BÌNH TĨNH

DEAN CUNNINGHAM

Trích: Sống sáng suốt-Pure Wisdon; Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch; NXB Trẻ

Bình tĩnh nào… Câu nói này khơi mào cho một sự bùng nổ. Chẳng mấy ai thích nghe người khác bảo mình hãy giữ bình tĩnh, nhất là khi họ bị tác động về mặt cảm xúc. Những lời này giống như có ma thuật. Chúng có sức mạnh thổi bùng những ngọn lửa đang âm ỉ thành biển lửa. Tuy nhiên ngay cả khi bạn không thích nghe người khác nói với mình như vậy, việc bạn giữ được bình tĩnh trong những tình huống dễ xúc động cũng đem lại cho bạn nhiều lợi ích lớn. Và, cũng không có gì ngạc nhiên, khi những lợi ích này được nhận thấy rõ nhất khi có xung đột.

Cũng giống như điều bạn thường thấy trong môn karate, nếu đối thủ làm cho bạn bực tức, giận dữ hay nổi điên lên, họ sẽ chiếm ưu thế. Bạn thấy đấy, các đấu sĩ giận dữ là những đấu sĩ bị căng cứng. Phản ứng của họ chậm hơn. Và lý trí của họ bị cảm xúc che mờ. Trái lại, những đấu sĩ tỉnh táo toát ra một uy lực khiến đối phương e ngại. Vẻ bình thản không chút nao núng của họ phô bày sức mạnh và sự tự tin. Chỉ một cái nhìn vào mắt họ cũng đủ làm bạn nghi ngờ khả năng của chính mình.

Nhiều người cho rằng phải tỏ ra sừng sộ thì mới chiến đấu được, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Trong môn karate, bạn luôn sớm biết mình nên loại bỏ tính nóng giận. Bởi vì, cùng với trạng thái thả lỏng, sự bình tĩnh đặt bạn vào tư thể thung dung, từ đó bạn có thể suy tính và ra đòn. Bạn có thể nhìn rõ hơn, ra đòn nhanh hơn và trở thành một đấu thủ đáng gờm hơn. Nhưng bình tĩnh không phải chỉ là chuyện biết cách thắng trận. Bình tĩnh còn đem lại những lợi ích khác trong cuộc sống.

Ví dụ nếu bạn có thể bình tĩnh trong những tình huống bộc phát cảm xúc, bạn sẽ ít có nguy cơ hành động thái quá và gây tổn thương không cần thiết cho các mối quan hệ của mình. Đừng hiểu nhầm: việc bạn xúc động mạnh không có gì sai, vấn đề là các phản ứng của bạn vào lúc đó. Do vậy, ví dụ nếu đang nổi giận, bạn có thể chủ động nhận thức cơn giận của mình, để cho nó qua đi, và khi bình tâm bạn sẽ quyết định xem nên phản ứng như thế nào; như thế tốt hơn là phản ứng lại ngay lúc đó để rồi hành động thái quá.

Nghĩa là phải làm sao? Bạn hãy thừa nhận cảm xúc của mình. Hãy tự nhủ: “Mình đang nổi giận”, và lúc đó hãy chú ý đến các cảm giác của cơ thể xuất hiện kèm theo cơn giận này. Nếu đầu óc bạn không tập trung, hãy đưa nó về với cơ thể mình. Chỉ bằng cách này thôi cũng đủ làm giảm đi cường độ cảm xúc của bạn. Và trong khi bình tĩnh thực hiện điều này, bạn sẽ ít có nguy cơ hành động thái quá. Hơn nữa, bạn cũng không cần phải phủ nhận các cảm giác của mình hay nuốt ngược nó vào lòng và dồn nén lại.

Một cái đầu lạnh cũng hữu dụng trong một cơn khủng hoảng, giống như bạn đang lọt vào mắt bão, hoàn toàn không bị những cơn gió dữ dội xung quanh tác động đến. Ở vị trí này, bạn có thể nhìn thấu đáo vấn đề và có những quyết định tốt hơn. Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nếu không tỉnh táo, bạn sẽ không sử dụng được đầu óc của mình. Vậy nên hãy học cách giữ bình tĩnh trước áp lực. Lúc này đây tôi biết có nhiều người tiếp nhận phương cách này tốt hơn những người khác. Tính cách của một số người giúp họ dễ giữ bình tĩnh hơn những kẻ khác. Nhưng dầu sao thì tất cả chúng ta đều có thể cải thiện bản thân, bất kể tình huống nào.

Hãy hiểu: bạn không nhất thiết phải bị cảm xúc cuốn đi. Cứ đứng yên và để nó bộc lộ. Không cần phán xét. Hãy cứ thừa nhận và để nó trôi qua. Thế rồi trong trạng thái bình tĩnh mới tạo ra đó, hành động của bạn sẽ là hành động thỏa đáng hơn hết. Chứ không chỉ là cơn phản ứng lại.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CAN ĐẢM – SỐNG SÁNG SUỐT (PURE WISDOM)
  2. TIN CẬY
  3. HÃY CHO ĐI

Bài viết mới

  1. BÍ ẨN NHỮNG CÕI GIỚI KHÁC
  2. LỰA CHỌN QUAN TRỌNG NHẤT CUỘC ĐỜI CHÍNH LÀ CHỌN MỘT THÁI ĐỘ SỐNG
  3. TẠ ƠN TRONG Ý THIỀN