BA BƯỚC DỄ DÀNG ĐỂ ĐI ĐẾN HÒA BÌNH THẾ GIỚI

CHADE-MENG TAN

Trích: Search Inside Yourself - Tạo Ra Lợi Nhuận, Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới; NXB Lao Động và Thái Hà Book

Để đạt được hòa bình, hãy dạy về hòa bình.
– Giáo hoàng John Paul II

Khóa học Search inside yourself (Tìm Kiếm Bên Trong Bạn) bắt đầu bằng một giấc mơ đơn giản, đó là hòa bình thế giới.

Cũng giống như nhiều người khác khôn ngoan hơn, tôi tin rằng hòa bình thế giới chỉ có thể được tạo ra từ bên trong. Nếu chúng ta có thể tìm ra cách để tất cả mọi người phát triển hòa bình và hạnh phúc bên trong bản thân, thì hòa bình và hạnh phúc bên trong họ sẽ tự nhiên biểu lộ ra ngoài thành lòng từ bi. Và nếu chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà phần lớn mọi người đều hạnh phúc, hòa bình và từ bi, chúng ta có thể tạo ra nền tảng cho hòa bình thế giới.

May mắn là phương pháp để làm điều đó vốn đã tồn tại và đã được rất nhiều người thực hiện trong hàng nghìn năm rồi. Đó là nghệ thuật sử dụng các phương pháp suy tư để phát triển tâm trí. Phần lớn chúng ta biết đến nó dưới cái tên là thiền.

Nói một cách đơn giản thì thiền là rèn luyện khả năng chú ý. Nếu tập thiền đủ, sự chú ý có thể trở nên vô cùng an tĩnh và tập trung. Với khả năng chú ý ở cấp độ cao đó, tâm trí có thể dễ dàng đạt được trạng thái vừa cực kỳ thư giãn vừa cực kỳ cảnh giác trong cùng một lúc trong một khoảng thời gian dài. Với sự kết hợp giữa thư giãn và cảnh giác này, ba phẩm chất tuyệt vời của tâm trí sẽ tự nhiên xuất hiện: an tĩnh, rõ ràng và hạnh phúc. Sau đây là một phép so sánh: Hãy coi tâm trí giống như một quả cầu tuyết liên tục bị lắc. Khi bạn ngừng, không lắc quả cầu tuyết nữa, những hạt “tuyết” trắng bên trong nó cuối cùng cũng sẽ ổn định, đồng thời khối chất lỏng bên trong quả cầu tuyết trở nên rõ ràng và an tĩnh trong cùng một lúc. Tương tự, tâm trí luôn trong tình trạng bất ổn. Nếu nó có thể vừa thư giãn vừa cảnh giác một cách sâu sắc, nó sẽ ổn định, an tĩnh và rõ ràng. Với tâm trí như vậy, phẩm chất thứ ba, hạnh phúc bên trong, sẽ tự nhiên xuất hiện.

Hạnh phúc bên trong có tính chất lây lan. Khi một người cho phép ánh hào quang của hạnh phúc nội tâm biểu lộ ra bên ngoài, những người xung quanh sẽ có xu hướng phản ứng lại với người đó theo cách còn tích cực hơn. Khi đó, thiền sinh sẽ thấy các mối quan hệ xã hội của mình trở nên ngày càng tích cực, và do chúng ta là những sinh vật có tính xã hội nên các mối quan hệ xã hội tích cực lại tạo ra thêm hạnh phúc nội tâm cho người này. Như vậy, một vòng tròn giữa hạnh phúc nội tâm và hạnh phúc xã hội được thiết lập. Khi vòng tròn này trở nên ngày càng mạnh mẽ, thiền sinh này sẽ thấy mình ngày càng tốt đẹp hơn và từ bi hơn.

Chúng ta có thể rèn luyện và phát triển tâm trí để tạo ra hòa bình, hạnh phúc, và lòng từ bi bên trong. Điều tuyệt vời nhất của việc rèn luyện này là chúng ta không cần phải ép bản thân có những phẩm chất đó; chúng vốn đã có sẵn bên trong chúng ta rồi. Tất cả những gì chúng ta cần làm là tạo ra các điều kiện để chúng xuất hiện, phát triển và thăng hoa. Chúng ta tạo ra các điều kiện đó bằng cách thiền. Với thiền, chúng ta cho phép bản thân được trở nên hạnh phúc hơn, từ bi hơn và nếu số lượng người làm như vậy đủ lớn, chúng ta có thể tạo ra nền tảng cho hòa bình thế giới.

Như vậy, nói một cách vừa nghiêm túc vừa nghe như đùa thì thành phần chính trong công thức tạo ra hòa bình thế giới chỉ đơn giản là thiền. Chẳng hợp lý chút nào khi một vấn đề phức tạp đến vậy lại chỉ cần một giải pháp đơn giản như thế. Nhưng sự thực đúng là như vậy. Khi biết được điều này, tôi đã ngộ ra. Tôi đã tìm ra mục tiêu của cuộc đời mình. Mục tiêu của cuộc đời tôi là giúp nhân loại tiếp cận các lợi ích của thiền. Hãy chú ý rằng tôi không định phổ biến thiền ra toàn thế giới. Tôi thậm chí còn không định phổ biến các lợi ích của nó ra toàn thế giới. Tất cả những điều tôi định làm chỉ là giúp mọi người tiếp cận các lợi ích của nó thôi. Chỉ vậy thôi. Tất cả những gì tôi đang làm chỉ là mở cánh cửa vào căn phòng chứa châu báu và nói với mọi người rằng:
“Đây, tất cả số châu báu anh nhìn thấy, thích lấy bao nhiêu thì lấy, hoặc không lấy thì thôi”. Tôi chỉ đơn thuần là người mở cửa. Tôi tin rằng sức mạnh chuyển hóa của các phương pháp thiền hấp dẫn đến mức bất kỳ ai hiểu được cũng sẽ không thể cưỡng lại. Nó giống như việc trao bí quyết khỏe mạnh (ví dụ như vệ sinh, dinh dưỡng, tập luyện, ngủ) cho những người không khỏe mạnh. Một khi mọi người hiểu và bắt đầu trải nghiệm các lợi ích của việc khỏe mạnh thì sẽ không ai ngừng lại, đơn giản là vì nó quá hấp dẫn.

Nhưng làm thế nào đây? Làm thế nào có thể giúp nhân loại tiếp cận các lợi ích của thiền? Tôi thường nói nửa đùa nửa thật rằng, câu trả lời cho câu hỏi này có tên là Ba Bước Dễ Dàng Để Đi Đến Hòa Bình Thế Giới.

1. Bắt đầu từ bản thân.
2. Biến thiền thành một ngành khoa học.
3. Đưa thiền vào cuộc sống.

Bắt đầu từ bản thân

Bước đầu tiên, hiển nhiên nhất, do Mahatma Gandhi nghĩ ra: “Tôi cần trở thành sự thay đổi mà tôi muốn nhìn thấy ở thế giới.” Về điều này, tôi đã đặt ra một mục tiêu cho chính mình, một mục tiêu mà gần như có thể đo lường được – trước khi kết thúc cuộc đời, tôi muốn tạo ra bên trong mình khả năng yêu thương tất cả mọi người, mọi lúc. Tôi muốn trở thành Kênh Yêu Thương: cả ngày chỉ “phát sóng” yêu thương.

Biến thiền thành một ngành khoa học

Để nhiều người có thể tiếp cận được thì thiền phải trở thành một ngành khoa học, cũng giống như cách y tế trở thành một ngành khoa học.

Giống như thiền, y tế đã tồn tại qua vô số thế hệ, nhưng kể từ khi y tế trở thành một ngành khoa học, tức là từ thế kỷ XIX (có lẽ là bắt đầu với nghiên cứu của Pasteur về vi sinh vật), y tế đã thay đổi về mọi mặt. Tôi nghĩ thay đổi quan trọng nhất là khả năng tiếp cận. Khi trở thành một ngành khoa học, nó trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều; các công cụ, thiết bị và phương pháp trở nên sẵn có; việc đào tạo và cấp chứng nhận cho những người cung cấp dịch vụ cũng được cải thiện đáng kể. Nói cách khác, có rất nhiều người đã được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt. Tôi muốn thấy điều tương tự xảy ra với thiền.

Quay trở lại năm 2006, tôi đã viết một e-mail (gọi là một bản tuyên ngôn nho nhỏ thì đúng hơn) cho những người bạn thiền của mình và giải thích rằng thiền cần phải trở thành một ngành khoa học, cũng như kêu gọi tất cả mọi người khởi động một nỗ lực để biến việc tập thiền thành một việc “dựa trên dữ liệu”. Phản hồi tôi nhận được thật đáng thất vọng. Nói chung, mọi người thích ý tưởng đó nhưng không ai phấn khích với nó cả.

Cuối cùng tôi cũng tìm ra một người phấn khích với nó. Bạn tôi, Tenzin Tethong, đã chuyển tiếp e-mail của tôi cho B. Alan Wallace. Alan trả lời tôi ngay lập tức và nói với tôi một cách đầy phấn khích rằng ông đã thực hiện một nỗ lực tương tự trong suốt sáu năm qua. Tại sao? Vì Đạt-lai Lạt-ma bảo ông làm thế! Tôi vô cùng kinh ngạc. Không ai trong số những người bạn thiền của tôi (nhiều người trong số đó hoạt động trong lĩnh vực khoa học) cảm thấy phấn khích với việc kết hợp thiền với khoa học, nhưng Đạt-lai Lạt-ma lại có. Chính lúc đó tôi biết rằng mình đã đi đúng hướng. Chắc chắn đức Đạt-lai Lạt-ma và tôi không thể cùng sai được.

Alan và tôi nhanh chóng trở thành bạn tốt. Sau một thời gian, nhờ việc biết thêm về công trình của Alan cũng như các công trình có liên quan của các nhà khoa học khác, tôi kết luận rằng dựa vào sự giúp đỡ nhiệt tình của Đạt-lai Lạt-ma, nỗ lực này sẽ tiến xa dù có tôi hay không. Tôi cũng làm một vài việc khác liên quan đến vấn đề này, như trở thành người bảo hộ sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Từ bi và Vị tha (CCARE) thuộc Đại học Stanford, cùng với Đạt-lai Lạt-ma và hai người bạn là Jim Doty và Wayne Wu. Mặc dù vậy, cuối cùng, tôi quyết định rằng nỗ lực này đã có người thực hiện tốt rồi nên thay vào đó, tôi sẽ tập trung năng lượng vào bước 3.

Đưa thiền vào cuộc sống

Để nhiều người có thể tiếp cận các lợi ích của thiền, không thể giới hạn nó chỉ trong những người trọc đầu mặc những chiếc áo choàng buồn cười sống trên núi cao hay các nhóm nhỏ những người theo chủ nghĩa Thời đại Mới ở San Francisco. Thiền cần phải trở nên “thực”. Nó cần phải thích hợp với cuộc sống và mối quan tâm của những con người thực, những người bình thường trên thế giới. Tôi cho rằng đây là bước quan trọng nhất trong ba bước và cũng chính là bước có thể giúp tôi tạo ra tác động lớn nhất. Nhưng làm thế nào đây?

Trong lịch sử đã từng có tiền lệ, đó là trường hợp về việc rèn luyện thể chất. Năm 1927, một nhóm các nhà khoa học đã thành lập Phòng Nghiên cứu Mệt mỏi Harvard (HFL) để nghiên cứu mặt sinh lý học của sự mệt mỏi. Công trình tiên phong của họ đã tạo ra ngành sinh lý học thể chất. Một trong những phát hiện quan trọng nhất của họ là một người thể chất tốt có sinh lý hoàn toàn khác với người có thể chất không tốt. Với hiểu biết này thì không khó để nhận ra rằng công trình của họ đã thay đổi thế giới.

Ngày nay, nhờ những đóng góp của các nhà tiên phong cùng những người khác, việc rèn luyện thể chất đã đạt được ít nhất bốn điểm quan trọng:

1. Ai cũng biết rằng “Rèn luyện thể chất là tốt”. Không có tranh cãi về điều này. Mặc dù đúng là không phải ai cũng cố gắng rèn luyện nhưng ngay cả những người không rèn luyện cũng biết rằng họ nên làm thế và nó tốt cho họ.

2. Bất kỳ ai muốn rèn luyện cũng có thể học. Thông tin luôn sẵn có, nếu bạn muốn có một huấn luyện viên thì họ luôn sẵn sàng, cũng như nhiều người có bạn đã rèn luyện rồi và những người bạn này có thể chỉ cho họ cách rèn luyện.

3. Các công ty hiểu rằng nếu nhân viên khỏe mạnh và có thể chất tốt thì sẽ có lợi cho công ty. Nhiều công ty thậm chí còn có phòng tập hoặc trợ cấp dưới dạng thẻ thành viên phòng tập.

4. Việc rèn luyện thể chất được coi là tất nhiên. Nó tất nhiên đến mức ngày nay, khi bạn nói với bạn mình rằng bạn đi tập thể hình thì không có ai thấy bạn tức cười hay nghĩ bạn là một kẻ kỳ dị thuộc nhóm Thời đại Mới đến từ San Francisco nữa. Thực tế là ngược lại. Chẳng hạn, nếu bạn nói rằng một người Mỹ sùng đạo không bao giờ nên rèn luyện thể chất, lúc đó, mọi người mới thấy bạn tức cười. Nói cách khác, hiện nay, việc rèn luyện thể chất hoàn toàn thích hợp với cuộc sống hiện đại của những con người thực. Tất cả mọi người đều hoàn toàn có thể tiếp cận nó và cả nhân loại được lợi từ nó. Tôi khao khát làm được điều tương tự với thiền. Tôi muốn tạo ra một thế giới mà thiền được công nhận rộng rãi là một cách rèn luyện tâm trí, sở hữu trọn vẹn bốn đặc điểm của việc rèn luyện thể chất như đã nói ở trên:

1. Ai cũng biết rằng “Thiền là tốt”.
2. Bất kỳ ai muốn thiền cũng có thể học.
3. Các công ty hiểu rằng thiền sẽ có lợi cho công ty và một vài công ty thậm chí còn khuyến khích nó.
4. Thiền được coi là tất nhiên. Mọi người đều nghĩ rằng: “Tất nhiên làanh nên thiền rồi”.

Một lần nữa, chúng ta trở lại với câu hỏi: làm thế nào đây? Làm thế nào tôi tạo ra một thế giới mà thiền được coi là tất nhiên giống như việc rèn luyện thể chất? Sau vài tháng nghiên cứu vấn đề này, tôi đã tìm ra câu trả lời, một cách tình cờ.

Câu trả lời xuất hiện khi tôi đọc cuốn Emotional Intelligence (Trí tuệ cảm xúc) của Daniel Goleman. Bạn tôi, Larry Brilliant, khi đó là giám đốc điều hành bộ phận từ thiện của Google, đã là bạn thân của Daniel Goleman từ rất lâu rồi. Lúc đó, Dan đang ở Google để diễn thuyết. Larry đã chớp lấy cơ hội để gặp ông và mời tôi đi cùng. Từ sự nhã nhặn của Dan, tôi đã quyết định đọc cuốn Trí tuệ cảm xúc trước khi gặp ông. Khi đọc cuốn sách đó, tôi lại ngộ ra một điều khác. Tôi đã tìm ra phương tiện để đưa thiền vào cuộc sống thực, và phương tiện đó là trí thông minh cảm xúc (EI, đôi khi được gọi là EQ).

Bạn thấy đấy, mọi người vốn đã có một ý niệm mơ hồ về trí thông minh cảm xúc. Quan trọng hơn, mọi người biết rằng trí thông minh cảm xúc rất hữu dụng đối với chúng ta. Ngay cả khi không hoàn toàn hiểu EI, nhiều người vẫn biết hoặc vẫn cho rằng EI sẽ giúp họ đạt được các mục tiêu thông thường trong cuộc đời, ví dụ như hiệu quả hơn trong công việc, được thăng chức, kiếm nhiều tiền hơn, làm việc hiệu quả hơn với những người khác, được khâm phục, có những mối quan hệ trọn vẹn, v.v. Nói cách khác, EI thích hợp một cách hoàn hảo với nhu cầu và khao khát của con người hiện đại.

EI có hai đặc điểm quan trọng. Một là, ngoài việc giúp bạn thành công, phản ứng phụ tuyệt vời nhất của EI là làm tăng hạnh phúc bên trong, tăng sự đồng cảm và lòng từ bi đối với mọi người, đây chính là những điều chúng ta cần cho hòa bình thế giới. Hai là, một cách rất hay (tôi nghĩ là cách duy nhất) để thực sự phát triển EI là thực hiện các bài tập thiền, bắt đầu từ thiền chánh niệm. Hoan hô! Tôi tìm ra rồi!

Cách để tạo ra các điều kiện cho hòa bình thế giới là tạo ra một giáo trình trí thông minh cảm xúc dựa trên thiền, hoàn thiện nó bên trong Google, rồi sau đó cho đi như là một trong những món quà mà Google tặng cho thế giới. Khả năng thích hợp là hoàn hảo. Mọi người vốn đã muốn có EI, các công ty vốn đã muốn có EI và chúng tôi có thể giúp họ đạt được điều đó. Khi đó, họ có thể trở nên hiệu quả hơn trong việc đạt được các mục tiêu của riêng mình, đồng thời tạo ra các điều kiện cho hòa bình thế giới.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết liên quan

  1. CÁC TÔN GIÁO CÙNG CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI
  2. MẸ TERESA VÀ GIẢI NOBEL HÒA BÌNH 1979

Bài viết khác của tác giả

  1. THIỀN TRONG HOẠT ĐỘNG
  2. KẾT BẠN VỚI CẢM XÚC
  3. DỰ ÁN “TÌM KIẾM BÊN TRONG BẠN” TẠI GOOGLE

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ