BỆNH DO TAM ĐỘC

GERTI SAMEL

Trích: Y học Tây Tạng; Minh Vi dịch Việt; NXB. Tổng hợp Tp.HCM

 

Y học Tây Tạng là một khoa học thần diệu, phức tạp, ngày càng lôi cuốn sự chú ý của nhiều người khắp nơi trên thế giới, vì nó có thể chữa trị nhiều chứng nan y như bệnh ung thư, bệnh tim và các bệnh mãn tính mà các hệ y học khác bó tay.

Y học Tây Tạng chính xác và toàn diện: các căn bệnh được phân loại rõ rệt và chữa trị bằng cách phối hợp các liệu pháp để giúp cơ thể tái lập sự quân bình. Đặc biệt, y học Tây Tạng hiếm khi gây ra những tác dụng phụ có hại đáng kể đối với cơ thể như trong trường hợp của y học phương Tây.

Cuốn sách này là một công trình khảo cứu công phu của bà Gerti Samel tại Ladakh và Dharamsala – là nơi tác giả chính thức tiếp kiến Đạt lai Lạt ma và một số danh y Tây Tạng.

Gerti Samel giải thích về lịch sử của y học Tây Tạng, các hệ thống phân loại, các liệu pháp, rồi bà đưa ra những phương cách phòng bệnh và chữa trị nhiều chứng bệnh thông thường để người đọc có thể dựa vào đó mà tự chữa bệnh cho mình.

Với tất cả ưu điểm của y học Tây Tạng, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận tầm quan trọng của y học phương Tây, nhưng chúng ta nên hiểu rõ chỗ thực dụng của mỗi hệ thống y học và có thể sử dụng chúng để bổ sung cho nhau.

—– ??? —–

Những y bác sỹ Tây Tạng tin rằng bất cứ sự mất quân bình nào đều do tam độc mà ra. Đức Phật nói rằng những chất độc này là nguồn gốc của tất cả khổ đau. Chúng được gắn liền với ba nguyên tố như sau:

Tam độc:

Tham (ước muốn hay ràng buộc) – Rlung

Sân (thù hận hay ganh ghét) – Mkhrispa

Si (mê muội hay đè nén) – Badkan

Tham – Căn bệnh ham muốn

Những bệnh rlung bắt nguồn từ lòng tham lam, ham muốn. Nói chung, đây là những mong mỏi, khao khát, khiến cho chúng ta không ngừng muốn được thứ này, thứ khác, hay nhiều hơn những gì chúng ta đang có. Nhưng ngay khi chúng ta có được điều chúng ta muốn, một ước muốn khác lại xuất hiện. Chúng ta ham muốn quyền lực và của cải vì nghĩ rằng đạt được những thứ này sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc. Người ta cho rằng của cải sẽ giảm bớt lòng ham muốn, nhưng sự thật thì ngược lại. Họ càng ham muốn một thứ gì, chẳng hạn như ham muốn của cải, thì càng bị nô lệ cho nó.

Sân – Căn bệnh công kích

Những chứng bệnh mkhrispa bắt nguồn từ lòng thù hận, nghĩa là thù ghét tất cả những gì chúng ta không có được. Khi một người ước muốn mà không được thỏa mãn, họ liền thù ghét những ai có nhiều hơn họ. Những lúc đó, lòng ganh tỵ của họ còn có thêm tính tham lam và công kích. Những cảm giác giày vò này khiến cho họ bất an và làm hao mòn sức lực ngay cả của những nhân vật mạnh mẽ nhất.

Si – Bệnh khổ từ vô minh

Những bệnh badkan bắt nguồn từ sự ngu muội hay vô minh. Đây không hẳn chỉ là sự ngu đần mà là sự khước từ bản chất của sự việc. Chúng ta từ chối thực tế để theo đuổi những ảo tưởng và tham vọng của mình. Sự vô minh bao gồm ảo tưởng rằng nhân loại là trung tâm của thế giới. Lối suy nghĩ này dẫn đến những hành động ích kỷ và tư lợi. Do đó badkan cũng có nghĩa là hôn mê, trì trệ. Những người ích kỷ ngày càng trở nên cứng ngắc, thiếu uyển chuyển nếu họ không cố gắng hòa hợp với cuộc sống chung quanh mình.

Sự suy nghĩ sai lầm gây ra bệnh

Quan niệm tam độc minh chứng rằng sự suy nghĩ sai lầm về đời sống – người Tây Tạng gọi đó là “tà kiến” – được coi như là nguyên nhân của mọi căn bệnh. Người Tây Tạng cho rằng quan điểm tâm linh của chúng ta đối với cuộc sống là nhân tố quyết định cho sức khỏe và bệnh tật. Vài năm gần đây, tư tưởng Phật giáo cổ truyền này đã được sự quan tâm đặc biệt của chương trình khảo cứu “thân – tâm” của Tây phương. Khoa học hiện đại về tâm lý và thần kinh học – khảo cứu sự liên quan giữa thân thể và tâm trí – càng chứng minh rõ ràng rằng năng lực tự chữa bệnh của chúng ta không chỉ tùy thuộc vào thái độ của chúng ta đối với cuộc sống mà còn tùy thuộc vào lối suy nghĩ của chúng ta.

Liệu pháp đầu tiên: Dharma

Dharma được định nghĩa là “học thuyết về một chân lý chung của vũ trụ như Đức Phật có nói… là những quy luật đạo đức và tôn giáo chi phối mỗi hành động”. Một bệnh nhân Phật tử lẽ dĩ nhiên sẽ cố vượt qua thói quen suy nghĩ sai lầm của mình bằng cách tu học Phật pháp. Dharma là liệu pháp đầu tiên đối với sự suy nghĩ sai lầm, nguyên nhân đầu tiên của bệnh tật.

Những nguyên nhân khác của bệnh tật là:

Chế độ ăn uống sai lạc.
Thời tiết xấu
Nghiệp quả xấu.
Ảnh hưởng bất lợi của các sao.
Ma quỷ quấy phá.

Bệnh do cách ăn uống

Sau cách suy nghĩ sai lạc thì ăn uống không đúng cách là nguyên nhân quan trọng hàng nhì của bệnh tật, và việc thay đổi cách ăn uống cũng là phương thức chữa trị quan trọng. Chỉ khi nào liệu pháp này không có hiệu quả thì vị y bác sỹ mới kê toa thuốc hay dùng liệu pháp khác.

Theo người Tây Tạng thì “nếu bạn ăn uống đúng cách thì sẽ không cần đến thuốc men; nhưng nếu bạn không bồi dưỡng cơ thể đúng đắn thì thuốc men sẽ không mang đến sức khỏe cho bạn”.

Đây là lý do các y bác sỹ Tây Tạng lúc nào cũng khuyên bảo bệnh nhân về cách ăn uống, ngoài những liệu pháp khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ thêm về tầm quan trọng của thuốc men và dinh dưỡng trong chương ba.

Bệnh do thời tiết

Mỗi người có thể chất thích hợp với những điều kiện thời tiết nào đó và các nguyên tố có thể bị mất thăng bằng khi phải đối phó với khí hậu quá nóng hay quá lạnh. Chúng chịu sự ảnh hưởng của bốn mùa, cho nên có nguyên tố trở nên mạnh mẽ hơn vào mùa xuân, có cái phù hợp vào mùa hè, có cái thích hợp với mùa thu, và có cái thích hợp với mùa đông, và vị y bác sỹ cũng phải lưu ý đến phương diện này.

Bệnh do nghiệp quả

Nhiều lúc bệnh phát sinh mà không có nguyên nhân rõ ràng. Y học Tây Tạng tin rằng những căn bệnh này là kết quả của những việc làm sai quấy ở tiền kiếp. Đây gọi là bệnh nghiệp, bao gồm những đau yếu nhẹ cho đến các bệnh ung thư, phong cùi và động kinh. Nếu vị y bác sĩ chẩn đoán một trường hợp như vậy, ông sẽ “giới thiệu” bệnh nhân đến một vị thầy tâm linh, một lạt ma. Có vài bệnh chữa lành rất mau qua những phương thức tôn giáo như nghi lễ hoặc những huấn luyện mà vị lạt ma chỉ dạy. Liệu pháp này đặc biệt ích lợi cho những người nặng tâm tham, sân, si. Giáo huấn về tâm linh có thể giúp họ tránh làm những việc sai quấy, đưa đến bệnh tật trong những kiếp sau.

Ảnh hưởng bất lợi của những vì sao

Cho dù vị y bác sỹ không thể gặp mặt một bệnh nhân nhưng ông có thể hiểu được phần nào tình trạng sức khỏe của người bệnh sau khi nghiên cứu tử vi của người đó. Khoa bói toán có một vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, chữa bệnh và trong việc pha chế thuốc của Tây Tạng.

Bệnh do tà ma

Theo y học Tây Tạng, tà ma được xem là một yếu tố tạo nên bệnh. Bệnh do tà ma gồm những chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, cũng như bệnh phong và ung bướu. Nagas, hay ma nước, nguyên nhân của bệnh điên, làm nghẽn “nguyên tố vi tế của cơ thể”, là phương tiện mà tin tức được truyền đạt giữa các bình diện thể xác, tâm trí và cảm xúc. Loại ma này cũng là nguyên nhân của bệnh phù thũng và bệnh lao. Những bệnh như vậy phải nhờ đến một vị Lạt ma. Ông ta sẽ chỉ định những bài tập tâm linh để gột rửa linh hồn đó. Mục đích chính của sự huấn luyện này là để tu dưỡng một thái độ vị tha và bất bạo động, để bệnh nhân có thể tự giúp họ và cộng đồng chung quanh.

Bình luận


Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG