BỒ ĐỀ TÂM HÀNH

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn  Đèn Trí Huệ Tỏa Khắp; Trần Thị Lan Anh dịch; Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức.

Trong những lời cầu nguyện chúng ta tụng “Từ nay trở đi cho đến tận khi đạt được giác ngộ, con nguyện thực hiện thiện hạnh với thân, khẩu, và ý.” Đó là chúng ta đang nhận giới Bồ tát cho đến tận khi đạt được giác ngộ. Chúng ta phát nguyện không để bị sai sử bởi sức mạnh của cảm xúc tiêu cực. Suốt đời này qua đời khác, tâm nguyện này sẽ đi cùng chúng ta đến tận khi chúng ta đạt được giác ngộ. Thứ hai, chúng ta tụng rằng “Từ nay cho đến ngày lìa đời, con nguyện thực hiện thiện hạnh với thân, khẩu, và ý”. Điểm này liên hệ tới giới nguyện Biệt giải thoát. Tiếp theo chúng ta lại tụng “Từ hôm nay cho đến ngày mai, con nguyện thực hiện thiện hạnh với thân, khẩu, và ý”. Điểm này liên hệ với những giới nguyện ngắn hạn, ví dụ như những giới chúng ta thọ khi thực hành nhập thất Nyung-ney!!. Nếu bạn không thể thọ giới trong thời gian dài, bạn cũng có thể thọ giới trong một khoảng thời gian ngắn.

Chúng ta cầu nguyện rằng mọi chúng sinh có được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Sau lời cầu nguyện ấy chúng ta cần phải giải thoát mình khỏi những suy nghĩ bám luyến và ghét bỏ. Mọi chúng sinh đều có Phật tánh, đức Phật đã dạy như thế. Đức Phật đã dạy rằng mọi chúng sinh không trừ một ai đều sở hữu Phật tánh, ở khía cạnh này thì ai cũng như nhau. Đức Phật dạy rằng chúng sinh chỉ bị che chướng bởi những ô nhiễm tạm thời. Ngài Drubwang Rinpoche cũng luôn đề cập đến chỉ dẫn này. Những ô nhiễm tạm thời này là gì? Đó là những niệm tưởng bám luyến và ghét bỏ khởi sinh do quan niệm có kẻ thù bên ngoài, và do bởi những thứ chúng ta không muốn và những người chúng ta không ưa. 37 Pháp tu Bồ tát dạy rằng chúng ta cần phải giải thoát mình khỏi những niệm tưởng bám luyến và ghét bỏ ấy. Chúng ta ghét bỏ những người mình không ưa thích, và bám luyến vào những người mình ưa thích. Thực sự thì bám luyến và ghét bỏ chẳng là gì khác mà chính là những niệm tưởng – những điều thêu dệt tưởng tượng của tâm chúng ta.

HAI CHÂN LÝ

Để giúp giải thoát được khỏi những suy nghĩ bám luyến và ghét bỏ, đức Phật đã truyền giảng về hai Chân lý. Đầu tiên là Chân lý tương đối, đó là sự không sai chệch của nghiệp báo và nhân quả. Nếu những nguyên nhân tiêu cực sai sử bạn và bạn không chánh niệm thì hành động bạn làm sẽ xuất phát từ tâm ô nhiễm. Điều này sẽ dẫn đến các hành động tạo nghiệp mà chắc chắn sẽ trổ quả nghiệp trong bất kỳ nơi nào đó của sáu cõi luân hồi. Mặc dù chúng ta phần lớn bị những tâm thái tiêu cực này sai sử nhưng xét ở góc độ rốt ráo thì chúng không hiện hữu : chúng là “Không”. Thông qua sự hợp nhất của trí tuệ và từ bi của Phật, người tu nhận biết rằng bản chất thật sự của những tâm thái tiêu cực này là rỗng không (Chân lý Tuyệt Đối). Chúng không có sự tồn tại cố hữu. Và do bởi nhân là Không (không tồn tại) nên quả cũng là Không. Nếu bạn đốt cháy hạt giống của bông hoa thì không chồi non nào có thể mọc; chồi non cũng rỗng không. Chúng ta đã nói về Hai Chân Lý. Ở khía cạnh tương đối, chúng ta trưởng dưỡng Bồ đề tâm tương đối, chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu chúng ta trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn thì chúng ta sẽ chuyển hóa sáu ô nhiễm thành đạo lộ của sáu Ba La Mật, và với cách như thế chúng ta có thể vượt qua được các phiền não ô nhiễm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  2. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN
  3. LÒNG TỪ ÁI