ẨN TÀNG – MỘT BỨC TRANH THỜI CUỘC

PHAN XUÂN LOAN

Ẩn tàng – một câu chuyện độc lập nhưng kế thừa mạch truyện của Quỹ chủ vừa được nhà văn Lưu Vĩ Lân cho ra mắt độc giả đúng dịp Xuân Giáp Thìn. Đây cũng là tập sách thứ hai trong tiếu thuyết bộ ba (trilogy) khác của Lưu Vĩ Lân, sau bộ ba tiểu thuyết Mật đạo, Ngẫu tượngNghiệp chướng đã đoạt giải Sách hay 2022.

Ảnh: Linh Thoại

Không hiểu sao những người trẻ trong Ẩn tàng làm tôi liên tưởng, có phần khập khiễng – tới những vật trong Khải hoàn môn của Erich Remarque. Không quy phục và vì thế tạo ra chút cảm giác lạc loài, nhưng không ai khác, mà chính họ, gánh trên vai trọng trách cho những ngày tháng tới…

Khác với Mật đạo mang bí ẩn của đại ngàn, phông nền chính của Ẩn tàng là biển. Và đại đương. Đại dương nào chỉ bí ẩn. Biển cả, đại dương còn đầy bão dông và thách thức. Đó là nhân loại ở đệ nhị thập kỷ của thiên niên kỷ thứ hai.

Soi chiếu vào những ngày ta sống, đó là thời điểm vỡ vụn những giấc mơ của toàn cầu hóa. Không có những “ngôi làng toàn cầu” đại đồng mơ ước; tiếng pháo đì đùng của năm Giáp Thìn, đáng buồn thay, không át được tiếng động cơ của những dàn thiết bị bay không người lái ồ ạt tấn công đâu đó ở Ukraine và vùng biên viễn Nga – Ukraine. Tranh chấp Israel – Palestine lại bùng lên, xưa như Trái đất. Và Thái Bình Dương không hẳn thái bình, khi các biệt đội tàu chiến tranh nhau diễn tập, thị uy ai đó…

NHỮNG TIÊN KIẾN LO ÂU

Điểm khác biệt của Ẩn tàng so với những tiểu thuyết kia là bối cảnh rộng lớn hơn của một thế giới hậu toàn cầu hóa. Hội tụ quanh nhân vật chính – Dinh, một chuyên gia thuyền buồm người Việt 27 tuổi, lớn lên và nhận nền học vấn ở Mỹ, chọn làm việc trên các đại dương – là những người trẻ đa quốc gia: Irina mang trong mình hai dòng máu Ukraine – Việt, Mei-ling – cô gái gốc Đài mê du lịch bụi kiếm sống bằng nghề massage, Liên – con đại gia Việt học ở London, Phượng – con gái một thuyền nhân đã trụ vững và thành đạt trên đất Mỹ, Luke – công dân Quebec làm việc ở Malaysia…

Hầu hết họ đều sinh sau thập niên 1990, có người tốt nghiệp, cũng có người bỏ học. Họ “chọn cái thế giới rộng lớn bên ngoài biên cương quốc gia để vùng vẫy”. Họ tưởng mình thuộc về nhân loại của thời buổi toàn cầu hóa, không câu nệ quốc tịch, nhưng rồi vẫn bị gốc rễ và quá khứ níu kéo. Dinh bị lôi về câu chuyện thân phận của những thuyền nhân Việt vượt biên sau 1975, Phượng – thế hệ người Việt thứ hai trên đất Mỹ nhưng vẫn bị ám ảnh bởi nỗi đau thuyền nhân của cha ông, Irina bị bóng mây vần vũ của chiến sự Nga – Ukraine đe dọa, Mei-ling tưởng là một du lịch bụi vô lo, lại không thoát khỏi những chớp dông giữa hai siêu cường trên Thái Bình Dương… Những nhân vật bước ra từ cuộc toàn cầu hóa này không chỉ đau đáu đi tìm bản sắc “mình là ai” mà còn ngơ ngác đối phó với một thế giới đang biến động với đại dịch COVID và những tiên kiến lo âu về nguy cơ Thế chiến thứ ba…

Những dự cảm bất trắc trong Khải hoàn môn dữ dội hơn, nhưng những di dân trong Khải hoàn môn là bị bắt buộc, còn những người chọn phiêu lưu trong Ẩn tàng là tự nguyện. Thế nên trong Ẩn tàng, không khí di trú bàng bạc hơn, tâm cảm du mục nhẹ nhàng hơn, như trong một vòng xoáy cao hơn của những chu kỳ thế giới lặp lại mà bao lời cảnh tỉnh vẫn vẹn nguyên: dù có né tránh, hơi nóng của lịch sử vẫn táp vào mặt ta.

GIẢI THIÊNG ”TOÀN CẦU HÓA”

Đọc Khải hoàn môn, người đọc khó quên chân lý thời đại qua lời của người gác hộp đêm Morozov. Trong bối cảnh đêm trước của Thế chiến thứ hai, Morozov đã rành mạch chỉ ra truyền thông của phương Tây khi đó là “đồ hộp dán nhãn giả”. Đồ hộp là bởi “mọi thứ đều đã được nghiền ra, nhai kỹ, thể nghiệm, suy nghĩ sẵn rồi… Không còn gì để nấu nướng trên ngọn lửa của những câu hỏi, của sự ngờ vực và hiếu học”. Người ta nhận lấy thứ thông tin không chỉ được làm sẵn, mà còn bị nó lung lạc, bởi nó tuyên truyền cho việc “xây nhà máy vũ khí vì yêu hòa bình”, “xây trại tập trung vì yêu chân lý, “dựng lên những tòa án để che đậy tội ác của các phe đảng” và “những tên găngxtơ chính trị trở thành những đấng cứu tinh”…

Vậy thì có gì khác, hơn nửa thế kỷ sau? Với cuộc chiến Ukraine, với hàng nghìn trẻ em Palestine chết? Trong Ấn tàng, thông điệp về sự thật – dĩ nhiên từ góc nhìn của Lưu Vĩ Lân – cũng dũng cảm và trần trụi, khi “phương Tây trắng không chỉ có sức mạnh vũ lực, nó còn sự đẹp đẽ hình thức, thoạt nhìn thấy thượng đẳng…”.

Lưu Vĩ Lân đưa các nhân vật vào cuộc mưu cầu đường sống cho đất nước mình giữa cuộc chạm trán giữa những siêu cường, cuộc đua tranh mà những dân tộc như Malaysia, Việt Nam… “cần vận động để sống sót và giàu lên, bởi không ai ở mãi một chỗ mà giàu có được” – qua lời của nhân vật đại chủ Tan – “phải du mục mới tạo ra tài sản”.

Bằng thông điệp này, tác giả Ẩn tàng đã gián tiếp phủ nhận những huyền thoại về toàn cầu hóa mà những tưởng hoa trái của nó sẽ dành cho những người trẻ như Dinh, Irina, Mei-ling… hưởng trọn. Chẳng phải Dato Tan từng nhận ra “cuộc cọ xát hiện nay là giữa hai mảng địa chính trị Trắng – Vàng” (phương Tây da trắng và người Trung Hoa da vàng) thay cho Nâu – Vàng (giữa Indo và China) trước đó. Trong công trình Globalisation in question, hai đồng tác giả Paul Hirst và Grahame Thompson đã nhắc tới những hoài nghi về việc ai là người hưởng lợi chính của toàn cầu hóa: Đó chính là “… những công ty phương Tây và những thị trường vốn và tầng lớp thượng lưu của các nước đang phát triển”. Vậy là hoa trái của toàn cầu hóa chỉ ngát thơm và trĩu cành trong những khu vườn thượng đẳng, mà người dân ở những “ngôi làng toàn cầu” mộc mạc chỉ có thể ngắm nhìn và mơ ước? Paul Hirst và Grahame Thompson nhắc lại vai trò không thể thiếu của các quốc gia – dân tộc bất chấp toàn cầu hóa đến đâu. Nhân vật Dinh thì hiểu ra chỗ ẩn nấp của anh là giữa lòng dân tộc, nhưng cái khiên để bảo vệ dân tộc này phải bắt đầu từ đại đương xa kia… Phải biết lách giữa các dòng thay vì biến mình thành một phe bị ủy nhiệm!

THỜI CUỘC VÀ THỜI ĐẠI

Có thể nói Ấn tàng mang tính thời cuộc và thời đại. Đại dịch COVID đã nhuận sắc hấp dẫn cho cuộc chạy trốn của ông chủ gia tộc họ Cao (cũng là nhân vật chính của Quỹ chủ) khỏi những thế lực toàn cầu đang đối đầu nhau. Từ eo biển Mã Lai, câu chuyện trải dài sang vùng Lombardy ở bắc Ý, miền du lịch nên vô tình trở thành ổ dịch. Người ta chưa quên những năm cao điểm của COVID-19 ở châu Âu khi đó, với số người chết tăng lên từng giờ, bắt đầu từ nước Ý. Vi rút đặc biệt hay chỉ cúm mùa, khẩu trang hay không khẩu trang, vắc xin hay cứ để miễn dịch cộng đồng… Nhưng câu hỏi thời cuộc học búa đó xen lẫn những vấn đề thời đại, khi cuộc so kè giữa các siêu cường đã đặt nhân loại vào nguy cơ Thế chiến thứ ba. Tác giả đã chọn một góc đứng với chính kiến riêng, không nhập cuộc với lý giải của truyền thông đương đại, “khi người ta có thể hại chết cả một dân tôc chỉ bởi vài luồng thông tin”.

Ẩn tàng của Lưu Vĩ Lân đậm suy tư dù kém nét lãng mạn của tiểu thuyết đầu tay Mật đạo. Tiểu thuyết luận đề này hấp dẫn bởi sự giàu có đến dư dả chi tiết của một nhà văn và nhà báo. Với ít nhiều tiên báo có sức gợi, Ẩn tàng cho ta một tiền đề, một chất liệu để “nấu nướng trên ngọn lửa của những câu hỏi”. Thiếu chất liệu đó, chúng ta sẽ bị trôi theo một toàn cầu hóa không gương mặt.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 24/03/2024

Bình luận


Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP