ĐỪNG NHÂN DANH CHÚA VÔ TỘI VẠ

YUVAL NOAH HARARI

Trích: 21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21; Nguyên tác: 21 Lessons for the 21st Century; Người dịch: Dương Ngọc Trà; NXB. Thế Giới, 2019

Chúa có tồn tại không? Điều đó phụ thuộc vào việc bạn đang nghĩ đến Chúa nào: một bí ẩn vũ trụ hay người đề ra luật lệ thế tục? Đôi khi, khi nói về Chúa, chúng ta nói về một bí ẩn vĩ đại và phi thường mà chúng ta không biết gì về nó hết. Chúng ta mang vị Chúa bí ẩn này ra để giải thích những câu đố sâu xa nhất của vũ trụ. Tại sao lại có một cái gì đó thay vì không có gì hết? Điều gì định hình các quy luật cơ bản của vật lý? Ý thức là gì và nó đến từ đâu? Chúng ta không biết câu trả lời cho những câu hỏi đó và gán cho sự ngu dốt của mình cái tên vĩ đại là Chúa. Đặc điểm cơ bản của vị Chúa bí ẩn này là chúng ta không thể nói được gì cụ thể về Ngài. Đây là vị Chúa của các nhà triết học, vị Chúa mà chúng ta nói đến khi ngồi quanh một đám lửa trại lúc đêm khuya và tự hỏi cuộc sống có ý nghĩa gì.

Trong dịp khác, người ta xem Chúa như một người đề ra luật lệ nghiêm khắc và thế tục, một đấng mà ta biết quá nhiều. Chúng ta biết chính xác điều Ngài nghĩ về thời trang, thức ăn, tình dục và chính trị; chúng ta lôi người đàn ông giận dữ trên cao xanh này ra để biện hộ cho một triệu quy định, sắc lệnh và mâu thuẫn. Ngài bực mình khi người phụ nữ mặc áo cộc tay, khi hai người đàn ông làm tình với nhau hay khi bọn thiếu niên thủ dâm. Một số người nói Ngài không thích chúng ta uống chút rượu nào trong khi số khác cho rằng Ngài chắc chắn yêu cầu chúng ta uống rượu vang mỗi tối thứ Sáu hoặc sáng Chủ nhật. Hàng thư viện đã được viết ra để giải thích một cách chi tiết nhất chính xác những gì Ngài muốn và những gì Ngài không thích. Đặc điểm cơ bản nhất của người đề ra luật lệ thế tục này là chúng ta có thể nói những điều cực kỳ cụ thể về Ngài. Đây là vị Chúa của những kẻ Thập tự chinh và thánh chiến, của những quan tòa dị giáo, những người coi thường phụ nữ và ghét người đồng tính. Đây là vị Chúa chúng ta nói đến khi đứng quanh một giàn hoả thiêu, ném đá và những lời thóa mạ về phía kẻ dị giáo.

Khi được hỏi liệu Chúa thực sự có tồn tại không, những người có đức tin thường mở đầu bằng việc nói về những bí ẩn khó nắm bắt của vũ trụ và những hạn chế của hiểu biết con người. “Khoa học không thể giải thích Vụ Nỗ Lớn,” họ thốt lên, “vậy đấy phải là Chúa đã làm.” Thế nhưng như một nhà ảo thuật đánh lừa khán giả bằng cách tráo lá bài này bằng lá khác mà không ai nhìn thấy, người có đạo nhanh chóng đánh tráo bí ẩn vũ trụ với người lập pháp thế tục. Sau khi gán tên Chúa cho các bí ẩn vũ trụ, họ dùng Chúa để bằng cách nào đó kết tội những bộ bikini và vụ ly dị. “Chúng ta không thể hiểu được Vụ Nổ Lớn, do đó cô phải che tóc khi ở ngoài đường và bỏ phiếu chống hôn nhân đồng tính.” Không chỉ không có chút liên hệ logic gì giữa hai việc mà chúng thật ra còn trái ngược nhau. Các bí ẩn của vũ trụ càng sâu sắc thì càng ít có khả năng thứ chịu trách nhiệm cho chúng quan tâm đến cách ăn mặc của phụ nữ hay hành vi tính dục của con người.

Mắt xích bị thiếu giữa bí ẩn vũ trụ và người làm ra luật trần thế thường được một cuốn sách thánh nào đó cung cấp. Cuốn sách đầy những quy định tản mạn nhất nhưng vẫn được gán cho bí ẩn của vũ trụ. Đấng tạo tác ra không gian và thời gian được cho là đã viết ra cuốn sách, nhưng Ngài vẫn bỏ công khai sáng chúng ta chủ yếu về một số nghi lễ đền đài huyền bí và các món ăn cần kiêng kỵ nào đó. Trên thực tế, chúng ta không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các cuốn sách thánh là do một thế lực đã quyết định rằng năng lượng bằng khối lượng nhân tốc độ ánh sáng bình phương và các proton thì nặng gấp 1,837 lần các electron. Bằng tất cả tri thức khoa học của chúng ta mà nói, tất cả các bản văn thiêng này được các Homo sapiens giàu trí tuệ chấp bút. Chúng là những câu chuyện được tổ tiên chúng ta sáng tạo nên để hợp thức hóa các quy tắc xã hội.

Cá nhân tôi chưa bao giờ ngừng băn khoăn về bí ẩn của sự tồn tại. Nhưng tôi chưa bao giờ hiểu điều đó thì liên quan gì đến những luật lệ chi tiết của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo hay Hindu giáo. Các luật lệ này chắc chắn rất có ích trong việc thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội trong hàng ngàn năm. Nhưng nói đến việc đó thì về cơ bản, chúng không có gì khác biệt với các luật lệ của các nhà nước và tổ chức thế tục.

Điều thứ ba của Mười Điều Răn trong Kinh Thánh hướng dẫn con người không bao giờ được sử dụng danh Chúa một cách sai trái. Nhiều người hiểu điều này một cách rất trẻ con, như là cấm không được nói thẳng ra tên Chúa (như cảnh “Nếu bạn nói Jehovah…” của nhóm Monty Python nổi tiếng). Có lẽ ý nghĩa sâu xa hơn của điều răn này là chúng ta không bao giờ được sử dụng danh Chúa để biện minh cho các lợi ích chính trị, tham vọng kinh tế hay sự thù ghét cá nhân của mình. Người ta ghét một ai đó và nói: “Chúa ghét anh ta”; người ta thèm khát một mảnh đất và nói: “Chúa muốn có nó”. Thế giới sẽ là một nơi tốt đẹp hơn nhiều nếu chúng ta làm theo điều răn thứ ba nhiệt thành hơn. Bạn muốn gây chiến với láng giềng và cướp đất đai của họ ư? Hãy để Chúa đứng ngoài vụ việc ấy và tự tìm một cái cớ khác đi.

Xét cho cùng, vấn đề nằm ở ngữ nghĩa học. Khi dùng từ “Chúa”, tôi nghĩ đến Chúa của Nhà nước Hồi giáo IS, của các hiệp sĩ Thập tự chinh, của tòa án dị giáo và của các biểu ngữ “Chúa ghét bọn đồng tính”. Khi nghĩ về bí ẩn của sự tồn tại, tôi thích dùng các từ khác để tránh nhầm lẫn. Và không như Chúa của Nhà nước Hồi giáo và thánh chiến, người rất quan tâm đến danh xưng và trên tất cả là danh xưng thần thánh nhất của Ngài, bí ẩn của sự tồn tại không quan tâm một tẹo nào đến những cái tên mà bọn “vượn người” chúng ta gọi nó.

? ĐẠO ĐỨC “VÔ CHÚA”

Dĩ nhiên, bí ẩn vũ trụ không giúp được gì cho chúng ta trong việc duy trì trật tự xã hội. Con người thường tranh luận rằng ta phải tin vào một Đức Chúa mang lại cho con người một số luật lệ rất cụ thể; nếu không, đạo đức sẽ biến mất và xã hội sẽ suy sụp vào hỗn mang tiền sử.

Đúng là niềm tin vào các vị thần là thiết yếu đối với các trật tự xã hội khác nhau và niềm tin đó thi thoảng đưa đến các kết quả khả quan. Quả thực, chính các tôn giáo có thể khơi gợi thù hằn và cuồng tín ở một số người, lại truyền cảm hứng cho tình yêu và lòng trắc ẩn ở một số người khác. Ví dụ, vào đầu những năm 1960, đức cha Ted McIlvenna hội Giám lý dần ý thức được cảnh khốn khổ của những người LGBT trong cộng đồng của ông. Ông bắt đầu tìm hiểu tình cảnh của những người đồng tính nam và đồng tính nữ trong xã hội nói chung; vào tháng Năm năm 1964, ông tổ chức một cuộc đối thoại kéo dài ba ngày giữa các mục sư và những nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính tại Trại tế bần White Memorial ở California. Những người tham dự sau đó đã lập ra “Hội đồng về Tôn giáo và người đồng tính” (CRH), trong đó ngoài những nhà hoạt động còn gồm các mục sư Giám lý, Tân giáo, Lutheran và Hội thánh của Đức Christ. Đây là tổ chức đầu tiên ở Hoa Kỳ dám sử dụng từ “đồng tính” trong danh xưng chính thức của mình.

Trong các năm tiếp theo, hoạt động của CRH trải dài từ tổ chức các buổi tiệc hóa trang cho đến các hành động pháp lý chống phân biệt đối xử và ngược đãi bất công. CRH trở thành hạt giống cho phong trào vì quyền của người đồng tính ở California. Đức cha Mcllvenna và những người phụng sự Chúa khác tham gia cùng ông hoàn toàn ý thức được các huấn thị chống đồng tính trong thánh kinh. Nhưng họ nghĩ rằng việc theo đúng tinh thần trắc ẩn của Jesus có ý nghĩa quan trọng hơn là nghe theo những lời nghiêm khắc của Kinh Thánh.

Thế nhưng dù các vị thần có thể tạo cảm hứng cho chúng ta hành động đầy trắc ẩn, đức tin tôn giáo không phải là điều kiện cần cho các hành vi đạo đức. Ý tưởng cho rằng ta cần một thế lực siêu nhiên để khiến ta hành động một cách đạo đức mặc định rằng đạo đức là một cái gì đó không tự nhiên. Nhưng tại sao? Đạo đức ở một số dạng là tự nhiên. Mọi loài thú có tính xã hội từ tinh tinh đến chuột đều có các quy tắc đạo đức hạn chế những hành vi như ăn trộm hay giết nhau. Ở loài người, đạo đức hiện hữu ở mọi xã hội, dù không phải tất cả các xã hội đó đều tin vào cùng một vị thần hay không. Người Cơ Đốc hành xử thiện lành dù không tin vào đền đài của đạo Hindu, người Hồi coi trọng sự thành thực dù chối bỏ sự linh thiêng của Jesus, và các nước thế tục như Đan Mạch và Cộng hòa Séc không bạo lực hơn các nước mộ đạo như Iran và Pakistan.

Đạo đức không có nghĩa là “nghe theo các mệnh lệnh thần thánh”. Nó có nghĩa là “làm giảm khổ đau”. Do đó, để hành động một cách có đạo đức, bạn không cần tin vào bất cứ truyền thuyết hay câu chuyện nào. Bạn chỉ cần phát triển một sự thấu hiểu sâu sắc về khổ đau. Nếu thật sự hiểu một hành động có thể gây ra những khổ đau không cần thiết cho mình và người khác như thế nào, tự nhiên bạn sẽ không làm điều đó nữa. Con người vẫn giết chóc, hãm hiếp và trộm cắp vì họ chỉ hiểu hời hợt về sự đau khổ mà những việc đó gây ra. Họ chăm chăm thỏa mãn dục vọng hay lòng tham tức thời của mình mà không quan tâm đến tác động đối với người khác hay thậm chí là hậu quả lâu dài lên chính họ. Ngay cả các quan tòa dị giáo cố tình gây nhiều đau khổ nhất lên nạn nhân của mình cũng thường sử dụng các kỹ thuật làm mất cảm giác và mất nhân tính để tạo khoảng cách giữa mình và những gì họ đang làm.

Bạn có thể phản đối rằng theo lẽ tự nhiên, mọi người đều tìm cách tránh đau khổ, nhưng tại sao con người lại quan tâm đến khổ đau của người khác, trừ phi một vị Chúa nào đó yêu cầu? Một câu trả lời hiển nhiên là con người là động vật xã hội, do đó hạnh phúc của họ phụ thuộc một phần rất lớn vào các mối quan hệ với những người khác. Không có tình cộng đồng, ai hạnh phúc cho được? Nếu bạn sống một cuộc đời Cô độc lấy mình là trung tâm, bạn gần như chắc chắn sẽ đau khổ. Thế nên ít nhất, để hạnh phúc, bạn cần quan tâm đến gia đình, bạn bè và các thành viên trong cộng đồng.

Vậy những người hoàn toàn xa lạ thì sao? Tại sao không giết bọn xa lạ và lấy tài sản của họ để làm giàu bản thân và bộ tộc của mình? Nhiều nhà tư tưởng đã xây dựng các lý thuyết xã hội phức tạp, giải thích tại sao về lâu dài, hành vi đó là phản tác dụng. Bạn không muốn sống trong một xã hội mà những người xa lạ thường xuyên bị cướp và giết hại. Chẳng những bạn sẽ thường xuyên gặp nguy hiểm mà còn mất đi lợi ích của những thứ như thương mại, điều phụ thuộc vào niềm tin giữa những người xa lạ. Các nhà buôn thường không lui tới các sào huyệt của bọn trộm cướp. Đấy là cách các lý thuyết gia thế tục từ Trung Hoa cổ đại đến châu Âu hiện đại đã biện minh cho quy tắc vàng “đừng làm với người những gì ta không muốn người làm với mình”.

Thế nhưng chúng ta đâu thật sự cần những lý thuyết dài hơi, phức tạp như thế để tìm một nền tảng tự nhiên cho lòng trắc ẩn phổ quát. Hãy quên đi thương mại trong chốc lát. Trên một bình diện gần gũi hơn rất nhiều, làm người khác đau cũng luôn làm bản thân mình tổn thương. Mỗi hành vi bạo lực trên thế giới bắt nguồn từ một mong ước bạo lực trong đầu ai đó, thứ làm nhiễu loạn sự an bình và hạnh phúc của chính người đó trước khi nó ảnh hưởng đến an bình và hạnh phúc của bất cứ ai khác. Do đó, người ta hiếm khi trộm cắp trừ phi ban đầu họ đã có trong đầu rất nhiều lòng tham và đố kỵ. Con người thường không giết chóc trừ phi họ bộc lộ đủ tức giận và thù ghét. Các cảm xúc như lòng tham, sự ghen tị, tức giận và thù ghét là cực kỳ khó chịu. Bạn không thể trải nghiệm niềm vui và sự hài hòa khi bạn đang bừng bừng tức giận hay ghen tị. Do đó, từ rất lâu trước khi bạn giết một ai đó, cơn giận của bạn đã giết chết sự bình an trong tâm trí bạn rồi.

Quả thực, bạn có thể sôi sục giận dữ suốt nhiều năm mà không thật sự giết đối tượng của cơn giận. Trong trường hợp đó, bạn chẳng làm đau ai nhưng đã làm tổn thương bản thân. Do đó, chính lợi ích cá nhân tự nhiên của bạn, chứ không phải yêu cầu của một vị Chúa nào đó, sẽ khiến bạn làm một cái gì đó với cơn giận của mình. Nếu hoàn toàn không giận dữ, bạn sẽ thấy khá hơn rất nhiều khi giết được một kẻ thù hiểm độc.

Với một số người, một niềm tin mãnh liệt vào một vị Chúa nhân từ khuyên chúng ta chìa má bên kia ra có thể có ích trong việc kiềm chế cơn giận. Đây đã là một đóng góp to lớn của niềm tin tôn giáo với hòa bình và hòa hợp của thế giới. Thật không may, với một số người khác, niềm tin tôn giáo thực sự có tác dụng khơi gợi và biện minh cho cơn giận của họ, đặc biệt là nếu ai đó dám nhục mạ Chúa của họ hay phớt lờ mong ước của Ngài. Thế nên, xét cho cùng, giá trị của vị Chúa đặt ra luật lệ phụ thuộc vào hành vi của những người tin theo ông ta. Nếu họ hành xử tốt, họ có thể tin vào bất cứ thứ gì họ thích. Tương tự, giá trị của các nghi thức tôn giáo và các nơi chốn thiêng liêng phụ thuộc vào các loại cảm xúc và hành vi mà chúng khơi gợi. Nếu đi thăm một ngôi đền khiến con người ta cảm thấy bình an và hòa hợp, điều đó thật tuyệt. Nhưng nếu một ngôi đền cụ thể gây bạo lực và mâu thuẫn thì ta cần nó làm gì? Rõ ràng nó là một ngôi đền bị “rối loạn chức năng”. Giống như việc đánh nhau vì một cái cây bệnh chỉ sinh gai mà không ra quả là vô nghĩa, việc đấu tranh vì một ngôi đền “khiếm khuyết” tạo ra thù hằn thay vì hòa hợp cũng không mang lại lợi lộc gì.

Không ghé thăm đền chùa miếu mạo và không tin vào bất cứ vị Chúa nào cũng là một lựa chọn khả dī. Như vài thế kỷ gần đây đã chứng minh, chúng ta không cần viện đến danh Chúa để sống một cuộc đời đạo đức. Chủ nghĩa thế tục có thể cho chúng ta mọi giá trị ta cần.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THIỀN ĐỊNH VIPASSANA ĐÒI HỎI MỘT TINH THẦN KỶ LUẬT KHỦNG KHIẾP
  2. HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU