HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM
Trích: Bình An Trong Nhân Gian; NXB Thời Đại ;Công Ty Sách Thái Hà
Tôi không phải chuyên gia khoa học kỹ thuật, cũng không phải chuyên gia về lĩnh vực sinh lý, dinh dưỡng, phân tích tâm lý hay các vấn đề gia đình càng không phải chuyên gia quản lý doanh nghiệp; tôi là một nhà tu hành. Tôi xử lí, khai thông vấn đề dựa trên tinh thần Phật pháp. Đứng trên lập trường của tín đồ Phật giáo, tôi đem những kinh nghiệm tu học Phật pháp để xử lí các vấn đề về thân, tâm, hoàn cảnh môi trường cuộc sống nhằm đưa ra các giải pháp một cách chỉnh thể, cung cấp cho mọi người một số hướng dẫn mang tính nguyên tắc nhằm đạt được mục đích an thân, an tâm, an gia và an nghiệp.
I. Vậy chúng ta muốn ai được an thân, an tâm? Người biết cách làm cho người khác an tâm nhất định sẽ có cách để tự an tâm
1. Thực hành con đường của một vị Bồ-tát ắt phải tôn trọng người khác, nhờ tôn trọng người khác mà tâm an, thân an
Người bình thường trước tiên luôn yêu cầu an thân rồi mới yêu cầu an tâm, cũng có nghĩa là con người cho rằng cơ thể mình có được sự đảm bảo an toàn thì mới có thể an định nội tâm. Trước hết cần có sự đảm bảo an toàn cho bản thân mình, sau đó mới nghĩ đến những người khác trong xã hội.
Nhưng với người học theo Phật, lấy an tâm là nguyên tắc cơ bản để an thân, lấy việc làm người khác an ổn hoàn thành công đức tự an ổn bản thân, đây là quan niệm của một nhà tu hành theo đạo Bồ-tát.
Do sau khi tâm đã an định, thân thể cũng tự nhiên an định. Tâm lý lành mạnh, cho dù thân thể có bệnh tật thì vẫn được coi là một người khỏe mạnh; nếu tâm lý không lành mạnh, cho dù cơ thể khỏe mạnh thì người này vẫn là người có vấn đề, đều có thể tạo thành nỗi lo lắng cho gia đình, cho xã hội.
Nếu bất kỳ lúc nào, bất cứ nơi đâu bạn đều nghĩ đến sự an toàn, an định, hạnh phúc và lợi ích của người khác trước thì bạn nhất định là một người rất an định, nhờ đó người thân, bạn bè thân thiết của bạn thấy được sự an toàn.
Thế nên, người tu hành theo đạo Bồ-tát phải quên mình vì người, an tâm để an thân. Làm thế nào để an tâm? Điều quan trọng nhất là khiến cho tâm của chúng ta không tiếp nhận mặt tiêu cực của hoàn cảnh môi trường, cũng không vì tâm niệm lệch lạc của một cá nhân làm ảnh hưởng đến môi trường xã hội, đó chính là “bảo vệ môi trường tâm linh” mà Pháp Cổ Sơn đã đề xướng.
Làm thế nào an thân? Đó là phải thực hành “gìn giữ lễ nghi trong giao tiếp giữa người với người” mà Pháp Cổ Sơn đã nêu ra, trong đó bao gồm: phép lịch sự từ trong tâm; phép lịch sự từ trong hành vi cử chỉ của thân thể và phép lịch sự trong lời nói. Như vậy, yêu cầu chúng ta từ ngôn ngữ, thân thể cho đến hành vi động tác, biểu cảm khuôn mặt đều phải thể hiện rõ sự tôn kính, tôn trọng, cảm ơn, cảm kích và biết ơn đối với người khác.
Do chúng ta chân thành lễ phép với người khác nên điều mà chúng ta nhận lại chắc chắn là sự an định, an toàn và tất nhiên hoàn cảnh môi trường mà chúng ta sống cũng sẽ an toàn.
2. Thân tâm bình an
Nguyên nhân chính thân thể bất an là do cơ năng của cơ thể không cân bằng, Phật pháp gọi là sự mất thăng bằng của “tứ đại”, cũng có nghĩa là mất điều tiết về nóng lạnh, mất điều tiết về thức ăn, ngủ không điều độ, vận động không đủ hoặc vận động quá độ, làm việc và nghỉ ngơi không đúng cơ chế vận hành sinh lí… những điều này đều khiến cơ thể của chúng ta mất cân bằng, do vậy không thể khống chế sự lo âu trong lòng, gây ra tình trạng không kiểm soát được nội tâm và cơ thể, cũng có thể làm tổn hại cho sức khỏe.
Do ngoại cảnh tác động, áp lực của hoàn cảnh, môi trường cũng có thể khiến chúng ta mất đi sự cân bằng. Vốn không định cáu giận nhưng lại cáu giận, vốn không định uống rượu nhưng lại uống rượu, vốn không định đánh bạc nhưng lại đánh bạc, vốn không định ăn uống vô độ, nhưng để nguôi đi buồn phiền liền ăn uống vô độ… tất cả mọi hiện tượng như vậy căn nguyên của nó đều là sự mất cân bằng nội tâm, cuối cùng dẫn đến cơ năng của cơ thể mất sự điều tiết.
Trong cuộc sống thường ngày, khi bạn phát hiện trong lòng có mâu thuẫn, đau khổ, mất cân bằng, trước tiên phải chú ý đến hơi thở, sau đó để ý trong lòng bạn đang nghĩ gì? Sau đó đánh giá bản thân một cách khách quan, quan sát bản thân mình tại sao lại nổi giận? Giận vì điều gì? Xem khi bạn tức giận hơi thở thế nào, tim đập thế nào? Tiếp đó hãy chú ý đến cảm giác của chính mình, có phải là rất khó chịu?
Có thể nói, khi nội tâm bất an, hãy lập tức chuyển tâm niệm sang việc quan sát mọi phản ứng của cơ thể mình, tâm trạng sẽ lập tức bình tĩnh trở lại. Cách cân bằng và ổn định thân thể, nội tâm này rất hữu ích, nhưng phải thường xuyên luyện tập.
Vì vậy, thực hành “bảo vệ môi trường tâm linh” trên thực tế là vận dụng Phật pháp để điều chỉnh “tâm” của chúng ta, tất nhiên không thể tu luyện thành Phật ngay tức thì, nhưng ít nhất có thể dùng một số phương pháp đơn giản này khiến cho cơ thể và tâm lý cân bằng.
Ngoài ra, khi gặp phải khó khăn, nếu chỉ lo lắng, đau khổ sẽ chẳng ích gì, nên tự nhắc nhủ mình niệm danh hiệu Phật A-di-đà, thánh hiệu Quan Âm Bồ-tát, cầu xin sự phù hộ của Phật, Bồ-tát cho bạn sự tự tin và sức mạnh. Trên thực tế, khi bạn niệm A-di-đà Phật hoặc thánh hiệu của Bồ-tát Quan Thế Âm thì tâm trạng của bạn đã cân bằng, ổn định trở lại.
3. An cư lạc nghiệp – Hạnh phúc và an toàn gia nghiệp
Định nghĩa “gia” là nhà hay gia đình tức chỉ những người cùng chung sống với nhau, mỗi chúng ta ai cũng có gia đình, mỗi gia đình thuộc các tầng lớp không giống nhau trong xã hội. Có gia đình chắc chắn sẽ có gia quyến, “quyến” có nghĩa là người yêu thương, thân thương, thân cận, quan tâm chăm sóc. Những người thân thuộc mà thăm viếng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau đó đều được gọi là gia quyến. Trong gia đình, mỗi thành viên cần chăm sóc, quan tâm, động viên, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhất định phải có trách nhiệm, nghĩa vụ và quan hệ phân chia vai vế.
Gia đình ngày này thường là gia đình nhỏ được chia ra từ đại gia đình, vì vậy khả năng an định của gia đình tương đối yếu kém, vợ chồng thường cãi nhau, ly hôn vì những chuyện nhỏ nhặt. Những đứa trẻ mới lớn đã bắt đầu chống đối, thậm chí bỏ nhà đi lang thang.
Từ một gia đình nhỏ, một dân tộc rồi dần dần mở rộng phạm vi hơn nữa, nếu chúng ta có thể coi các cơ quan, các công ty, đoàn thể mà mình phục vụ như gia đình của mình thì ta có thể mở rộng tấm lòng khoan dung.
Phật dạy chúng ta nên xem sự nghiệp của Như Lai như việc nhà, xem tất cả chúng sinh như gia quyến, gia đình, như vậy quan niệm về “gia đình”, “sự nghiệp” trong Phật giáo có phạm vi rất rộng lớn.
Bồ-tát Duy-ma-cật trong Kinh Duy-ma-cật (Sở Vấn) coi tất cả mọi phiền não như hạt giống Như Lai, coi những điều thường tình của chúng sinh là gia nghiệp của Phật.
Chăm lo tốt cho gia đình nhỏ của bản thân mình là nền tảng của hạnh nguyện Bồ-tát, nhưng nếu mở rộng hơn, coi tất cả những muộn phiền của chúng sinh như của gia đình, gánh vác “sự nghiệp Như Lai” thì đó càng là ý nguyện sâu rộng của hạnh nguyện Bồ-tát. Nhưng mọi người chớ nên đảo ngược trật tự, nhất định phải bắt đầu từ nhỏ đến lớn thì mới thực sự đạt được an toàn, vững chắc và bình an.