KOIKE RYUNOSUKE
Trích: Thói quen xấu ơi, chào mi; Nguyễn Thị Mai dịch; Nhà Xuất Bản Công Thương
Mỗi tối khi đi ngủ, chúng ta phải trằn trọc rằng “tại sao người đó lại chọn cô ta chứ không phải mình?” hay “tại sao chỉ mỗi cô ta được thăng tiến mặc dù chẳng làm được gì to tát?”. Lòng đố kỵ khiến chúng ta không hề cảm thấy vui vẻ thậm chí nó còn làm cho chúng ta đau đớn đến ngẹt thở. Vậy tại sao con người không từ bỏ lòng đố kỵ cho dù nó chẳng có ý nghĩa gì? Thực ra, vì nó khiến trái tim họ cảm thấy hả hê.
Trái tim ghét trạng thái bằng phẳng, yên ổn không một gợn sóng. Sự đố kỵ ghen tức là đau buồn, khổ sở nhưng cảm giác đau buồn, khổ sở ấy là một kích thích rất mạnh mẽ. Trái tim con người muốn có sự kích thích đó, bởi vì họ muốn thổi phồng sự nhàm chán làm cho cuộc đời mình có kịch tính để thực sự cảm nhận được rằng “mình đang sống”. Kết quả là người ta nhầm lẫn rằng “lòng đố kỵ khiến họ thấy hả hê”.
Điều này nếu nói theo “cơ chế của não bộ” thì sẽ dễ hiểu hơn. Chúng ta tạm bỏ qua những giải thích khoa học để xem trái tim xử lý như thế nào. Ta có câu trả lời là dù bất cứ việc gì, trái tim cũng hoạt động với tiêu chuẩn “nhận được kích thích và muốn hưng phấn hơn”.
Hơn nữa trái tim là thứ “ăn tạp” nên không chỉ chọn những kích thích “tốt”. Nó tiếp nhận tất cả các loại kích thích kể cả sự hưng phấn khi thắng lớn trong cuộc cá đua ngựa hay cả những cảm xúc hồi hộp đến mức không ngủ được của bệnh tương tư hay cả sự nghiện ngập ma túy, thậm chí cả lòng đố kỵ. Chỉ cần tác động mạnh đến nó là được. Đôi khi những điều đó trở thành tật xấu khó sửa.
Người ta rất khó nhận ra ảnh hưởng xấu của nó. Có thể nói rằng lòng đố kỵ còn phiền phức hơn cả ma túy. Đến khi nhận ra điều đó thì bản thân cũng đã quá mệt mỏi rồi nên chúng ta hãy sớm đốt cháy lòng đố kỵ đáng sợ ấy trong tim trước khi nó trở thành thứ gần như cố hữu trong con người mình.