HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

YUVAL NOAH HARARI

Trích: Homo Deus: A brief history of tomorrow, 2017 – The #1 International Bestseller; Homo Deus: Lược Sử Tương Lai; Dịch Giả: Dương Ngọc Trà; NXB Thế Giới, 2018)

Thung lũng Thangu, bắc Sikkim, Ấn Độ

Ngược lại, khoa học nói rằng chẳng ai trở nên hạnh phúc vì được thăng chức, trúng số hay thậm chí là tìm được tình yêu đích thực. Người ta chỉ trở nên hạnh phúc bởi một thứ duy nhất – cảm giác trong cơ thể. Thử tưởng tượng bạn là Mario Gotze, tiền vệ tấn công của đội tuyển bóng đá Đức trong trận Chung kết World Cup năm 2014 gặp tuyển Argentina; 113 phút đã trôi qua, chưa bàn thắng nào được ghi. Chỉ còn bảy phút trước loạt sút luân lưu đáng sợ. Khoảng 75.000 cổ động viên háo hức ngồi chật sân vận động Maracana ở Rio và hàng triệu người hồi hộp theo dõi trên khắp thế giới. Bạn còn cách cầu môn Argentina vài mét thì Andre Schurrle thực hiện đường chuyền tuyệt cú về phía bạn. Bạn lấy ngực đỡ bóng, quả bóng rơi đúng tầm chân, bạn tung cú đá khi bóng vẫn còn trên không, và quả bóng bay qua thủ môn của đội Argentina để rồi nằm gọn trong lưới. Vàooooo! Sân vận động vỡ tung như núi lửa phun trào. Hàng vạn người gào lên như phát rồ, đồng đội lao đến ôm hôn bạn, hàng triệu cổ động viên nhà tại Berlin và Munich quỵ xuống, nước mắt vỡ òa trước màn hình ti vi. Bạn sướng phát điên, nhưng không phải vì quả bóng trong lưới tuyển Argentina hay những cuộc ăn mừng đang diễn ra trong các Biergarten kiểu Đức chật nêm. Thật ra bạn đang phản ứng với cơn bão cảm giác bên trong cơ thể mình. Từng cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, từng cơn sóng điện tràn khắp cơ thể, và cảm giác như thể bạn đang tan thành triệu triệu quả bóng năng lượng vỡ òa.

Bạn không cần phải ghi được bàn thắng quyết định trong trận chung kết World Cup để cảm nhận được những cảm giác như thế. Nếu bạn được thăng chức bất ngờ ở chỗ làm và nhảy cẫng lên vì sung sướng, thì bạn cũng đang phản ứng với loại cảm giác hệt như thế. Nhưng phần sâu trong trí óc bạn chẳng biết gì về bóng đá hay các loại nghề ngỗng. Chúng chỉ biết đến các cảm giác. Nếu bạn được thăng chức mà vì lý do nào đó chẳng cảm nhận được tí cảm giác khoan khoái nào cả – bạn sẽ không thấy hài lòng. Điều ngược lại cũng đúng. Nếu bạn vừa bị đuổi việc (hay thua một trận cầu quyết định), nhưng lại đang trải qua những cảm giác rất khoan khoái (có thể vì mới cắn thuốc), bạn vẫn sẽ thấy mình đang ở đỉnh cao thế giới.

Tin xấu là những cảm giác khoan khoái nhanh chóng chìm đi và sớm hay muộn sẽ biến thành cảm giác khó chịu. Ngay cả ghi được bàn thắng quyết định trong trận Chung kết World Cup cũng không đảm bảo mang lại hạnh phúc suốt đời. Chính ra, mọi thứ từ đấy có thể sẽ chỉ đi xuống. Tương tự, nếu năm ngoái tôi được thăng tiến bất ngờ, năm nay có thể tôi vẫn giữ vị trí mới ấy, nhưng những cảm giác rất khoan khoái tôi trải nghiệm được khi nghe tin đó biến mất chỉ trong vài giờ. Nếu tôi muốn trải nghiệm lại những cảm giác tuyệt diệu đó, tôi phải được thăng chức một lần nữa. Rồi thêm một lần nữa. Và nếu tôi không được thăng chức, tôi có thể sẽ trở nên cay đắng và tức giận hơn nhiều so với khi tôi chỉ là một con tốt khiêm tốn.

Tất cả lỗi của tiến hóa. Trải qua vô số thế hệ, hệ thống sinh hóa của chúng ta thích nghi để tăng khả năng tồn tại và sinh sản, chứ không phải nhắm tới hạnh phúc của chúng ta. Hệ thống sinh hóa tưởng thưởng cho những hành vi có lợi cho sinh tồn và sinh sản bằng những cảm giác khoan khoái.

Nhưng đấy chỉ là các chiêu trò “chào hàng” phù phiếm mà thôi. Chúng ta vật vã tìm thức ăn và bạn tình để tránh các cảm giác khó chịu của cơn đói và để tận hưởng các mùi vị dễ chịu và những cơn cực khoái thăng hoa. Nhưng cảm giác ngon miệng và khoái cảm không kéo dài quá lâu, và nếu ta muốn cảm nhận chúng một lần nữa ta phải bươn ra để tìm kiếm thêm thức ăn và bạn tình.

Điều gì có thể xảy ra nếu một đột biến gien hiếm nào đó tạo ra một con sóc nọ sau khi ăn duy nhất một cái hạt đã tận hưởng cảm giác khoan khoái vĩnh viễn? Về lý thuyết thì điều này thật ra có thể làm được bằng cách kết nối lại bộ não của con sóc. Ai mà biết được, có thể điều đó thực sự đã xảy ra với một con sóc may mắn nào đó hàng triệu năm trước. Nhưng nếu như vậy, con sóc đó đã tận hưởng một cuộc đời cực kỳ hạnh phúc và cực kỳ ngắn ngủi, và thế là chấm dứt sự đột biến hiếm có đó. Vì chú sóc sung sướng kia sẽ chẳng buồn cất công đi tìm thêm hạt nữa, chứ đừng nói đến bạn tình. Những con sóc đối thủ, năm phút sau khi ăn một cái hạt đã thấy đói, có cơ hội hơn hẳn để sinh tồn và truyền tiếp bộ gien của chúng đến thế hệ sau. Cũng chính vì lý do đó, những “hạt” mà con người chúng ta tìm cách thu lượm – những công việc béo bở, nhà lầu, bạn đời đẹp mã – hiếm khi khiến ta thỏa mãn được lâu.

Khi một con vật tìm kiếm thứ gì đó để tăng khả năng sinh tồn và sinh sản (ví dụ như thức ăn, bạn tình hay địa vị xã hội), bộ não sản sinh ra những cảm giác tỉnh táo và hứng thú thúc đẩy nó cố gắng nhiều hơn nữa vì những cảm giác ấy rất dễ chịu. Trong một thí nghiệm nổi tiếng, các nhà khoa học nối các điện cực cảm giác phấn khích đơn giản nhờ nhấn một cái bàn đạp. Khi lũ chuột được lựa chọn giữa đồ ăn ngon và nhấn bàn đạp, chúng chọn cái bàn đạp (rất giống bọn trẻ con chọn trò chơi điện tử thay vì xuống nhà ăn tối). Lũ chuột cứ nhấn mãi nhấn mãi cái bàn đạp, cho đến khi chúng đổ vật xuống vì đói và kiệt sức. Con người có thể cũng thích cảm giác phấn khích của cuộc đua hơn là thỏa mãn với men say chiến thắng. Thế nhưng thứ khiến cuộc đua hấp dẫn đến như vậy là những cảm giác thăng hoa đi cùng với nó. Sẽ chẳng ai muốn leo núi, chơi trò chơi điện tử hay đi hẹn hò xem mặt nếu những hoạt động đó chỉ mang lại các cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng hay nhàm chán.

Đáng buồn thay, cảm giác hào hứng của cuộc đua cũng tan biến nhanh như niềm vui chiến thắng vậy. Gã Don Juan tận hưởng khoái cảm của cuộc tình một đêm, tay thương gia hồi hộp cắn móng tay xem chỉ số Dow Jones trồi sụt, và người chơi điện tử mê mẩn giết quái vật trên màn hình máy tính sẽ không tìm thấy chút thỏa mãn nào khi nhớ lại những cuộc phiêu lưu của ngày hôm qua. Cũng giống như lũ chuột nhấn đi nhấn lại bàn đạp, những gã Don Juan, các tay trùm kinh doanh và các game thủ đều cần một cú hích mới mỗi ngày. Tệ hơn nữa, ở đây mức kỳ vọng cũng thích ứng với hoàn cảnh, và những thử thách hôm qua chóng vánh trở thành nỗi nhàm chán hôm nay. Có lẽ chìa khóa hạnh phúc không đến từ cuộc đua lẫn huy chương vàng, mà đến từ sự kết hợp đúng mức của cảm giác phấn khích và thanh tịnh; nhưng hầu hết chúng ta có xu hướng chuyển thẳng từ trạng thái căng thẳng sang trạng thái buồn chán và ngược lại, trong khi tâm trạng luôn bất mãn với cả hai trạng thái.

Nếu khoa học nói đúng và chính hệ sinh hóa mới quyết định hạnh phúc của chúng ta, thì cách duy nhất để đảm bảo thỏa mãn lâu dài là đánh lừa hệ thống này. Hãy quên đi sự tăng trưởng kinh tế, các cuộc cải cách xã hội và cách mạng chính trị: để tăng mức hạnh phúc toàn cầu, chúng ta cần điều khiển được hệ sinh hóa của con người. Và đây chính xác là điều chúng ta đã bắt đầu làm trong vài thập kỷ qua. Năm mươi năm trước, các loại thuốc thần kinh mang trên mình một vết nhơ nhem nhuốc. Ngày nay vết nhơ ấy đã được tẩy sạch. Dù tốt hay xấu thì ngày càng có nhiều người đang thường xuyên sử dụng thuốc không chỉ để chữa bệnh suy nhược thần kinh mà còn để đương đầu với những cơn trầm cảm thông thường hơn và những cơn buồn bã thảng hoặc.

Chẳng hạn, ngày càng có nhiều học sinh uống các thuốc kích thích như Ritalin. Vào năm 2011, 3,5 triệu trẻ em Mỹ sử dụng thuốc điều trị ADHD (chứng rối loạn tăng động giảm chú ý). Ở Anh con số này tăng từ 92.000 vào năm 1997 lên 786.000 vào năm 2012. Mục đích ban đầu là để chữa các rối loạn về tập trung chú ý, nhưng ngày nay cả những trẻ hoàn toàn khỏe mạnh cũng dùng thuốc này để cải thiện thành tích học tập và đáp ứng những kỳ vọng ngày càng lớn của cha mẹ và thầy cô. Rất nhiều người phản đối xu hướng này và biện luận rằng vấn đề nằm ở hệ thống giáo dục chứ không phải là lũ trẻ. Nếu học sinh bị rối loạn giảm chú ý, bị căng thẳng và điểm thấp, có lẽ chúng ta nên quy lỗi cho các phương pháp dạy dỗ lỗi thời, các lớp học quá tải và một nhịp sống nhanh bất thường. Có lẽ chúng ta nên thay đổi các trường học thay vì lũ trẻ chăng? Thật thú vị khi xem cách các lập luận này biến đổi theo thời gian. Con người đã cãi nhau về các phương pháp giáo dục cả nghìn năm nay. Từ Trung Hoa cổ đại đến nước Anh thời Victoria, ai cũng có phương pháp con cưng riêng, và cật lực phản đối mọi phương pháp khác. Thế nhưng cho đến nay mọi người vẫn đồng thuận một điều: để cải thiện giáo dục, ta cần thay đổi trường lớp. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử, ít nhất cũng có một số người nghĩ rằng thay đổi hệ sinh hóa của một học sinh sẽ hiệu quả hơn.

Cuộc mưu cầu hạnh phúc dạng sinh hóa cũng là nguyên nhân số một gây ra tội ác trên thế giới. Vào năm 2009, một nửa số phạm nhân trong các nhà tù liên bang Mỹ vào tù vì ma túy; 38 phần trăm tù nhân người Ý bị kết án do các tội liên quan đến ma túy; 55 phần trăm phạm nhân ở Anh thừa nhận họ phạm tội vì có dính dáng đến buôn bán hoặc sử dụng ma túy. Một báo cáo năm 2001 cho thấy 62 phần trăm tù nhân Úc chịu ảnh hưởng của ma túy khi thực hiện hành vi phạm tội đẩy họ vào tù. Người ta uống rượu để quên, hút cỏ để cảm thấy thanh thản, dùng cocaine và methamphetamine (ma túy đá) để trở nên sắc sảo và tự tin, trong khi Ecstasy (thuốc lắc) tạo cảm giác thăng hoa và LSD cho bạn lên tiên. Thứ mà một số người mong muốn đạt được qua học tập, làm việc hay chăm lo cho gia đình con cái, thì số khác tìm cách đạt lấy một cách dễ dàng hơn rất nhiều qua việc sử dụng đúng liều lượng các chất hóa học. Đây là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của trật tự xã hội và kinh tế, và lý do vì sao các nước phát động cuộc chiến dằng dai, đẫm máu và vô vọng chống tội phạm hóa sinh.

Nhà nước hy vọng quản lý được việc truy tìm hạnh phúc bằng hóa chất, phân biệt rạch ròi giữa việc “lạm dụng” xấu xa và “sử dụng có mục đích” tốt đẹp. Nguyên tắc rất rõ ràng: lợi dụng sinh hóa mà tăng cường ổn định chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế thì được phép và thậm chí được khuyến khích (ví dụ như các loại thuốc xoa dịu những đứa trẻ tăng động ở trường, hay tạo động lực cho binh lính đang lo lắng lao ra mặt trận). Những sự “lạm dụng” đe dọa sự ổn định và phát triển thì bị cấm. Nhưng mỗi năm các loại thuốc mới lại tạo ra những phòng thí nghiệm của các trường đại học, các công ty dược và các tổ chức tội phạm, còn nhu cầu của nhà nước lẫn thị trường cũng thay đổi không ngừng. Khi cuộc kiếm tìm hạnh phúc sinh hóa tăng tốc, nó cũng sẽ tái cấu trúc chính trị, xã hội và kinh tế, và sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Và thuốc men mới chỉ là sự khởi đầu. Trong các phòng thí nghiệm, các nhà chuyên môn đã và đang tìm những phương pháp tinh vi hơn để điều khiển sinh hóa con người, ví dụ như gửi trực tiếp các xung động điện đến đúng vùng trong bộ não, hay kiến tạo lại các thiết kế sinh hóa của cơ thể. Dù phương pháp là gì, thì đạt được hạnh phúc thông qua kiểm soát sinh học sẽ không dễ dàng, vì nó đòi hỏi phải thay đổi các cấu trúc cơ bản của cuộc sống. Nhưng vượt qua nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh cũng đâu có dễ.

Hoàn toàn không có gì chắc chắn là nhân loại nên đầu tư nhiều nỗ lực đến vậy vào cuộc tìm kiếm hạnh phúc sinh hóa. Một số người sẽ lập luận rằng hạnh phúc chẳng quan trọng đến thế, và sẽ là sai lầm nếu xem sự thỏa mãn của mỗi cá nhân là mục đích tối cao của xã hội loài người. Số khác sẽ đồng ý hạnh phúc đích thị là điều tốt đẹp nhất, nhưng sẽ không đồng ý nhận định nghĩa sinh học của hạnh phúc là sự trải nghiệm các cảm giác khoan khoái.

Homo Deus: Lược sử tương lai

Khoảng 2.300 năm trước, Epicurus đã cảnh báo các môn đệ của mình rằng việc theo đuổi khoái cảm quá mức rất có thể sẽ khiến họ đau khổ hơn là hạnh phúc. Vài thế kỷ trước đó Đức Phật đã đưa ra một tuyên bố còn triệt để hơn nhiều, Ngài dạy rằng chạy theo các lạc thú mới chính là nguồn cơn gây ra đau khổ. Những cảm giác lạc thú đó chỉ là nhất thời và vô nghĩa. Ngay cả khi trải qua những cảm giác ấy, ta cũng không cảm thấy thỏa mãn mà chỉ thèm muốn thêm. Vì thế dù tôi có cảm thấy sung sướng và phấn khích đến đâu đi nữa thì những cảm giác đó vẫn không bao giờ thỏa mãn được tôi.

Nếu tôi định nghĩa hạnh phúc là những cảm giác khoan khoái thoáng qua, và khao khát trải nghiệm chúng thêm nữa, thêm nữa, thì tôi chẳng còn lựa chọn nào khác là phải luôn theo đuổi chúng. Rồi thì tôi cuối cùng cũng đạt được, chúng lại mau chóng biến mất, và vì chỉ riêng ký ức về những cảm giác ấy thì không khiến tôi thỏa mãn, nên tôi sẽ lại phải bắt đầu lại từ đầu. Dù là tôi có tiếp tục cuộc truy đuổi này qua hàng thập kỷ, thì nó cũng sẽ không bao giờ mang lại cho tôi một thành tựu lâu dài nào cả; trái lại, càng ham muốn theo đuổi những cảm giác này tôi sẽ càng bứt rứt và không thỏa mãn. Để đạt được hạnh phúc đích thực, nhân loại cần làm chậm lại cuộc kiếm tìm lạc thú, chứ không phải tăng tốc nó lên.

Quan điểm Phật giáo này về hạnh phúc có rất nhiều điểm chung với quan điểm sinh hóa. Cả hai đều đồng thuận rằng những khoái cảm biến mất cũng nhanh như lúc chúng dấy lên, và rằng chỉ cần con người còn thèm khát khoái cảm mà không thực sự trải nghiệm được chúng, họ sẽ vẫn còn không thỏa mãn. Tuy nhiên, vấn đề này có hai giải pháp hoàn toàn khác nhau. Giải pháp sinh hóa là phát triển những sản phẩm và liệu pháp sẽ giúp con người đạt được khoái cảm không dứt, để chúng luôn song hành với chúng ta. Đức Phật lại khuyên ta nên tiết giảm cơn thèm khát khoái cảm, và không cho chúng kiểm soát cuộc đời mình. Theo Đức Phật, chúng ta có thể tu tập để tâm trí ta quan sát kỹ càng cách mọi cảm giác của ta liên tục xuất hiện rồi tan biến. Khi tâm trí đã học được cách nhìn thấu bản chất cảm giác – chỉ là những rung động nhất thời và vô nghĩa – ta sẽ không còn hứng thú theo đuổi chúng. Vì có nghĩa lý gì khi ta theo đuổi một thứ thoắt hiện rồi cũng thoắt tan?

Hiện tại, con người hứng thú với giải pháp sinh hóa hơn nhiều. Cho dù các nhà sư sống trong các hang động của Himalaya hay các triết gia trong tháp ngà có nói gì, thì đối với những thế lực tư bản khủng khiếp, hạnh phúc là khoái lạc. Chấm hết. Cứ mỗi năm trôi qua sức chịu đựng của chúng ta đối với các cảm giác khó chịu lại giảm, và cơn thèm khát những cảm giác khoan khoái lại tăng. Cả nghiên cứu khoa học và hoạt động kinh tế đều được lái theo hướng đó, mỗi năm đều tạo ra những loại thuốc giảm đau tốt hơn, các vị kem mới, những loại nệm thoải mái hơn và các trò chơi gây nghiện hơn trên điện thoại thông minh, để chúng ta không phải chịu đựng một giây nhàm chán nào trong lúc chờ xe buýt.

Và dĩ nhiên tất cả những điều đó vẫn là chưa đủ. Vì Homo sapiens không tiến hóa để hưởng thụ cảm giác khoan khoái thường xuyên, nên nếu đó vẫn là điều mà nhân loại muốn, thì món kem và trò chơi điện thoại thông minh sẽ không đủ. Sẽ cần phải thay đổi cả sinh hóa, tái cấu trúc cơ thể và bộ não của chúng ta nữa. Thế nên chúng ta đang cố làm điều đó. Bạn có thể còn cân nhắc liệu như thế là tốt hay xấu, nhưng có lẽ dự án vĩ đại thứ hai của thế kỷ 21 – đảm bảo hạnh phúc toàn cầu – sẽ liên quan đến tái cấu trúc Homo sapiens để có thể tận hưởng khoái cảm vĩnh cửu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỘT NHẬP VÀO HỆ ĐIỀU HÀNH CỦA NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI
  2. ĐỪNG NHÂN DANH CHÚA VÔ TỘI VẠ
  3. THIỀN ĐỊNH VIPASSANA ĐÒI HỎI MỘT TINH THẦN KỶ LUẬT KHỦNG KHIẾP

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ