LẼ CÔNG BẰNG LÀ GÌ? – TIẾN SĨ MORTIMER J.ADLER

DR. MORTIMER J. ADLER

Những Tư Tưởng Lớn Từ Những Tác Phẩm Vĩ Đại; Phạm Viêm Phương và Mai Sơn (Dịch và chú giải); NXB. Văn Hoá Thông Tin – 2004

Thưa tiến sĩ Adler,
Liệu chúng ta có thể nhất trí với nhau về bản chất của lẽ công bằng không? Những người tin vào chủ nghĩa xã hội và những người tin vào chủ nghĩa tư bản rất bất đồng với nhau về chuyện thế nào là công bằng và bất công. Một số người đã xem chế độ quân chủ chuyên chế là hình thức chính quyền công bằng đến mức lý tưởng, trong khi những người khác xem nó là hoàn toàn bất công. Khi nói về nền dân chủ thì cũng có hai ý kiến như vậy. Phải chăng ý nghĩa của lẽ công bằng là một vấn đề tùy thích cá nhân, hay phải chăng đã có một ý nghĩa phổ quát nào đó mà chúng ta có thể đồng ý?
J.M.

J.M. thân mến,
Câu hỏi của bạn về công lý cũng nêu lên cùng một loại vấn đề như câu hỏi về chân lý mà tôi đã thảo luận ở Câu hỏi 1. Thật dễ khi nói chuyện chân lý hoặc lẽ công bằng là gì về mặt lý thuyết, nhưng thật khó mà xác định cái gì là đúng và công bằng trong một trường hợp cụ thể trước mắt chúng ta. Chúng ta không được lẫn lộn câu hỏi, “Công bằng là gì?” với câu hỏi, “Hành vi cụ thể này có công bằng không?”

Có hai châm ngôn đơn giản chỉ rõ cốt tủy của lẽ công bằng. Thứ nhất là, “Phần của ai trả về cho người nấy”. Đây là nguyên lý nổi tiếng được phát biểu trong tác phẩm Republic của Plato và trong phần mở đầu của công trình san định luật La Mã của Justinian I[43]. Thí dụ, bạn mượn của ai đó 100 đôla và hứa hoàn trả. Bạn nợ khoản đó với người đã cho bạn vay. Số tiền thực sự là của ông ta, chứ không phải của bạn, tuy lúc này bạn có quyền sử dụng nó. Hoàn trả nợ là việc công bằng nên làm. Đó chính là phần của ai trả về cho người nấy. Từ chối không chịu trả nợ là bất công. Đó là giữ cho mình cái thuộc về người khác.

Châm ngôn thứ nhì là, “Cư xử bình đẳng với người đồng đẳng và cư xử bất bình đẳng với người bất đồng đẳng theo mức độ bất đồng đẳng của họ.” Nguyên lý cơ bản về bình đẳng trước pháp luật đã phát sinh từ châm ngôn này. Hãy xem xét một thí dụ đơn giản về việc áp dụng khái niệm này.

Bạn nói với hai đứa con của mình rằng nếu chúng không vâng lời ở khía cạnh nào đó bạn sẽ phạt chúng. Cả hai đều không vâng lời bạn, cùng làm một chuyện y hệt nhau trong cùng những tình huống giống nhau. Nhưng bạn lại phạt đứa này và tha đứa khác. Trẻ con rất nhạy cảm về vấn đề công bằng trong khía cạnh này, và bạn có thể chắc chắn rằng đứa con bị phạt sẽ nói, “Không công bằng. Ba phạt con mà lại tha cho nó.” Ngay cả những người nhỏ tuổi cũng biết rằng lẽ công bằng bao hàm việc trừng phạt như nhau đối với những vi phạm như nhau, và tưởng thưởng như nhau cho những công trạng như nhau. Chúng rất bất mãn đối với sự bất công trong khen thưởng và trừng phạt.

Một cuộc phân tích rốt ráo khái niệm lẽ công bằng sẽ cho thấy có nhiều hàm nghĩa và độ tế vi, nhưng hai châm ngôn đơn giản trên là rất căn bản. Nếu bạn nói rằng một người công bằng là người tuân thủ pháp luật, hoặc là người đối xử công bằng với người khác và không làm hại gì họ, thế là bạn đã thừa nhận châm ngôn thứ nhất, “Phần của ai đem về cho người nấy.” Nếu bạn nói rằng một điều luật hay một chế độ chính trị nào đó là công bằng, tức là ý bạn muốn nói nó đối xử bình đẳng với những người đồng đẳng và cũng đem lại cho mỗi người phần của họ.

Nhưng bạn có thể hỏi “Phần của mỗi người là gì? Làm sao chính quyền xác định được điều này?” Về chuyện này, chúng ta phải trở lại với khái niệm về luật và các quyền tự nhiên. Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ[44] nói rằng một chính quyền công bằng tôn trọng những quyền tự nhiên như quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Quyền được tự do chính trị chẳng hạn, có liên quan tới quyền bầu cử cho công dân, một quyền mà theo lẽ công bằng thì phải trao cho bất kỳ ai không bị thiếu tiêu chuẩn vì lý do còn ở tuổi vị thành niên, bệnh tâm thần, hoặc bị kết án. Từ đó, bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ là bất công khi nó hạn chế quyền bầu cử cho một số người hoặc không công nhận quyền công dân của một số người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, màu da, vân vân. Hiển nhiên nếu một nhà nước chuyên chế là nhà nước đã vi phạm những quyền tự nhiên của con người thì nó không hề công bằng, vì nó không đem lại cho người dân những gì thuộc về phần của họ. Ở Liên Xô trước kia cho rằng họ công bằng trong việc phân phối lợi tức. Câu khẩu hiệu nổi tiếng của Marx: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” đã được nêu ra để hô hào cho một chế độ tưởng thưởng tương xứng với công lao. “Dành cho mỗi người điều họ đáng được hưởng” là một cách khác để phát biểu rằng người đóng góp nhiều phải nhận được nhiều, người đóng góp ít sẽ nhận được ít. Cho dù ở chừng mực nào thì sự phân phối của cải cũng được xác định theo cách đó, nó có tính chất của một sự phân phối công bằng. Nhưng hiểu được điều này không giúp bạn xác định được sự đóng góp tương đối của mỗi cá nhân. Điều này chứng tỏ luận điểm mà tôi đã trình bày từ đầu – rằng thật dễ khi phân tích lẽ công bằng có nội dung gì, nhưng thật khó nói rõ công bằng là gì trong những trường hợp cụ thể.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. VỊ TRÍ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI

Bài viết mới

  1. TIN TƯỞNG RẰNG NHỮNG THỬ THÁCH ĐỀU CÓ THỂ VƯỢT QUA
  2. TÔI CÓ BIẾT YÊU THỰC SỰ KHÔNG
  3. HỌC CÁCH SÁNG TẠO TRONG HỖN LOẠN