BÍ MẬT VỀ CON NGƯỜI

GINA CERMINARA

Trích: Những Bí Ẩn Của Cuộc Đời; Gina Cerminara, Nguyễn Hữu Kiệt biên dịch; Nhà xuất bản Tôn Giáo

 

Người ta thường cho rằng đời người chỉ là cái kiếp sống của thể xác, kể từ khi bắt đầu sinh ra cho đến khi chết là hết. Nhưng nếu người ta có thể chứng minh một cách khoa học rằng con người không phải chỉ là cái thể xác vật chất, mà cũng là một linh hồn; linh hồn ấy đã từng sống trước khi y sinh ra và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi y chết, thì sự khám phá đó sẽ làm đảo lộn tất cả khoa tâm lý học hiện nay. Điều đó chẳng khác nào như một cái ống thăm dò mà người ta cắm xuống tận những lớp sâu trong lòng trái đất để tìm mỏ dầu. Khoa tâm lý học hiện đại ví như một cái lỗ sâu có 5 phân để trồng một củ hành, so với một cái giếng dầu lửa bề sâu 3.000 thước.

Trong thời gian gần đây, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu tỉ mỉ về cá tính của con người, và nhờ sự nghiên cứu công phu đó, người ta đã có nhiều sự áp dụng thực tế vào các vấn đề lao động, hướng nghiệp, công tác xã hội, v.v… Tuy thế những sự phát minh đó cũng chỉ biết một cách rất nông cạn về con người.

Nếu người ta áp dụng thuyết Luân Hồi, thì đó là một ngọn đèn pha sáng rực soi vào những hang ngách tối tăm, sâu thẳm của vấn đề bí ẩn này. Nhờ đó, người ta có thể nhận thấy rõ bằng cách nào được cấu tạo nên những tánh tình, cử chỉ, thái độ, đức tánh, vận mạng cùng thân thế hiện nay của một người.

Chúng ta có thể dùng một thí dụ khác: đời người có thể ví như một khối nước đá ngâm dưới nước; 9 phần chìm xuống nước chỉ có 1 phần nổi lên trên. Thuyết Luân Hồi tiết lộ cho ta thấy 9 phần khối nước đá chìm dưới mặt nước, còn khoa tâm lý học hiện nay chỉ nghiên cứu một cách vất vả mệt nhọc về một phần nhỏ bé nổi lên trên, mà ta có thể nhìn thấy.

chúng-ta-đã-từng-sống-trước-khi-sinh-ra-và-sẽ-tiếp-tục-tồn-tại-sau-khi-chết

Trong một cuộc soi kiếp, ông Cayce có nói về một người lính Gô-loa (Gaulois) bị tướng La Mã Annibal bắt làm tù binh và bắt làm nô lệ chèo thuyền ở giữa biển. Người tù binh này bị các tên lính da đen ngược đãi và sau cùng, y bị một tên da đen đánh chết. Việc này xảy ra đã từ ba kiếp về trước, nhưng lòng căm thù uấtnhận về hành động tàn ác này đã ăn sâu vào tiềm thức của y trải qua 22 thế kỷ. Trong kiếp này, y làm nghề nông nghiệp và trồng tỉa ở tiểu bang Alabama bên hoa kỳ.

Suốt cả đời, y luôn luôn có một lòng thù ghét sâu đậm đối với dân da đen; thậm chí, y lập nên một hội bảo vệ chủ quyền của người da trắng. Đó là một thí dụ điển hình về việc người ta vẫn giữ nguyên vẹn cá tính của mình từ kiếp này sang kiếp khác. Người ta có thể tìm thấy rất nhiều trường hợp như thế trong tập hồ sơ Cayce.

Một nhà viết báo nọ biểu lộ trong nhiều năm một tinh thần chống Do Thái rất mãnh liệt. Cuộc soi kiếp cho biết rằng thái độ ấy được truy nguyên ra từ một kiếp trước ở xứ Palestine, trong kiếp đó, y thuộc về giáo phái Samaritains, phái này thường có những cuộc xung đột dữ dội với người Do Thái ở nước láng giềng.

Một người đàn bà 38 tuổi, độc thân, đã có nhiều mối tình duyên trong đời, nhưng không chịu kết hôn với một người nào vì bà ta có một lòng nghi kỵ rất thâm sâu đối với đàn ông. Sự dè dặt và nghi kỵ này do bởi ở một kiếp trước bà ta đã từng đau khổ vì bị chồng bỏ để đi tùng chinh trong trận Thánh Chiến.

Một người phụ nữ nọ có một tinh thần tôn giáo rất rộng rãi khoan dung, được biết rằng y có đức tính này là nhờ bởi kiếp trước, y có tham dự một cuộc Thánh Chiến, và đã từng sống chung với người Hồi giáo. Trong khi tiếp xúc với những người thuộc một tôn giáo khác hẳn, lần đầu tiên y đã nhận thức được rằng những người “ngoại đạo” cũng biểu lộ những đức tính tốt như can đảm, nhân từ, khoan hậu và lòng sùng tín thiêng liêng. Điều này đem đến cho y một ấn tượng mạnh mẽ sâu xa đến nỗi nó đã làm cho y có một ý thức rõ rệt và bền bỉ về đức tính khoan dung đối với người thuộc tôn giáo khác thân mình.

Trái lại, một nhà chuyên môn quảng cáo nọ có khóc hoài nghi và không có tín ngưỡng tôn giáo, kiếp trước cũng là một chiến sĩ trong trận Thánh Chiến. Nhưng y cảm thấy có sự khác biệt giữa sự thuyết giáo và hành Đạo trong số những người mà em đã gặp, đến nỗi trong kiếp này y vẫn còn giữ một sự nghi ngờ rất lớn đối với những sự biểu lộ tôn giáo về hình thức bên ngoài.

Những thí dụ kể trên gồm ba thái độ khác nhau: Thái độ về vấn đề chủng tộc, đối với người khác phái, và đối với vấn đề tôn giáo, mà nguyên nhân là do ở một kiếp trước. Lẽ tự nhiên trong mọi trường hợp, đương sự phải gặp những hoàn cảnh địa phương thuận tiện để gây cho y sự phản ứng về các vấn đề đó. Người căm thù dân da đen sinh ra ở miền Nam Hoa Kỳ năm 1853 là thời kỳ mà những phong tục và truyền thống ở xứ này là những hoàn cảnh thuận tiện để gây y cái ý niệm kỳ thị chủng tộc da đen.

Vấn đề ảnh hưởng của hoàn cảnh địa phương cũng được nêu ra trong những trường hợp khác như đã kể trên, hoặc trong nhiều trường hợp tương tự. Sự kiện rằng có nhiều người cùng ở vào những hoàn cảnh địa phương giống như nhau, nhưng lại có sự phản ứng khác hẳn, dường như chỉ bằng sự phản ứng đó có một nguyên nhân sâu xa hơn là do những hoàn cảnh sinh hoạt ở kiếp này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIỀM NĂNG CỦA CON NGƯỜI
  2. NGUỒN GỐC TIẾN HÓA – LUÂN HỒI VÀ TÁI SANH
  3. PHƯƠNG CHÂM TRONG VIỆC CHỌN NGHỀ

Bài viết khác của tác giả

  1. VÀI NGHIỆP QUẢ GIA ĐÌNH
  2. KHÍA CẠNH CỦA LUẬT NHÂN QUẢ
  3. NHÂN QUẢ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG