ẢO TƯỞNG MANG TÊN SO SÁNH VỚI NGƯỜI KHÁC

SHUNMYO MASUNO

Trích: “Ảo Tưởng Mang Tên Mặc Cảm”. Tác giả: Shunmyo Masuno. Việt Dịch: Hương Linh. NXB Hà Nội – 2022. Ảnh nguồn: Internet.

ẢO TƯỞNG MANG TÊN MẶC CẢM – SHUNMYO MASUNO
—🌼🌸🌼—

🌸 Chờ Đến Khi Bản Thân “Có Ích”

Muốn sống cuộc đời mang cảm giác trọn vẹn.

Ai cũng mong muốn điều đó. Vậy thì, khi nào cảm giác trọn vẹn sẽ ngập tràn trong ta? Mỗi người mỗi khác, tuy nhiên, khoảnh khắc ai cũng mang cảm giác trọn vẹn là khi cảm nhận bản thân có ích cho người khác, có ích cho nhân gian.

Nói cách khác, nếu không cảm thấy có ích, không cảm nhận sự trọn vẹn, có vẻ bản thân không thể cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc khi đang sống. Nói xa hơn nữa, cảm giác bản thân như vô dụng, đáng trách. Chẳng hạn trong công việc, nếu bản thân bị sếp khiển trách như sau:

“Làm cẩn thận hơn một chút đi. Đúng là không có năng lực.”

Câu nói này như một lời tuyên cáo rằng bản thân “vô dụng”, khiến người nghe cảm thấy thất vọng, suy sụp và có thể ngay lập tức bị nhấn chìm trong cảm giác mặc cảm. Nhắc đến đây, cũng phải đề cập tới câu nói sau:

“Hạ lô đông phiến.”

Hạ lô chỉ lò sưởi trong mùa hè, đông phiến là cái quạt trong mùa đông. Mùa hè nóng bức không cần lò sưởi, mùa đông lạnh giá không cần quạt. Nói tóm lại, câu nói ám chỉ những vật rườm rà, vô dụng, không có ích.

Tuy nhiên, nếu đào sâu hơn một chút ý nghĩa của câu nói này, dẫu lò sưởi vô dụng vào mùa hè, nhưng khi tiết trời chuyển sang đông, sẽ lại là vật không thể thiếu. Chiếc quạt không có ích trong mùa đông sẽ trở thành vật hữu dụng khi mùa hè tới. Có thể giải nghĩa câu trên như vậy.

Không có ích chỉ bởi đôi khi thời điểm không thích hợp. Nhưng thời điểm có ích chắc chắn sẽ đến. Sẽ có thời điểm chúng ta bị phê bình là không có năng lực. Nhưng khi bối cảnh hay cục diện thay đổi, chắc chắn khoảnh khắc bản thân được đánh giá là có năng lực mạnh mẽ sẽ ghé thăm.

Chắc rằng ai cũng có lúc cảm giác bản thân là người vô ích. Chỉ có điều, chúng ta không được quá chìm đắm vào suy nghĩ đó. Chỉ cần chấp nhận sự thật rằng, thời khắc của ta bây giờ chưa đến. Rối tiếp tục không sao lãng rèn giũa bản thân đến khi “thời khắc của ta” tìm đến trong tương lai.

Biến chuyển tâm trạng tiêu cực thành tích cực. Đó là lời răn, cách sống của Thiền.

🌸 Sống đúng với sinh mệnh được ban tặng

Tôi xin hỏi một câu hơi đường đột. Sinh mệnh của các bạn do ai sở hữu? Tôi có thể mường tượng đại khái câu trả lời.

“Sinh mệnh của tôi? Đương nhiên nó do tôi sở hữu rồi con gì.”

Có hay chăng phần lớn các bạn đều có câu trả lời như vậy? Vậy thì, bạn có thể tự khiến trái tim mình, thứ duy trì mạng sống của bản thân, dừng lại hay đập từng nhịp không? Có thể tự ngăn lại dòng huyết mạch đang chảy quanh cơ thể: Bộ máy nội tạng như dạ dày và ruột thì sao?

Chúng ta không thể tự điều khiển bất cứ bộ phận nào. Thiền sư Dogen Kigen, người vốn có công sáng lập phái Tào Động, từng nói:

“Nhãn hoành tị trực.”

Tức là, mắt nằm ngang, mũi thẳng đứng. Thiền sư Dogen từng qua Trung Hoa (thời nhà Tống) năm 24 tuổi rồi mang câu nói “giác ngộ” này hồi hương. Mắt ngang, mũi dọc là điều đương nhiên. Thiền sư Dogen nói việc “đương nhiên” này là chân lý bản chất của Phật pháp.

Trái tim đang đập, huyết mạch đang chảy, mắt nằm ngang, mũi nằm dọc – tất thảy đều không phải chúng ta khiến chúng xảy ra, mà là những điều đương nhiên phải thế. Phật đạo gọi đây là “Phật tính”, “Chân như”, hay là “Phật”. Để con người hiện đại cũng dễ dàng hiểu được, tôi xin gọi đây là chân lý của vũ trụ diệu huyền bao la. Chúng ta nhận được sức mạnh vĩ đại mà vốn dĩ chẳng thể sở hữu.

Khi ngộ ra điều này, bạn có nghĩ sinh mệnh tuyệt nhiên không phải của ta, mà là món quà được dành tặng bởi sức mạnh vô hình không?

Sinh mệnh của các bạn vốn là món quà được ban tặng. Vì thế, hãy cứ thế tiếp nhận món quà được ban tặng ấy và trân trọng nó. Tuy nhiên thì thi thoảng chúng ta vẫn nhìn xiên sang nơi khác.

“Cô ấy đẹp thật nhỉ? Mình cũng muốn sửa mũi cao hơn một chút nữa.”

“Cậu ta có cơ thể thật rắn chắc. Mình thì bụng lòi cả ra…”

Đó là suy nghĩ ghen tị, cảm giác ghen tức với quà tặng người khác nhận được. Bạn có nghĩ như thế là thất lễ với sinh mệnh bản thân nhận được hay không?

“Phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu; hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi.”

Ý nghĩa của câu đó là: Dù chân vịt ngắn đi nữa, nếu nối dài ra thì vịt sẽ buồn tủi; dẫu chân sếu dài, nếu cắt ngắn thì sếu sẽ sầu thương. Sống đúng với sinh mệnh được ban tặng, với dáng hình hiện tại, là cách sống phù hợp hơn tất thảy.

Đừng nhìn xiên xẹo, cứ như thể trân trọng sinh mệnh được ban tặng, sống thật nhiệt thành bạn nhé.

🌸 Trước tiên hành động, thay vì nghĩ ngợi

Con người hiện đại dễ đắm chìm vào thông tin được lan truyền liên tục. Tất nhiên, việc dễ dàng nắm bắt nhiều thông tin là rất tiện lợi. Chỉ có điều, tôi nghĩ chúng ta cần hướng ánh mắt tới mặt trái của việc này.

Chẳng hạn, giả sử có người dở tệ khoản giao tiếp và muốn khắc phục điểm yếu này. Mọi nơi thì lại tràn ngập thông tin liên quan đến kỹ năng giao tiếp, nguồn thông tin đa dạng cung cấp cách triển khai kỹ năng giao tiếp theo các hướng khác nhau. Khi ấy, ta dễ bị nhồi nhét phương pháp không phù hợp. Tình trạng kiểu như sau:

“Phương pháp này có vẻ tốt. Không, không, có thể thông tin này thực tiễn hơn. Đợt chút, có cả phương pháp này à…”

Tuy nhiên, dẫu bản thân suy nghĩ bao nhiêu đi nữa, kỹ năng giao tiếp cũng không thể tốt hơn. Bởi chúng ta cần giao tiếp thực tế với người khác, trong quá trình thất bại và xấu hổ, kỹ năng mới được nâng cao.

“Thiền tức hành động.”

Giống như câu nói này, Thiền dạy rằng, trước tiên là hành động, thay vì nghĩ ngợi. Dưới đây là câu chuyện lưu truyền về thiền sư Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, 1277-1360), người gây dựng chùa Myoshin (Diệu Tâm Tự) tại Kyoto.

Thiền sư Kanzan sống cùng các đệ tử tại một ngôi nhà lụp xụp. Đột nhiên, mưa như trút nước. “Các con, hãy mang cho thầy cái gì đó để hứng nước mưa”, thiền sư nói với đệ tử. Trong số các đệ tử đi khắp nơi này nơi kia tìm chậu hứng nước mưa, một đệ tử đột ngột chìa ra một cái nia bằng tre.

Vốn dĩ, nia không phải để hứng nước mưa. Các đệ tử khác cười nhạo trong bụng: “Đúng là thằng ngốc, mang nia ra, chắc chắn thầy sẽ nổi điên lên cho xem.” Nhưng ngược lại, thiền sư Kanzan cất lời khen ngợi đệ tử ấy.

Nếu nghĩ trong đầu cái gì dùng để hứng nước mưa, bản thân sẽ không thể hành động ngay tức khắc. Trước tiên là hành động, kết quả của hành động nếu là nhầm lẫn thì lần tới sửa đổi là được. Đó là điều thiền sư Kanzan muốn nói và cũng là cách tư duy trong Thiền.

Lượng thông tin phong phú là một nguyên nhân khiến hành động trở nên chậm chạp. Ví dụ về kỹ năng giao tiếp khi nấy cũng tương tự, bởi tổng hợp quá nhiều thông tin nên rối bời trong suy nghĩ. Bản. thân bị bối rối, không thể hành động.

Tuy nhiên, một khi không hành động thì không thể trải nghiệm cảm giác liệu hành động đó sẽ mang lại thành quả ra sao. Tự trải nghiệm là điều căn bản giúp bản thân trưởng thành. Chỉ suy nghĩ trong đầu mà không hành động tức là bỏ lỡ cơ hội trưởng thành. Đây không phải là lời nói quá. Tôi nghĩ, các bạn cần khắc ghi điều này tận trong xương tủy.

—🌼🌸🌼—

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM KHÔNG ẢO TƯỞNG
  2. THẤT BẠI, TRẮC TRỞ LÀ ĐỂ TA “PHÁT HIỆN” ĐIỀU CÒN CHƯA ĐÚNG
  3. ẢO TƯỞNG MANG TÊN MẶC CẢM

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM