BIẾT VỀ TÂM
Trích: Khi Nhận Biết Diễn Ra Tự Nhiên; Người dịch: Nắng Mai; NXB Thế giới; Công ty XB Sách Thiện Tri Thức, 2025

Khi nào thì tâm thực hành tốt? Khi nào hoặc tại sao tâm lại không thực hành tốt? Đây là điều mà chúng ta cần tự mình tìm ra. Ít nhất, đây chính là loại trí tuệ mà chúng ta mong muốn có được: biết cách thực hành đúng đắn. Làm sao có thể có động cơ để thực hành tốt khi mình còn chưa biết về tâm mình? Tâm có thể hơi khó để nhận biết, vì tâm chẳng có vị trí cố định. Tâm không có hình dạng, không có màu sắc; nó không có sự rắn chắc và mang tính trừu tượng. Vậy làm sao có thể chú ý đến tâm khi không biết tâm có ở đó hay không? Vậy khi nói để ý đến tâm thì để ý vào điều gì? Làm sao nhận diện được nó? Phải tìm kiếm nó ở đâu? Trong đầu? Trong tim? Chúng ta không thể nhìn tâm như cách mình trải nghiệm những thứ khác, nhưng chúng ta có thể trải nghiệm tâm qua các hoạt động của nó. Chúng ta biết khi tâm làm một điều gì đó, và chúng ta biết khi có điều gì đó xảy ra trong tâm.
Bạn biết là mình có tâm, đúng không? Điều gì mà bạn trải nghiệm để nói rằng mình có tâm? Có phải vì nó có thể suy nghĩ. Đúng, một phần là như vậy, nhưng tâm cũng có khả năng biết và cảm xúc. Bạn có bao giờ muốn đi tiểu hay muốn đi ăn không?
Có cảm giác trên thân buồn tiểu, nhưng ý định muốn đứng và đi vào nhà vệ sinh lại diễn ra ở tâm. Nếu không có những ý định này sẽ là rắc rối đấy. Ý muốn ăn diễn ra ở tâm, còn cơn đói thì ở thân. Bạn có thể biết được khi muốn ăn ít hay nhiều. Bạn có thể biết mức độ hay sự háo hức muốn ăn. Bạn có thể biết được ý định. Biết về tâm cũng giống như làm quen với một người hàng xóm mới: càng gặp họ nhiều, bạn càng hiểu rõ hơn về họ. Mỗi ngày khi gặp họ, bạn học thêm một chút. Điều này trở thành tiến trình cho sự học hỏi.
Trong kinh điển, tâm được định nghĩa là “việc biết”, “việc nghĩ”, và “việc chú ý”. Bởi vì bản chất tâm đã là “biết” và là “chú ý” rồi, nên mình không cần phải làm nhiều việc để biết và chú ý. Tâm vốn làm điều đó, vì đó là công việc của tâm – đó là tự nhiên của tâm. Tất cả những gì mà mình cần làm là nhận biết và có mặt, để nhận ra tâm đang thực hiện công việc của nó. Công việc mà mình đang làm là vun bồi thêm khả năng nhắc nhớ rằng tâm đang làm công việc của nó, miễn là chúng ta mang đến những điều kiện để việc đó diễn ra. Một khi tâm được nhận biết, dhamma cũng được nhận biết.
Một vị sư đã đề cập trong buổi hỏi đáp rằng, trong khi hành thiền, khi đang quan sát phiền não thì sư nhận ra tâm quan sát có sự dao động. Điều gì đang diễn ra ở đây? Sư báo cáo rằng mình nhận biết được ba yếu tố trong tâm: phiền não, tâm quan sát, và người quan sát tâm quan sát ấy. Có rất nhiều tâm. Như tôi cũng đã đề cập ở trước, tâm giống như một dòng sông, với những dòng chảy, xoáy nước và nước từ các nhánh phụ đổ vào. Khi tâm của sư yên tĩnh và sư có thể nắm bắt được những vi tế trong tâm, như: phiền não, tâm quan sát bị vẩn đục bởi phiền não, tâm quan sát buông bỏ, lùi lại để quan sát tốt hơn. Trong một khoảnh khắc, tâm có thể biết được một đối tượng hoặc nhiều đối tượng, và cách mà đối tượng này được tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào mức độ của trí tuệ. Nếu chúng tạ nhận biết được trải nghiệm trong hiện tại, chúng ta sẽ mở lòng để nhận ra rằng tâm đang biết điều gì đó trong khoảnh khắc hiện tại. Nếu chúng ta không nhận biết được rằng mình không biết, chúng ta sẽ chỉ tiếp tục theo thói quen. Tâm biết, nhưng chúng ta không biết rằng tâm biết.
TÂM SUY NGHĨ
Một định nghĩa khác của tâm là “tâm suy nghĩ”, bởi vì suy nghĩ là hoạt động của tâm. Bạn không thể khiến tâm ngừng suy nghĩ, và nếu cố gắng làm điều đó, bạn đang cố thực hiện một điều không thể. Chính lúc này, bạn bắt đầu tiêu hao rất nhiều năng lượng. Hầu hết mọi người tiêu tốn năng lượng vì họ sợ những suy nghĩ của chính mình. Khi bị cuốn vào dòng suy nghĩ, chúng ta bị chìm đắm; và nếu quá chú ý hoặc tập trung quá mức, chúng ta lại càng tiêu hao năng lượng và dần trở nên như những cái xác sống. Chúng ta không nên vội kết luận rằng tâm hoàn toàn dao động chỉ vì thấy có suy nghĩ. Sự nhận biết ở đó cho thấy tâm vẫn có một mức độ tĩnh nhất định. Chỉ khi không còn sự nhộn biết, chúng ta mới có thể nói rằng tâm hoàn toàn không tĩnh lặng. Chừng nào tâm còn nhận biết về suy nghĩ, chúng ta vẫn có thể nói rằng tâm đang giữ được một sự ổn định nào đó.
Chúng ta cần thực hành với tâm suy nghĩ. Thực hành thế nào? Mỗi khi tâm suy nghĩ, hãy nhận biết. Cố gắng lặp đi lặp lại việc ghi nhận suy nghĩ, và dần dần tâm sẽ hiểu ra ý nghĩa của đối tượng. Khi tâm suy nghĩ trở thành một đối tượng thì bạn sẽ không còn bị cuốn vào dòng suy nghĩ. Suy nghĩ đến rồi đi, nhưng lúc nào cũng cần nhận biết; sự nhận biết là hiện tại. Tuy nhiên, mỗi khi cuốn vào dòng suy nghĩ thì nhận biết sẽ biến mất. Nếu chưa đủ thiện xảo để nhận ra suy nghĩ, hãy quay lại với các cảm giác trên thân, qua lại liên tục như vậy. Sau này, khi nhận ra có suy nghĩ, cũng có thể nhận ra tâm biết khởi sinh, bởi lúc đó tâm đã hiểu suy nghĩ chỉ là đối tượng. Tâm hiểu rằng không cần phải can dự vào suy nghĩ, thay vào đó có sự tách biệt. Vậy nên, để thực hành với tâm suy nghĩ, hãy ghi nhận suy nghĩ và đồng thời đối tượng ở thân, lặp đi lặp lại như vậy.
Ban đầu, việc duy trì nhận biết về tâm suy nghĩ có thể khó thực hành. Điều này khó bởi vì mình chỉ biết đến suy nghĩ. Suy nghĩ là khái niệm, bởi khi suy nghĩ xuất hiện là dưới dạng hình ảnh, câu chữ, hoặc âm thanh. Nhưng khi thực hành và bắt đầu thường xuyên nhận ra rằng suy nghĩ đang diễn ra, chúng ta cũng nhận ra rằng đằng sau là tính chất của tâm. Thấy ra được điều này là trí tuệ; trí tuệ hiểu rằng đằng sau khái niệm là tính chất của tâm – khả năng suy nghĩ.
Khi chúng ta có thể thấy ra sự tách biệt giữa đối tượng và tâm biết – rằng đây là đối tượng và đây là tâm – thì tâm có trí tuệ/sự hiểu biết. Nếu không có sự hiểu biết, đối tượng và tâm sẽ xuất hiện như một thể không tách biệt.
Khi chưa có sự hiểu biết, mỗi khi có một suy nghĩ sai lầm, suy nghĩ ấy sẽ thiêu đốt tâm hồn, khiến chúng ta đau khổ, bởi vì ở đó không có sự phân tách giữa tâm và đối tượng. Bạn có thể nhận ra rằng có những suy nghĩ ngay lập tức tạo ra sự bùng cháy trong tâm, khiến mình cảm thấy nóng, tức giận, xấu hổ, khó chịu, hoặc bất kỳ cảm xúc nào khác. Nếu có thể mang một chút nhận biết và trí tuệ vào đây (thay vì thêm vào câu chuyện), thì chúng ta có thể thẩm sát (trạch pháp) và suy xét một cách hợp lý. Khi mắc kẹt trong phiền não nhưng có chút nhận biết về tiến trình tâm này, chúng ta có thể sử dụng tâm suy nghĩ để làm việc với phiền não. Mình có thể tự hỏi, “Trong tình huống này có thể làm được gì?” Khả năng thẩm sát giúp chúng ta ngưng chìm vào phiền não. Điều này có thể làm dịu tâm lại, cho phép chúng ta quan sát phiền não tốt hơn và cho trí tuệ cơ hội được phát triển.
Điều gì tốt hơn: có ít suy nghĩ hay có nhiều suy nghĩ? Suy nghĩ là suy nghĩ; phiền não là phiền não; tâm thiện là tâm thiện – chỉ là đối tượng, chỉ là tự nhiên. Khi chúng ta có thái độ này đối với suy nghĩ, chúng ta có chánh kiến.
Khi làm cho bản thân bận rộn bằng cách tập trung vào đối tượng thì chúng ta có thể chặn suy nghĩ một cách giả tạo nhưng đây không phải lò mục tiêu của hành thiền. Vậy nên, đừng sợ tâm suy nghĩ; chỉ cần biết ở đó có tâm suy nghĩ. Khi bạn nhận ra điều này, nhắc nhở bản thân rằng mỗi khoảnh khắc nhận ra là một khoảnh khắc ghi nhận của nhận biết. Ở đây ý tôi không phải là nhìn vào nội dung câu chuyện. Tôi chỉ đơn giản muốn bạn ghi nhận tâm đang suy nghĩ. Câu chuyện là khái niệm, là hướng ra ngoài. Điều thực sự đang diễn ra là tâm đang suy nghĩ. Cái chúng ta muốn nhận biết là trải nghiệm thực, bản chất của những gì đang diễn ra. Thông qua sáu giác quan tâm tiếp xúc với đời sống. Vì vậy, tâm chính là cái mà mình đang trải nghiệm, tâm khởi sinh và tâm suy nghĩ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần biết và không dính mắc vào câu chuyện của các suy nghĩ. Chúng ta muốn nhìn xem tâm đang tạo ra suy nghĩ như thế nào, và phiền não nuôi dưỡng các suy nghĩ ra sao. Đây chính là công việc cần làm.
Ban đầu, bạn có thể thấy điều này khó thực hiện. Thói quen của tâm là biết nội dung, vì vậy khi cố gắng nhận ra tâm suy nghĩ, tâm sẽ tự động đi vào nội dung, và rồi bạn sẽ bị lạc trong đó. Để ngăn không cho tâm lạc vào câu chuyện, bạn cần nhận biết rằng mình đang lạc, và nhận ra đang có suy nghĩ; chờ đợi một chút, theo cách nhẹ nhàng, bình tĩnh, đưa sự để ý về điều gì đó vững chãi hơn, có thể là cảm giác trên thân, rồi sau đó để ý suy nghĩ – “tâm đang suy nghĩ” – rồi quay lại với thân. Càng thực hành nhiều càng dễ nhận ra suy nghĩ. Đây không phải là sự bận rộn; đây là sự thực hành. Đừng quên thư giãn trong suốt quá trình này.
Chúng ta muốn hiểu về tâm suy nghĩ thì cần có sự thẩm sát, Thẩm sát thế nào? Có một cách là xem xét mối quan hệ giữa suy nghĩ và cảm xúc. Bạn có thể nhìn vào cách suy nghĩ tạo ra cảm xúc và cách xúc thọ phản hồi, tạo thêm nhiều suy nghĩ khác. Đằng sau mỗi quá trình suy nghĩ luôn có một bản chất tiềm ẩn, đó là động cơ của suy nghĩ. Động cơ này có thể là phiền não, hoặc có thể là trí tuệ. Ví dụ, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ; có thể đó là suy nghĩ tức giận, nhưng giận là giận, suy nghĩ là suy nghĩ. Chúng có bản chất khác nhau, nhưng cái này nuôi dưỡng cái kia.
Việc thẩm sát này rất hữu ích: nhìn vào toàn bộ tiến trình suy nghĩ và mối quan hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc, và cảm giác trên thân. Khi có thể nhận diện ra tất cả đồng thời và thấy ra cách chúng tương tác với nhau; mối quan hệ nhân quả trong tiến trình có thể được nhìn ra rõ ràng. Khi biết cách sử dụng cơ hội đưa góc nhìn đúng (chánh kiến) vào, chúng ta sẽ thấy tâm suy nghĩ là một tiến trình không ngừng tự nuôi dưỡng chính nó.
Tôi không muốn bạn tập trung quá nhiều hay chuyên chú quá mức, vì tôi muốn bạn nhận ra những suy nghĩ của mình. Hãy xem tâm suy nghĩ như là đối tượng. Chúng ta cần học về bản chất của suy nghĩ. Bạn sẽ nhận thấy cách tâm hoạt động khi nó suy nghĩ. Khi không hành thiền, thường thì chúng ta không biết mình đang suy nghĩ. Đến khi ngồi xuống hành thiền, chúng ta mới thấy tâm tràn lan suy nghĩ. Đó là một dấu hiệu tốt; điều đó có nghĩa là mình đang nhận biết.
Hãy nhớ rằng bất kỳ trải nghiệm nào cũng là tốt. Không có gì thực sự sai, không có gì là quấy nhiễu. Mọi thứ chúng ta trải nghiệm đều là để giúp mình nhận biết, vững vàng và phút triển trí tuệ – nếu ở đó có thái độ chân chánh. Đối tượng không bao giờ cản trở được sự thực hành; đối tượng luôn chỉ là phương tiện để chúng ta thực hành.
Sự nhận biết luôn cần phải nhận biết về một điều gì đó. Nếu không có đối tượng nhận biết, chúng ta sẽ sống trong một thể giới rất kỳ lạ. Chúng ta dựa vào các đối tượng để phát triển sự nhận biết; cần tận dụng chúng, từ đó xây dựng thói quen nhận biết. Thông qua việc quan sát các trải nghiệm, chúng ta rút ra được những gì có lợi cho mình, sau đó nắm giữ điều này thật vững chắc. Khi thực hành thiền quán (vipassanä), sự nhận biết có thể trên nhiều đối tượng; mỗi đối tượng đều chứa đựng hạt giống tiềm năng của trí tuệ. Vì vậy, sự nhận biết mở với nhiều đối tượng thì trí tuệ được vun bồi sẽ trở nên phong phú. Chúng ta lấy ra từ đối tượng những gì hữu ích rồi để đối tượng như vậy. Điều này có thể được so sánh với việc đãi vàng: lấy các hạt vàng và bỏ đi sỏi đá. Điều này chỉ có làm được nếu ở đó có chánh kiến.
Nếu không có chánh kiến thì chúng ta dễ dàng khó chịu với những trải nghiệm, nhưng đâu nhất thiết phải như vậy. Khi ồn, mình bực bội; có suy nghĩ mình cũng bực bội; khi đau chúng ta cũng bực bội. Nếu không có thái độ đúng đắn, thì chúng ta sẽ cứ mãi như vậy. Thật khó để phát triển samädhi – sự vững vàng của tâm – nếu thái độ không đúng. Có thể chúng ta đã xây dựng được rất nhiều samadhi vào buổi sáng; nhưng chỉ một chút khó chịu thôi, tất cả tan biến. Đó là sức mạnh của phiền não; dù bạn đã tích lũy được bao nhiêu samädhi, khi phiền não xuất hiện – phụt, biến mất. Sau 10 ngày khóa thiền, bạn trở về nhà, khó chịu với ai đó, và thế là samädhi cũng không còn.
Vậy làm sao sử dụng sự nhận biết khi mà với các phiền não mình còn không biết cách đối phó (đồng nghĩa với việc mình cũng không biết làm sao duy trì sự vững vàng của tâm)?
Thiền quán không phải để ngừng một quá trình đang diễn ra, mà để hiểu rõ thực tại hay bản chất của tiến trình. Khi thiền sinh nhận ra nhiều khái niệm đang diễn ra trong tâm, khuynh hướng của họ là cắt đứt chúng. Trí tuệ không khởi sinh bằng cách đó. Trí tuệ chỉ có thể xuất hiện khi có sự thấy ra rõ ràng các chức năng tâm đang làm công việc của chúng, đồng thời lobha (tham) và dosa (sân) cũng không đi theo ngay sau đó. Hãy nhớ rằng không quan trọng là tâm suy nghĩ bao nhiêu lần, lang thang đi đâu, hay bực bội về điều gì; điều quan trọng là bạn có thể nhận biết được điều này. Với sự luyện tập, bạn sẽ bắt đầu nhận ra các đối tượng và theo dõi chúng: thấy ra cách tâm có cảm xúc, cách tâm phản ứng, và cách tâm vận hành.
Khi mới bắt đầu thực hành, bạn có thể thay phiên nhận ra các đối tượng và sau đó là tâm, rồi lại là đối tượng và sau đó là tâm, và cứ thế. Cách bạn thiền sẽ phải thay đổi theo từng cấp độ; thực hành là một quá trình động, liên tục. Liệu bạn có làm những phép toán ở đại học giống như khi bạn học ở trường tiểu học không? Tương tự, cách bạn thiền sẽ tiến triển để phù hợp với mức độ trí tuệ trong tâm. Giờ bạn đã tiến bộ rồi thì không cần phải bận rộn ghi chú từng đối tượng nữa; thay vào đó, bạn chỉ cần nhận ra mỗi đối tượng và để đối tượng như vậy. Những thiền sinh đến thiền viện lần đầu, họ bắt đầu với một đối tượng. Lần sau khi đến khóa thiền, họ cũng quay lại với một đối tượng đấy. Có cần phải quay lại cấp độ này khi bạn có thể thấy đối tượng, tâm biết và tâm cảm thọ đều đang hoạt động cùng nhau không? Tại sao bạn không thể thấy điều này? Vì không có sự liên tục trong thực hành, bạn không mang thực hành ra ngoài trung tâm thiền. Mỗi lần trở lại thiền viện, bạn lại phải bắt đầu lại từ đầu. Không có đà quán tính. Sự liên tục trong thực hành và đà quán tính là cần thiết nếu bạn muốn thanh lọc tâm.
Có rất nhiều cấp độ vi tế của suy nghĩ, kể cả khi ở trong thái nhận biết sắc bén thì vẫn có suy nghĩ ở một cấp độ tinh vi. “Mình có đang biết không? Có, vẫn đang nhận biết.” Chúng ta đang bình luận về trải nghiệm. Sự khác biệt ở cấp độ suy nghĩ vi tế này là không có câu chuyện. Tâm suy nghĩ là đối tượng mà không phải là câu chuyện. Cấp độ suy nghĩ vi tế này chỉ đơn thuần là một chức năng, không phải là suy nghĩ thô. Cấp độ thô của suy nghĩ là những gì xuất hiện một cách ngẫu nhiên và mạnh mẽ, bạn có thể nhận ra nó, và nếu suy nghĩ đấy chẳng quan trọng, nó sẽ dừng lại. Nếu suy nghĩ đó thú vị và thu hút sự chú ý của bạn, nó sẽ tiếp tục trong khi bạn vẫn duy trì được sự nhận biết nhẹ nhàng hoặc thậm chí không còn nhận biết nào cả. Khi quan sát tâm suy nghĩ là để học hỏi về bản chất của chúng. Suy nghĩ đấy có thiện xảo hay không? Có cần thiết hay không? Sự hiểu biết về góc độ này là một cấp độ của trí tuệ. Chúng ta cần hiểu rằng tâm suy nghĩ như là một đối tượng, là tự nhiên. Suy nghĩ là tâm.
PANÑATTI (KHÁI NIỆM)
Hiện nay, chúng ta đã biết rằng suy nghĩ là đối tượng, nhưng liệu chúng có phải là khái niệm (paññatti) không? Câu trả lời là có, vì tâm có thể nhận biết được việc suy nghĩ, và do đó nó cũng nhận biết chúng như những khái niệm, không phải là những gì đã được thực chứng, mà là những khái niệm trừu tượng. Ví dụ, nếu bạn nghe tiếng hàng xóm đang chặt củi bằng rìu, đó là đối tượng hay khái niệm? Câu trả lời là cả hai. Âm thanh là đối tượng vì nó đang diễn ra và đến tai bạn; âm thanh được tiếp nhận, đó là điều tự nhiên. Còn hình ảnh trong tâm bạn về hàng xóm đang chặt củi là một khái niệm; đó là một khái niệm trừu tượng vì bạn không thể nhìn thấy rằng đó chính là hàng xóm, và bạn cũng không biết liệu anh ta có đang chặt củi hay không; bạn chỉ nghe thấy âm thanh mà thôi. Bạn đang giả định đó là hàng xóm, và sự giả định này đến từ trí nhớ, một khái niệm. Khái niệm cũng là một đối tượng, bởi vì khái niệm này khởi sinh từ sự nhận định về âm thanh rồi chuyển thành một suy nghĩ hoặc hình ảnh trong tâm bạn, tâm cũng là một trong những giác quan. Suy nghĩ lúc này đang được biết. Điều quan trọng cần nhớ là chúng ta không thiền một cách riêng biệt âm thanh và khái niệm liên quan đến âm thanh đó. Bởi vì chúng xảy ra đồng thời, và tâm đã nhận biết điều này. Nếu muốn thẩm sát về những gì đang diễn ra, chúng ta không thẩm sát vào khái niệm hay câu chuyện, mà vào tiến trình suy nghĩ, đây không phải là câu chuyện, đây là hoạt động hay là chức năng của tâm – khả năng của suy nghĩ là tạo nên hình ảnh. Chúng ta có thể nhìn vào nguyên nhân để thấy ra sự hiểu biết về toàn bộ sự tương hỗ giữa khái niệm và thực tại. Sống trong đời sống hằng ngày cần sử dụng khái niệm, nhưng chúng ta cần biết rằng đó chỉ là khái niệm và đừng để bị cuốn vào đó.
Có sáu loại khái niệm: phương hướng, hình dạng, màu sắc, thời gian, địa điểm và tên gọi. Mỗi khi chúng ta nghĩ về một cái gì đó liên quan đến một ai đó, một người, thì khái niệm đã có mặt ở đó, một cái tên. Đó là lý do tại sao khi nói đến đối tượng, tôi có hàm ý đối tượng là “cái đang được biết.” Bạn có thể biết âm thanh, hay khi không có âm thanh bạn cũng có thể biết, không âm thanh cũng là một đối tượng, bởi vì bạn biết đến nó. Một lần ở Miến Điện, vào ban đêm ở khu vực đó có rất nhiều ve, tiếng ve kêu râm ran khắp không gian, không ngừng nghỉ. Âm thanh này là một đối tượng lớn thu hút sự chú ý của tôi trong một thời gian dài. Tâm tôi sau đó nhận ra bên cạnh âm thanh của ve, phần còn lại là sự tĩnh lặng. Vậy là không chỉ có âm thanh của ve, mà còn có sự im lặng phía sau đó nữa, và tôi có thể nhận biết cả hai cùng một lúc. Với sự nhận biết đó, không chỉ có hai đối tượng mà còn có hai tâm, mỗi tâm nhận ra một đối tượng riêng biệt.
Thông thường, chúng ta rất dễ bị thu hút bởi những đối tượng mạnh, những đối tượng thô; ví dụ, khi có đau, chúng ta biết đau. Khi không có đau, chúng ta nghĩ không có cảm giác, nhưng thực ra không đau cũng là một đối tượng vì lúc đó mình vẫn biết là ở đó không đau. Đó là lý do, đôi khi để biết được cái gì đó có phải là đối tượng, bạn cần hiểu rằng, nếu đó là đối tượng thì nó phải được biết, như thế mới là đối tượng. Khi biết, nếu sự biết đến từ sự hiểu thì những điều vi tế cũng có thể được biết, mặc dù điều này dường như là bạn chẳng biết gì cả. Thực tại luôn đi kèm với khái niệm che phủ lên nó; thực tại của các khái niệm mà chúng ta quen thuộc cần phải được hiểu – điều này rất quan trọng. Chúng cần được hiểu vì thực tại và khái niệm luôn cùng hiện diện, và chỉ có thực tại mới là đối tượng của trí tuệ.
SAÑÑÃ (TƯỞNG)
Saññä thực hiện công việc ghi nhớ ngay thời khắc mà tâm tiếp xúc với đối tượng. Tưởng nhận định chất lượng của đối tượng. Khi có sự tiếp xúc với đối tượng thì ngay lúc đó đã có tưởng, ghi nhớ và gợi hình (sañña) và làm việc của chúng đó là khả năng giúp mình sinh hoạt bình thường (như đi bộ, ăn uống hay nói chuyện), Tưởng ghi nhớ và diễn giải những gì đã được nhận định trước đó, Chúng ta có thể biết được thức”* (vinnana), cùng các ý định, cũng như thọ (vedana), nhưng thường lại thấy khó khăn khi nhìn ra cách sañña hoạt động. Tưởng là một chức năng tự nhiên của tâm, vì vậy chúng ta chẳng thể nào xóa tưởng ra khỏi tâm. Điều mình có thể làm là chỉ cần nhận biết từng khoảnh khắc và đừng để bị đánh lừa bởi những phần khái niệm thêm vào mà không có chức năng nào cả. Khi ghi nhận khái niệm sinh khởi trong tâm, hãy tự hỏi: “Có thật hay không thật? Có cần thiết hay không cần thiết?”
Sự thực hành này không phải là cố gắng loại bỏ suy nghĩ, chúng ta chỉ quan sát suy nghĩ để biết chúng, để biết liệu chúng xuất phát từ một tâm ô nhiễm hay từ một tâm trí tuệ. Chúng ta có thể thẩm sát những trải nghiệm với suy nghĩ. Ví dụ, khi nhìn vào một bông hoa, chúng ta thường mô tả đóa hoa ấy “đẹp”, trong khi thực tế, việc nhìn thấy là tự nhiên. Tại sao chúng ta lại mô tả đóa hoa ấy là “đẹp”? Vì nó mang lại cho mình niềm vui. Hoa không phải là đẹp, nó chỉ là một bông hoa có thể mang đến cho mình một khoảnh khắc vui vẻ. “Đẹp” là một khái niệm, ghi nhận ra hình dáng của “hoa” là saññã. Sự thích thú và suy nghĩ “đẹp” là sankhära (tâm hành), điều này tạo ra cảm giác dễ chịu (vedana). Chính điều đó thúc đẩy đồng thời cả sañña và sankhära hoạt động để đánh giá nó là đẹp. Một số người có thể có trải nghiệm khóc khi nhìn thấy bông hoa, có thể họ thấy đau khổ, và đấy cũng chính là saññã và sankhära đang làm việc. Thật tốt khi suy nghĩ về mọi thứ theo cách này. Với suy nghĩ, chúng ta có thể thẩm sát tâm. Nếu biết được suy nghĩ thì chúng ta cũng có thể biết được đâu là thiện và đâu là bất thiện. Nếu biết được điều này, chúng ta có thể sử dụng trí tuệ để tạo ra những lựa chọn thiện lành cho cuộc sống mình. Khi sống một đời sống thiện lành, mọi thứ có xu hướng tự nhiên ổn định. Dhamma đang làm việc vì mình, làm cho chúng ta hạnh phúc, một niềm hạnh phúc sinh ra từ trí tuệ.
Chú thích
* Tâm biết hay còn gọi là tâm thức – một trong năm nhóm tâm (ngũ uẩn). Tâm biết này khác với tâm nhận biết. Ngũ uẩn bao gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.