THỰC HÀNH CHÂN NGÃ LÀ TÌM THẤY HẠNH PHÚC

DR. PAUL BRUNTON

Trích: Maharichi Ngọn Đồi Thiêng Nguyên Tác: L’inde Secrete của Paul Brunton Dịch: Nguyễn Hữu Kiệt Ảnh nguồn Internet

MAHARICHI NGỌN ĐỒI THIÊNG

—🌼🌺💖–

Tôi hỏi Ngài Ramana Maharishi:
– “Sự tìm Chân Ngã có dễ thực hành hay không?”
– “Tự nhiên là dễ. Sự quán xét nội tâm có thể đi ngược trở lại đến chỗ mà Phàm Ngã lần lần tiêu tan”.
– “Chừng đó thì còn lại cái gì? Con người sẽ rơi vào một trạng thái vô ý thức, hay đần độn chăng?”
– “Không bao giờ. Chừng đó con người sẽ đạt tới một trạng thái tâm thức bất diệt, và một sự Minh triết do bởi sự thức tỉnh của Chân Ngã, tức là bản tánh chân thật của con người”.
– “Và ý thức về bản ngã phải chăng cũng là do cái bản tánh chân thật đó mà ra?”
– “Ý thức về bản ngã thuộc Phàm Ngã của con người, nó thuộc về phần xác thể và trí óc. Khi con người lần đầu tiên nhận thức được Chân Ngã, thì có một cái gì xuất hiện từ những chỗ thâm sâu bí ẩn của tâm hồn và xâm chiếm lấy y. Cái đó vốn là một cái gì trường tồn, vô tận và thiêng liêng. Người ta gọi nó bằng nhiều danh từ khác nhau, chẳng hạn như Cõi trời, Linh hồn, Niết Bàn, người Ấn Độ giáo gọi là Giải Thoát, anh cũng có thể gọi nó là gì tùy ý. Dầu sao, khi điều đó xảy ra, thì con người không phải là mất, mà y tự tìm thấy”.
Câu sau này làm tôi nhớ lại những lời nói của đức Jésus, đến ngày nay vẫn còn là một điều bí hiểm đối với nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo: “kẻ nào tham sống, thì sẽ chết; còn kẻ nào ghét sống thì sẽ gìn giữ được sự sống toàn vẹn” (Celui qui aimesa vie la perdra, et celui qui hait sa vie la conservera).
Sự tương hợp giữa hai ý tưởng đó thật là rõ rệt! Và nhà hiền triết Ấn Độ này đã đạt tới Chân Lý đó bằng sự thiền định suy tư, mà không cần đến sự dẫn chứng với câu nói của đức Jésus. Tôn Sư nói tiếp:
– “Ngày nào mà con người vẫn chưa bước vào con đường đó, thì sự nghi ngờ, băn khoăn sẽ còn theo sát một bên y.”
– “ Các bậc vua chúa, các nhà chính trị, tưởng rằng họ cai trị thế gian nhưng nếu họ tự xét mình, họ sẽ phải thú nhận rằng họ chưa biết tự trị lấy mình. Cái quyền năng thật sự là ở trong tay người nào đã tiến sâu vào những chỗ bí ẩn thâm sâu của linh hồn.
“Các nhà bác học Âu Tây cặm cụi suốt đời để sưu tầm học hỏi và hiểu biết, sẽ phải cúi đầu khi người ta hỏi họ đã giải quyết được vấn đề bí hiểm của đời người, và đã tự biết mình hay chưa? Như vậy, tìm biết sự vật bên ngoài thế gian có ích gì, nếu chúng ta không biết gì cả về sự diễn biến trong người chúng ta và không biết rằng chúng ta là ai? Chúng ta thường trốn tránh không muốn nghĩ tới điều đó. Tuy nhiên có cái học nào đáng cho chúng ta chú trọng hơn nữa?”
– “Phải chăng vì đó là một công việc rất khó, hầu như quá sức của con người?”
Câu hỏi của tôi làm cho Ngài hơi nhún vai:
– “Phải thử rồi mới biết. Sự khó khăn không phải là quá lớn lao như anh tưởng”.
– “Đối với người Âu như chúng tôi, là những người hoạt động và thực tế, thì sự quán xét nội tâm một cách vô tư đó thật là …” Tôi còn do dự, không biết phải kết thúc câu nói ra sao. Ngài đã nói tiếp:
– “Sự hiểu biết Chân Lý là một hoạt động tâm linh, dầu cho đối với người Ấn hay người Âu cũng vậy. Tôi nhìn nhận rằng nó không phải dễ dàng đối với người còn hoạt động ở thế gian, nhưng trong trường hợp nào cũng vậy, người ta có thể thành công. Điều cần thiết là tạo nên, bằng phương pháp tham thiền, một nguồn sinh hoạt nội tâm linh mà sau đó người ta chỉ cần duy trì, gìn giữ bằng thói quen và sự thực hành.
“Khi anh ngẫm nghĩ về câu hỏi: Tôi là ai? Khi anh bắt đầu hiểu rằng cái xác thân, hay trí não, hay dục vọng, không phải thật là ta, thì chừng đó anh sẽ có một thái độ rõ rệt đối với chính mình. Do đó, câu trả lời sẽ xuất hiện tự những chỗ thâm sâu cùng tột của bản thể, nó sẽ hiện ra như một cái phần thưởng, như một sự thực hiện thâm trầm và sâu sắc.
“Anh hãy tự biết mình và chừng đó chân lý sẽ chói rạng trong tâm hồn anh như một tia sáng mặt trời. Tâm trí anh sẽ tìm thấy sự yên tịnh, một nguồn an lạc vô biên sẽ tràn ngập cõi lòng anh bởi vì thực hiện Chân Ngã tức là tìm thấy Hạnh Phúc. Hai danh từ đó, Chân Ngã và Hạnh Phúc, vốn đồng nghĩa. Tất cả những sự nghi ngờ của anh sẽ tiêu tan, khi mà anh đạt tới sự thực hiện Chân Ngã một cách trực tiếp”.
Nói đến đây, Tôn Sư quay đầu lại và nhìn thẳng về một điểm ở đằng xa, ở phía tường bên kia. Tôi hiểu rằng cuộc đàm thoại đã chấm dứt, và Ngài nói như thế đã đủ. Tôi cũng lấy làm hài lòng vì đã được yết kiến Ngài thêm một lần nữa.
Thời giờ thấm thoát trôi qua. Ngày vĩnh biệt đức Tôn Sư đã đến.
Chiều hôm ấy, tôi bước vào nhà Tịnh Xá, hai giờ trước khi cỗ xe bò đến để chở tôi lên đường và từ giã nơi đạo viện êm đềm ở chốn rừng hoang u tịch này.
Không khí trong phòng phảng phất mùi hương trầm thơm ngát. Đức Maharichi ngồi bán già trên divan, chăm chú nhìn tôi, không nói một lời. Tôi nhận thấy bên cạnh Ngài cái vò nước bằng đất nung và cây gậy trúc. Đó là tất cả vật sở hữu của Ngài trên mặt đất, nó là sự trả lời hùng biện cho cái bản năng chiếm hữu, cho sự khao khát của cải của người thế gian!
Bỗng nhiên, đôi mắt mở lớn của Ngài lại đứng tròng, toàn thân Ngài lại trở nên ngay ngắn như pho tượng, đầu Ngài hơi lắc lư qua lại vài cái trước khi ngừng hẳn. Trong vài phút, đức Maharichi lại đắm chìm trong cơn nhập định mà tôi đã thấy khi mới đến. Có người bước lại một bên tôi và kề tai nói nhỏ:
“Đức Maharichi đang nhập định. Chúng ta không nên nói chuyện”.
Chung quanh, mọi người đều im lặng; sự im lặng càng trở nên thâm trầm với giờ phút trôi qua. Tôi tự thả trôi theo một sự sùng kính thiêng liêng nó xâm chiếm lấy tôi một cách khó cưỡng lại được, chẳng khác nào như con ong bị hấp dẫn bởi mùi hương của cái hoa! Một mãnh lực vô hình, huyền bí phảng phất trong không khí của gian phòng và tôi không còn nghi ngờ gì nữa rằng luồng mãnh lực đó chính là từ đức Maharichi tỏa ra. Đôi mắt Ngài chiếu sáng một cách đặc biệt. Tôi cảm thấy trong mình tôi có những cảm giác lạ lùng. Cặp mắt sáng rực như tia lửa của Ngài dường như soi thấu vào những chỗ bí ẩn nhất của tâm hồn tôi. Tôi nhận định rằng Ngài nhìn thấy rõ hết tất cả những gì của tôi: tư tưởng, tình cảm, dục vọng, và tôi hoàn toàn bất lực trước quyền năng của Ngài. Trước hết, tôi cảm thấy khó chịu, vì tôi biết rằng không có gì trong cuộc đời dĩ vãng của tôi mà Ngài không nhìn thấy, và tôi không thể dấu diếm gì cả. Thật ra, tôi cũng không nghĩ đến sự dấu diếm, che đậy cuộc đời quá khứ của tôi, vì tôi cảm thấy một cách mơ màng rằng sự quan sát rạch ròi tỉ mỉ đó sẽ có ích cho tôi trong tương lai.
Và như vậy, tất cả những sự yếu đuối lầm lạc của tôi trong dĩ vãng, tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của tôi đều hiển hiện rõ ràng trước cặp mắt của Ngài. Nhưng đồng thời, tôi cũng được an tâm, ví như thế chắc Ngài cũng vì sẽ thấy luôn cả tấm lòng mộ Đạo của tôi, nó thúc giục tôi từ giã quê hương, gia đình, lánh xa cuộc đời phồn hoa tục lụy, và lao mình vào chốn rừng sâu núi thẳm để đi tìm những người như Ngài. Lần đầu tôi cảm giác được rõ ràng cái luồng thần giao cách cảm giữa đôi mắt đứng tròng của Ngài và cái nhìn non nớt của tôi, nó như dẫn dụ và mời mọc tâm hồn tôi hãy cùng chia sẻ cái trạng thái an tịnh vô biên và trường cửu của Ngài. Cái niềm an tịnh lạ lùng đó cũng đi kèm với một cái cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng và an lạc tuyệt vời không có gì sánh kịp. Thời gian dường như ngừng lại. Tâm hồn tôi đã trút được gánh nặng của những điều thắc mắc ưu phiền. Dường như kể từ nay, tôi đã vĩnh viễn được che chở, không còn bị những nỗi đắng cay của sự thất bại, và những nỗi đau buồn của những dục vọng không được thỏa mãn. Tôi nhận định một cách thâm sâu rằng cái bản năng nó bắt buộc con người hãy ngẩng mặt lên và hãy hy vọng trong sự tuyệt vọng, nó nâng đỡ con người trong những giờ phút tối tăm, đau khổ là một cái bản năng không bao giờ lầm lạc, vì nó vốn thuộc về tính chất liêng thiêng. Trong cái im lặng thần tiên đó, mà đồng hồ ngừng chạy, thời gian ngừng trôi; mà những nỗi đau khổ và lầm lạc của dĩ vãng đã lùi lại vào đúng chỗ của nó, thì hình như toàn thân của tôi hỗn hợp làm một với đức Tôn Sư, hình như tôi đã cảm được sự minh triết đến mực tột độ, và cái nhìn sáng rực của Ngài có cái quyền năng giống như một chiếc đũa thần nó gợi cho ta thoáng thấy một cõi giới siêu linh đầy những sự huy hoàng huyền diệu bất ngờ!
Đã bao lần tôi lấy làm ngạc nhiên mà thấy những đệ tử của Ngài trong nhiều năm sống tại đạo viện, hằng ngày vẫn cứ đến ngồi dưới chân đức Tôn Sư, cũng chẳng nghe được bao nhiêu lời dạy bảo của Ngài, mà tự bằng lòng với cuộc đời trầm lặng như thế, không có một sự hoạt động nào bên ngoài để tự nâng đỡ hay giải trí! Bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu một cách trực tiếp, do kinh nghiệm cá nhân của tôi, rằng mỗi ngày trôi qua đều đem lại cho họ một phần thưởng tuyệt diệu!
Sau nhiều giờ ngồi tịnh tâm trong gian phòng im lặng như tờ, có người lẳng lặng đứng dậy và rón rén nhẹ bước đi ra. Một người khác cũng đứng dậy, rồi một người nữa, và trong giây lát, chỉ còn có một mình tôi ngồi đối diện với đức Maharichi. Khi đó, kìa! Lạ thay! Đôi mắt của Ngài cử động, Ngài thu tầm nhỡn quang lại giữa đôi mí hé mở. Tôi cảm thấy dường như thân mình tôi trở nên nhẹ nhàng và cùng với Ngài bay bổng trong không gian vô tận. Đó là một giờ phút quyết liệt. Nhưng tôi do dự, và sau cùng tôi phải gián đoạn trước tiên cái giây phút huyền diệu đó, và tức khắc tôi đã trở về với thể xác của tôi. Cả Tôn Sư và tôi, không ai nói một lời nào. Tôi bèn thu thập tinh thần, nhìn đồng hồ trên vách và lẳng lặng đứng dậy: giờ lên đường đã sắp đến.
Tôi cúi đầu từ giã đức Tôn Sư. Ngài cũng nghiêng đầu đáp lại. Tôi thốt ra vài lời cảm ơn. Ngài nhận lãnh mà không nói gì. Tôi còn do dự, bước chân trên ngưỡng cửa, nhưng bên ngoài, tiếng reo của chiếc lục lạc đồng trên cỗ xe bò đã vọng đến tai tôi, và tôi chắp hai tay lại một lần cuối cùng để chào vĩnh biệt.
—🌼🌺💖–

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. GẶP GỠ NHỮNG BẬC CHÂN TU ĐẠI ĐỨC
  2. HOÀN THIỆN ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC VÀ TINH THẦN
  3. AI CẬP HUYỀN BÍ – TÔI GẶP MỘT VỊ CHÂN SƯ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP