TƯ DUY PHẢN BIỆN (Critical Thinking)

SƯU TẦM

Tư duy phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng nhất và cũng khó nhất với sinh viên tại đại học nước ngoài. Đây cũng là điểm khác biệt của phương pháp học cấp 3 tại Việt Nam so với các nước phát triển.

Trước đây khi đọc một đoạn kiến thức, bạn chỉ đơn thuần chấp nhận nó là đúng và học theo để nhắc lại trong các kỳ thi. Tuy nhiên tại đại học nước ngoài, bạn cần sử dụng kỹ năng tư duy phản biện với những kiến thức đó, có nghĩa là không dừng lại ở việc bị động đọc và học thuộc kiến thức, bạn phải chủ động tự đặt ra những câu hỏi xoay quanh và đi sâu vào chủ đề đó như về nguyên nhân, hệ quả, các mối liên hệ, quan điểm, so sánh, thuận lợi và hạn chế. Đây là kỹ năng bạn sẽ được rèn luyện trong chương trình tiếng Anh học thuật tại Language Link

Thế Nào Là Tư Duy Phản Biện?

Hãy xem một ví dụ của thầy Hal, giáo viên chương trình tiếng Anh học thuật tại Language Link Việt Nam:

Trong giờ học kinh tế, giáo sư đưa một ý sau trong bài giảng:

An open-market system is the best. (Hệ thống thị trường mở là tốt nhất).

Tại đại học nước ngoài, việc cần làm không chỉ là ghi lại câu đó và đưa nguyên vào bài thi. Câu nói trên hoàn toàn có thể chỉ là một quan điểm chủ quan của giáo viên. Bạn cần cân nhắc kỹ và đặt ra cho mình những câu hỏi như:

  • Why is an open-market economic system the best? (vì sao hệ thống thị trường mở lại tốt nhất)
  • How do you know it’s the best? What research do you have to prove this? (từ đâu mà bạn cho rằng đâu là hệ thống tốt nhất? Bạn đã làm những nghiên cứu nào để chứng minh điều này?)
  • Is an open-market system the best for every country? (hệ thống thị trường mở có phải là tốt nhất cho mọi quốc gia không?)
  • What problems does an open market cause? (những mặt hạn chế của thị trường mở là gì?)

Tư duy phản biện không đơn thuần chỉ là những ý kiến “phản biện” như tên gọi. Những hoạt động trong quá trình tư duy phản biện thường bao gồm: nêu quan điểm và bảo vệ quan điểm, sử dụng những bằng chứng phù hợp, tạo mối liên hệ giữa các ý, đánh giá, phân tích, tổng hợp, phân loại, so sánh, chỉ ra khó khăn và cách khắc phục. Một quá trình tư duy phản biện được coi là tốt khi đạt được những tiêu chí: rõ ràng, mạch lạc, chính xác, thống nhất, ngắn gọn, phù hợp, có những giải thích và lý do phù hợp, khách quan, toàn diện và có chiều sâu.

Những Kỹ Năng Giúp Tư Duy Phản Biện Hiệu Quả

Khi đọc những chương dài của tài liệu, sách giáo khoa, bạn nên lấy giấy bút ghi lại những ý chính để tiện theo dõi. Để giúp cho việc tư duy phản biện, hãy chọn và ghi các ý theo một phương pháp khoa học ví dụ như viết các quan điểm và kết luận ở cột bên trái và các bằng chứng, giải thích và những ý hỗ trợ ở cột bên phải tương ứng. Sau đó nhìn vào bảng tổng kết để ghi bổ sung thêm những ý kiến của mình bằng một màu mực khác. Bên cạnh đó để có được cái nhìn khách quan hơn bạn có thể thảo luận với bạn bè hay những người cùng hứng thú, am hiểu về lĩnh vực đó để có được những cách nhìn khác nhau.

Một kỹ năng quan trọng không kém là liên hệ với những tài liệu khác trong cùng lĩnh vực, những nghiên cứu về cùng một vấn đề của các tác giả khác để có được những cái nhìn đa chiều và sau đó so sánh các quan điểm với nhau. Sau đó bạn có thể nghĩ đến những ý kiến đối lập trái chiều, đặt ra câu hỏi liệu có thể đưa ra những lý do thuyết phục để phản bác quan điểm đó không. Quan trọng nhất là kỹ năng đặt ra các câu hỏi sâu và rộng quanh chủ đề của bài đọc, những câu hỏi phức tạp đòi hỏi thời gian và quá trình suy nghĩ nhất định để tìm câu trả lời như: Bài đọc được viết nhằm đến đối tượng độc giả nào, những điểm yếu mạnh, logic suy luận của bài đọc, mối quan hệ giữa các ý, những điều thừa nhận và ý nghĩa giá trị của bài đọc. Hãy cùng tham khảo mẫu sơ đồ tư duy phản biện của đại học Plymouth

Sở hữu khả năng tư duy phản biện thành thạo có nghĩa là bạn đã có một hành trang thiết yếu quan trọng để thành công tại các trường đại học nước ngoài. Kỹ năng tư duy phản biện không chỉ giúp bạn hiểu được những bài học sâu và rộng trong sách vở tài liệu mà còn giúp bạn trong khi viết tiểu luận, nghe giảng và cả khi làm bài thi. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ
  2. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  3. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH