TƯ DUY SAO CHO ĐÚNG

Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN

Trích: Thuật Tư Tưởng; NXB Trẻ.

Con người sở dĩ khác vạn vật là nhờ nơi tư tưởng. Đừng nói chi đến chỗ phân biệt giữa người và vật làm gì, ngay giữa người và người, kẻ văn minh người dã man, kẻ trí thức người ngu si cũng do nơi tư tưởng mà phân cao thấp.

Tập tư tưởng cho đúng, là điều cần thiết nhất hơn nữa, là một phận sự khẩn cấp của tất cả những người lưu tâm đến danh dự làm người của mình, đến trách nhiệm của mình trong gia đình, trong quê hương, trong nhân loại. Làm cha mẹ mà tư tưởng sai, là hại cho cả một gia đình, làm thầy mà tư tưởng sai, là hại cho cả nhóm học sinh. Làm chủ một nước mà tư tưởng sai, là hại cho cả một nước ấy.

Kẻ thiếu quan năng của tư tưởng, là kẻ sống dưới quyền chỉ huy của dục vọng, của thói quen… sống như một con vật. Cho nên, đối với bản thân mình, tư tưởng là phương pháp duy nhất để tự giải thoát vậy.

Ta biết trầm trồ một đứa trẻ mới tập đi, ta biết trầm trồ kẻ tập đi xe đạp. Nhưng đối với kẻ tập tư tưởng, dường như ta không thèm để ý đến. Người ta dạy đi, dạy đứng, dạy ăn, dạy nói… dạy đủ mọi việc trừ ra tư tưởng. Là vì người ta cho đó là một điều hết sức tự nhiên, không cần phải dạy dỗ gì cả. Từ buổi ấu thơ đến lúc trưởng thành, tha hồ mà xoay trở với bộ máy phức tạp ấy được thế nào hay thế ấy.

Người ta sửa dạy lời ăn tiếng nói cho khéo léo gọn gàng, đến như dạy về cách tư tưởng cho phải đường, thì chỉ dành riêng cho một hạng người mãn khóa trung đẳng của ban Triết học thôi. Chỉ có đến lúc bấy giờ, anh thiếu niên may mắn ấy, được người ta kéo cho tấm màn u minh của khối óc anh. Lần thứ nhất, anh mới được nghe người ta giảng luận về những cách tư tưởng nào là đúng, những cách tư tưởng nào là sai. Bấy giờ anh mới lấy làm kinh ngạc rằng bấy lâu nay anh đã tưởng mình tư duy được mà không dè… Có khi may mắn mà anh tư tưởng đúng, nhưng phần nhiều là anh tư tưởng sai, vì theo người ta cho anh biết “tư tưởng là một động tác khó khăn có quy tắc hẳn hoi, nhiều bực vĩ nhân cho là một vấn đề hết sức gay go và hiểm hóc”.

Một khi nhận chân được rằng trong đời có một khoa tên là Luận lý học, thì than ôi, sự đã quá muộn màng rồi! Thật vậy, người ta đã tập cho mình một cách cầm cương lên ngựa sai, hoặc đã tập cho mình cách lội, cách đờn sai, thì về sau, đâu phải dễ gì đem lý luận hay quy tắc mà sửa lại được những sai lầm đã thành thói quen ấy. Ít ra, phải vận dụng rất nhiều ý chí mới phá được cái tập tục trước kia, nghĩa là phá bỏ cả cái mình đã học lầm và gia công huấn luyện lại như hồi sơ khởi. Thà trước kia đừng biết lội, biết đờn còn hơn. Chớ một khi đã lội sai hay đờn sai, thì cái thói quen xấu xa kia đâu phải dễ gì đổi thay cho chóng đặng. Công phu dùng để sửa những thói hư ấy, là một công phu không phải người có chí tầm thường mà làm đặng. Đối với những “cách tư tưởng sai” thành thói quen cũng một thế. Có được mấy kẻ, một khi đã nhận thấy sự lầm lạc của mình, lại có đủ nghị lực để sửa đổi “thói hư” của mình kia không?

Chỉ có một phần rất ít, là biết để ý lo nghĩ đến sự học tập cách “tư tưởng cho phải đường” thôi. Phần đông, tư tưởng theo ngụy luận, theo tình cảm, theo dục vọng, nhất là theo dục vọng của phần đông.

Dục vọng của phần đông ảnh hưởng rất sâu rất mạnh những đầu óc non nớt, không tự chủ. Những dục vọng ấy, hoặc thuộc về tôn giáo, hoặc thuộc về chánh trị, là những lực lượng mạnh mẽ nhất, làm thiên lệch nghiêng ngửa cả cách suy nghĩ phán đoán của con người. Đó là chưa kể những thói tư tưởng sai ngoa thiên lệch của những kẻ chỉ đọc sách đọc báo cùng một phe phái, nghĩa là đồng một “ý kiến” với mình thôi.

Jules Sageret nói: “Nếu tôi không thể tư tưởng được khác hơn tờ báo cùng một quan điểm với tôi, tôi không thể bảo đảm rằng tư tưởng của tôi là đúng”. Ý kiến ấy, một khi đã ăn sâu vào đầu óc, biến thành một khối cứng bất di bất dịch rồi, thì lý luận chánh đáng bực nào cũng không làm sao lay chuyển được. Đến khi óc thiên kiến ấy đã làm cho ta trở nên một chiến sĩ của chủ nghĩa mình rồi, thì tư tưởng của ta bấy giờ không khác nào đã bị nhốt trong một cái lồng: cách phán đoán của ta không thể nào còn tự do và cận với sự thật nữa được.

Và phần đông lại đều như thế, chỉ còn lại có một phần rất ít những con người tự do, biết tư tưởng không theo dục vọng mà thôi. Phần nầy, lẽ cố nhiên là sẽ bị những lực lượng rất mạnh bạo của kinh tế và chánh trị đàn áp đánh úp mất đi.

Đừng đổ tội cho ai, cũng đừng đổ tội cho khoa học, kinh tế hay bất kỳ là việc gì: cuộc khủng hoảng hiện thời một phần lớn đều do sự bất lực của con người không biết cách suy nghĩ cho đúng mà ra cả. Nếu người ta biết suy nghĩ lý luận cho đúng, thì chánh trị, kinh tế không phải có sự lầm lạc khổng lồ, không phải bị dục vọng mờ ám đến phải đụng đầu với những vấn đề không thể giải quyết như bây giờ.

Người ta thường bảo: chân lý phải có một giá trị cụ thể và thực dụng. Đành thế, nhưng sự thực dụng của nó cũng không nên nêu lên làm mục đích duy nhất đến thu hút tất cả tâm tư cảm giác của ta vào đó. Thường những thứ chân lý không có tánh cách thực dụng lại càng thực dụng gấp đôi: khi người ta tìm nó với một tấm lòng thản nhiên vô tư lợi thì chân lý lại hiện ra một cách rõ ràng đúng đắn hơn. Con người thường bị tình cảm quyến rũ, lôi cuốn nên hay lẫn lộn sự thật với sự thật theo ý ta muốn. Sự ao ước thấy “chân lý của mình” được thực tiễn hóa, thường hay khiến cho nó bị thiên lệch đi. Một nhà tư tưởng có nói: “Cần thiết là thấy được sự vật y như nó đã xảy ra, chớ không nên thấy nó theo như ý ta muốn cho nó phải xảy ra như thế nào”. Tình cảm mà để chen vào óc phán đoán, thì nhất định nó làm cho sự phán đoán của ta phải sai đi. Tình, nó có những lý lẽ riêng của nó mà Lý không thể nào hiểu được. Bởi vậy, chân lý mà muốn cho nó được gần chân lý, cần phải được nhiều người chứng nhận để cho nó pha bớt cái “mùi” chủ quan đi. Tuy nhiên, đây cũng không phải là một nguyên tắc tuyệt đối, vì nếu phần đông đây suy nghĩ phán đoán theo dục vọng thì dẫu là của cả thiên hạ đi nữa, cũng không thể nhận là một thứ chân lý cận sự thật được. Một sai lầm mà cả thiên hạ đều tán dương phụ họa vẫn là sai lầm. Trái lại, một chân lý mà cả thiên hạ đều khinh khi chế nhạo vẫn là chân lý. Dầu sao, sự dò hỏi ý kiến kẻ khác, nhất là những ý kiến của những kẻ đối lập của ta, giúp cho ta rất nhiều trong khi tìm chân lý. Tư tưởng mà đi có một chiều, thật là nguy hiểm.

Chúng ta thường hay tán dương chân lý, nhưng chúng ta lại rất sợ những “sự thật trần truồng”. Chúng ta thường đem nó ra mà trá hình, dùng đủ thiên phương bách kế để che đậy… Là tại sao? Tại sao nó chạm đến dục vọng của ta, chạm đến cái lòng nguyện ước của ta… Vì lười biếng, vì không có đủ can đảm nhìn thấy sự thật mà ta không vừa lòng nên mới có sanh ra ngụy luận.

Thiên hạ ngày nay, phần đông, rất ghét nghe sự thật.

Hay muốn nói cho đúng hơn người nào cũng có cái chân lý của mình, – cái chân lý thỏa mãn được cái lòng ao ước, cái bụng dục không bờ bến của mình. Thật không phải đó là một hiểm tượng rùng rợn cho chúng ta cả thảy hay sao?

Tư tưởng theo mình đâu phải là đừng để ý gì đến ý tưởng của kẻ khác. Đối với tư tưởng của kẻ khác, ta phải làm như con chiên ăn cỏ: chiên ăn cỏ, đâu phải để nhả cỏ ấy ra hay để nó nằm chình ình trong bao tử của nó, mà là để biến thành bộ lông mướt đẹp của nó.

Tư tưởng là một nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì không thể truyền. Những điều có thể truyền được, chỉ là một vài phương pháp thô sơ tiêu cực thôi, nó chỉ là cái “cặn bã của cổ nhân” mà thôi, vì tư tưởng theo lý trí là tư tưởng để hành động không phải tư tưởng để tìm chân lý, cái chân lý tuyệt đối của nhà triết học.

Tư tưởng mà đúng đắn, đâu phải chỉ là một vấn đề trí dục mà thôi đâu: thật ra, là cả một vấn đề thể dục và đức dục nữa. Kẻ đau yếu, tật bệnh ít khi có được một phán đoán vững vàng, người mà tính tình bôn chôn, vụt chạc và đầy dục vọng làm gì suy nghĩ cho công minh.

Thể dục, trí dục và đức dục là ba cái chơn vạc của người lý tưởng… “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn đó là chân hạnh phúc của con người”. Được bấy nhiêu thôi, thì được gì nữa cũng là thừa. Mà thiếu một trong hai điều ấy, thì có được cái gì cũng vẫn còn thiếu mãi…

-Sài thành, ngày 8 tháng 10 năm 1940.

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP