TARTHANG TULKU RINPOCHE
Trích: Làm Việc Một Nguồn Vui; Việt dịch: Ni sư Thích Nữ Trí Hải; NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2001
Làm Sao Vận Dụng Tài Nguyên Con Người
Tất cả chúng ta có thể rút tỉa được nhiều từ công việc và từ cuộc đời hơn. Nếu chúng ta sở hữu ít tài vật hơn. Điều này không có nghĩa ta nên bố thí hết tài sản và cố sống bần cùng, hoặc nên cảm thấy phạm tội khi hưởng thụ những gì mình có. Nó có nghĩa là, có vẻ đẹp trong lối sống và làm việc với sự phân minh, hữu hiệu, chỉ lấy vừa đủ những gì mình cần. Điều này đem lại quân bình cho nội tâm và ý thức hòa điệu với mọi sự vật quanh ta. Nhưng sự bắt liên lạc ngay với những giá trị, sự phân minh biết rõ nhu cầu thực sự của mình, những sự ấy có thể bị che khuất khi ta có quá nhiều sở hữu.
Mặc dù những sở hữu hiếm khi làm ta thỏa mãn lâu dài, ta vẫn có khuynh hướng rằng muốn thưởng thức cuộc đời là phải sở hữu thật nhiều đồ đạc. Cuộc đời ta cứ bị rối lên vì tài sản, và mặc dù thình thoảng ta cũng có vứt bớt một số đổ vật ta không dùng đến, chẳng bao lâu ta lại bận rộn thay thế những vật khác vào những thứ ta đã vất đi.
Áp Lực Có Thêm
Thái độ đối với tài sản sở hữu luôn luôn được tăng cường. Ta bị những áp lực vi tế từ bạn bè, gia đình, những người cộng sự thúc ta phải theo kịp tiêu chuẩn đời sống vật chất. Vì quanh ta ai cũng dồi dào thịnh vượng, ta có thể được khuyến khích tạo ra một mẫu mực sống xa hoa quá mức. Mặc dù ta cũng lo nạn phá rừng, thiên nhiên bị tàn hại, ta quên rằng phần lớn sự phí phạm tài nguyên và năng lực đang được tiếp diễn để thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta. Ngay cả những người đang tố giác những thói phí phạm trong nền văn hóa chúng ta cũng phải thành thực mà công nhận rằng họ có nhiều sở hữu hơn là họ cần mặc dù những sở hữu có thể làm giàu thêm kinh nghiệm và có ích cho ta khi sống và làm việc trên đời, song khi ta bám lấy chúng, thì chúng thành ra quá quan trọng trong đời mình.
Ta khởi sự nghi rằng càng có thêm nhiều chừng nào ta càng được thỏa mãn chừng ấy. Chúng ta mất đi cái ý thức rằng điều thật sự đem lại thỏa mãn cho ta không phải là những sở hữu, mà là cái cách ta sử dụng chúng. Lòng ham muốn có thêm sở hữu đưa đến một thái độ ích kỷ, bám víu, khiến ta mất cái cảm thức về quân bình với thế giới và cô lập ta khỏi mọi sự đổi thay, tăng tiến.
Khi những ham muốn của ta đều xoay quanh bản thân mình, thì ta cứ bị vướng vào những nhu cầu và thiếu thốn. Và cùng với tâm lý tự phụng này luôn luôn có nỗi bất mãn. Khi không có được những gì ta muốn thì một cảm giác mất mát hiềm hận nổi lên. Khi có được một điều mình muốn, là còn phải che chở, bảo vệ nó. Trường hợp nào cũng đưa ta vào một con đường có giới hạn hẹp bí khiến ta tách biệt khỏi những người khác. Sự thường xuyên có quá nhiều tài nguyên và sử dụng sai có thể làm cho ta không còn phân biệt được giữa nhu cầu thực sự và nhu cầu không cần thiết.
Chúng ta quen xem mọi vật chỉ có giá trị trong một giai đoạn ngắn, chỉ nghĩ đến hưởng thụ và tiện nghi, ta không còn có được một nhãn quan rộng rãi. Ta mất liên lạc với những giá trị căn bản của cuộc đời và cuối cùng ta quên đi nhiều người khác chẳng bao giờ có đủ xài. Nếu chúng ta gần gũi để thấy được những nhu cầu kẻ khác, thì không người nào trong chúng ta sẽ làm ngơ mà không giúp đỡ. Nhưng khi chúng ta đã bị mờ ám, bị vây bủa bởi tiện nghi vật chất, thì thực khó mà thấy được, lại càng khó mà đáp ứng những nhu cầu và khó khăn của người.
Khi nhận ra những thói quen phí phạm mà ta làm đối với cuộc sống của mình, đối với công việc và tương giao, thì ta có thể biết rõ nhu cầu đích thực của mình là gì. Ta không còn sẵn sàng đáp ứng những ước muốn nông cạn của mình và có thể tập trung năng lượng vào những việc thực sự có ý nghĩa, những việc làm cho đời ta đáng sống.
* Bài tập: xem xét lại những sở hữu của ta.
Muốn liên lạc với những chân giá trị của mình, thỉnh thoảng ta nên nhìn kỹ cái cách ta sử dụng tài sản. Để vài phút để xem xét mọi thứ mà bạn sở hữu. Bao nhiều bạn thực sự cần đến ? Bao nhiêu bạn phung phí ? Nếu bạn có nhiều hơn khả năng bạn dùng, bạn có san sẻ những gì bạn có với người khác không ? Khi bạn dự tính tậu một vật gì mới, hãy nhớ những câu hỏi trên. Nó sẽ giúp bạn có lối nhìn có trách nhiệm đối với những gì bạn định mua sắm và cách bạn sẽ sử dụng nó.