CẦN BAO LÂU ĐỂ HÌNH THÀNH MỘT THÓI QUEN MỚI ?

JAMES CLEAR

Trích: Atomic Habits - Thay Đổi Tí Hon Hiệu Quả Bất Ngờ; dịch giả: Vũ Phi Yên- Trần Quỳnh Như dịch; NXB Thế Giới, Cty sách Phương Nam

Việc hình thành thói quen là một tiến trình mà qua đó một hành vi dần dần trở nên tự động hơn thông qua việc làm đi làm lại. Bạn lặp lại một hành động càng nhiều, cấu trúc não bộ của bạn thay đổi càng lớn trong việc thực hiện hành vi đó một cách hiệu quả hơn. Những nhà thần kinh học gọi đó là tiềm năng dài hạn, là sự tăng cường kết nối giữa các nơ ron thần kinh trong não bộ dựa trên những khuôn mẫu hành động hiện tại. Mỗi một lần lặp lại, tín hiệu kết nối giữa các tế bào lại tăng lên và sự kết nối của các nơ ron được thắt chặt hơn. Việc này được đề cập đến bởi nhà thần kinh học Donald Hebb vào năm 1949, hiện tượng này còn được biết tới với tên gọi định luật Hebb: “Neurons that fire together wire together.”

Việc làm đi làm lại một thói quen dẫn tới sự thay đổi rõ ràng về mặt thể chất trong não bộ. Ở những nhạc công, các hoạt động thể chất như gảy đàn guitar hay kéo đàn vĩ cầm kích thích tiểu não lớn hơn so với những người bình thường. Còn ở những nhà toán học, lượng chất xám tăng trong tiểu thùy đỉnh dưới, thứ đóng vai trò quan trọng trong việc tính toán. Kích cỡ của nó liên quan trực tiếp tới lượng thời gian dành cho toán học; các nhà toán học càng cao tuổi, càng nhiều kinh nghiệm thì lượng chất xám càng lớn. Khi các nhà khoa học phân tích não bộ của các tài xế taxi tại London, họ đã phát hiện ra rằng vùng hồi hải mã – một khu vực trong não bộ có liên quan tới ký ức về không gian – lớn hơn đáng kể so với những người bình thường. Thú vị hơn, vùng hồi hải mã sẽ giảm kích cỡ khi người lái xe về hưu.

Giống như cơ bắp trên cơ thể chúng ta có phản ứng với việc luyện tập tăng/giảm cân thường xuyên, những vùng cụ thể trong não bộ sẽ thích nghi khi chúng được sử dụng đến và teo nhỏ khi ít được sử dụng. Đương nhiên tầm quan trọng của việc làm đi làm lại trong việc thiết lập thói quen được ghi nhận từ trước đó rất lâu trước khi các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu. Năm 1860 nhà triết học người Anh George H. Lewes đã viết, “Mọi người đều cảm thấy khó khăn khi học một ngoại ngữ mới, chơi một loại nhạc cụ, hoặc thực hiện một việc gì đó mới bởi vì kênh kết nối các cảm giác vẫn chưa được hình thành; nhưng sớm thôi việc làm đi làm lại thường xuyên sẽ tạo một lối đi và cảm giác khó khăn sẽ biến mất; hành động sẽ mang tính tự động và được thực hiện mà không cần phải suy nghĩ.” Về mặt cảm xúc lẫn những chứng cứ khoa học đều nhất trí rằng: việc lặp đi lặp lại là một dạng thức thay đổi.

Mỗi lần bạn thực hiện lại một hành động, bạn đang kích hoạt một vòng tuần hoàn thần kinh cụ thể liên quan tới thói quen đó. Điều này có nghĩa rằng chỉ đơn giản là lặp đi lặp lại là một trong những bước quan trọng bạn có thể mã hóa một thói quen mới. Đây cũng chính là lý do tại sao những sinh viên chụp hàng nghìn bức ảnh lại cải thiện được kỹ năng của họ trong khi những sinh viên chỉ có thuần mỗi lý thuyết về bức ảnh hoàn hảo thì lại không cải thiện được gì. Một nhóm thực hành chủ động , nhóm khác học/tiếp thu kiến thức bị động.

Một nhóm hành động, nhóm kia trong trạng thái chuyển động. Tất cả các thói quen đều tuân theo một quỹ đạo chung từ việc nỗ lực thực hành tới hành động tự giác, một quá trình mang tính tự động. Tính tự động là khả năng thực hiện một hành vi mà không cần phải suy nghĩ thực hiện từng bước như thế nào, việc này xảy ra khi phần tâm trí vô thức nắm quyền kiểm soát. Quá trình này được minh hoạ như trong hình bên dưới đây:

Hình ảnh 11: Tại điểm bắt đầu (điểm A), cần nhiều nỗ lực và tập trung để thực hiện một thói quen. Sau nhiều lần làm lại (điểm B), việc thực hiện nó trở nên dễ dàng hơn, nhưng vẫn cần phải lưu tâm khi thực hiện. Khi thực hành đủ lâu (điểm C), thói quen mang tính tự động và làm mà không cần phải suy nghĩ. Theo biểu đồ này – đường thói quen – một hành động có thể được thực thi cần ít hay nhiều suy nghĩ. Một thói quen mới được hình thành.

Ở trang tiếp theo, bạn sẽ thấy điều gì xảy ra khi các nhà nghiên cứu theo dõi các mức độ tự động của một thói quen thực tế như đi bộ mười phút mỗi ngày. Hình dáng của những biểu đồ này, cái được các nhà khoa học gọi tên là những đường cong học tập (learning curves), tiết lộ một sự thật quan trọng về việc thay đổi hành vi: việc hình thành thói quen dựa trên tần suất chứ không phải thời gian.

Hình ảnh 12: Biểu đồ này thể hiện việc một người đang xây dựng thói quen đi bộ mười phút sau bữasáng mỗi ngày. Hãy chú ý tới mức độ thực hiện tăng dần, đó chính là tính tự động, cho tới khi việc thực hiện hành động trở nên dễ dàng và tự động nhất có thể. Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà tôi nhận được là, “Mất bao lâu để hình thành một thói quen mới?”. Nhưng mọi người nên hỏi như thế này, “Thực hiện bao nhiêu lần để hình thành một thói quen mới?”. Câu hỏi đó có nghĩa là cần thực hiện bao nhiêu lần để biến một thói quen trở nên tự động? Chẳng có phép màu nào trong việc theo thời gian thói quen được hình thành. Chẳng có vấn đề gì khi mất 21 ngày hay 31 ngày hay 300 ngày. Điều đáng quan tâm ở đây là tỷ lệ bạn thực hiện thói quen. Bạn có thể làm việc đó 2 lần trong 30 ngày, hoặc 200 lần. Chính tần suất thực hiện đem lại điều khác biệt. Những thói quen hiện tại của bạn đã được nội hiện hoá nhờ việc lặp đi lặp lại hàng trăm lần, hoặc không thì hàng nghìn lần. Thói quen mới cũng cần tần suất thực hiện ở mức như vậy. Bạn cần xâu chuỗi đủ những nỗ lực thành công lại với nhau cho tới khi hành động đó ghi dấu ấn chắc chắn vào tâm trí bạn và bạn vượt qua được Đường thói quen. Trong thực tiễn, không cần phải lưu tâm tới việc mất bao lâu để một thói quen trở nên tự động. Điều bạn nên lưu ý là bạn cần phải hành động để tiến trình diễn ra. Cho dù một hành động mang tính tự động cũng không có gì quan trọng.Để xây dựng một thói quen bạn cần phải thực hành. Và cách thức hiệu quả nhất để thực hành là bám chặt theo Qui luật số 3 trong thay đổi hành vi: hãy khiến việc đó trở nên dễ dàng. Những chương tiếp theo sẽ nêu ra cho bạn cách thức thực hiện một cách cụ thể.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. TÁI LẬP TRÌNH NÃO BỘ ĐỂ TẬN HƯỞNG CÁC THÓI QUEN KHÓ
  3. VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ TRONG VIỆC ĐỊNH HÌNH THÓI QUEN

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ