KOGA FUMITAKE - KISHIMI ICHIRO
Trích: Dám Bị Ghét; Nguyễn Thanh Vân dịch; NXB. Lao Động
Sokrates và Adler
Chàng thanh niên: Tôi hiểu rồi. Vậy tôi sẽ kể câu chuyện của một người bạn khác. Trong số bạn bè tôi, có một cậu tên Y, lúc nào cũng vui vẻ có thể nói chuyện thoải mái với cả những người mới gặp lần đầu. Cậu ấy như đóa hoa hướng dương rực rỡ, được mọi người yêu quý, có thể khiến mọi người phì cười trong tích tắc. Ngược lại, tôi kém khoản giao tiếp, khi nói chuyện với người khác luôn cảm thấy không được tự nhiên. Và theo thuyết mục đích của Adler, thầy cho rằng “con người có thể thay đổi”?
Triết gia: Đúng vậy. Cả tôi, cả cậu, con người ai cũng có thể thay đổi.
Chàng thanh niên: Vậy thầy cho rằng tôi có thể trở thành người giống như Y không? Tất nhiên, tôi thực lòng muốn trở nên giống như Y.
Triết gia: Ở giai đoạn này, có lẽ đó là yêu cầu rất khó khăn.
Chàng thanh niên: Ha ha, cuối cùng thì cũng lòi đuôi rồi nhé! Nghĩa là thầy rút lại quan điểm của mình?
Triết gia: Không. Không phải như vậy. Điều đáng tiếc là cậu vẫn hầu như chưa hiểu được tâm lý học Adler. Hiểu chính là bước đầu tiên dẫn đến thay đổi.
Chàng thanh niên: Vậy thì chỉ cần hiểu tâm lý học Adler là gì tôi sẽ có thể trở thành người giống như Y?
Triết gia: Sao cậu lại cần đáp án gấp vậy? Đáp án không phải là điều ai đó nói cho, mà là điều mình phải tự tìm ra. Câu trả lời người khác đưa cho chẳng qua chỉ là điều trị triệu chứng, chẳng có giá trị gì hết. Chẳng hạn, Sokrates không để lại một cuốn sách nào do chính tay ông viết. Người ghi chép và chỉnh lý lại những cuộc tranh luận say sưa trên đường của Sokrates với những người dân thành Athenai, đặc biệt là với thanh niên, sau đó viết lại quan điểm triết học của ông thành trước tác là Platon, học trò của ông. Adler cũng là người không quan tâm tới hoạt động viết lách mà thích đối thoại với mọi người trong quán cà phê ở Vienna hoặc tranh luận tại những nhóm thảo luận nhỏ. Họ đều không phải là những trí thức ngồi ghế bành.
Chàng thanh niên: Ý thầy là cả Sokrates và Adler đều muốn thông qua đối thoại để khơi gợi mọi người?
Triết gia: Đúng vậy. Mọi băn khoăn trong lòng cậu sẽ dần biến mất trong quá trình diễn ra cuộc đối thoại này. Và chính cậu sẽ thay đổi. Không phải do những lời tôi nói mà nhờ chính bản thân cậu. Tôi muốn thông qua đối thoại để chỉ đường cậu đến với đáp án, chứ không muốn cướp đi quá trình quý giá mà bản thân cậu tự phát hiện ra câu trả lời.
Chàng thanh niên: Ý thầy là hai chúng ta cùng tái hiện lại cuộc đối thoại giống như Sokrates hoặc Adler đã làm? Tại thư phòng nhỏ này?
Triết gia: Cậu không bằng lòng à?
Chàng thanh niên: Có gì mà không bằng lòng cơ chứ. Đó là điều tôi muốn! Chúng ta hãy tiếp tục cho đến khi thầy rút lại quan điểm của mình hoặc tôi phải quỳ gối chấp nhận
Cậu không phải mãi “như thế này” mà được
Triết gia: Vậy chúng ta hãy trở lại cuộc tranh luận. Cậu muốn trở thành người vui vẻ giống như Y phải không?
Chàng thanh niên: Nhưng thầy đã gạt phăng đi, nói rằng đó là việc rất khó khăn. Thực tế đúng là như vậy. Tôi chỉ hỏi để làm khó thầy thôi, chứ tự tôi cũng biết là mình không thể trở thành một người như thế.
Triết gia: Tại sao cậu lại : nghĩ vậy?
Chàng thanh niên: Đơn giản thôi. : Vì đó là sự khác nhau về tính cách, hay nói cụ thể hơn là sự khác nhau về khí chất.
Triết gia: Haha
Chàng thanh niên: Chẳng hạn như thầy đang sống giữa cả rừng sách như thế này. Thầy liên tục đọc những cuốn sách mới, tiếp thu những tri thức mới. Nói cách khác, thầy đang không ngừng tích lũy tri thức. Càng đọc nhiều sách, lượng tri thức càng tăng. Thầy có giá trị quan mới, liền cảm thấy bản thân mình thay đổi.
Nhưng, thưa thầy. Tiếc là dù có tích lũy bao nhiêu kiến thức thì nền tảng là khí chất và tính cách cũng sẽ không thay đổi! Nếu nền móng vốn đã nghiêng lệch, kiến thức cũng chẳng ích lợi gì. Những tri thức tích lũy cũng sẽ nghiêng theo mà đổ ụp, đến lúc nhận ra thì đã trở lại thành mình như trước! Tư tưởng Adler cũng giống vậy. Dù tích lũy bao nhiêu tri thức về học thuyết của ông ta thì tính cách của tôi cũng sẽ không thay đổi. Kiến thức được tích lũy, rồi sẽ lại bị gạt bỏ thôi.
Triết gia: Vậy, để tôi hỏi câu này. Rốt cuộc tại sao cậu lại muốn trở thành người như Y? Dù là Y hay ai đi nữa, tóm lại là cậu muốn trở thành một người khác. “Mục đích” của việc đó là gì vậy?
Chàng thanh niên: Lại là chuyện “mục đích” sao? Lúc nãy tôi đã nói rồi, tôi quý Y và cho rằng nếu mình trở thành người giống như cậu ấy thì sẽ hạnh phúc
Triết gia: Cậu cho rằng nếu trở thành người giống như cậu ấy thì sẽ hạnh phúc. Nghĩa là bây giờ cậu không hạnh phúc à?
Chàng thanh niên: Chuyện đó…!!
Triết gia: Giờ cậu không thấy hạnh phúc, bởi vì cậu không yêu chính bản thân mình. Và cậu mong muốn “biến thành người khác” như một phương tiện để có thể yêu bản thân. Vì mục đích đó, cậu muốn trở thành người giống như Y, và từ bỏ bản thân mình của hiện tại. Tôi nói vậy có đúng không?
Chàng thanh niên: … Vâng, đúng là như vậy! Tôi thừa nhận là tôi ghét chính mình! Tôi ghét cái bản thân ngay lúc này đang thích thú đàm luận về một thứ triết học lỗi thời với thầy! Tôi cũng ghét cái bản thân không thể không làm điều đó.
Triết gia: Không vấn đề gì. Chẳng mấy ai được hỏi có yêu bản thân mình không, mà lại có thể hãnh diện trả lời là “yêu” đâu.
Chàng thanh niên: Còn thầy thì sao? Thầy có yêu bản thân mình không?
Triết gia: Ít ra tôi cũng không muốn trở thành người khác, tôi chấp nhận “bản thân của hiện tại”.
Chàng thanh niên: Chấp nhận “bản thân của hiện tại”?
Triết gia: Nghe này, dù cậu có muốn trở thành Y đến thế nào thì cậu cũng không thể tái sinh thành Y được. Cậu không phải là Y. Cậu cứ là cậu là được rồi. Nhưng tôi không nói cậu phải mãi như thế này. Nếu cậu không thấy hạnh phúc, chắc chắn không thể cứ “như thế này” mà được. Cậu không được đứng yên mà cần phải không ngừng tiến lên phía trước.
Chàng thanh niên: Quả là những lời khó nghe nhưng đúng là như vậy. Chắc chắn không thể cứ thế này được. Tôi cần phải tiến lên phía trước.
Triết gia: Tôi lại xin dẫn lời của Adler. Ông ấy nói thế này. “Điều quan trọng không phải anh được trao cho cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào.” Cậu muốn trở thành Y hay trở thành một ai đó là vì cậu chỉ để tâm đến “mình được trao cho cái gì”. Đừng làm vậy, mà hãy tập trung nghĩ xem “mình sẽ sử dụng cái được trao cho như thế nào”