KHI MỘT CON SÓNG LẮNG XUỐNG, NÓ NHẬN RA NGUỒN GỐC CỦA NÓ LÀ ĐẠI DƯƠNG

Trích: Chữa Lành Lượng Tử; Nguyên tác: Quantum Healing; Việt dịch: Lê Hà Lộc & Nguyễn Tăng Phú; NXB. Thế giới; Công ty XB Sách Thiện Tri Thức, 2022

12/04/2025
84 lượt xem

Các bác sĩ, những người được tôi giới thiệu về thiền, thường quả quyết với tôi rằng thiền là để thư giãn, cho dù họ có “tin” vào nó hay không. Chỉ dưới ánh sáng của kinh Vệ đà người ta mới có thể hiểu tại sao quan điểm này lại thiển cận như vậy.

Vệ đà đại diện cho sự mở rộng vô cùng của tâm trí con người. Cách tốt nhất để mô tả điều này là Vệ đà là toàn bộ nội dung của máy tính vũ trụ. Tất cả đầu vào của tự nhiên đều được chuyển vào trong đó, và từ đó tuôn ra tất cả các hiện tượng tự nhiên. Bộ điều khiển đối với máy tính này nằm trong bộ não con người, có hàng tỷ kết nối thần kinh khiến nó đủ phức tạp để phản ánh sự phức tạp của vũ trụ.

Các rishi cho rằng bộ não không quan trọng khi là một vật thể. Nó quan trọng bởi vì tính chủ quan của chúng ta chiếu qua nó; khi bộ não cho chúng ta thấy thế giới, thực ra nó đang cho ta thấy chính mình. Tương tự, khi một hình ảnh rơi vào một tấm gương, sự pha trộn sẽ xảy ra. Tấm gương là sự phản chiếu; sự phản chiếu là tấm gương. Theo cách tương tự, cái thực tại duy nhất mà chúng ta có thể biết bất cứ điều gì về nó chính là thực tại đang được phản chiếu trong não – mọi thứ tồn tại do đó đều nằm trong tính chủ quan của chúng ta.

Các nhà vật lý thường không đồng ý với điều này, vì họ đánh giá cao phương pháp khách quan và coi chủ quan gần như là kẻ thù của mình. Nhà vật lý nói “Đây là một proton,” chứ không phải “Đây là cảm giác của tôi về những gì là proton”. Trên thực tế, Vệ đà không hề thiếu sự hiểu biết khách quan – nó đã tạo nền móng để phát sinh ra các ngành khoa học của chính nó như là thực vật học, sinh lý học, thiên văn học, y học, v.v. – nhưng các vị thánh nhân đó không cảm thấy rằng khách quan là cách đáng tin cậy nhất để biết mọi thứ, đặc biệt khi bạn điều tra sâu hơn bề mặt của tự nhiên. Họ nói rằng sự thật là tính chủ quan có thể được thu hẹp hoặc mở rộng. Tự nhiên giống như một dải sóng radio. Khi bạn chú ý đến một vật thể bị cô lập – một tảng đá, một ngôi sao hoặc toàn bộ thiên hà – bạn chọn một kênh trên dải băng tần. Phần còn lại rõ ràng phải bị loại trừ – nhưng chỉ dành cho cấp độ đó của ý thức.

Các nhà thông thái Ấn Độ tuyên bố rằng thông qua ý thức mở rộng, ngay cả thực tại đã mất không thể tưởng tượng này cũng có thể được tạo ra sẵn cho chúng ta. Vật lý lý thuyết đồng ý rằng các chiều không gian đã mất và trường năng lượng vô hình thực sự không mất đâu cả; chúng chỉ chìm trở lại vào “giấc ngủ” trong trường nguyên sinh. Tương tự, mức độ nhận thức siêu việt có ở khắp mọi nơi; bạn không cần phải đi bất cứ nơi nào đặc biệt để tìm nó. Nó chỉ cần được đánh thức. William James đã thể hiện ý tưởng này trong một đoạn viết nổi tiếng:

Ý thức lúc tỉnh bình thường của chúng ta, hay ý thức duy lý trí như cách thường gọi, chẳng là gì ngoài một loại ý thức đặc biệt, trong khi ở xung quanh nó, bị tách ra khỏi nó bởi những tấm chắn mỏng manh nhất, có những dạng tiềm năng của ý thức hoàn toàn khác. Chúng ta có thể sống hết cuộc đời mà không hề ngờ đến sự tồn tại của chúng, nhưng khi tác động bằng một kích thích cần thiết, và chỉ một cái chạm là chúng đã ở đó với tất cả sự trọn vẹn của mình.

Nếu có rất nhiều thực tại như vậy ở gần đây, tại sao chúng ta không thể chạm vào nó? Các nhà nghiên cứu đã tìm được manh mối cho câu trả lời bằng cách thử nghiệm với mèo con mới sinh. Mèo con được sinh ra với đôi mắt nhắm nghiền và các dây thần kinh thị giác của chúng chưa phát triển. Khi chúng mở mắt, cơ chế thị giác cũng hoàn thiện vào đúng lúc đó; hai sự kiện này luôn song hành với nhau. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1970, người ta phát hiện ra rằng nếu bạn bịt mắt một con mèo con trong hai hoặc ba ngày khi nó mở mắt lần đầu tiên, con vật đó sẽ bị mù suốt đời. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng quan trọng này, trải nghiệm nhìn thực sự định hình các kết nối, vốn tạo nên khả năng thị giác, giữa các tế bào thần kinh trong não.

Đây là một phát hiện quan trọng, vì các nhà sinh vật học vẫn tiếp tục bất đồng về việc liệu di truyền hay kinh nghiệm quan trọng hơn trong hành vi. Đây là câu hỏi cũ về việc liệu một tập tính là bẩm sinh hay do học được. Một con chim cổ đỏ robin có học hót từ mẹ của nó không, hay nó sẽ vẫn hót nếu được nuôi lớn trong điều kiện cách ly? Thí nghiệm với mèo con mù cho thấy cả yếu tố “bản tính” và yếu tố “nuôi dưỡng” đều rất cần thiết; não của mèo con được lập trình để nhìn, nhưng cần phải nhìn để chương trình diễn ra đúng cách. Tuy nhiên, có một hàm ý sâu xa hơn cho tất cả điều này. Bộ não của chúng ta có thể bị giới hạn theo cách này. Nhiều thứ “ngoài kia” không dành cho chúng ta, không phải vì chúng không có thực, mà vì “trong này” chúng ta chưa định hình được bộ não để nhận thức chúng. Chúng ta giống như những chiếc đài radio tưởng như bắt được tất cả các kênh trong khi thực sự chúng bị mắc kẹt trong ba kênh thôi – thức, ngủ và mơ.

Bởi vì bộ não của bạn là chiếc radio duy nhất mà bạn có, bạn không bao giờ có thể biết liệu trạng thái thứ tư có tồn tại hay không trừ khi hệ thần kinh của bạn được chuẩn bị cho nó. Hoàn toàn có thể là chúng ta đang, theo đúng nghĩa đen, được đắm mình trong và bao quanh bởi cái siêu việt nhưng vẫn chưa bắt tín hiệu của nó.

Vệ đà đưa ra một phép so sánh tương đương: tư tưởng giống như sóng biển. Nổi lên và sụp xuống, chúng chỉ nhìn thấy chuyển động của riêng mình. Chúng nói, “Tôi là sóng,” nhưng sự thật lớn hơn mà chúng không nhìn thấy được là “Tôi là đại dương.” Không có sự ngăn cách nào giữa cả hai, bất kể làn sóng có nghĩ thế nào. Khi một con sóng lắng xuống, thì nó ngay lập tức nhận ra rằng nguồn gốc của nó trong đại dương – vô tận, im lặng và không thay đổi – luôn có mặt ở đó.

Điều này cũng đúng đối với tâm trí. Khi nó đang suy nghĩ, nó hoàn toàn năng động; khi nó ngừng suy nghĩ, nó quay về nguồn trong thinh lặng. Chỉ khi đó, khi tâm trí chạm đến sự nhận thức thuần túy, thì kho chứa thực sự của Vệ đà mới được định vị. Do đó, kinh nghiệm về Vệ đà không phải là một điều cổ xưa hoặc thậm chí riêng biệt của Ấn Độ. Nó có tính phổ quát và bất cứ ai cũng có thể có được nó vào bất cứ lúc nào. Toàn bộ thủ thuật là không di chuyển theo chiều ngang, đó là cách dòng ý thức di chuyển bình thường, mà là chìm xuống theo chiều dọc. Quá trình đi xuống theo chiều thẳng đứng này là sự vượt qua, là thiền, là nhập định, “vượt thoát” – tất cả các biểu hiện của một tâm trí không còn đồng nhất với sóng và bắt đầu đồng nhất với đại dương.

Nếu lập luận này là đúng thì bản chất của tâm trí và mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể phải được xem xét lại. Điểm mà Archimedes đang tìm kiếm để di chuyển cả thế giới thực sự tồn tại. Nó ở bên trong chúng ta, bị che đậy bởi hình ảnh động hấp dẫn nhưng gây hiểu lầm của trạng thái thức.

Điều này có thể giải thích tại sao y học tâm thể lại tỏ ra mạnh mẽ như vậy. Chúng ta đại khái cho rằng một người sốt nhẹ, sau cơn bệnh nặng hoặc có thể tự chữa khỏi một căn bệnh nan y, nghe hoạt động với cùng một bộ máy tinh thần như bất kỳ ai khác, nhưng điều này không đúng: các tiến trình tâm trí có thể sâu hoặc nông. Đi sâu có nghĩa là tiếp xúc với bản thiết kế tiềm ẩn của trí thông minh và thay đổi nó – chỉ khi đó, những điều như quán tưởng về việc đánh bại căn bệnh ung thư chẳng hạn mới có đủ mạnh để đánh bại căn bệnh này. Nhưng hầu hết mọi người không thể làm điều đó: sức mạnh tư tưởng của họ yếu để có thể thích hợp.

Câu hỏi thiết thực là liệu thiền có đủ mạnh để cải thiện triệt để sức mạnh suy nghĩ của chúng ta hay không. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học thực hiện để trả lời rằng trên thực tế, thiền có thể tạo ra sự thay đổi sâu sắc, vượt xa cách thư giản đơn giản, mà hầu hết mọi người sử dụng ở phương Tây, thậm chỉ còn vượt xa các ứng dụng y tế như giảm căng thẳng, giảm huyết áp, v.v.