ẢO TƯỞNG MANG TÊN MẶC CẢM

SHUNMYO MASUNO

Trích: “Ảo Tưởng Mang Tên Mặc Cảm”; Tác giả: Shunmyo Masuno; Việt Dịch: Hương Linh; NXB Hà Nội – 2022.

Thất bại, trắc trở là để ta “phát hiện” điều còn chưa đúng

Thất bại hay trắc trở là yếu tố gắn liền với cuộc đời. Chỉ có điều, nếu tự hỏi buồn tủi “Mình là đồ vô dụng!” thì chỉ khiến bản thân càng đắm chìm vào hố sâu. Tôi gọi đó là “Xoáy ốc tiêu cực”, bởi một khi để suy nghĩ chìm vào tiêu cực, dần dà sẽ bị khuyếch đại theo khuynh hướng ấy.

Nếm trải thất bại hay trắc trở cũng “không đến mức bị mất mạng”. Bạn nên có suy nghĩ như vậy và đây tuyệt đối không phải lý luận lạc quan đơn giản. Tôi đã nhắc đến thiền ngữ “Bản lai vô nhất vật”, con người vốn dĩ không mang bất cứ thứ gì. Dẫu thất bại hay trắc trở, hoặc là đánh mất tất cả đi nữa, cũng chỉ là bản thân quay trở về dáng hình nguyên bản.

“Vô nhất vật trung vô tận tạng.”

Thiền ngữ này mang ý nghĩa, chính bởi không có gì nên mới có vô số các khả năng. Ta có thể tiếp nhận theo đó rằng: Nhờ thất bại hay trắc trở, bởi mất đi thứ gì đó, nên cách cửa tới triển vọng mới mẻ mở ra.

Người ta thường nói, con người chỉ sử dụng được khoảng 20% năng lực của chính mình. Như vậy là tiềm năng phát triển còn rất lớn. Nếu khai mở tài năng hơn một chút so với hiện tại, chắc chắn khả năng, triển vọng sẽ còn mở rộng hơn nữa.

Một bước lùi hay thất bại nên được nhìn nhận là những cơ hội. Nhà phát minh Thomas Edison từng nói: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động.”

Thất bại hay trắc trở là để “phát hiện” ra việc chưa đúng. Vì thế, bằng cách xác định cẩn thận đúng nguyên nhân, ta chắc chắn sẽ tìm thấy phương pháp thực sự. Trong công việc, nếu kết quả không như mong đợi thì bản thân cũng không nên nản lòng “Ôi, lại không được rồi”, mà nên suy nghĩ kỹ lưỡng “Nguyên nhân nằm ở đâu?”

“Tốc độ nhanh nhưng chất lượng kém quá. Mình nên thận trọng hơn một chút.”

“Cách kết luận khi đến bước quyết định còn hời hợt quá. Giá như thu thập nhiều tài liệu thuyết phục hơn …”

Khi nguyên nhân đã tỏ tường, chúng ta sẽ không lặp lại vết xe đổ đó lần hai. Bản thân sẽ thận trọng hơn nữa trong công việc lần tới, thu thập nhiều tài liệu thuyết phục hơn, nỗ lực hết mình. Đó chẳng phải là năng lực làm việc được khơi mở ra, triển vọng được trải rộng hơn nữa hay sao?

Thất bại trong tình yêu cũng vậy, trên con đường tìm kiếm nguyên nhân chắc chắn chúng ta có thể nhận ra nhiều điều như: Bản thân chưa đủ quan tâm, tính độc chiếm quá mạnh, quá ảo tưởng về tình cảm thực sự của đối phương …

Nếu khắc phục những điều đó, bạn có cơ hội thấy được “tình yêu đẹp”, không mãi đắm chìm vào suy nghĩ “bản thân kém cỏi nên bị bỏ rơi”.

Nếu thất bại hay trắc trở, nhất định bạn hãy hạnh phúc vì điều “phát hiện” ra nhé.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TẬP THÓI QUEN DUY TRÌ TRONG 100 NGÀY
  2. ẢO TƯỞNG MANG TÊN SO SÁNH VỚI NGƯỜI KHÁC
  3. TÂM KHÔNG ẢO TƯỞNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP