ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU

JAMES CLEAR

Trích: Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ; dịch giả: Vũ Phi Yên- Trần Quỳnh Như dịch; NXB Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Hãy tưởng tượng bạn đang cầm một cái ống nước tưới cây trong vườn có một đoạn cong ở phần giữa. Nước vẫn có thể chảy qua, nhưng rất ít. Nếu bạn muốn tăng lượng nước chảy, bạn có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là bạn xoay van và điều này sẽ tạo lực đẩy đẩy nhiều nước chảy hơn. Lựa chọn thứ hai đơn giản là tháo cái đầu nối cong ra khỏi đường ống và nước sẽ chảy qua một cách tự nhiên.

Cố gắng thúc đẩy tạo động lực để duy trì thói quen khó giống như việc cố gắng tạo lực đẩy đẩy nước chảy qua một đường ống cong. Bạn có thể làm điều đó, nhưng việc đó cần rất nhiều nỗ lực và làm tăng những căng thẳng trong cuộc sống của bạn. Trong khi đó, biến những thói quen của bạn thành đơn giản và dễ dàng giống như việc tháo cái đầu nối cong ra khỏi đường ống. Giống như việc thay vì cố gắng vượt qua những bất tiện trong cuộc sống, bạn giảm thiểu chúng đi.

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu bất tiện liên quan tới những thói quen là thực hiện việc thiết kế môi trường sống. Ở Chương 6, chúng ta đã đề cập tới việc thiết kế môi trường sống như một phương pháp nhằm biến những tác nhân trở nên hiển nhiên hơn, nhưng bạn cũng có thể tối ưu hóa môi trường để thực hiện thói quen dễ dàng hơn. Ví dụ, khi quyết định địa điểm để thực hiện một thói quen mới, tốt nhất là chọn một nơi nằm sẵn trong lịch trình hàng ngày của bạn. Sẽ dễ dàng hơn trong việc hình thành thói quen khi những thói quen này nằm trong lịch trình thường ngày của bạn. Bạn sẽ dễ dàng tới phòng tập gym nếu nó nằm trên đường đi làm của bạn bởi vì việc rẽ vào phòng tập không ảnh hưởng gì nhiều tới lịch sinh hoạt thường ngày của bạn. Hãy làm một phép so sánh, nếu phòng tập gym không nằm trên tuyến đường đi thường ngày của bạn – thậm chí chỉ cách đó một vài dãy nhà – thì lúc này bạn sẽ phải “rời khỏi tuyến đường quen thuộc” để đến đó. Có lẽ sẽ còn hiệu quả hơn nếu giảm thiểu sự bất tiện giữa nhà và văn phòng. Chúng ta quá thường hay cố gắng bắt đầu thói quen trong những môi trường mang tính bất lợi cao. Chúng ta cố gắng tuân thủ một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt trong khi chúng ta đi ra ngoài ăn tối với bạn bè. Chúng ta cố gắng viết một cuốn sách trong môi trường ồn ào. Chúng ta cố gắng tập trung trong khi sử dụng smartphone đầy rẫy những thứ làm ta sao nhãng. Đừng làm theo cách này.

Chúng ta có thể xóa bỏ những điểm gây bất tiện, thứ kéo chúng ta tụt lùi. Đây chính xác là điều mà những hãng sản xuất điện tử tại Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện trong những năm 1970. Trong một bài báo đăng trên tờ New Yorker với tiêu đề “Luôn luôn tốt hơn nữa”, James Suroweicki đã viết:”Các hãng của Nhật đã nhấn mạnh vào cái được gọi là ‘sản xuất tinh gọn’, họ đã thẳng tay loại bỏ những thứ dư thừa trong quá trình sản xuất nhằm tái thiết kế lại không gian làm việc, nhờ đó công nhân không còn lãng phí thời gian vào việc quay ngang quay ngửa và tập trung vào sản xuất. Kết quả là các nhà máy này làm việc có hiệu quả hơn và những sản phẩm của Nhật có uy tín hơn các sản phẩm của Mỹ.

Vào năm 1974, các cuộc gọi về trung tâm dịch vụ của những chiếc ti vi màu do Mỹ sản xuất cao gấp năm lần so với những chiếc ti vi màu của Nhật. Tới năm 1979, công nhân Nhật lắp ráp linh kiện nhanh gấp ba lần so với công nhân Mỹ. Tôi thích việc gọi cách thức này là thặng dư từ phép loại bỏ (addition by subtraction) [*Cụm từ thặng dư từ phép loại bỏ cũng được sử dụng bởi các doanh nghiệp hay các nhóm để miêu tả việc loại bỏ bớt quân số khỏi một nhóm nhằm mục đích chung là làm cho nhóm đó vững mạnh hơn]. Các nhà máy sản xuất tại Nhật đã tìm ra những điểm gây trở ngại trong quá trình sản xuất và loại bỏ chúng. Khi họ loại trừ được những nỗ lực dư thừa, họ đã có thêm khách hàng và lợi nhuận. Tương tự như vậy, khi chúng ta loại bỏ những điểm dư thừa làm tiêu tốn thời gian và năng lượng, chúng ta có thể đạt được nhiều hơn với nỗ lực tối thiểu. (Đây là một lý do khiến việc dọn dẹp có thể khiến chúng ta cảm thấy khá hơn: Chúng ta đồng thời vừa tiến lên phía trước vừa làm rõ những gánh nặng dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm mà môi trường đã tác động lên chúng ta).

Nếu như nhìn vào những sản phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất hình thành nên thói quen, bạn sẽ nhận ra một trong những điều mà những hàng hóa và dịch vụ này làm tốt nhất là loại bỏ được những điều bất tiện nhỏ khỏi cuộc sống của bạn. Dịch vụ giao đồ ăn giảm thiểu những bất tiện trong việc đi mua sắm tại cửa hàng. Những ứng dụng hẹn hò giảm thiểu những bất tiện trong việc giới thiệu những thông tin chung. Dịch vụ đi chung xe giảm thiểu những bất tiện trong việc di chuyển xa. Tin nhắn văn bản giảm thiểu những bất tiện gửi thư qua thư tín. Giống như việc một hãng sản xuất ti vi của Nhật tái thiết kế lại không gian làm việc nhằm cắt giảm những động tác dư thừa, những công ty thành công thiết kế sản phẩm của họ để tự động hóa, loại trừ, hoặc đơn giản hóa nhiều bước nhất có thể.

Họ cắt giảm nhiều thứ trong một lĩnh vực. Họ cắt giảm số lần nhấn chuột khi tạo mới một tài khoản. Họ gửi hàng theo cách thức dễ hiểu hoặc khảo sát khách hàng để đưa ra ít chọn lựa hơn. Khi tính năng ra lệnh bằng giọng nói xuất hiện – những sản phẩm như Google Home, Amazon Echo, và Apple Homepod – tôi đã hỏi một người bạn rằng anh ấy thích điểm nào ở những sản phẩm mà mình đã sắm. Anh ấy cho biết sẽ dễ dàng khi hô “Chơi một vài bản nhạc đồng quê” hơn là việc lôi điện thoại ra, mở một ứng dụng chơi nhạc, và chọn một danh sách nhạc lựa chọn. Dĩ nhiên chỉ một vài năm trước thôi, việc tiếp cận nguồn nhạc không giới hạn gói gọn trong túi bạn đã mang tính tiện lợi vượt trội so với việc lái xe tới các cửa tiệm và mua một đĩa CD. Việc kinh doanh là một cuộc chinh phục không có hồi kết nhằm đưa tới những sản phẩm tương tự nhưng với cách thức thuận lợi hơn. Những chiến lược tương tự cũng được áp dụng một cách hiệu quả bởi chính phủ. Khi chính phủ Anh muốn tăng tỉ lệ thu thuế, họ đã chuyển đổi từ việc gửi cho người dân một trang web nơi người dân có thể tải về sang việc gửi link trực tiếp tải mẫu tờ khai nộp thuế. Việc giảm một bước trong qui trình giúp tăng tỉ lệ nộp thuế từ 19.2 phần trăm lên 23.4 phần trăm.

Với một đất nước như Anh Quốc, tỉ lệ như vậy đại biểu cho hàng triệu doanh thu thuế. Ý tưởng trung tâm là tạo một môi trường mà trong đó những việc đúng đắn càng dễ thực hiện càng tốt. Hãy giảm thiểu nhiều nhất có thể cuộc chiến trong việc hình thành thói quen tốt hơn để tìm ra các cách làm giảm sự bất tiện liên quan tới những thói quen tốt và làm tăng lên sự bất tiện liên quan tới thói quen xấu.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. CẦN BAO LÂU ĐỂ HÌNH THÀNH MỘT THÓI QUEN MỚI ?
  3. TÁI LẬP TRÌNH NÃO BỘ ĐỂ TẬN HƯỞNG CÁC THÓI QUEN KHÓ

Bài viết mới

  1. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG
  2. MƯU MÔ CỦA CÁI THIỆN
  3. XÂY DỰNG LÒNG TIN QUA TÍNH CHÍNH TRỰC VÀ SỰ GƯƠNG MẪU