DEEPAK CHOPRA
DEEPAK CHOPRA
Một trong những điều khác thường trong cuộc sống hiện đại là mọi người thường bất đồng một cách sâu sắc đối với các đức tin tôn giáo nhưng rồi lại sống một cuộc sống tương tự nhau. Nhận xét nổi tiếng của Nietzche rằng Đấng Sáng Tạo đã chết cần được thay đổi thành Đấng Sáng Tạo là một tùy chọn. Nếu có thể giám sát cả ngày lẫn đêm đối với những người cho rằng họ bất tử nhờ quy luật thiêng liêng và những người không bao giờ nghĩ đến những quy luật của Đấng Sáng Tạo thì tôi có thể tưởng tượng rằng phẩm hạnh và sự trụy lạc, tình yêu và lòng thù hận, hòa bình và bạo lực, tất cả đều giống nhau. Thực tế thì cán cân công bằng của thái độ thiếu dung thứ và không yêu thương sẽ nghiêng về phía những tín đồ ồn ào nhất và ở bất kỳ xã hội nào.
Tôi không có ý gây tranh cãi ở đây. Thay vào đó thì vũ trụ dường như có khiếu hài hước, bởi lẽ ở một cấp độ nhất định thì việc không thuận theo một đời sống tâm linh là điều bất khả thi. Bạn và tôi đều đang tham gia tích cực vào quá trình tạo ra thế giới. Bạn không bao giờ bị sa thải khi đang thực hiện công việc sáng tạo thế giới, điều cốt lõi trong mọi con đường tâm linh. Vũ trụ đang sống bằng cơ thể bạn ngay tại khoảnh khắc này. Dù có hay không có niềm tin vào Đấng Sáng Tạo thì chuỗi sự kiện kéo dài từ tâm thức tìm ẩn cho đến thực tại hữu hình vẫn sẽ không thay đổi. “Hệ điều hành” của vũ trụ áp dụng cho tất cả mọi người và nó luôn thuận theo những nguyên tắc không cần đến sự hợp tác của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn quyết định sống một cuộc sống tâm linh có ý thức thì sự thay đổi sẽ diễn ra. Những nguyên tắc của hệ điều hành vũ trụ, tức là các quy tắc sáng tạo, sẽ mang tính chất cá nhân hơn. Chúng ta đã tiếp xúc với rất nhiều quy tắc sáng tạo; hãy cùng phân tích xem chúng ta có thể cân chỉnh nguyên lý vũ trụ với quy tắc cá nhân như thế nào.
Vũ Trụ
1. Vũ trụ là tấm gương phản chiếu của tâm thức.
Cá nhân
1. Những sự kiện diễn ra trong cuộc sống giúp phản ánh bản thể đích thực của bạn.
Cả hai phát biểu này đều không dính líu gì đến tôn giáo; bạn không nhìn thấy bất kỳ từ vựng tâm linh nào ở đây. Tuy nhiên, nguyên lý đầu tiên này lại là nền tảng tổng thể để nói rằng tôn giáo (bắt nguồn từ tiếng Latin religion có nghĩa là “ràng buộc ngược”) giúp kết hợp Đấng Sáng Tạo với tạo vật. Thế giới vật lý phản chiếu tâm trí; nó mang theo ý định và trí tuệ trong mọi nguyên tử.
Vũ Trụ
2. Nhận thức có tính chất phổ quát. Chúng ta có được nhận thức từ cùng một nguồn.
Cá Nhân
2. Những người xuất hiện trong cuộc sống giúp phản ánh những khía cạnh trong bản thể của bạn.
Trong nguyên lý này, chúng ta nhìn thấy sự khởi đầu của mọi bí ẩn và nguyên mẫu, mọi anh hùng và hành trình chinh phục. Tâm thức phổ quát chung sở hữu mức độ nhận thức vẫn vượt xa khỏi mọi cá nhân riêng lẻ. Khi xem người khác như những khía cạnh của bản thân mình, bạn thật sự đang nhìn thấy nhiều bộ mặt khác nhau của nguyên mẫu tưởng tượng. Chúng ta là những con người đeo vô số mặt nạ. Khi tất cả mặt nạ bị gỡ bỏ thì những gì còn lại sẽ là bản thể tinh túy, là tâm hồn, là ánh sáng thiêng liêng.
Vũ Trụ
3. Nhận thức tự mở rộng bên trong chính nó.
Cá Nhân
3. Những gì mà bạn chú ý đến đều sẽ phát triển.
Trong thực tại duy nhất, nhận thức tạo ra chính nó, điều tương tự như khi nói rằng Đấng Sáng Tạo ngự bên trong tạo vật. Không có bất kỳ nơi nào bên ngoài vũ trụ để Đấng Sáng Tạo cư ngụ – sự hiện diện khắp nơi có nghĩa rằng bất kỳ nơi nào tồn tại thì nơi đó đều có mặt Đấng Sáng Tạo. Tuy nhiên, nếu Đấng Sáng Tạo có thể chú ý đến vô số thế giới khác nhau thì con người chúng ta chỉ có thể sử dụng khả năng tập trung của mình một cách có chọn lọc. Chúng ta chú ý đến thế giới này và bỏ qua thế giới khác. Bằng cách tập trung sự chú ý, chúng ta tạo ra tia sáng tạo và phần trải nghiệm đó của chúng ta, dù tích cực hay tiêu cực, đều sẽ phát triển. Bạo lực sinh ra bạo lực, nhưng tình yêu cũng sinh ra tình yêu.
Vũ Trụ
4. Công thức sáng tạo theo thiết kế.
Cá Nhân
4. Không đều gì là ngẫu nhiên – cuộc sống của bạn tràn đầy dấu hiệu và biểu tượng.
Cuộc chiến giữa tôn giáo và khoa học là rất lâu đời và đầy mệt mỏi, nhưng xét trên một phương diện nào đó thì cả hai đều sẵn sàng thay đổi. Tôn giáo xem những thiết kế trong tự nhiên là bằng chứng của Đấng Sáng Tạo. Khoa học xem mọi sự vật trong tự nhiên là bằng chứng của sự ngẫu nhiên, không có thiết kế. Tuy nhiên, chưa một nền văn hóa nào lại hình thành dựa trên sự hỗn loạn, bao gồm cả nền văn hóa của khoa học. Tâm thức quan sát vũ trụ và nhìn thấy thiết kế ở khắp nơi, cho dù không gian mênh mông rất thiếu trật tự và có vẻ rất nhiều ngẫu nhiên. Đối với mỗi cá nhân thì việc không nhìn thấy trật tự là điều bất khả thi – mọi khía cạnh trong cuộc sống từ gia đình cho đến xã hội bên ngoài đều dựa trên sự trật tự. Bộ não của bạn được lập trình để lĩnh hội các khuôn mẫu (ngay cả vết mực đổ cũng giống như với hình ảnh của một thứ gì đó, bất chấp bạn cố gắng kiểm soát để không nhìn nhận theo hướng đó), bởi lẽ tự nhiên sử dụng khuôn mẫu của các tế bào để tạo ra bộ não. Tâm trí rốt cuộc là một cỗ máy tạo ra ý nghĩa, ngay cả khi đùa cợt với sự vô nghĩa bởi lẽ thế kỷ 20 và 21 đã làm quá tốt phần việc của mình.
Vũ Trụ
5. Các quy luật vật lý hoạt động rất hiệu quả và không đòi hỏi nhiều công sức.
Cá Nhân
5. Ở bất kỳ thời điểm nào, vũ trụ cũng mang đến cho bạn những kết quả tốt đẹp nhất.
Tự nhiên yêu thích tính hiệu quả, đồng nghĩa rằng nếu việc gì đó xảy ra ngẫu nhiên thì hẳn đó là điều rất kỳ lạ. Khi bạn thả một quả bóng thì nó sẽ ngay lập tức rơi thẳng xuống đất theo trọng lực mà không mất công rơi theo đường vòng. Khi nào hai phân tử với tiềm năng kết hợp gặp nhau thì chúng sẽ luôn kết hợp với nhau – sẽ không bao giờ có chỗ cho sự thiếu dứt khoát. Quy luật tiêu hao mức năng lượng tối thiểu, hay còn gọi là quy luật nỗ lực thấp nhất, cũng áp dụng cho cả con người. Chắc chắn cơ thể của chúng ta không thể tránh khỏi tín hiệu quả của những cơ chế hóa học diễn ra trong mỗi tế bào, do đó việc cả cơ thể của chúng ta được cài đặt trong cùng một nguyên lý là điều hoàn toàn khả thi. Nhân và quả không chỉ được liên kết với nhau; chúng còn được liên kết theo cách thức tối ưu. Lập luận này cũng có thể áp dụng cho sự phát triển cá nhân – ý tưởng cho rằng mọi người đều thể hiện năng lực tốt nhất chỉ mình xét từ cấp độ tâm thức.
Vũ Trụ
6. Những hình thái đơn giản phát triển thành những hình thái phức tạp.
Cá Nhân
6. Nhận thức nội tại của bạn luôn tiến hóa.
Nguyên lý này gây cản trở cho cả tôn giáo lẫn khoa học. Rất nhiều tín đồ tin rằng Đấng Sáng Tạo đã tạo ra thế giới theo ý niệm của Ngài, ngụ ý rằng sự sáng tạo không thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác (ngoại lệ duy nhất có lẽ là khi sự sáng tạo không còn giữ được mức hoàn hảo ban đầu). Các nhà khoa học chấp nhận rằng entropy là không thể bảo toàn. Entropy là khuynh hướng phát tán của năng lượng. Do đó, cả tôn giáo lẫn khoa học đều gặp vấn đề khi DNA có cấu trúc phức tạp hơn những nguyên tử sơ khởi thời kỳ đầu hàng tỷ lần, khi vỏ não của con người đã tăng kích thước đáng kể trong 50.000 năm qua, khi cuộc sống hình thành từ những chất vô cơ, khi những suy nghĩ mới luôn xuất hiện mỗi ngày một cách hết sức bất ngờ. Entropy khiến chúng ta già đi, khiến chiếc xe bị rỉ sét các ngôi sao trở nên lạnh lẽo và chết. Nhưng động lực tiến hóa lại là điều không hề thay đổi. Tự nhiên đã quyết định tiến hóa, cho dù quan điểm của chúng ta đối với vấn đề đó ra sao đi nữa.
Vũ Trụ
7. Kiến thức càng ngày càng được lĩnh hội nhiều hơn từ thế giới xung quanh.
Cá Nhân
7. Hướng vận động của cuộc sống chuyển từ tính hai mặt sang tính hợp nhất.
Theo một ý tưởng phổ biến thì các nền văn hóa cổ đại nhìn thấy một vũ trụ hợp nhất, trong khi con người cận đại lại nhìn thấy một thế giới rời rạc, chia rẽ. Sự suy giảm đức tin được cho là nguyên nhân dẫn đến điều này, tương tự như sự thiếu vắng của những hiện tượng bí ẩn, truyền thống là sự gắn kết xã hội. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều ngược lại mới đúng: Cách hiểu của người xưa chỉ có thể giải thích một phần nhỏ tất cả những hiện tượng của tự nhiên, trong khi vật lý hiện đại lại gần như là “lý thuyết của mọi thứ.” Nhà vật lý học lỗi lạc John Wheeler đã nêu lên một quan điểm then chốt khi nói rằng trước thời của Einstein, con người nghĩ rằng họ nhìn thấy tự nhiên “ngoài kia”, giống như nhìn xuyên qua một chiếc cửa sổ gắn kính dày sau đó cố tìm hiểu xem thực tại đang làm gì. Nhờ Einstein chúng ta nhận ra rằng mình được gắn chặt với tự nhiên; người quan sát làm thay đổi thực tại bằng chính hành động quan sát. Do đó bất chấp cảm giác xa cách về mặt tâm lý (kết quả của việc công nghệ bỏ xa khả năng duy trì ý nghĩa cuộc sống), thì tính hai mặt của con người và tự nhiên vẫn sẽ dần dần giảm đi sau mỗi thế hệ kế thừa.
Vũ Trụ
8. Sự tiến hóa giúp phát triển những đặc điểm sống sót vốn phù hợp một cách hoàn hảo với môi trường.
Cá Nhân
8. Nếu bạn cởi mở trước sức mạnh tiến hóa thì sức mạnh ấy sẽ mang bạn đến bất kỳ nơi nào bạn muốn.
Sự thích nghi là một cơ chế kỳ diệu bởi lẽ nó phát triển với những bước đột phá. Khi một số loài khủng long cổ đại phát triển lông vũ thì chúng đang hướng đến một cấu trúc thích nghi hoàn hảo để thực hiện động tác bay. Các tế bào bên ngoài cơ thể chúng, vốn rất cứng và có dạng vảy, từng hữu dụng như một bộ áo giáp, lại không đóng góp được gì cho động tác bay lên cao. Điều này giống như thể hiện sự tiến hóa đã tạo ra vấn đề nan giải mới cho mình, sau đó đưa ra những sáng tạo đột phá để vượt qua khó khăn. Cách sử dụng những chiếc vảy đã bị loại bỏ để hướng đến một thế giới mới với những chuyến bay bằng cánh (và những chiếc vảy trên cơ thể khủng long cũng sẽ có những bước đột phá theo chiều hướng mới khi chúng biến đổi thành lông vũ, dẫn đến sự phát triển của loài động vật có lông vũ). Cả khoa học lẫn tôn giáo đều hoang mang trước việc này. Khoa học không thích ý niệm cho rằng sự tiến hóa biết rõ mọi thứ sẽ tiến đến đâu; những hiện tượng biến đổi theo thuyết Darwin được cho là diễn ra một cách ngẫu nhiên. Tôn giáo thì không thích ý niệm cho rằng sáng tạo hoàn hảo của Đấng Sáng Tạo sẽ thay đổi khi cần đến một điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, đây chính là lúc mà những lời giải thích cần được gạt sang một bên. Không còn nghi ngờ gì nữa, thế giới vật lí tự thích nghi bằng những bước đột phá vốn diễn ra ở một cấp độ sâu xa hơn – chúng ta có thể gọi cấp độ này là cấp độ ý thức hay di truyền tùy ý bạn.
Vũ Trụ
9. Sự hỗn loạn góp phần vào quá trình tiến hóa.
Cá Nhân
9. Tâm trí rời rạc không thể giúp bạn hướng đến sự hợp nhất, nhưng bạn phải sử dụng nó dù thế nào đi nữa.
Tình trạng hỗn loạn là một thực tế, nhưng sự trật tự và phát triển cũng thế. Điều gì vượt trội hơn? Khoa học vẫn chưa đưa ra được kết luận cho hơn 90% vũ trụ được cấu tạo từ những vật chất tối (dark matter) bí ẩn. Do chưa từng được quan sát nên số phận của vũ trụ như thế nào là một câu hỏi mở. Tôn giáo luôn nghiêng về trật tự, bởi lẽ lý do đơn giản là Đấng Sáng Tạo đã tạo ra thế giới này từ hỗn loạn. Theo khoa học thì vừa sáng tạo và phá hoại tồn tại một sự cân bằng tinh tế, hàng tỉ năm qua trôi qua trong quá trình duy trì sự cân bằng ấy. Tuy nhiên, do sức mạnh vũ trụ không thể tách rời cấu trúc tinh tế giúp tạo ra sự khởi đầu của cuộc sống nên một người lý trí có thể khẳng định rằng sự tiến hóa đã sử dụng tình trạng hỗn loạn tương tự như cách họa sĩ sử dụng các màu sắc lộn xộn trong bảng màu của mình. Xét trên phương diện cá nhân, bạn không thể vươn đến sự hợp nhất nếu bị chi phối bởi những suy nghĩ và sự thôi thúc trong tâm trí. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng tâm trí để tìm kiếm nguồn gốc của những suy nghĩ hay sự thôi thúc đó. Sự hợp nhất là mục đích tìm ẩn mà tiến hóa đang hướng đến, sử dụng tâm trí phân mảnh như một công cụ để đạt được mục tiêu. Cũng giống như vũ trụ, vẻ ngoài của tâm trí có vẻ rất lộn xộn, nhưng ẩn đằng sau là sự tiến bộ không ngừng nghỉ.
Vũ Trụ
10. Rất nhiều cấp độ vô hình được gói gọn trong thế giới vật lý.
Cá Nhân
10. Bạn đang sống theo nhiều chiều cách một cách đồng thời; tình trạng bị gò bó trong không gian và thời gian chỉ là một ảo giác.
Những nhà vật lý lượng tử tiên phong, bao gồm cả Einstein, muốn lý giải vũ trụ này theo những gì mà nó đang thể hiện. Tuy nhiên, thuyết lý siêu dây bắt nguồn từ Einstein để sử dụng ít nhất 11 chiều kích để diễn giải thế giới hữu hình. Tôn giáo luôn khẳng định rằng Đấng Sáng Tạo đã tạo ra một thế giới vượt khỏi 5 giác quan; khoa học cần một định nghĩa siêu việc tương tự để lý giải làm sao các lượng tử ở rất xa nhau lại có thể hành xử như những “anh em” sinh đôi, làm sao ánh sáng lại biểu hiện vừa có bản chất hạt vừa có bản chất sóng, làm sao các hố đen lại có thể hút vật chất vượt khỏi tầm ảnh hưởng của trọng lực và thời gian. Cuối cùng thì sự tồn tại của tính chất đa chiều kích là điều không thể bác bỏ. Xét trên phương diện đơn giản nhất thì không gian và thời gian hẳn là phải bắt nguồn từ đâu đó sau vụ nổ Big Bang, nhưng theo định nghĩa thì đâu đó lại không thể tồn tại trong không gian và thời gian. Việc chấp nhận bạn như một công dân của vũ trụ đa chiều kích, một thực thể đa chiều kích là đều khá xa sự bí ẩn. Đó là giả thuyết hợp nhất mà con người có thể đưa ra với những dữ kiện đã có
10 nguyên lý này được cho là cách lĩnh hội “hệ điều hành” giúp thực tại duy nhất phát triển. Trong thực tế thì tất cả mọi thứ đều không thể lĩnh hội. Bộ não của chúng ta cũng không được cấu tạo để vận hành dựa trên những vấn đề không thể lĩnh hội. Tuy nhiên, bộ não có thể thích nghi với đời sống một cách vô thức. Mọi tạo vật trên thế giới này đều tuân theo những quy luật của tự nhiên; chỉ mỗi loài người có suy nghĩ rằng: “Tất cả đều này có ý nghĩa gì đối với tôi?” Nếu lùi lại và sống như thể tính hai mặt là điều có thật thì bạn sẽ không thấy 10 nguyên lý trên có liên quan gì đối với mình. Trò đùa của vũ trụ chính là việc của những quy luật tự nhiên như thế vẫn tiếp tục hỗ trợ cho cuộc sống của bạn ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó.
Sự lựa chọn là sống có ý thức hay không, đều giúp mang chúng ta đến với những khả năng chuyển hóa. Không ai bác bỏ thực tế rằng cuộc sống luôn thay đổi. Nhưng liệu một người có thể tạo ra sự chuyển hóa sâu sắc, thay vì hời hợt ,chỉ bằng cách thay đổi nhận thức của mình hay không? Sự chuyển hóa và thay đổi là hai khái niệm khác nhau, điều mà chúng ta có thể nhìn thấy qua các câu chuyện thần tiên. Cô Bé Lọ Lem không thể cải thiện bản thân bằng cách tham gia lớp học đêm. Cô được cây đũa thần chạm vào người và đến cung điện trong một hình dạng hoàn toàn thay đổi.
Theo logic của các câu chuyện thần tiên thì sự thay đổi diễn ra quá chậm và tầm thường để có thể thỏa mãn khát khao chuyển hóa của chú ếch biết mình là hoàng tử hay vịt con xấu xí trở thành thiên nga xinh đẹp sau này. Cái chạm nhẹ của chiếc đũa thần giúp mang đến cuộc sống không còn lo âu ẩn chứa nhiều điều hơn là một ý tưởng kỳ lạ. Quan trọng hơn, ý tưởng kỳ lạ này đang che dấu cho sự chuyển hóa đích thực đang diễn ra.
Bí quyết dẫn đến sự chuyển hóa đích thực là tự nhiên không tiến lên phía trước bằng những bước đi tuần tự. Tự nhiên luôn tiến hóa bằng những đột phá và khi làm như vậy, những thành phần xưa cũ không bao giờ được tái kết hợp một cách đơn giản. Điều gì đó mới mẻ sẽ lần đầu tiên xuất hiện trong sáng tạo, một tạo vật hiển lộ. Ví dụ nếu bạn phân tích Hidro và Oxi thì chúng là những chất thuộc thể khí, rất nhẹ ,vô hình và khô. Để hai yếu tố này kết hợp với nhau và tạo thành nước thì chúng ta cần đến một sự chuyển hóa. Khi sự chuyển hóa ấy diễn ra một tập hợp những khả năng hoàn toàn mới cũng xuất hiện theo, trong đó quan trọng nhất chính là cuộc sống này.
Tính chất ẩm ướt của nước là ví dụ điển hình của một tạo vật hiển lộ (emergent property). Trong một vũ trụ không có nước, sự ẩm ướt không thể xuất hiện bằng cách dịch chuyển những tạo vật hiện có. Sự dịch chuyển chỉ có thể tạo ra thay đổi; điều đó là không đủ để tạo ra sự chuyển hóa. Sự ẩm ướt cần hiển lộ như một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ trong sáng tạo. Sau khi bạn để ý kỹ thì dường như mọi sự kết hợp hóa học đều làm xuất hiện một tạo vật hiển lộ( ví dụ như kết hợp Natri và Clo – hai chất độc mà khi kết hợp với nhau lại tạo thành muối, một yếu tố căn bản khác của cuộc sống). Cơ thể của bạn, vốn kết hợp hàng triệu phân tử với nhau mỗi giây, cũng phụ thuộc vào sự chuyển hóa. Hít thở và tiêu hóa, tôi chỉ nhắc đến hai quá trình này, cũng tận dụng sự chuyển hóa. Thức ăn và không khí không thể chỉ dịch chuyển một cách đơn giản mà còn phải trải qua sự kết hợp hóa học chính xác để giúp bạn sống sót. Đường được chiết xuất từ quả cam sẽ được đưa đến bộ não và tạo ra ý nghĩ. Tạo vật hiển lộ trong trường hợp này chính là sự mới mẻ của suy nghĩ: Không phân tử nào trong lịch sử vũ trụ từng kết hợp với nhau để tạo ra kết quả như vậy. Không khí tràn vào phổi của bạn kết hợp với nhau theo hàng ngàn cách để tạo ra những tế bào vốn chưa từng tồn tại trước đây. Khi bạn sử dụng oxy thì các cơ bắp sẽ thực hiện những cử động vốn là các động tác riêng của bạn, bất chấp chúng có vẻ tương tự như động tác của những người khác.
Nếu sự chuyển hóa là một tiêu chuẩn thì sự chuyển hóa tinh thần sẽ được xem là sự mở rộng của mục tiêu mà cuộc sống đang hướng đến. Trong lúc duy trì bản thể đích thực thì bạn vẫn có thể tạo ra một bước nhảy lượng tử trong nhận thức của mình. Dấu hiệu cho thấy bước nhảy đó chính là tạo vật hiển lộ mà bạn chưa từng trải nghiệm trong quá khứ.
Trích “Cuốn Sách Của Những Bí Mật”
Tác giả: Deepak Chopra
Dịch giả: Thế Anh
NXB: Hồng Đức, năm 2017