MẠN ĐÀ LA – NỐI KẾT XƯA VÀ NAY

Tác giả: Hợp Đạo

  1. Nối kết Mạn-đà-la con

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng biết vẽ một vòng tròn? Mạn-đà-la cũng giống như một vòng tròn được vẽ bằng tình yêu thương. Trong những ngày cuối tháng 10, chúng tôi đã được cùng nhau vẽ nên vòng tròn tuyệt vời ấy.

Chúng tôi, có người ở Nam, có người ở Bắc, có người chưa gặp nhau lần nào. Vậy mà, chỉ qua ánh mắt, chúng tôi tự nhiên trao nhau những cử chỉ như người một nhà, không hề xa lạ.

Tiếng chuông chùa Đậu vang lên, không ai bảo ai, chúng tôi ai nấy đều tự động ngồi xuống thiền toạ. Trước nhục thân của các vị thiền sư, dòng năng lượng tâm linh dường như chảy từng giọt vào mỗi tế bào trong cơ thể chúng tôi. Đã có những giọt nước mắt hạnh phúc lăn xuống đôi má hồng của cô gái trẻ từ Sài Gòn vô, đã có những khoảnh khắc an nhiên tự tại trong tâm mỗi người tự cảm nhận được, đã có những cái cúi lạy kết nối tâm ta với tâm của các vị Chư Tổ. Tiếng chuông kết thúc, mọi người vãn cảnh chùa, đã có những bàn chân ngày nay bước đi trên hàng gạch cổ kính xưa.

Chúng tôi tiếp tục rảo bước đến các ngôi chùa. Chúng tôi chính là vòng tròn Mạn-đà-la con, được nối kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Vòng tròn Mạn-đà-la này di chuyển đến đâu, dòng năng lượng yêu thương được tưới tẩm đến đó. Dưới ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào từng khuôn mặt thân thương, câu chú Om Mani Padme Hum vang lên, chúng tôi cùng cúi mình nâng niu múc những giọt nước ngọt lành từ ngôi giếng Man-Nương ở chùa Tổ. Vòng tròn của giếng, vòng tròn chúng tôi đứng xung quanh giếng, vòng tròn của ánh mặt trời, của gió, của đất, của nước…tất cả như hòa làm một.

Chiều muộn, khi mặt trời đỏ rực, lặn dần sau núi, chúng tôi đến chùa Tiêu. Bước chân vào nhà Tổ, tấm lưng còng đang đều đặn tay mõ, tay chuông hiện ra. Trước mắt tôi, có phải là một vị Phật sống đang ngồi tụng kinh? Tôi cứ tưởng mình đang lạc vào một cõi Tịnh độ nào đó? Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng,…nhịp nhàng vang lên như một bài ca mà năng lượng của nó làm cho bất cứ ai, dù cứng rắn nhất cũng phải mềm lòng lại mà quỳ xuống sụp lạy cúi đầu.

  1. Nối kết Mạn-đà-la mẹ

Mạn-đà-la con tung tăng đến gặp Mạn-đà-la mẹ. Mẹ con gặp nhau, ôm nhau quấn quýt không tách rời. Mỗi bước chân chúng tôi di chuyển là mỗi vòng năng lượng của Mạn-đà-la con được thông giao với mỗi vòng năng lượng của Mạn-đà-la mẹ.

Những ngày cuối của chuyến hành hương, chúng tôi đến với mảnh đất thiêng Yên Tử. Già có, trẻ có, chân yếu có, chân khỏe có…. cùng “dìu nhau” leo núi bằng năng lượng của tình yêu thương. Chúng tôi vừa bước vừa hòa vào tiếng chú Lăng Nghiêm, mỗi bước chân, mỗi nhất tâm, mỗi ánh mắt động viên nhau bước tiếp, vậy mà tất cả chúng tôi già cả trai gái lớn bé, đều “chinh phục” được đỉnh núi cao nhất.

Mây trắng, nắng vàng, núi xanh….trên đỉnh thiêng Yên Tử, những tấm y áo choàng màu vàng, màu lam từ trong phương Nam, nay đã đứng đây, trên mảnh đất phương Bắc xa xôi này. Hương thơm của nhang, của núi, của mây quyện vào tiếng tụng chú Đại Bi, hùng hồn vang lên. Tại đây và bây giờ, đất và trời gặp nhau, cảnh và người là một.

Tính lặng đất trời chung một cõi

Tâm không trăng gió trải muôn phương.

Nhờ có tính lặng đó, chúng ta cùng bên nhau, cùng chung một cõi, cùng chung một nhà, cùng chung một vòng tròn Mạn-đà-la. Tâm Không đó, trải khắp muôn nơi, muôn nẻo, muôn phương, không biên giới, không trụ vào bất cứ điều gì.

Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của ngài Trần Nhân Tông:

Ơn Hán tràn trề mưa khắp nơi

Chiếu son phượng ngậm xuất mây hồng

Đất ở chốn xa đều hòa khí

Bụi chiến sông trời rửa sạch rồi.

Đều bảo thư vua chỉ mươi dòng

Hơn cả đàn cầm với năm dây

Trời đất thương đều không nam bắc

Lo gì mây sấm lại gian truân.

Trong đó, câu thơ: “Trời đất thương đều không nam bắc” của ngài thật hợp với không khí của đoàn chúng tôi. Nhờ biết đến Phật giáo, chúng tôi nam bắc không phân biệt, cùng về đây hành hương để dần nhận ra Phật nơi chính mình. Phải chăng chúng tôi cũng chính là những vị Bồ tát….nên mới có tính cách dễ thấy nhất của một Bồ tát là trí huệ và từ bi. Từ bi khởi phát cùng trí huệ, chúng tôi cứ tự nhiên yêu thương nhau mà chẳng cần phải tính toán. Thế thì trong câu thơ “trời đất thương đều không nam bắc”, đã nói lên hai tính cách ấy . “Không nam bắc” (vô nam bắc) bởi chúng tôi không phân biệt, không thấy có sự phân cách giữa người nam với người bắc, giữa anh này là tổng giám đốc ngân hàng với anh kia là phụ hồ, giữa sếp hay nhân viên, giữa già hay trẻ, bởi chúng tôi đều bằng nhau.

Dưới tháp Huệ Quang, ngài Trần Nhân Tông như sống lại với đôi mắt đặc biệt trí huệ đang nhìn chúng tôi tạo nên vòng tròn Mạn-đà-la ngày càng rộng, ngày càng chặt. Vừa tụng chú, vừa đi vòng quanh tháp, chúng tôi cảm nhận được dòng năng lượng tâm linh xưa và nay được nối kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chúng tôi đã tự mình vẽ nên vòng tròn nối kết yêu thương, nối kết Mạn-đà-la con với Mạn-đà-la mẹ, nối kết xưa và nay…. Vòng tròn đó vô thủy vô chung mãi mãi không bao giờ ngắt quãng.

Bình luận


Bài viết mới

  1. SỐNG CUỘC ĐỜI MÌNH
  2. BẢY BÍ QUYẾT SỐNG HẠNH PHÚC
  3. BỐN KHÍA CẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG ĐÍCH THỰC