BẠN LÀ VŨ TRỤ nên ĐÂU CŨNG LÀ NHÀ
Tóm tắt sách Bạn Là Vũ Trụ

Bạn Là Vũ Trụ (You Are the Universe), được viết bởi hai nhà khoa học Deepak Chopra, người tiên phong nổi tiếng trong lĩnh vực y học tích hợp và chuyển đổi cá nhân, và Menas C. Kafatos – Tiến sĩ, Giáo sư Vật lý tính toán tại Đại học Chapman và là tác giả của hơn 320 bài báo tham khảo và 15 quyển sách. Tác phẩm là một cuộc khám phá thú vị về ý thức và vai trò của con người trong vũ trụ. Bằng cách kết hợp giữa khoa học, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý lượng tử và vũ trụ học, cùng với những minh triết của truyền thống tâm linh phương Đông, hai tác giả dẫn dắt người đọc qua chín trong số những câu hỏi lớn và hóc búa nhất mà khoa học ngày nay đang đối mặt về nguồn gốc vũ trụ, thời gian, ý thức và bản chất của thực tại, qua những bí ẩn mà khoa học thực nghiệm chưa thể giải thích nhằm mở đường cho những khám phá hoàn toàn mới về vũ trụ nơi các câu trả lời đến từ trải nghiệm của mỗi người.
Dựa vào lời tuyên bố cổ xưa của truyền thống Vệ Đà, Aham Brahmasmi (“Ta là Vũ trụ”), các tác giả đưa ra khái niệm vũ trụ nhân tính, nhấn mạnh đến vai trò tham gia của ý thức con người trong việc đồng sáng tạo nên thực tại mà chúng ta sống và vũ trụ mà chúng ta thấy ngày nay, một vũ trụ đang sống, đang tiến hóa và có ý thức đáp ứng theo cách con người suy nghĩ và cảm nhận. “Bạn là nhà sáng tạo nên thực tại này, nhưng bạn lại không biết mình làm điều đó như thế nào – đây là quá trình không cần sự nỗ lực. Khi bạn nhìn, tia sáng trở nên bừng sáng. Khi bạn nghe, rung động trong không khí chuyển đổi thành âm thanh mà bạn có thể nghe. Sự sinh động của thế giới xung quanh bạn với tất cả sự phong phú của nó phụ thuộc vào cách bạn liên hệ với vũ trụ này.” (Lời tựa, bạn và vũ trụ là một, t.19)
Đối với mỗi câu trong chín câu hỏi sâu sắc được trình bày ở phần một của quyển sách, các tác giả trình bày những câu trả lời tốt nhất mà khoa học hiện đại đưa ra, phê bình những hạn chế của chúng và đề xuất quan điểm dựa trên ý thức như một lời giải thích toàn diện hơn. Cách tiếp cận này kết nối khoa học thực nghiệm với khoa học tâm linh, giúp cuốn sách dễ tiếp cận với độc giả có nhiều trình độ hiểu biết khoa học khác nhau.
Phần hai của sách chuyển từ lý thuyết khoa học và triết học ở phần một sang hướng dẫn thực tiễn, nhấn mạnh cách con người có thể nhận ra vai trò sáng tạo của mình trong thực tại và sống một cuộc đời ý nghĩa hơn, thể hiện qua ba khía cạnh chính sau:
- Thực tại không phải là một thứ khách quan, cố định “ở ngoài kia”, mà được tạo ra bởi ý thức cá nhân thông qua các trải nghiệm chủ quan (qualia). Mỗi cá nhân là một “nhà sáng tạo” thực tại, và bằng cách thay đổi suy nghĩ, cảm xúc và nhận thức, mỗi người có thể tạo ra một cuộc sống tích cực và ý nghĩa. Điều cốt lõi là làm thế nào để con người nhận ra sức mạnh này và sử dụng nó một cách có ý thức để sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
- Các tác giả khám phá câu hỏi “Bạn thực sự đến từ đâu?”, lập luận rằng con người không chỉ là sản phẩm của vật chất sinh học mà bắt nguồn từ ý thức vũ trụ – một trường ý thức thuần tịnh chứa đựng mọi tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng là con người thường quên mối liên hệ sâu sắc với vũ trụ, dẫn đến cảm giác cô lập và mất kết nối.
- Một khi con người chấp nhận mình là một phần không tách rời khỏi vũ trụ thì nơi đâu cũng là nhà. Đây là lời kêu gọi sống với sự hòa hợp, ý thức và có mục đích, dựa trên sự hiểu biết rằng mọi thứ trong vũ trụ đều liên kết với nhau thông qua ý thức.
Điểm nổi bật của tác phẩm nằm ở chỗ các tác giả đã lật ngược quan điểm truyển thống cho rằng ý thức là sản phẩm của vật chất – thay vào đó, nó khẳng định ý thức là nền tảng cơ bản của thực tại, và mọi hiện tượng vật chất đều là sản phẩm của ý thức thông qua trải nghiệm chủ quan (qualia) của con người. Điều này được trình bày qua một số trích đoạn sau:
- “Không có bạn thì toàn thế giới – và cả vũ trụ bao la đang giãn nở theo mọi hướng – không thể tồn tại. Ngài John Eccles, một nhà thần kinh học đạt giải Nobel, đã từng tuyên bố: “Tôi muốn các bạn nhận ra rằng trong tự nhiên không tồn tại màu sắc, âm thanh – không có gì thuộc loại này; không họa tiết, không hoa văn, không vẻ đẹp, không mùi hương”. Điều mà Eccles muốn đề cập là tất cả những phẩm tính của tự nhiên, …, đều do con người tạo ra.” (Lời tựa: Bạn và vũ trụ là một, t.19)
- “’Let It Be,’ với những phẩm tính ngọt ngào, cảm nhận mang tính tâm linh, niềm vui và tất cả những thứ còn lại, không phải là sản phẩm của não bộ. Nó được xây nên từ tiềm năng vô hạn của tâm thức được xử lý bởi hệ thống thần kinh của chúng ta.” (Não bộ có tạo ra tâm thức không, t.248)
- “Khoa học Qualia bắt đầu bằng việc khẳng định rằng ý thức không phải là một đặc điểm phát triển từ vật chất cơ bản cho đến khi nó hiển lộ hoàn toàn ở con người… Là sinh vật có ý thức, con người không thể trải nghiệm, đo lường hoặc hình dung một thực tại vắng bóng ý thức.” (Phụ lục 1: Trở nên thoải mái với qualia, t.305)
- “Mỗi thực thể sống tạo ra thực tại nhận thức của riêng mình bằng cách tương tác với nền tảng cơ bản của sự tồn tại, ý thức thuần tịnh. Ý thức thuần tịnh là nơi chứa đựng mọi khả năng. Mỗi khả năng biểu lộ, ngay khi nó xuất hiện, như là qualia. Tuy nhiên, trường ý thức thuần tịnh tồn tại trước qualia; nó không thể được diễn tả và không thể tưởng tượng được đối với một bộ não chỉ biết đến thực tại thông qua qualia. Nguồn sáng tạo vượt ra ngoài không gian, thời gian, vật chất và năng lượng.” (Phụ lục 1: Trở nên thoải mái với qualia, t.309)
- “Ý thức vũ trụ tạo ra vũ trụ như là một hệ thống sống và tự tổ chức. Tại mọi thời điểm kể từ vụ nổ lớn, thiên nhiên luôn lặp lại những hành vi giống nhau ở mọi cấp độ.” (Phụ lục 2: Ý thức vũ trụ hành xử như thế nào, t.318)
- “Tính bổ sung: Mỗi tế bào bảo toàn sự sống riêng của nó trong khi duy trì sự cân bằng với toàn bộ cơ thể. Ngay cả những tế bào tưởng chừng như đối lập nhau như tế bào xương và tế bào máu cũng cần thiết cho nhau. Chúng cần thiết cho cái toàn thể.” (Cách mọi tế bào phản hồi vũ trụ, t.320). Ở đây, ý thức được ngụ ý là lực kết nối và tổ chức các thành phần vật chất (như tế bào) để tạo thành một toàn thể có ý nghĩa.
Khoa học và tâm linh đều có cùng chung một mục đích là khám phá ra đâu là bản chất của thực tại.
Khoa học chính thống lấy vật chất làm đối tượng nghiên cứu, sử dụng các phép đo, dữ liệu và phát triển các công cụ thử nghiệm để chứng minh cho những giả định của mình. Tuy nhiên, cách tiếp cận này của khoa học đang vấp phải những giới hạn chưa thể vượt qua vì hai lý do sau đây:
- Theo số liệu thống kê đáng tin cậy mà NASA cung cấp thì khoa học hiện đại mới chỉ biết đến 4,6% vật chất thông thường, còn lại hơn 90% là vật chất tối và năng lượng tối. Vũ trụ thực sự là một hộp đen đúng nghĩa.
- Các nhà khoa học nhận thấy vẫn còn đó rất nhiều bí ẩn mà các phép đo, dữ liệu và thực nghiệm không thể giải thích.
Trong khi đó, khoa học tâm linh lại sử dụng chính nguồn tài nguyên là thân thể và ý thức mà làm người ai cũng có để làm phương tiện thâm nhập sâu, khám phá bản chất và quay về kết nối với cội nguồn thật sự của con người chúng ta. Thông qua hai khả năng của ý thức khiến con người hơn hẳn thú vật là sự tập trung và trí quan sát tưởng tượng, con người hoàn toàn có khả năng tiếp xúc và thấy biết trực tiếp thực tại.
“Thực hành tâm linh không phải là duy nhất hay khác biệt với những trải nghiệm hằng ngày. Thực hành tâm linh là điều chỉnh sự tự nhận thức. Khi việc điều chỉnh đủ tốt, qualia không còn che giấu nguồn gốc của chúng nữa. Điều này giống như nhìn thấy tấm gương thay vì hình ảnh phản chiếu. Ý thức nhìn thấy chính nó và nhận ra sự tồn tại thuần khiết, tuyệt đối của nó – một trạng thái vốn sẵn có.” (Phụ lục 1: Trở nên thoải mái với qualia, t.311)
“Vũ trụ không ở ngoài bạn. Nó ở trong bạn. Bạn là vũ trụ, đang kinh nghiệm chính mình như một con người.” Liệu những điều này có đủ sức hấp dẫn bạn không? Nếu có thì còn chần chờ gì mà không bước vào hành trình khám phá để trải nghiệm bạn chính là vũ trụ, tự do vượt khỏi những khuôn mẫu nhận thức cũ kỹ bao lâu nay và tận hưởng cuộc sống bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.