MATSUSHITA KONOSUKE
MẠN ĐÀM NHÂN SINH – MATSUSHITA KONOSUKE
Tiểu sử Matsushita Konosuke
Matsushita Konosuke (松下 幸之助 (Tùng Hạ Hạnh Chi Trợ) (27 tháng 11 năm 1894 – 27 tháng 4 năm 1989), là doanh nhân người Nhật, sáng lập ra tập đoàn Matsushita. Ngoài ra ông còn sáng lập ra trường tư thục kinh tế chính trị Matsushita, viện nghiên cứu PHP. Được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật, người anh hùng dân tộc của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ở trong nước, Masushita Konosuke trở thành nhân vật tượng trưng cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Nhật Bản. Chính phủ Nhật đã trao tặng cho Masushita huân chương Mặt trời. Năm Masushita 90 tuổi, công ty của ông được xếp hạng 19 trong số 100 hãng lớn nhất thế giới và Thiên hoàng Nhật Bản đã tặng Huân chương cao quý nhất của đất nước cho Masushita – Huân chương Húc Nhật Đại Thụy. Ông là một trong những doanh nhân tài ba và đáng ngưỡng mộ nhất thế giới.
—
Tôi thường nghe người ta bảo: “Người kia có đạo đức” hay “Người này không chấp nhận được, vì không có chút đạo đức nào. Họ làm tôi điên cả đầu!”. Thế nhưng, hỏi rằng đạo đức là gì, thì câu trả lời không phải là dễ.
Sự can đảm của Thiên hoàng
Khi nói đến đạo đức, trước hết trong đầu tôi nghĩ đến cuộc gặp gỡ diễn ra sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc giữa Thiên hoàng Showa và tướng MacArthur. Nghe nói, ngay từ lúc đầu các nước bại trận khác, Thiên hoàng của Nhật Bản thế nào cũng sẽ xấu hổ khi phải nói để làm sao phía Mỹ nương tay hòng giữ thể diện cho mình. Thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ Thiên hoàng không hề tỏ ra sợ hãi tướng MacArthur hay né tránh trách nhiệm, mà nói dõng dạc rằng: “Tất cả trách nhiệm về cuộc chiến này thuộc về tôi. Bởi vậy, một mình tôi có thế nào cũng không hề gì. Chỉ có điều, tôi rất mong nhận được sự viện trợ của Liên hợp quốc để làm sao người dân không phải khổ vì sinh nhai”. Nghe thấy vậy, tướng MacArthur vô cùng cảm động và viết trong cuốn hồi ký của mình rằng: “Sự dũng cảm đó đã làm lay động tâm can tôi”. Sau này chuyện được rất nhiều người biết đến. Khi Thiên hoàng đến gặp, tướng MacArthur không ra đón, nhưng chính vì câu nói đó mà khi Thiên hoàng ra về, ông đã tiễn đến tận cửa. Người đứng đầu một nước bại chiến mà đã làm cho một vị chỉ huy đã vượt qua lửa đạn giành chiến thắng cảm động. Nước Nhật được cứu giúp một phần có lẽ cũng là nhờ như vậy.
Tôi nghĩ, đó chính là cách ứng xử dựa trên nhân đức của Thiên hoàng. Không chỉ tướng MacArthur mà tất cả những người đã từng được gặp Thiên hoàng đều bị cuốn hú bởi nhân cách của ông. Thế mới thấy hết được sức mạnh lớn lao của lòng nhân đức.
Ông Saigo và chính phủ Meiji
Người ta kể rằng, Saigo Takamori cũng là một người nhân đức mà ai được tiếp diện ông cũng dễ cảm mến. Khi chính phủ Meiji bắt đầu đi vào hoạt động, những người có khả năng thực sự của các lãnh địa như Satsuma, Choshyu trở thành thành viên của cơ quan lãnh đạo tối cao. Thế nên, đôi khi có sự mâu thuẫn ý kiến hay công việc không được tiến hành trôi chảy. Thấy vậy, Saigo mới đưa ra đề án: “Làm chính trị mà quá nhiều người đứng đầu thì không giải quyết được điều gì cả! Hay là lần này ông Kido (Mộc Hộ) đứng đầu, đại diện của các lãnh địa khác cứ thế mà theo?” Con người đầy triển vọng, có thể trở thành đại tướng cũng không có gì là lạ, vậy mà lại nói như vậy, nên tất cả đều tán thành. Thế nhưng, nhân vật chính là Kido lại găng lên rằng: “Nếu tôi với ông Saigo, hai người cùng làm thì được, chứ một mình thì nhất định tôi không làm đâu!”. Bởi vậy, tất cả mọi người đều chuyển sang thuyết phục ông Saigo. Cuối cùng hai người cùng trở thành tham nghị và chung sức giải quyết những vấn đề nan giải như phế bỏ lãnh địa, lập nên các tỉnh v.v… Có người cho rằng, chính phủ Meiji hoạt động được là nhờ có vai trò trung tâm của Saigo. Có thể nói, ông là người không vị kỷ và hết lòng nhân đức.
Con người ta ai cũng coi trọng bản thân mình. Tôi nghĩ, đó là tình cảm tự nhiên. Thế nhưng, nếu để mình vướng bận bởi lợi ích hay cảm tính của cá nhân thì có khi sẽ dẫn đến quyết định sai lầm, không thể sinh ra sức mạnh siêu việt. Sức mạnh chỉ được sinh ra khi con người vứt bỏ cái tôi cá nhân để nghĩ xem điều gì là đứng, điều gì là sai và làm những việc cần phải làm. Đó cũng là một biểu hiện của lòng nhân đức đấy!
Kéo những con đường xa xôi với hiện thực
Trái tim con người thật khó đoán định. Khi bị nhờ một việc gì đó mà mình không thích, nhưng nếu người đi nhờ nói kính cẩn thì có khi lại vui vẻ làm. Ngược lại, nếu bị một người vốn đã không thích nhờ và việc gì thì sẽ không hứng thú làm. Đó chính là tâm lý của con người.
Bởi vậy, trên thực tế việc khiến cho người khác làm một điều gì đó không dễ dàng chút nào. Chẳng hạn như ở công ty, nếu nói là lệnh của giám đốc hay trưởng bộ phận thì tất cả mọi người sẽ làm theo. Nhưng nếu họ làm trong khi không thoải mái thì công việc không thể tiến triển tốt đẹp và đến một khi nào đó công ty sẽ đổ vỡ. Tôi nghĩ, nếu chỉ nhờ vào sức mạnh của quyền uy, của đồng tiền, của cơ bắp hay của trí tuệ không thôi sẽ không thể khiến người khác làm một điều gì. Đức Phật Thích Ca là người có lòng nhân đức cao cả, đã từng làm cho những sinh vật to lớn đến như những con voi phải quỳ gối hàng phục. Dù chúng ta không đạt được đến như vậy, nhưng chỉ khi có lòng nhân đức, làm cho người khác cảm mến thì mới có thể phát huy hết những khả năng mà mình có và mọi người cũng sẽ vui vẻ hỗ trợ.
Có lúc tôi thử ngẫm nghĩ theo cách của riêng mình về lòng nhân đức, thứ mang sức mạnh vượt qua cả năng lực của con người, thì thấy đó là phẩm chất có một trường nghĩa lớn. Đấy là việc luôn nghĩ đến người khác, khiêm tốn và lễ phép, luôn công bình và chính nghĩa, có hiểu biết sâu rộng, làm bất cứ việc gì cũng không bị vướng bận bởi tình riêng, mà biết phán đoán chính xác việc gì là đúng. Bởi vậy, tôi nghĩ việc tu nhân tích đức là việc vô cùng khó. Chúng ta chỉ còn cách ý thức về điều đó và rèn luyện làm sao để trở thành người nhân đức thực sự. Đó là con đường xa ngái và dài vô tận.