Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ
VẠN THIỆN ĐỒNG QUY TẬP – QUYỂN 1
THIỀN SƯ VĨNH MINH DIÊN THỌ (904-975)
(TỔ THỨ 6 CỦA TỊNH ĐỘ TÔNG, TỔ ĐỜI THỨ BA CỦA TÔNG PHÁP NHÃN)
Hỏi:
Giáo pháp ba thừa của chư Phật Như Lai diễn thuyết chỉ là pháp môn một vị giải thoát. Tại sao lại nói rộng về Duyên khởi sanh diệt ở thế gian? Nghĩ suy liền mất, chẳng thuận với Chân Như; động niệm thì trái với Pháp thể.
Đáp:
Nếu nói về một tướng một vị, đó là giáo pháp quyền biến trong ba thừa. Từ nơi Lý mà nói, tất cả nhân duyên đều là lầm lỗi. Nay biên tập sách này chỉ hiển bày tông chỉ viên dung, mỗi mỗi duyên khởi đều là đức chân thật của pháp giới.
Ở nơi ý nghĩa này, chẳng thành lập cũng chẳng phá hoại, không đoạn diệt cũng chẳng thường hằng, cho đến thần thông biến hóa đều là pháp vốn như thế, chẳng phải nhờ thần lực mà tạm thời được như vậy. Do đó nói, vừa có một pháp nhân duyên sanh, đều là công đức phát khởi từ tự tánh.
Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Trong biển thế giới Hoa Tạng này, bất luận là núi non hay sông ngòi, cho đến rừng cây cát bụi, tất cả chỗ nơi đều xứng với pháp giới Chân Như đầy đủ vô biên công đức”.
Hỏi:
Trong Kinh nói: “Kẻ phàm phu tham chấp vào sự vật”, còn nói rằng: “Đối với phàm phu chấp tướng phải tùy nghi vì họ mà thuyết pháp”.
Nếu rõ được Lý căn bản thì vạn hạnh đều viên mãn. Như thế cần gì sự tướng mà dấy khởi tạo tác?
Đáp:
Đây là lời nói phá tham trước chấp thủ, chẳng quan hệ đến sự tướng nhân duyên.
Kinh Duy Ma nói:
“Chỉ trừ bệnh mà chẳng bỏ pháp”.
Kinh Kim Cang Tam Muội nói:
“Có hai lối vào, một là vào từ con đường Lý; hai là vào từ con đường Hạnh. Dùng Lý dẫn lối Hạnh, dùng Hạnh làm viên mãn Lý”.
Vả lại, Bồ đề là dùng Hạnh đi vào Vô hạnh. Bởi vì, Hạnh là nhờ vào thực hành tất cả pháp lành, Vô hạnh là thấy tất cả pháp lành không có thật. Đâu thể ngưng trệ nơi Lý thiếu sót phần Hạnh, hoặc nghiêng chấp về Hạnh trái ngược với Lý.
Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ Tát Mã Minh nói, có ba sự phát tâm do thành tựu niềm tin:
- Trực Tâm: vì chánh niệm về Chân Như.
- Thâm tâm: vì ưa thích tích lũy tất cả các hạnh lành.
- Đại bi tâm: vì muốn giải trừ sự đau khổ của tất cả chúng sanh.
Trong Luận hỏi rằng: “Ở trên đã nói pháp giới một tướng, Phật thể không hai, tại sao không chuyên niệm Chân Như mà lại nhờ vào sự cầu học thực hành các pháp lành?”.
Luận đáp rằng: “Ví như hạt châu đại Ma Ni, thể tánh trong sáng nhưng lại có sự cấu bẩn của tạp chất nhơ uế. Nếu người chỉ nghĩ về tính chất quí báu của nó, nhưng không dùng đủ mọi thứ để lau chùi mài dũa, rốt cuộc nó cũng không thể hiển hiện được bản chất trong sáng. Cũng vậy, pháp Chân Như nơi chúng sanh, thể tánh rỗng lặng thanh tịnh mà có sự cấu nhiễm của vô lượng phiền não. Nếu người chỉ nghĩ về Chân Như, không dùng mọi phương tiện huân tu thì nó cũng sẽ không hiển lộ được bản tánh trong sáng.
Bởi vì, phiền não cấu nhiễm vô lượng nên phải tu tập khắp tất cả hạnh lành để đối trị. Nếu người tu hành tất cả hạnh lành thì tự nhiên trở về pháp Chân Như”.