TIẾN TRÌNH THÀNH TOÀN TỰ NGÃ – MỘT KINH NGHIỆM CHUNG CỦA NHÂN LOẠI

TIẾN SĨ LƯU HỒNG KHANH

Trích “Tâm Lý Học Chuyên Sâu”
NXB Hồng Đức, 2017

Tiến trình thành tựu bản thân trong cả hai giai đoạn của cuộc sống là một kinh nghiệm chung của nhân loại, mọi nơi và mọi thời. Kinh nghiệm này được thể hiện thông qua nhiều tập tục và nghi lễ, xưa cũng như nay, nơi các dân tộc bán khai cũng như trong các xã hội hiện đại. Kinh nghiệm đó đã được để lại trong các truyền thuyết, cổ tích, dị sử, thần thoại, huyền thoại, cả trong các áng văn chương và anh hùng ca các dân tộc. Kinh nghiệm đó cũng vẫn còn được tiếp tục thể hiện trong những con người ý thức ngày hôm nay.

Tiến trình “trở nên ý thức” (“thể thành ý thức”): Kinh nghiệm tiến trình “làm người” hay “thành nhân” của nhân loại cũng đã từng nói đến vai trò quan trọng của ý thức: Sự “thành thức” này cũng được diễn tả thông qua nhiều hình dạng khác nhau trong hai giai đoạn lớn cuộc đời. Sau đây ta đơn cử một vài thí dụ: Trình thuật “Sáng thế” trong thần thoại Babylon kể lại người hùng Marduk đã dùng thanh kiếm mặt trời phanh thây giết chết con rồng Tiamat trong hỗn mang tăm tối, và những mảnh thây rồng Tiamat đó đã trở nên vạn vật kết thành trái đất này. Trình thuật trên đây là một mẫu hình diễn tả sự thành tựu trời đất và sự thể thành ý thức. Thanh kiếm mặt trời tức thanh kiếm ánh sáng và ý thức đã đâm thủng, phanh thây, giết chết, chấm dứt sự tăm tối của vô thức, và như thế đã đưa lại hình thể cho vạn vật. Qua đó, vạn vật được xuất hiện, được sinh ra, được phân biệt và được gọi tên, nghĩa là chúng được ý thức nhìn nhận.

Với thành tựu trời đất là ý thức được thể thành: đó là một biến sự vẫn còn luôn tái diễn trong cuộc sống của con người. Mỗi lần biến sự đó xuất hiện, tức mỗi lần không gian ý thức của con người càng được mở rộng, đi sâu và lên cao trong các chiều nhận thức. Khi nói đến việc phanh thây giết chết những quái vật thời hỗn mang tăm tối, các thần thoại sáng thế đã muốn nói đến sự thể thành vũ trụ và cả sự thể thành ý thức của cái Tôi bản vị con người.

Thể thành vũ trụ và thể thành ý thức bằng phanh thây giết chết các quái vật, đó là mô hình cơ bản cho con người trong giai đoạn thứ nhất cuộc đời.

Cho giai đoạn thứ hai cuộc đời, các trình thuật thần thoại không còn nói đến “hủy diệt” nữa, những là “đi xuống hạ địa”, xuống các miền tăm tối vô thức, được biểu hiện qua hình ảnh cổ họng mở to của con quái vật đe dọa ngốn ngấu nuốt chửng.

Ở dưới tầng sâu hạ địa, từ trong bụng dạ sáng tạo của bà mẹ, là “châu ngọc ẩn giấu”, là “kho tàng quý giá” – tương tự như Tự ngã – sẽ được tìm thấy nhờ ánh sáng chói lọi của ý thức và được đưa từ hầm tối lên ánh sáng ban ngày. Những cuộc “hành trình hạ địa” như thế là mô hình cơ bản cho con người trong giai đoạn thứ hai cuộc đời. Bị nuốt vào bụng quái vật, để từ đó được biến đổi, chuyển hóa, lớn lên, trưởng thành và với Tự ngã tiến lên ánh sáng ban ngày. Có rất nhiều trình thuật thần thoại và anh hùng ca đã diễn tả tiến trình thể thành ý thức này. Những thiên anh hùng ca như Odyssea của Homer (khoảng 750 – 650 TCN) hay Divina Commedia của Alighieri Dante (1265 – 1321) cũng đều có nói đến những cuộc “hành trình hạ ngục” như thế. Kinh thánh và Truyền thông Kitô giáo cũng nói đến “hành trình hạ địa” của đấng Christ sau khi bị tử hình và trước khi phục sinh sống lại (Mathieu 12:40, Rôma 10:7;1 Pierre 3:19; 4:6; Apostolicum: Bản tuyên xưng đức tin).

 NHỮNG TẦNG CAO Ý THỨC

Trong những thập niên vừa qua, các khoa tâm lý và tâm linh nhân loại cũng như các ngành khoa học vật lý đã từng nói đến sự phát triển đa phương, đa diện và đa tầng của hệ tâm thức (pluri-dimensional consciousness).

C.G. Jung cũng đã có đề cập đến 5 cấp bậc phát triển tâm thức (GW 13, 199-202): Từ tình trạng hòa nhập ý thức vào thiên nhiên mà C.G. Jung gọi là tham dự huyền nhiệm (“participation mystique”, theo nhà nhân chủng học Lévy-Bruhl, 1857 -1939) (cấp 1); ý thức của con người được phóng ngoại và dừng lại ở một số đối tượng giới hạn chẳng hạn như cha mẹ và bạn bè trong xã hội (cấp 2); sau đó ý thức đi đến những bình diện trừu tượng hơn như các học thuyết, nguyên lý, biểu tượng (cấp 3); tiếp đến là tình trạng tâm thức không còn phóng ngoại nhưng “trống rỗng” như nơi con người thời đại (cấp 4). Nhưng trong giai đoạn nửa thứ hai cuộc sống và với thời hậu-hiện-đại bây giờ, tâm thức con người đã phát triển đến một cấp bậc và bình diện cao hơn: ý thức và vô thức được phối kết với nhau; con người đã nhìn ra được giới hạn của cái Tôi-Ý thức và sức mạnh của vô thức. C.G Jung nói đến những bình diện siêu cá thể và thế giới biểu tượng hợp nhất được ý thức với vô thức, cái tôi với Tự ngã (cấp 5). C.G. Jung cũng nói đến tâm thức cấp 6 thực hiện được sự phối kết giữa tâm thức và thế giới môi sinh, cũng như nói đến cấp 7 được thực hiện trong những nền văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa cổ đại (xem thêm: Stein 2000, 210-222).

CHUYỂN HÓA VÀ TRƯỞNG THÀNH

Tiến trình thành toàn Tự ngã được thực hiện trong hai giai đoạn cuộc đời với hai mục tiêu: Giai đoạn thứ nhất với mục tiêu thiên nhiên thông qua xây dựng gia đình, nghề nghiệp, xã hội; sau đó là giai đoạn thứ hai với mục tiêu văn hóa thông qua cuộc sống tâm linh và tinh thần. Chính thế giới tâm linh và tinh thần này là “điểm archimede” có khả năng đẩy bật thế giới từ tình trạng thiên nhiên lên tình trạng văn hóa. Thành tựu bản thân tức làm tròn đầy cuộc sống, nhờ những nhận thức và giá trị của tinh thần, tâm linh và văn hóa. Văn hóa khác với văn minh, bởi văn minh luôn là con đẻ của “radio”, của lý trí biện luận; còn văn hóa hạ sinh từ tinh thần: không chỉ có lý trí phân biệt, mà còn bao gồm rất nhiều tầng sâu của vô thức.

Thành tựu bản thân, thành toàn Tự ngã, đó không phải là một cuộc chạy đua thời trang, nhưng quả là một nhu cầu khẩn thiết và bức bách của con người với những nhiệm vụ tối hệ trọng:

. Đối với bản thân: vượt cái Tôi-Ý thức nhỏ bé để thể hiện Tự ngã lớn lao cao rộng;

. Đối với người đối diện: tương giao tương tiếp trong khoan dung và từ hậu, mà chỉ có ai đã cảm nghiệm được những chiều tâm thức sâu xa cao dày mới có thể thực hiện;

. Đối với tập thể cộng đồng: tương quan trong liên đới và trách nhiệm, bởi đã cảm nghiệm được sự liên hệ thiết thân của cá thể đối với cộng đồng thông qua kinh nghiệm của bản thân về tính thuần nhất và toàn diện của hệ tâm thức mình.

???

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CHIỀU THỨ TƯ HIỆN HỮU – THỰC TẠI TỐI HẬU

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP