TÂM KHÔNG THỂ CHỨNG BIẾT QUA LÝ THUYẾT

LONGCHEN RABJAM

Trích: Phật Tâm; NXB Thiện Tri Thức.

Nó sẽ không thể chứng biết bởi một người kiêu mạn

Người chỉ hiểu biết những lời nói của những lý thuyết sẽ không thấu hiểu ý nghĩa thuần khiết của tâm “như nó là”. Những người ấy nghiền ngẫm những ý niệm so đo tính toán, giống nhau, khác nhau v.v…, quạt nhiên liệu của nhiễm ô phiền não với ống gió của những tà kiến, thắp ngọn lớn của khổ đau đủ loại, và đốt cháy tâm thức họ và những người khác. Sự kiêu mạn của họ bằng trái núi…

Những giáo lý về bản tánh không giống như những cái (gọi là) giáo lý này theo cách thức tạo tác những mạng lưới của tưởng tượng (Kun-bTags), chúng lại được nhân lên gấp ngàn lần bởi những người khác. Bản tánh của tâm và của những hiện tượng vốn là thanh tịnh. Bởi thế, không có gì để lập hay bỏ…

Tất cả mọi hiện tượng trong bản tánh của chúng là bất nhị và thanh tịnh. Nếu bạn chứng ngộ cái thấy thấu suốt về tinh túy tối hậu (Ngo-Bo-Nyid) nó là sự không hiện hữu trong thực tánh của nó, bấy giờ bạn chứng ngộ trạng thái tự nhiên hiện tiền. Nếu bạn chứng ngộ tâm, tự do với những đến và đi, bấy giờ không có chỗ nào cho những nhiễm ô phiền não khởi sanh và diệt mất. Nhờ đó bạn chứng ngộ rằng những cái đối trị và những nhiễm ô cần từ bỏ đều không hiện hữu như là hai, và chúng sẽ tự nhiên hoàn thiện trong nơi chốn tự nhiên của chính chúng…

Sự chứng đắc giải thoát bằng cách chứng ngộ điểm thiết cốt thì không nương dựa vào nhận thức về những đối tượng sự vật. Điều đó giống như khi bạn có một giấc mộng, nếu bạn nhận biết đối tượng và bản thân người tri giác (là một giấc mộng), bạn sẽ lập tức tự nhiên thức tỉnh (khỏi giấc mộng). Mặc dù những thừa khác khẳng định rằng giải thoát sẽ thành tựu bằng cách từ bỏ những đối tượng, (thì sự thật vẫn là) người ta vốn không bị trói buộc bởi những hình tướng của tâm và những đối tượng, mà chính là bị trói buộc nếu người ta luyến chấp vào chúng. Thế nên có dạy trong kinh điển rằng người ta cần từ bỏ sự nắm bắt và luyến chấp. Tilopa nói: “Những hình tướng không trói buộc con mà chính là những luyến chấp trói buộc con. Thế nên, Naropa, hãy cắt đứt những luyến chấp…”

Chỉ hình tướng thì không là gì để chối bỏ hay chấp nhận. Thế nên người ta phải không nắm bắt và luyến chấp (vào những đối tượng). Trừ khi chứng ngộ tâm là tinh túy vô sanh, lúc đó người ta không còn làm ra những truy cứu trí thức suốt mọi thời gian (về cái vốn là vô sanh). Bởi vì dù người ta có phân tích, không có cái gì nữa để thấu biết hơn là cái đã vốn có sẵn, và việc đó chỉ làm người ta phóng dật với sự ý niệm hóa.

Tâm Sẽ Không Được Chứng Biết Qua Những Phân Biệt Lý Thuyết

Thực nghĩa của bản tánh, cái Tâm, là tự do khỏi những ý niệm và diễn tả. Thế nên Tánh hay Tâm đó không thể được hiểu bởi những ý niệm và diễn tả. Nó không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu và nó không phải là những cực biên cũng không phải là ở giữa. Thế nên, trong nó không có cái gì để có thể chỉ ra như là những giáo điều. Nó là không phương diện, không chiều kích như bản tánh của không gian, và không rơi vào những khẳng định thiên chấp như là “đây là hệ thống của nó…”

Trong nó không có lời và chữ bởi vì thực nghĩa của những hiện tượng thì vượt khỏi những quan niệm và ý niệm, những cái này chỉ gây ra lầm lạc… Thế nên phải biết rằng tất cả hiện tượng là bình an, tự nhiên, thanh tịnh và chúng siêu vượt khỏi mọi tính chất của sự ý niệm hóa.

Thí Dụ để Minh Họa Rằng cái Nền Tảng Thì Không Hiện Hữu và Nó Không Được Chứng Biết Bằng Nghiên Cứu

Ý định tranh cãi về ý nghĩa của bản tánh vốn thoát khỏi (ý niệm về) trung tâm và các nhị biên là gì? Đó cũng giống như tranh cãi về màu sắc của đóa hoa sen trên bầu trời là vàng hay không vàng.

Những Giáo Huấn về Thiền Định do Trí Thức Tạo Ra Sẽ Làm Hư Bẩn (Tâm) Như Thế Nào

Qua tu tập thuộc về tạo tác những giai đoạn phát triển và thành tựu, bản tánh vốn tự nhiên hiện tiền từ vô thủy sẽ không được chứng ngộ mà sẽ bị làm lệch, và bản tánh vốn vượt khỏi những chối bỏ và chấp nhận sẽ không được thấy. Thế nên người ta cần đạt đến cái đại toàn thiện của bình đẳng hiện diện tự nhiên… Trong bản tánh không có con đường nào trong đó để tu hành.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỘC ĐỜI CỦA CÁC ĐẠO SƯ ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. SỰ CHỨNG NGỘ ĐẠT ĐẾN TỨC THỜI BỞI NYOSHUL LUNGTOG
  3. NHỮNG NGHIỆP BẤT THIỆN

Bài viết mới

  1. SỰ TIẾN HÓA CỦA TÂM HỒN
  2. CÁC LUÂN XA
  3. TẬN DỤNG TỐI ĐA THỜI GIAN