THỎA HIỆP – SỐNG SÁNG SUỐT

DEAN CUNNINGHAM

Trích: Sống sáng suốt - Pure wisdom; Những điều đơn giản làm biến đổi cuộc sống của bạn; Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch Việt; NXB. Trẻ, 2013

 

Thỏa hiệp

Những người luyện võ nỗ lực hết sức để đạt được sự hòa hợp. Chắc chắn là họ tập luyện để chiến đấu, nhưng nghịch lý là họ chọn không đánh nhau. Họ không lùi bước trước xung đột, mà tìm cách hóa giải xung đột đó. Họ tìm kiếm điểm chung, phạm vi thỏa thuận. Họ thỏa hiệp.

Đa số mọi người chẳng dám đối mặt với xung đột. Họ ghét phải đấu nhau. Tuy nhiên những thái độ, ý kiến hay các biện pháp đối nghịch nhau đâu nhất thiết phải biến thành một trận chiến. Xung đột vẫn có khía cạnh tích cực. Thế nhưng dù sao, hầu hết mọi người đều tránh né xung đột, để rồi cuối cùng lại cảm thấy tức tối và thù hận đối thủ. Hãy thật sáng suốt: không làm gì cả sẽ không giải tỏa được các mối bất hòa đâu. Xung đột cần được giải quyết trước khi nó biến thành một nguồn phá hoại.

Khi nói đến giải quyết xung đột, bạn học được hàng tá điều hay từ các môn võ thuật. Những người luyện võ hiểu tầm quan trọng của việc ra đòn sớm. Họ rất thận trọng. Họ giám sát bầu không khí của xung đột. Và năng lực quan sát tạo cho họ một hệ thống cảnh báo sớm. Nếu họ cảm nhận có hơi hướng xung đột, họ không trở nên hung hăng hay né tránh tình huống. Họ giữ bình tĩnh và quả quyết. Họ dành thời gian để hiểu nguyên nhân thực sự của tình huống. Họ hiểu quan điểm của người khác. Và họ tìm cách tiếp cận có thể chấp nhận được. Nói một cách đơn giản: họ thỏa hiệp.

Đừng lầm lẫn nhé: thỏa hiệp không phải là hạ thấp các tiêu chuẩn hay vất bỏ các giá trị của mình trước người khác. Đó chỉ là giảm bớt sự đòi hỏi, hoặc thay đổi ý kiến của mình để đạt đến một sự thỏa thuận. Thỏa hiệp bị xem là sai khi nó có nghĩa là hy sinh một nguyên tắc. Tất cả chúng ta đều có các tiêu chuẩn riêng, và nếu ngay cả mức độ tiêu chuẩn thấp nhất mà ta cũng không đạt được thì bất hòa sẽ xuất hiện. Vậy nên hãy giữ một sự thăng bằng nhất định. Và chớ có thỏa hiệp với chính mình.

Sự xung đột có thể khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, thế nên vấn đề cốt lõi là hãy xử lý nó khi bạn cảm thấy bình tĩnh. Hãy kiềm chế các phản ứng nông nổi tức thời. Hãy dành thời gian để suy nghĩ thông suốt vấn đề và lập kế hoạch có tính xây dựng để xử lý tình huống. Hãy đạt đến sự thỏa thuận có thể chấp nhận được cho cả hai bên.

 

Thỏa hiệp - Sống sáng suốt - Dean Cunningham

Thỏa hiệp không phải là hạ thấp các tiêu chuẩn hay vất bỏ các giá trị của mình trước người khác. Đó chỉ là giảm bớt sự đòi hỏi, hoặc thay đổi ý kiến của mình để đạt đến một sự thỏa thuận.

Quyết định

Trong cuộc sống chúng ta luôn phải lựa chọn. Bất cứ lúc nào trong ngày chúng ta đều phải quyết định xem mình nên tập trung vào cái gì, nghĩ đến điều gì và làm gì. Tuy nhiên chúng ta lại thường tuân theo các mẫu hành vi tự động – nhảy bổ vào kết luận, phản ứng một cách bộp chộp và lặp đi lặp lại những suy nghĩ giống nhau. Nhưng để có một cuộc sống viên mãn hơn, chúng ta cần biết cách ra những quyết định rõ ràng, có ý thức và không chịu ảnh hưởng của ai cả.

Tất cả mọi người đều từng trải qua cảm giác lưỡng lự. Đó là một cảm giác khó chịu. Để tránh sự khó chịu này, chúng ta thường chọn cách phản ứng lại, đưa ra những quyết định đột ngột, và đeo bám các mô thức cũ. Tuy vậy, để đưa ra quyết định tốt hơn, chúng ta cần chấp nhận tình trạng không rõ ràng trong một thời gian. Hãy lùi lại một bước, để sau khi cân nhắc các khía cạnh trong hoàn cảnh của mình và tất cả các lựa chọn khả thi, bằng cách hỏi những câu đơn giản như ‘Chuyện gì đang thực sự xảy ra?’ và ‘Điều này gây rắc rối gì cho mình?’, chúng ta có thể hiểu rõ điều gì cần khác đi và triển vọng của sự thay đổi. Thế nên, khi cảm thấy nghi ngờ, hãy xem đó như một dấu hiệu để dừng lại và suy nghĩ. 

Một trở ngại khác đối với việc đưa ra các quyết định sáng suốt là nỗi sợ mắc lỗi. Chúng ta không muốn phạm sai lầm. Cho nên chúng ta cố thủ. Và thay vì tạo không gian rộng rãi để nhìn sự việc rõ hơn, chúng ta lại tạo nên sự lo âu và để cho sự việc ngày càng tồi tệ. Hãy hiểu: không phải lúc nào ta cũng quyết định đúng, nhưng ta luôn có thể làm cho quyết định của mình trở nên đúng đắn hơn. Nói cách khác, bất kể chúng ta quyết định thế nào, kết quả của quyết định đó rồi sẽ cho chúng ta một bài học. Và nếu chịu lắng nghe, học hỏi, chúng ta sẽ tiến gần hơn một bước đến quyết định đúng đắn.

Ví dụ bạn có thể chọn nhầm một đối tác, hay một công việc, nhưng ít ra bạn cũng biết đó không phải là thứ bạn muốn. Lần sau bạn sẽ hiểu rõ hơn về điều mình cần tìm và điều gì là quan trọng. Vậy nên đừng dừng lại. Hãy đưa ra quyết định. Hãy lắng nghe sự phản hồi. Và điều chỉnh cho thích hợp.

Trong karate, bạn phải hành động một cách dũng cảm khi song đấu. Bạn không thể biết chắc liệu đòn tấn công của mình có trúng đích, nhưng dù nghi ngại, bạn cũng phải can đảm tiến lên và ra chiêu. Nếu không toàn tâm toàn ý vào đó, bạn sẽ dễ bị dính đòn. Hãy hành động cứ như mình không thể thất bại thì bạn sẽ thu được thành quả. Đối với các quyết định quan trọng trong cuộc sống cũng thế – hãy dành thời gian đánh giá tình huống của mình, và hành động một cách đầy tự tin cứ như bạn không thể thất bại. Nói đơn giản: hãy chuẩn bị từ tốn nhưng tấn công nhanh gọn.

 

Thỏa hiệp - Sống sáng suốt - Dean Cunningham

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TIN CẬY
  2. HÃY CHO ĐI
  3. KHI BẠN CHO ĐI …

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ