thể nhìn thấy những việc từ lập trường của mình mà thôi. 

Ví dụ với một ông chủ đáng ghét, chúng ta thường có ý thức của một người bị hại, “con người ông ta là căn nguyên của mọi tội ác. Lỗi không phải tại tôi. Lúc nào tôi cũng làm việc rất tốt, thế mà lại bị nói như vậy”… 

Sự thực chỉ có một nhưng cách nhìn nhận lại có rất nhiều. Bằng chứng là không phải tất cả các nhân viên đều nhìn nhận ông chủ theo những cách giống nhau. Họ luôn nhìn người qua giá trị quan của bản thân và đánh giá đối phương dựa trên một khía cạnh đáng ghét của người đó. 

Bộ não của chúng ta không nhìn mọi việc giống như vốn có của nó mà luôn có xu hướng đơn giản hóa và phán đoán theo quan điểm của bản thân. 

Nếu bạn thực sự đứng ở vị trí của đối phương suy nghĩ, bạn sẽ thấy thế giới này khác lạ đến đáng kinh ngạc. Nếu đứng ở vị trí của ông chủ để xem xét, bạn sẽ thấy những chuyện mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến. 

Và khi bạn có thể đứng ở lập trường của đối phương suy nghĩ theo các bước tôi giới thiệu dưới đây, bạn cũng sẽ hiểu được chính con người mình. 

Phương Pháp Suy nghĩ từ lập trường của đối phương

Trước hết, bạn hãy chuẩn bị hai chiếc ghế và để chúng đối diện nhau. Lúc này chúng ta có ba vị trí. 

Thứ nhất là bạn, thứ hai là đối phương, cuối cùng là người thứ ba bên ngoài. Bạn hãy vừa di chuyển ghế vừa thực hiện các bước sau. 

Bước 1: Hoàn toàn là chính bạn 

Lúc này, chiếc ghế bên phải chính là bạn. Bạn hãy nhắm chặt mắt, ngồi xuống ghế và hoàn toàn là chính minh. 

Khi cảm nhận đối phương ở trước mắt mình, bạn có cảm nhận gì? Bạn hãy trực tiếp nói những suy nghĩ của mình thành lời. 

Bước 2: Đứng ở vị trí của người thứ ba

Khi đứng giữa hai chiếc ghế, bạn sẽ ở vị trí của người thứ ba. Bạn hãy hoàn toàn bỏ lại con người mình trên chiếc ghế lúc nãy và trở thành người thứ ba thật khách quan. Hít thở sâu và từ từ mở mắt nhìn hai người trước mặt. 

Bước 3: Trở thành “đối phương” 

Chiếc ghế bên trái chính là đối phương. Bạn hãy vứt bỏ những cảm giác cá nhân của mình ngồi xuống chiếc ghế ấy và coi mình là người đó. Bạn hãy nhắm mắt lại, khi nào bạn thực sự đã là người đó rồi thì hãy mở mắt ra.

Sau đó, bạn hãy nói những suy nghĩ của mình với “bạn” ở trước mặt. 

Bước 4: Một lần nữa trở về vị trí của người thứ ba 

Bạn lại đứng dậy, để lại đối phương trên ghế trở về vị trí của người thứ ba và nhìn hai người trước mặt. 

Bước 5: Trở về là chính bạn 

Cuối cùng, bạn hãy trở về chiếc ghế bên phải. Bạn nhắm mắt lại, trở về là chính con người mình, hít thở sâu và mở mắt ra. Bây giờ, bạn hãy cho đối phương biết những suy nghĩ của bạn. 

Đứng ở lập trường của đối phương như vậy, chắc chắn bạn sẽ nhận ra những điều mà cho đến giờ bạn không nghĩ đến hoặc chưa bao giờ nhận ra. 

Bản đồ không phải là địa điểm thực tế! 

– Khi đứng ở vị trí của đối phương, bạn có cảm nhận gì? 

– Bây giờ, khi đã hoàn thành hết các bước, bạn có cảm nhận gì? 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIN TƯỞNG RẰNG NHỮNG THỬ THÁCH ĐỀU CÓ THỂ VƯỢT QUA
  2. ĐÁP ĐỀN TIẾP NỐI
  3. CHẤP NHẬN TOÀN BỘ CON NGƯỜI MÌNH

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH