PHÁT TRIỂN TỈNH GIÁC TRONG GIẤC MỘNG

Trích: YOGA GIẤC MỘNG VÀ SỰ THỰC HÀNH VỀ ÁNH SÁNG TỰ NHIÊN; Michael Katz biên tập và giới thiệu; NXB Thiện tri Thức 2002.

08/04/2025
69 lượt xem

GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI BIÊN TẬP

Khả năng phát triển tỉnh giác trong trạng thái mộng và có từ đó những kinh nghiệm cảm ứng cũng như khả năng kiểm soát giấc mộng được biên chép khá nhiều. Những thực hành phác họa ở sau trong cuốn sách này làm cho có thể đưa đến việc mộng ở mức độ cao cấp hơn. Những so sánh xuyên qua các nền văn hóa chỉ rõ sự hiện hữu của một loại kinh nghiệm mộng đã thúc đẩy tiến bộ văn hóa và tôn giáo nhân loại. Những giấc mộng này, mà Norbu Rinpoche ám chỉ là những giấc mộng sáng tỏ, có vẻ khởi sanh từ sự tập trung mãnh liệt tâm thức vào một vấn đề hay chủ đề đặc biệt, cũng như qua thiền định và nghi lễ. Những kết quả đáng kinh ngạc, sáng tạo hay siêu việt thường khởi lên từ những giấc mộng đặc biệt này, một số trong đó có thể được truyền theo kênh.

Trong một hội thảo tỉnh giác trong giấc mộng tôi hướng dẫn năm 1989, một người tham dự kể lại giấc mộng sau đây : “Khi tôi là một đứa bé tôi thường có một giấc mộng tái diễn : có một người già, lùn và xấu xí làm tôi sợ hãi. Mỗi khi ông xuất hiện tôi bỏ chạy nhưng không biết chạy đâu trong cơn ác mộng, hay muốn ngất khi bỏ trốn. Cuối cùng trong một giấc mộng tôi trở nên rất bực mình và quyết định không muốn bị đe dọa nữa. Tôi quay lại phía ông ta và nói với ông ta rằng ông chỉ là một phần của giấc mộng của tôi. Khi làm thế tôi không sợ ông ta chút nào. Giấc mộng không bao giờ trở lại sau buổi đó.”

Thậm chí những kinh nghiệm mộng tương đối thứ yếu của chính tôi đôi khi có vẻ ủng hộ cho khả năng những giấc mộng dự báo tương lai. Chẳng hạn, năm vừa rồi tôi tham dự một buổi thể thao với hai người bạn. Tôi rất ấn tượng bởi sân vận động đầy màu sắc. Đêm ấy tôi mơ thấy một người chơi bóng chày. Hình của anh ta trên trang đầu một tờ báo. Tôi cố gắng đọc và nhớ. Sáng hôm sau tôi tôi chỉ còn nhớ tên Clark. Vừa thức dậy tôi đi tìm tờ New York Times, như thói quen bình thường, và khám phá một tấm ảnh của Will Clark, một đấu thủ bóng chày, trên trang đầu. Có thể bạn biện luận rằng đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu thế, bạn cũng biện luận như Aristotle đã làm để chống lại Heraclitus, người tin vào giấc mộng báo trước. Không kể gì giấc mộng của tôi về Will Clark có là tiên tri hay không, bản thân tôi đi đến chỗ tin rằng trong loại giấc mộng sáng tạo cấp cao hơn, có một phạm trù báo trước tương lai.

Nếu thực sự như vậy, điều ấy gợi ý rằng tương lai là đang có theo một cách nào đó trong hiện tại. Trong Phật giáo Tây Tạng, đạo Bon, và những truyền thống khác, những người giác ngộ được xem là có khả năng thấy quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nếu quả thực rõ ràng có một loại những giấc mộng cấp cao hơn, những câu hỏi sẽ sanh ra về việc người ta có thể khai triển khả năng của mình đối với chúng như thế nào và có hay không những nguyên nhân (vượt khỏi khả năng tăng thêm tính sáng tạo của chúng) để trau dồi khả năng này. Theo truyền thống Dzogchen (Đại Toàn Thiện) của Tây Tạng, chìa khóa để làm việc với những giấc mộng là sự khai triển tỉnh giác lớn hơn trong trạng thái mộng. Đây là cấp độ tỉnh giác phân biệt sự mộng bình thường so với quả tối hậu của sự chứng ngộ toàn triệt với trạng thái mộng. Norbu Rinpoche bàn luận sự khác biệt này trong chương về sự thực hành ánh sáng tự nhiên.

Trong một đêm, có khoảng tám giờ để ngủ, trong đó hai giờ hay hơn nữa có thể được dùng để nằm mộng. Chúng ta có thể nhớ lại những giấc mộng từ mỗi thời ấy không? Chúng ta nhớ những chi tiết rõ ràng ra sao ? Một cá nhân không tỉnh giác với những giấc mộng của mình, không thể nhớ nhiều, đã hy sinh phần lớn sự tỉnh giác của mình trong cuộc đời. Người này bỏ lỡ cơ hội khám phá những chiều sâu phong phú và màu mỡ của tâm linh cũng như phát triển về tâm linh. Chúng ta hãy xem thông điệp của lời cầu nguyện Phật giáo này:

Khi trạng thái mộng ló dạng,

Chớ nằm trong vô minh như một xác chết.

Hãy đi vào cõi giới tự nhiên của tỉnh táo không dao động.

Hãy nhận biết những giấc mộng của con và chuyển hóa ảo tưởng thành quang minh.

Chớ ngủ như một con vật.

Chớ thực hành trộn lẫn ngủ và thực tại.

Không nghi ngờ rằng những giấc mộng minh bạch và những kinh nghiệm sáng tỏ là những cơ hội hấp dẫn ích lợi cho sự tự trọng, hợp nhất của nhân cách và vượt khỏi sợ hãi. Cũng cần thiết đặt những cơ hội xảy ra đó trong bối cảnh tìm tòi sự chuyển hóa tâm linh hay giác ngộ. Chừng nào một nền văn hóa như văn hóa của chúng ta có khuynh hướng đánh giá kinh nghiệm chỉ cho kinh nghiệm, thì có mối nguy hiểm lầm lẫn cho những cái cây là rừng.

Một lama từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng so sánh sự theo đuổi kinh nghiệm giấc mộng minh bạch với những trò chơi giải trí thuần túy, trừ phi kinh nghiệm sanh khởi như một sản phẩm phụ của sự khai triển tính sáng tỏ thiền định của một cá nhân qua thực hành Dzogchen ban đêm về ánh sáng trắng hay yoga giấc mộng Mật thừa. Dù kinh nghiệm giấc mộng minh bạch có vẻ có giá trị tương đối, từ viễn cảnh Phật giáo sự ích lợi của nó là giới hạn trừ phi cá nhân biết làm thế nào áp dụng tỉnh giác minh bạch trong những trạng thái sau khi chết của Bardo Chonyid và Bardo Sipa.

Trong phái Dzogchen, đã hàng ngàn năm quen thuộc với những kinh nghiệm giấc mộng minh bạch cũng như những hiện tượng siêu tâm lý như thần giao cách cảm và biết trước, có một khuyên bảo vĩnh hằng từ thầy đến trò là người ta phải không bám chấp vào kinh nghiệm. Điều này ngược với khuynh hướng Tây phương cho kinh nghiệm là giá trị cho chính nó. Những cách tiếp cận Tây phương cũng khuyến khích một phân tích có hệ thống về nội dung của những giấc mộng trong khi những vị thầy Dzogchen khuyến khích người thực hành chớ bám vào những hiện tượng giấc mộng.

Dù những ích lợi tương đối từ sự khảo sát rộng rãi chủ đề giấc mộng có vẻ rõ ràng, những ích lợi ấy chỉ đối với người sơ học. Đối với người thực hành cao cấp, bản thân tỉnh giác có giá trị tối hậu hơn kinh nghiệm và nội dung, bất kể mang tính sáng tạo bao nhiêu. Những vị thầy lớn đã thuật lại rằng những giấc mộng đã hoàn toàn ngừng dứt khi tỉnh giác trở thành tuyệt đối, tất cả được thay thế bằng sự sáng tỏ quang minh của một bản tánh không thể diễn tả.

Sự trình bày những kỹ thuật dành cho sự làm việc với giấc mộng từ những truyền thống cổ xưa này là quan trọng bởi vì những truyền thống cổ xưa ấy có nguy cơ biến mất. Dù cho đã có nhiều cuốn sách viết về chủ đề tổng quát những giấc mộng, vẫn chỉ có một số ít đặt sự làm việc với giấc mộng vào một bối cảnh tâm linh. Những vị thầy Phật giáo, đạo Bon và Lão giáo đã nói với tôi rằng tình hình đó đã khiến họ có những quyết định dạy công khai hơn.

Trong một đường lối cá nhân, chương trình này nhằm để tập trung sự chú ý vào năng lực và sự phong phú của việc duy trì tỉnh giác suốt trong thời gian ngủ thường bị để mặc. Dù hoàn cảnh chúng ta ra sao, nếu chúng ta trau dồi khả năng này, chúng ta có được một viên ngọc như ý. Ở Tây phương sự thăm dò khoa học về giấc ngủ và giấc mộng là hoàn toàn mới, nhưng trong cộng đồng nhân loại rộng lớn hơn, khoa học bí ẩn của tỉnh giác trong mộng và sự thăm dò đã được yêu chuộng từ hàng ngàn năm. Những nhà tâm lý học tiền phong của thế kỷ hai mươi đã bình giảng về hiện tượng mộng. Sigmund Freud gọi những giấc mộng là “con đường vương giả đến vô thức”, và Fritz Perls gọi chúng là “con đường vương giả đến hợp nhất”. Trong cách của chúng những xác nhận này có thể đúng, nhưng chúng bị lu mờ bởi khả tính rằng tỉnh giác với những giấc mộng là một con đường đến giác ngộ.