PHẬT THĂNG ĐAO LỢI THIÊN VỊ MẪU THUYẾT PHÁP

KINH MA HA MA DA

Trích: Kinh Ma ha ma da; Tỳ kheo Thích Phước Sơn dịch sang Tiếng Việt

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, đức Phật cùng với 1250 vị Tỳ kheo an cư tại gốc cây Ba lợi chất đa la trong vườn hoan hỉ, nơi cung trời Đao Lợi.

Bấy giờ, Phật bảo đồng tử Văn Thù Sư Lợi: “Ông hãy đến chỗ Mẫu hậu Ta báo tin rằng Ta đang ở tại đây, xin Mẫu hậu tạm thời dời gót đến nơi này đỉnh lễ Tam bảo. Ồng nhớ đọc thuộc bài kệ này, rồi đến đó đọc lại cho Mẫu thân ta nghe:

Thích ca đại Tiên sư

Thành tựu nhất thiết trí

Ở tại Diêm Phù Đề

Như vị trời ngàn mắt

Ân cần tình khát ngưỡng

Muốn gặp mặt Mẫu thân

Xưa kia tại Vương cung

Sinh con được 7 ngày

Liền siêu thăng Thiên giới

Di mẫu dưỡng nuôi con

Đến khi thành Chính giác

Giáo hóa độ chúng sinh

Nay đến tại nơi này

Thuyết pháp báo mẫu ân

Mong mẹ cùng quyến thuộc

Quang lâm đến nơi ấy

Kính lễ Phật Pháp Tăng

Cùng thọ pháp thanh tịnh.

Khi ấy, Đức Văn Thù lãnh giáo chỉ của Phật liền đến chỗ Hoàng hậu Ma-ha-ma-da trình bày đầy đủ lời Phật dạy và đọc lên bài kệ đó. Khi nghe xong lời kệ, đôi vú của Ma-ha-ma-da liền vọt sữa ra, bà bèn nói: “Nếu chắc chắn vị ấy là Tất đạt đa, con Ta sinh ra, thì hãy khiến cho những giọt sữa này rơi vào miệng người ấy”. Khi bà nói dứt lời thì vú bà vọt ra sữa trắng như hoa sen và rơi vào miệng của Như Lai. Thấy được điều ấy, bà mừng rỡ khôn cùng, liền nói với Đức Văn Thù Sư Lợi: “Từ khi Ta với Phật làm mẹ con cho đến nay, chưa có lúc nào được hoan hỉ an lạc như giây phút này. Chẳng khác gì một người đang đói khát cùng cực mà được thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn. Niềm vui của Ta giờ đây cũng tựa hồ như thế”.

Thế rồi, bà cùng Văn Thù đi đến chỗ Phật. Từ xa Phật nhìn thấy Mẫu hậu, lòng rung động cảm kích tột cùng. Đến khi tới gần, Phật liền nói với mẹ: “Thưa Mẫu từ, cái thân này đã trải qua vui khổ quá nhiều, giờ đây cần phải tu tập pháp Niết Bàn để vĩnh viễn xa lìa những điều vui khổ ấy”.

Nghe lời Phật nói, bà cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ, rồi cảm thán đọc lên bài kệ:

Ông từ vô số kiếp,

Thường uống sữa của Ta

Nay lìa sinh già chết

Thành tựu Vô thượng đạo

Hãy báo ân sinh dưỡng

Giúp ta đoạn ba độc

Quy mạng Đại trượng phu

Vô tham, ban ân huệ

Quy mạng bậc Điều ngự

Tối thượng không gì hơn

Quy mạng Thầy trời người

Biết lìa si ái kết

Ngày đêm cả ba thời

Nhớ nghĩ không đoạn tuyệt

Cúi đầu thành kính lễ

Bậc Vô thượng Pháp vương.

Bấy giờ, Thế Tôn thưa với Mẫu thân: “Xin từ mẫu hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ những điều sau đây:

Giáo pháp này đoạn đầu,

Đoạn giữa và đoạn cuối

Đều thuần thiện, thanh tịnh

Nghĩa lý rất sâu xa,

Ngôn từ thật kỳ diệu,

Thuần nhất không pha tạp,

Thể hiện tướng phạm hạnh,

Trong sáng và vẹn toàn.

Sau khi nghe Phật tuyên thuyết, Hoàng hậu Ma-ha-ma-da nương nhờ uy thần của Phật nên nhớ lại các kiếp quá khứ đồng thời cũng đã đến lúc thiện căn của bà thuần thục, nên đoạn trừ sạch kiết sử sâu dày trong 80 ức kiếp, chứng được quả vị Tu đà hoàn. Bà liền đứng dậy, chắp tay bạch với Phật: “Ngục tù sinh tử từ nghìn đời giờ đây đã dứt sạch, Ta chứng được đạo quả giải thoát tự tại”.

Rồi bà kể lại muôn triệu kiếp quá khứ mà mình đã trải qua: Khi thì ta làm Chuyển Luân Thánh Vương, cai trị 4 phương thiên hạ, đầy đủ mọi thứ châu báu. Nhưng chẳng bao lâu sau đó ta lại làm ếch nhái; rồi chẳng bao lâu lại làm kẻ bần tiện, chạy đông chạy tây tìm kế sinh sống, tất bật với những thứ cơm áo gạo tiền; chẳng bao lâu lại làm đại phú trưởng giả, tích trữ của cải hàng vạn ức, danh tiếng đồn vang; chẳng bao lâu ta lại lên cung trời, ăn uống những vị cam lồ, hưởng thọ khoái lạc thoải mái; chẳng bao lâu, ta lại rơi xuống địa ngục, uống nước đồng sôi, nuốt hòn sắt nóng. Trong quá khứ, ta đã từng làm thân trâu ngựa, xương thịt tích tụ cao như núi Tu-di, còn bị sinh tử xoay chuyển chưa được giải thoát. Đã bao nhiều lần được những tên gọi như là: gia chủ, hoặc là tôi tớ, hoặc Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc là Đế Vương, hoặc Thiên Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, nhân hoặc là phi nhân, hoặc súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục v.v…, từng chịu vô lượng khổ đau. Giờ đây, ta quyết tâm tu tập chính pháp để chấm dứt mọi nỗi thống khổ, đạt được Niết bàn an lạc. Từ muôn triệu kiếp ta đã chịu trầm luân sinh tử oan uổng, chẳng khác gì:

Đồ tể chiên đà la

Xua trâu vào lò mổ

Từng bước đến cõi chết

Sống chết nhanh xiết bao!

Đọc kệ xong, bà chắp tay hỏi Phật: “Kính thưa Thế Tôn, vì sao tất cả chúng sinh bị trầm luân sinh tử chịu bao nỗi thông khổ mà không thể tìm đường giải thoát?”.

Khi ấy, Thế Tôn nói với Hoàng hậu Ma-da: “Chúng sinh không giải thoát được là vì tham dục, giận dữ và vô minh chi phối họ, làm cho họ chìm đắm mãi trong sinh tử; cho nên dù muốn sinh lên cõi trời cũng khó được, huống gì xuất ly sinh tử. Còn ở cõi thế thì cũng chẳng được danh tiếng tốt lành, bạn bè thân quyến đều xa lìa, nhìn nhau như thấy cỏ rác, không có lòng thương yêu. Đến khi lâm chung lại càng khốn khổ cực độ, thần thức hoảng hốt, chừng ấy mới biết hối hận tự trách lấy mình. Tất cả đều do ba độc thao túng mà đến nỗi thế. Nếu ai muốn mưu cầu thánh quả giải thoát thì phải cắt đứt gốc rễ của mọi khổ đau. Những kẻ phàm phu ngu si bị kiết sử trói buộc cũng giống như con ngựa bị dây thừng cột chặt không thể cử động được. Đó là vì họ không thấu hiểu được sự ràng buộc của sắc pháp, sự diệt trừ sắc pháp và phương pháp diệt trừ sắc pháp. Cũng như thế, đối với bốn yếu tố còn lại của ngũ uẩn là Thọ, Tưởng, Hành và Thức họ cũng không hiểu biết một cách đúng đắn.

Như Lai từ vô số kiếp quá khứ đến nay vì tất cả chúng sinh mà tu tập khổ hạnh. Giờ đây đã thành tựu vô thượng Chính Đẳng Chính Giác, có lòng thương xót tất chúng sinh, xem chúng như những đứa con còn thơ bé. Những ai có duyên lành thì Ta đã hóa độ hoàn tất. Các pháp của chư Phật ba đời đều đã trải qua, Ta sẽ không còn xuất hiện ở thế gian này một lần nào nữa. Từ giờ trở đi, mọi dấu vết của Ta đều xóa sạch, không thể nào tìm kiếm được nữa. Ta sẽ không còn làm bất cứ một chức vị nào ở thế gian này nữa mà chỉ giữ địa vị của đấng Pháp vương tự tại. Ta không còn dùng đao binh gông cùm xiềng xích để kềm chế tội nhân, mà chỉ dùng chính pháp giáo hóa chúng sinh, khiến cho tất cả đều đạt được giải thoát, tất cả đều xa lìa năng lực khống chế của các hành. Dù kiếp tận, núi Tu di kia bị hủy diệt, nước của bốn biển lớn có khô cạn thì sứ mệnh ra đời hóa độ chúng sinh của Như Lai cũng không dừng nghỉ.

Bấy giờ đức Thế Tôn ở cung trời Đao lợi thuyết pháp cho 8 bộ chúng và 4 chúng đệ tử đã tròn 3 tháng, Ngài muốn trở lại cõi Diêm Phù Đề, bèn bảo một người con của quan Đại thần ở thành Vương Xá, vốn bản tính thông minh trí tuệ hơn người là Cưu ma la rằng: “Giờ đây, ngươi hãy trở lại cõi Diêm phù đề thông báo cho mọi người biết rằng chẳng bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn.”. Rồi Phật trao cho Cưu ma la bài kệ tóm tắt nội dung muốn truyền đạt cho dân chúng.

Khi Cưu ma la đi rồi, Phật thưa với Hoàng hậu Ma-ha-ma-da: “Trong dòng sinh tử, hễ có tụ hội thì có chia lìa, nay con phải trở xuống cõi Diêm Phù Đề, và không lâu nữa sẽ nhập Niết bàn”.

Hoàng hậu Ma-ha-ma-da nghe Phật nói thế, liền rơi lệ, đọc lên bài kệ:

Thế Tôn đã nhiều kiếp

Vì thương xót chúng sinh

Bỏ đầu mắt tủy não

Nay thành Chính Đẳng Giác

Chúng sinh trong ba cõi

Bị si ái nhận chìm

Dùng thuyền pháp cứu vớt

Vì sao vội giã từ!

Thế Tôn liền đọc kệ đáp lại:

Chư Phật hiện ra đời

Đều có nhân duyên cả

Duyên hết phải rời nhau

Pháp chư Phật là thế.

Đức Thế Tôn đọc kệ xong, từ biệt Mẫu hậu rồi đi xuống hạ giới. Khi ấy, Đại Phạm Thiên Vương cầm lọng theo hầu. Đế Thích và bốn vị Thiên vương đi theo hai bên, cùng vô lượng Thiên long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, người và loài không phải người, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, cùng các loài quỉ thần khác doanh vây trước sau đức Như Lai chật cả hư không.

Khi đức Thế Tôn xuống đến cõi Diêm phù đề thì được vua Ba Tư Nặc cùng các vị quốc vương khác cũng như dân chúng và bốn chúng đệ tử nghênh đón vô cùng trọng thể. Nhân cơ hội ấy, đức Thế Tôn thuyết pháp giáo hóa mọi người.

Sau khi đức Thế Tôn thuyết pháp cho vua Ba tư nặc và Đại chúng nghe, rồi thầy trò đức Phật phát xuất từ thành Xá vệ du hành trong nhân gian đến các thôn ấp xóm làng tiếp tục hóa độ những người đáng được hóa độ. Lúc Thế Tôn đến sông Ni liên thiền, Ngài bèn mặc áo tắm xuống tắm dưới dòng sông thì vô lượng thiên nhân bát bộ cầm đủ mọi thứ hương đến cúng dường Ngài. Các chúng sinh ở trên không, mặt đất và dưới nước trông thấy thân thể trong suốt như thủy tinh của đức Như Lai đều sinh tâm hoan hỉ, khởi niệm từ bi, ba độc tiêu tan, không còn muốn tàn hại lẫn nhau, và đều phát tâm cầu đạo quả vô thượng chính giác. Bấy giờ, A Nan thưa với Phật: “Bạch Thế Tôn, giờ đây các loài chim muông, thủy tộc nhìn thấy kim thân của Thế Tôn đều sinh tâm hoan hỉ, còn Đề bà đạt đa vốn là dòng họ Thích, thân tộc của Thế Tôn, lại là Sa môn, miệng thường tụng đọc kinh điển vi diệu, thế mà làm những việc trái đạo, rắp tâm hãm hại Phật, làm cho thân Phật xuất huyết”.

Phật nói với A Nan: “Đúng như ông nói, Đề bà đạt đa từng gây tội phản nghịch phải đọa vào địa ngục, dù cho tất cả chư Phật muốn cứu ông ta cũng không thể nào cứu được khiến lòng ta rất thương xót.

Khi ấy, Đề Bà Đạt Đa đang ở gần đó nghe thế sinh tâm phẫn nộ, dẫn các đệ tử ra đi. Trên đường đi có vô số chim chóc bay lượn qua lại trên đầu, tỏ vẻ phẫn nộ kêu la rốì rít. Lại có những con trâu dữ muốn xông đến húc ngã ông ta. Các đệ tử thấy thế rất kinh hãi. Thầy trò Đề Bà đi lần đến thành Vương Xá báo tin cho vua A Xà Thế ra tiếp đón, nhưng vua cự tuyệt, khiến Đề Bà càng thêm giận dữ, dùng tay tự tát vào đầu nghiến răng tru tréo mạ lị. Vừa lúc ấy, Tỳ kheo ni Ưu Bát La từ trong Vương cung đi ra, trông thấy Đề bà, liền nói: “Chính ông đã làm cho dòng họ Thích suy vi và gây ra tai họa cho Phật pháp”.

Đề Bà nghe lời chê trách ấy rất bực tức, liền dùng cú đấm đấm vào đầu cô, làm cho Ưu Bát La vong mạng lập tức. Vì Đề Bà sát hại một Tỳ kheo ni đã đắc quả A la hán, do đó mặt đất liền nứt ra; rồi một ngọn lửa mãnh liệt cuốn lấy thân thể Đề Bà lôi thẳng xuống địa ngục.

Trên đường du hành giáo hóa lần hồi đến thành Tỳ Da Ly, Phật thuyết pháp cho dân chúng Ly Xá và các cô gái thợ giặt. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cảm thấy toàn thân đau nhức, bèn nói với A Nan: “Này A Nan, giờ đây khắp thân Ta đều đau đớn, Ta chỉ muốn bỏ cái thân già nua cằn cỗi này. A Nan có biết không, nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni nào đạt được bốn Thần túc thì có thể duy trì thọ mạng ở thế gian này trong một kiếp hoặc hơn một kiếp, huống gì Như Lai đã đạt được vô ngại tự tại”.

Lúc ấy, A Nan bị thiên ma mê hoặc nên im lặng không nói lời nào. Thậm chí, Thế Tôn lặp lại đến ba lần mà A Nan vẫn giữ im lặng. Thế rồi, đức Như Lai bảo A Nan hãy tìm một gốc cây chuyên tâm tư duy quán tưởng về các pháp.

Bấy giờ Ma Ba tuần liền đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn, ngày trước tôi đã thỉnh cầu Thế Tôn nhập Niết bàn, nhưng lúc ấy Thế Tôn nói với tôi rằng: “Các đệ tử Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà  tắc, Ưu bà di của Ta chưa đầy đủ, cho nên Ta chưa có thể nhập Niết bàn”. Bạch Thế Tôn, giờ đây bốn bộ chúng đã đầy đủ, sự hóa độ cũng đã hoàn tất, kính mong Thế Tôn hãy nhanh chóng nhập Niết bàn”.

Khi ấy, đức Thế Tôn liền trả lời Thiên ma: “Lành thay này Ba tuần, ngươi nên nhớ cho, ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập Niết bàn”.

Ma Ba tuần thấy Phật hứa khả, vui mừng khôn xiết nhảy nhót không thể kiềm chế được, bèn đảnh lễ chân Phật rồi trở lại Thiên cung.

Sau khi đức Như Lai hứa với Thiên ma ba tháng nữa sẽ nhập Niết bàn thì đại địa chấn động đến 6 lần. Mặt trời âm u, mưa gió nổi lên, Thiên long bát bộ đều kinh hãi, kéo đến chỗ Phật đầy cả hư không. A Nan thấy những hiện tượng kỳ lạ như vậy bèn đến chỗ Phật hỏi duyên cớ vì sao, thì Phật thuật lại câu chuyên Ngài vừa trao đổi với Thiên ma. Bấy giờ A Nan hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn từng nói rằng những ai đạt được bốn thần túc thì có thể duy trì sinh mạng đến một kiếp hoặc hơn một kiếp, đều tùy ý tự tại, vậy tại sao đức Như Lai không an trú ở thế gian lâu hơn nữa mà vội nhập Niết bàn?”.

Khi ấy, Phật trả lời A Nan: “Này A Nan, trước đây ta đã từng nói với ông như thế nhưng vì ma mê hoặc nên ông không thỉnh cầu Ta trụ lại, giờ đây ta đã hứa với Thiên ma thì làm sao còn ở lại. Ông nên biết rằng tất cả các hành đều vô thường, không thể tồn tại mãi”.

A Nan nghe Phật nói như vậy, đau buồn, sầu não không thể kiềm chế được, kêu gào khóc lóc hối hận tự trách mình.

Trông thấy tình cảnh ấy, Phật vận dụng tâm đại bi nói với A Nan bằng Phạn âm: “Nay ông không nên làm như trẻ con mà kêu gào khóc lóc. Tại sao vậy? Vì trong cuộc sinh tử này tất cả đều như vậy hết. Cho nên cần phải chuyên tâm tư duy về các pháp. Từ thuở xa xưa ông từng làm thị giả cho Ta mãi đến hôm nay, ba nghiệp thân khẩu ý đều cực kỳ thuần thiện. Ta chưa từng thấy ông phạm phải một mảy may lỗi lầm nào. Giờ đây hãy chuyên tinh mong cầu giải thoát. Hãy kiềm chế sự đau thương, đừng có sầu não”.

Khi ấy, A Nan bạch với Phật: “Bạch Thế Tôn, sau khi đức Như Lai nhập Niết bàn, về cách thức trà tỳ phải làm như thế nào?”.

Phật nói với A Nan: “Về cách thức trà tỳ phải làm như Chuyển Luân Thánh Vương. Dùng 1.000 tấm lụa quấn quanh thân Phật, rồi dùng dầu thơm rảy trong kim quan, lại dùng hòm vàng đựng vào trong hòm bạc, lại dùng hòm bạc đựng vào trong hòm đồng, lại dùng hòm đồng đựng vào trong hòm sắt, đoạn chất củi thơm lên mà hỏa thiêu. Thế rồi, thâu thập xá lợi, dựng tháp miếu, treo cờ phướn, trương tán lọng để cúng dường”.

Tiếp đến, Phật bảo A Nan vào thành báo cho các lực sĩ biết rằng đêm nay Phật sẽ nhập Niết bàn. Hay tin ấy, Thiên long bát bộ đều âu sầu khóc lóc, đồng thanh nói: “Thế gian đã mất đấng từ phụ. Bọn chúng ta từ nay bị trôi chìm trong biển sinh tử, còn ai cứu vớt nữa đây?”.

Lúc ấy, trong thành có một phạm chí tên là Tu Bạt Đà La đã 120 tuổi, nghe tin Phật nhập Niết bàn tại Ta la song thọ vào lúc nửa đêm, liền đến chỗ A Nan xin cho ông được yết kiến Phật. Nhưng A Nan sợ làm phiền Phật nên im lặng không trả lời, dù ông xin đến ba lần.

Khi ấy, Thế Tôn dùng Thiên nhĩ thông nghe được bèn bảo A Nan cho phép Tu Bạt Đà La vào hầu, khiến ông vui mừng khôn tả. Đoạn Thế Tôn thuyết về Bát Chánh Đạo cho ông. Nghe pháp xong, ông chứng quả A la hán ngay tại chỗ ngồi. Thế là ông xin phép Phật được nhập diệt trước chứ không nỡ chứng kiến Phật nhập Niết bàn, rồi ông nhập Niết bàn trước Phật.

Bấy giờ, Phật thuyết pháp cho 8 bộ chúng và các đệ tử xong, rồi đến nửa đêm tới thời điểm Niết bàn, Phật đọc kệ:

Những chúng sinh có duyên

Ta đều đã hóa độ

Đêm vắng khí trời mát

Giờ Niết bàn đã đến. 

Bấy giờ Phật bắt đầu nhập Sơ thiền; xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền; xuất Nhị thiền, nhập Tam thiền; xuất Tam thiền, nhập Tứ thiền; xuất Tứ thiền, nhập Không xứ; xuất Không xứ, nhập Thức xứ; xuất Thức xứ, nhập Vô sở hữu xứ; xuất Vô Sở hữu xứ, nhập Phi phi tuởng xứ; xuất Phi phi tưởng xứ, nhập Diệt tận định. Thế rồi, Như Lai xuất Diệt tận định, nhập trở lại Phi phi tưởng xứ; xuất Phi phi tưởng xứ, nhập Vô sở hữu xứ; xuất Vô Sở hữu xứ, nhập Thức xứ; xuất Thức xứ, nhập Không xứ; xuất Không xứ, nhập trở lại Tứ thiền; xuất Tứ thiền, nhập trở lại Tam thiền; xuất Tam thiền, nhập trở lại Nhị thiền; xuất Nhị thiền, nhập trở lại Sơ thiền. Đoạn từ Sơ thiền nhập vào Nhị thiền; xuất Nhị thiền, nhập Tam thiền; xuất Tam thiền, nhập Tứ thiền; xuất Tứ thiền, nhập Không xứ; xuất Không xứ, nhập Thức xứ; xuất Thức xứ, nhập Vô sở hữu xứ; xuất Vô sở hữu xứ, nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ; xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập Diệt tận định. Ngay nơi định này, Thế Tôn an trụ Niết bàn. Lúc ấy, quả đất rung động, Thiên Long bát bộ đau thương khóc lóc ầm ĩ. Trời Đế Thích và Phạm Thiên vương liền đọc kệ:

Sinh tử không chân thật

Lừa dối mọi chúng sinh

Giờ đây đức Mâu Ni

Vứt bỏ như đàm dãi.

Khi ấy, Ma da đang ở trên cung trời trông thấy 5 tướng suy vi:

  1. Hoa trên đầu tàn úa;
  2. Dưới nách đổ mồ hồi;
  3. Ánh sáng trên đầu tắt lịm;
  4. Đôi mắt co giật từng hồi;
  5. Không ưa thích chiếc ghế ngồi.

Đồng thời trong đêm ấy bà thấy 5 ác mộng:

  1. Thấy núi Tu di sụp đổ, nước bốn biển khô cạn;
  2. Có nhiều quỉ La sát tay cầm dao bén, tranh nhau khoét mắt của chúng sinh. Khi ấy có một ngọn gió đen thổi mạnh, các La sát đều tháo chạy vào trong núi tuyết;
  3. Chư Thiên các cõi Dục giới, Sắc giới bỗng nhiên mất chiếc mũ châu báu, bứt bỏ các chuỗi ngọc anh lạc, không ngồi yên trên chỗ ngồi, thân thể không có ánh sáng, giống như một đống mực;
  4. Mộng thấy viên ngọc Như ý ở trên ngọn cờ cao thường rơi xuống những châu báu để chu cấp cho tất cả, bị bốn con rồng độc miệng khạc ra lửa thổi ngã cây cờ ấy, rồi nuốt mất viên ngọc Như ý, đoạn có ngọn gió lốc cuốn phăng nó dìm xuống vực sâu;
  5. Mộng thấy có 5 con sư tử từ trên không trung đi xuống cắn đôi nhũ hoa của Ma ha ma da, rồi chui vào bên hông trái, khiến thân tâm bà đau đớn như bị kiếm đâm.

Sau khi thấy 5 cơn ác mộng, Ma da kinh hoảng, thức giấc, thầm nhủ: “Ta vừa thấy ác mộng khiến cho thân tâm sầu khổ. Ngày xưa, tại cung vua Tịnh Phạn, trong giấc ngủ ngày, ta mộng thấy một điềm hi hữu: thấy một thiên tử thân ánh sắc vàng cưỡi con voi trắng có các thiên tử tùy tùng, trỗi nhạc vi diệu làm lu ánh sáng mặt trời, đi vào hông phải của ta, khiến cho thân tâm an lạc, hết mọi thống khổ. Do thế mà ta hoài thai Thái tử Tất Đạt Đa, làm vinh hiển dòng họ, tỏa sáng trong cõi đời. Trái lại, 5 ác mộng giờ đây thật là kinh khủng. Có lẽ đó là điềm triệu cho biết con ta Thích Ca Như Lai đang nhập Niết bàn”. Thế là bà thuật lại giấc mộng vừa rồi với các Thiên nữ.

Bấy giờ, tôn giả A Na Luật thấy nhục thân của Như Lai đã nhập vào kim quan, bèn bay lên cung trời Đao lợi báo tin cùng Ma Ha Ma Da. Ma Da nghe tin dữ, cực kỳ đau đớn, ngã quỵ xuống đất hôn mê bất tỉnh. Hồi lâu mới tỉnh lại, bà đập đầu, bứt tóc, tháo bỏ các vật trang sức, khóc lóc thảm thiết, nói rằng: “Đêm qua nằm thấy 5 ác mộng ta đoán chắc là Phật đang nhập Niết bàn. Giờ đây quả nhiên A Na Luật đến bảo rằng Phật đã diệt độ tại Ta la song thọ, chẳng bao lâu nữa sẽ được trà tỳ. Đau đớn biết dường nào! Con mắt của thế gian đã diệt mất. Sao mà nhanh thế! Phước điền của trời người đã vĩnh biệt. Ngày xưa tại cung Vua Tịnh Phạn vừa sinh Thái tử được 7 ngày thì ta liền mạng chung. Rốt cuộc chưa được bồng bế để biểu lộ tình mẫu tử, đành phải ủy thác Thái tử cho Ma Ha Ba Xà Ba Đề vốn là dì ruột lo phần cho bú mớm duỡng nuôi. Đến khi khôn lớn vừa được 29 tuổi, thì vào lúc nửa đêm Thái tử vượt thành ra đi, khiến cho khắp cả trong ngoài cung cấm không ai là không xót thương sầu não. Tới khi thành đạo, đã mở con mắt trí tuệ cho người đời, che chở mọi loài giống như từ phụ. Vì sao bỗng chốc lại nhập Niết bàn! Quỉ vô thường cực kỳ hung bạo nỡ nhẫn tâm làm hại đứa con Chánh giác của ta”.

Thế rồi, bà đọc bài kệ ở giữa mọi người:

Đã từ vô lượng kiếp

Thường cùng làm mẹ con

Khi Người thành Chánh giác

Duyên này mới kết thúc

Thế rồi đến hôm nay

Lại thị hiện Niết bàn

Ví như cây cao lớn.

Bầy chim quây quần đậu

Sáng sớm lại bay đi

Chiều tối quy tụ về

Ta, Người là mẹ con

Cùng nương cây sinh tử

Đến khi thành đạo quả

Vĩnh tuyệt cội cây này

Thị hiện sự diệt độ

Không bao giờ gặp nữa. 

Khi Ma Ha Ma Da đọc kệ xong, nước mắt ràn rụa, đau buồn ảo não không thể kiềm chế, cùng với vô lượng thiên nữ quyến thuộc vây quanh, trỗi thiên nhạc, đốt diệu hương, rắc kỳ hoa, ca tụng tán thán, từ hư không xuống ta la song thọ. Từ xa thấy kim quan của Phật, bà đau buồn cực độ, ngất xỉu ngã quỵ. Các thiên nữ phải dìu bà đến bên kim quan. Bà đảnh lễ, nói lời bi thiết: “Từ vô lượng kiếp quá khứ đến nay đều làm mẹ con, chưa từng lìa xa. Giờ đây bỗng chốc vĩnh viễn biệt ly, không bao giờ gặp lại. Than ôi! Khổ thay! Chúng sinh đã hết phước, còn đang mê muội, ai sẽ dìu dắt họ đây?”.

Thế rồi, bà lấy hoa thiên Mạn đà la, Ma ha mạn đà la, Mạn thù sa, Ma ha mạn thù sa, rắc trên kim quan, đọc kệ:

Giờ tại song thọ này

Thiên long tám bộ chúng

Chỉ nghe tiếng khóc than

Không thể biết tiếng ai

Như anh vũ ríu rít

Không biết tiếng con nào

Đầy khắp cả mặt đất

Như đàn chim gãy cánh

Không thể cất cánh bay

Nay Như Lai Niết bàn

Bao kiếp vui ân ái

Như chim Già ca la

Giờ đây gió vô thường

Thổi mỗi con một ngã

Chúng sinh đang đau khổ

Hy vọng pháp cam lồ

Khác nào chim Lan đề

Trông đợi trời đổ mưa

Vì lẽ gì giờ đây

Vội vã nhập Niết bàn

Thân nằm trong kim quan

Biết Ta đến đây chăng?

Đọc kệ xong, bà đoái nhìn y Tăng già lê, bình bát và tích trượng của Như Lai, rồi dùng tay phải cầm lấy, tay trái vỗ vào đầu, ngã lăn xuống đất, như Thái Sơn sụp đổ, kêu gào và ngất xỉu. Đoạn thốt lên lời này: “Ngày xưa con ta cầm những thứ này, tạo phước đức cho thế gian, làm lợi ích cả trời người. Giờ đây các vật này trở thành vật vô chủ. Hỡi ôi! Khổ thay! Đau đớn không thể thốt nên lời!”.

Khi ấy, thiên long bát bộ và bốn chúng đệ tử thấy Ma Da đau buồn như thế càng tăng thêm bi thương, tuôn lệ như mưa. Rồi do thần lực của Đế Thích đã biến những giọt nước mắt ấy chảy thành dòng sông.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng đại thần lực làm cho nắp hòm tự động mở ra. Rồi từ trong kim quan chắp tay ngồi dậy, dùng tiếng Phạn vi diệu chào hỏi mẹ: “Từ xa mẹ đã xuống cõi Diêm Phù Đề này. Các pháp hữu vi là như thế, xin mẹ đừng buồn rầu khóc lóc.”. Rồi đọc kệ:

Trong các loại phước điền

Phật, phước điền tối thượng

Trong tất cả nữ giới

Ngọc nữ báu tối thượng

Ngày nay mẫu thân ta

Không một ai sánh bằng

Đã sinh ra ba đời

Phật Pháp và Tăng bảo

Ta từ kim quan dậy

Chắp tay hoan hỉ khen

Nhằm báo ân sinh thành

Biểu hiện lòng hiếu thảo

Như Phật dù diệt độ

Pháp, Tăng bảo vẫn còn

Xin mẹ đừng ưu sầu

Mà quán lý vô thường.

Khi Phật đọc kệ xong, Ma Ha Ma Da được khuây khỏa ít nhiều, dung sắc dần dần tươi tắn như hoa sen bừng nở. Đồng thời, A Nan thấy Phật ngồi dậy, lại nghe Phật đọc kệ, nước mắt tuôn trào nhưng cố gắng kiềm chế, chắp tay bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, nếu đời sau chúng sinh hỏi con rằng lúc Thế Tôn Niết bàn có nói điều chi không, thì phải trả lời thế nào?”.

Phật nói với A Nan: “Ông nên đáp rằng: Sau khi Thế Tôn Niết bàn, Ma Ha Ma Da từ cung Trời đi xuống nơi kim quan. Lúc ấy, đức Như Lai vì các chúng sinh bất hiếu trong đời sau mà từ kim quan xuất hiện dũng mãnh như sư tử, có muôn ngàn ánh sáng phóng ra từ các lỗ chân lông. Mỗi luồng hào quang có hàng ngàn hóa Phật đều chắp tay hướng về Ma Ha Ma Da đọc lên bài kệ như trên.”

A Nan lại hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, vậy bản kinh này nên đặt tên là gì? Phải gìn giữ bằng cách nào?”.

Phật trả lời A Nan: “Này A Nan, ngày xưa Ta thuyết pháp cho Từ mẫu tại cung Trời Đao lợi, và bản thân Ma Ha Ma Da phu nhân cũng có tuyên thuyết. Giờ đây, tại nơi này, mẹ con lại gặp nhau. Vậy, ông có thể vì chúng sinh đời sau mà gọi kinh này là “Kinh Ma Ha Ma Da”; cũng có thể gọi là “Kinh Phật thăng Đao lợi thiên vị mẫu thuyết pháp”; hoặc gọi là “Kinh Phật Lâm Niết bàn mẫu tử tương kiến”, cứ như thế mà cung kính thọ trì.”

Thế Tôn trình bày xong, liền đọc kệ từ biệt thân mẫu:

Đời sống con đã hết

Phạm hạnh thành từ lâu

Sứ mệnh đã hoàn tất

Không còn thân đời sau

Xin mẹ tự an ủi

Không nên ưu sầu nữa

Các hành đều vô thường

Vốn là pháp sinh diệt

Sinh diệt đã diệt xong

Tịch diệt vui tột cùng. 

Khi đức Thế Tôn đọc kệ xong, nắp kim quan liền khép lại. Ba ngàn đại thiên thế giới đều chấn động. Ma Da và bát bộ chúng khóc thương ảo não không kiềm chế được. Đoạn bà hỏi A Nan:

–   Tất Đạt Đa con ta lúc sắp diệt độ có dạy bảo điều chi không?

A Nan đáp:

–   Vào lúc nửa đêm, đức Thế Tôn dạy bảo các Tỳ kheo một cách đại khái. Rồi đem 12 bộ kinh mà Ngài đã tuyên thuyết ký thác cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp; đồng thời bảo tôi giúp sức công bố.

Ma Da nghe thế càng thêm cảm kích hỏi tiếp A Nan:

–   Từ ngày theo hầu Phật đến nay, từng nghe Phật dạy, vậy tôn giả có nghe Thế Tôn nói chánh pháp của Như Lai bao giờ diệt tận không?

A Nan rơi lệ đáp:

–   Trước đây tôi từng nghe Phật nói về tình trạng chánh pháp diệt tận trong tương lai như sau: Sau khi Phật Niết bàn, Ma Ha Ca Diếp cùng A Nan kết tập Pháp tạng. Khi kết tập xong, Ma Ha Ca Diếp vào trong núi Lang Tích nhập diệt tận định. Còn tôi thì cũng chứng đắc đạo quả, rồi kế tiếp nhập Niết bàn, bèn đem chánh pháp phó thác cho Ưu Ba Cúc Đa. Ông này khéo léo thuyết pháp hóa độ mọi người giống như Phú Lâu Na. Ông còn đem chánh pháp cảm hóa vua A Dục, khiến vua sinh lòng tin kiên cố đối với Phật pháp. Do thế, vua đem xá lợi của Phật chia ra, xây 84.000 ngôi bảo tháp cúng dường. Rồi sau Phật diệt độ khoảng 200 năm, có Tỳ kheo Thi La Nan Đà có tài thuyết pháp hóa độ 20 ức người tại châu Diêm Phù Đề.

Rồi đến 300 năm sau Phật Niết bàn, có Tỳ kheo Thanh Hoa Nhãn thuyết pháp khéo léo hóa độ nửa ức người.

Khoảng 400 năm sau Phật Niết bàn, có Tỳ kheo Ngưu Khẩu khéo thuyết pháp hóa độ một vạn người.

Khoảng 500 năm sau Phật diệt độ, có Tỳ kheo Bảo Thiên khéo thuyết pháp, hóa độ 2 vạn người. Tám bộ chúng sinh phát tâm vô thượng chính đẳng chính giác. Chánh pháp đến đây thì dần dần suy diệt.

Sau 600 năm, có 96 phái ngoại đạo tà kiến tranh nhau phá hủy Phật pháp. Bấy giờ có một Tỳ kheo tên Mã Minh, khéo thuyết pháp hàng phục các phái ngoại đạo.

Đến 700 năm sau, có một Tỳ kheo tên Long Thọ khéo thuyết pháp, bẻ gãy cây cờ tà kiến, đốt lên ngọn đuốc chánh pháp.

Đến 800 năm sau, các Tỳ kheo ưa thích y phục, phóng túng ham vui. Trong hàng trăm nghìn người họa may được một hai người đắc đạo.

Đến 900 năm sau, có những nô bộc làm Tỳ kheo, những tỳ nữ thì làm Tỳ kheo ni.

Đến 1000 năm sau, các Tỳ kheo nghe đến pháp quán tưởng bất tịnh, pháp quán sổ tức thì giận dữ chán ghét. Trong vô lượng Tỳ kheo họa hoằn lắm mới được một hai người tư duy thiền định.

Đến 1.100 năm sau, các Tỳ kheo sống như người thế tục, làm mai cưới vợ, ở trước đại chúng hủy báng giới luật.

Đến 1.200 năm sau, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni làm trái phạm hạnh. Nếu sinh con cái, thì con trai làm Tỳ kheo, con gái làm Tỳ kheo ni.

Đến 1.300 năm sau, ca sa trở thành màu trắng, không còn nhuộm cho hoại sắc.

Đến 1.400 năm sau, bấy giờ bốn chúng giống như những kẻ thợ săn, thích thú sát sinh, đem bán đồ đạc của Tam bảo.

Đến 1.500 năm sau, tại nước Câu-Diệm-Di, có Tỳ-kheo tinh thông tam tạng, thuyết pháp tài giỏi, được 500 đồ chúng. Đồng thời có một Tỳ-kheo (đắc quả) La hán, khéo giữ gìn giới hạnh, cũng được 500 đồ chúng.

Vào dịp Bố tát ngày 15, Tỳ kheo La hán lên tòa tụng giới: “Những điều này nên làm, những điều này không nên làm.”. Khi ấy, một đệ tử của Tỳ kheo Tam tạng phản vấn vị La-hán: “Hiện nay, thân khẩu thầy không thanh tịnh, vì sao lại nói những lời thô lỗ như thế?”.

Vị La hán nói: “Lâu nay tôi sống thanh tịnh, ba nghiệp thân khẩu ý không có lỗi lầm gì”.

Người đệ tử của vị Tam tạng nghe thế lại càng thêm giận dữ, liền sát hại vị La hán ngay tại chỗ ngồi. Khi ấy các đệ tử của Tỳ kheo La hán chất vấn: “Những điều thầy ta nói đúng với giáo pháp, vì sao ngươi lại sát hại Hoà thượng của ta?”, liền dùng dao bén đâm chết vị Tam tạng. Thiên long bát bộ không ai là không ưu sầu. Còn ác ma Ba tuần và các phái ngoại đạo thì vui mừng hớn hở, tranh nhau phá hoại chùa tháp, tàn sát các Tỳ kheo. Tất cả kinh tạng đều di chuyển đến nước Cưu Thi Na Đề. Long vương A-nậu-đạt bèn gom về thủy cung. Bấy giờ Phật pháp bị tận diệt.

Ma Ha Ma Da nghe nói như thế, kêu khóc ảo não, liền hướng về A Nan đọc kệ:

Tất cả đều hoại diệt

Không thứ gì lâu bền

Tu-di và biển lớn

Kiếp tận cũng tiêu tan

Kẻ hào quý trên đời

Chung cục cũng suy vong

Con ta bấy lâu nay

Gian khổ tu muôn hạnh

Do đó thành Chánh giác

Vì người thuyết kinh tạng

Giờ đây vì lẽ gì,

Tất cả đều tiêu vong?

Than ôi! Cõi sinh tử

Đáng sợ biết dường nào!

Khi đọc kệ xong, Ma Da nói với A Nan: “Như Lai đã di huấn, đem chính pháp ký thác cho tôn giả và Ma-ha-ca-diếp, vậy mong thầy siêng năng hộ trì, chuyên tâm đọc tụng. Giờ đây, tôi không đành lòng chứng kiến phút trà tỳ của Như Lai”.

Thế rồi, bà đảnh lễ kim quan của Phật, đi nhiễu bên phải 7 vòng, nước mắt ràn rụa than khóc, rồi trở về cõi trời.

Lúc ấy, tại Ta-la song thọ, Thiên long bát bộ, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di chứng kiến cảnh tượng mẹ con đức Như Lai gặp nhau, và nghe những lời bà nói, có người thì phát tâm cầu đạo vô thượng, có người đắc quả Tu-đà- hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, hoặc có kẻ phát tâm cầu quả Bích-chi Phật. Tất cả đại chúng đều hoan hỉ thọ trì lời Phật dạy, kính cẩn phụng hành.

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP