BÙI GIÁNG NÓI VỀ THƠ

BỬU Ý

Trích: Bùi Giáng, một đời thơ; NXB Dân Trí, Sách Thiện Tri Thức.

Thơ của Nguyễn Du là “đoạn trường tân thanh”.

Thơ của Bùi Giáng là “tái tân thanh” mở ra một kỷ nguyên mới. Sẽ có chăng trong tương lai những tiếng thơ đồng điệu? Hay ngược lại sẽ chịu phận lẻ loi?

Thử tưởng tượng bạn quẳng đến cho Bùi Giáng một bó câu, hay trời cao mưa móc xuống một hộc chữ cái, hay nàng thơ cung tặng sa số vần điệu, Bùi Giáng từ đó sẽ sắp xếp lại thành thơ, những câu thơ không ai ngờ, những vần điệu đầy tung hứng.

Ra đi gió định trở về

Ngày sau mây hẹn trả khe đầu ngàn

(theo Giao Hưởng, báo Thanh Niên, 29.9.2013)

Con chim ca hót thơ ngây

Con người nói ít mà gây gổ nhiều

(Theo Thanh Hoài)

Em là em anh đợi khắp nẻo đường

Em có nụ cười buồn buồn mây mọng

Em có làn mi khép lá cây rung

Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng

Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!

(Nàng thơ, Tạp chí Hợp Lưu, Xuân Kỷ Mão 1999)

Trong kho tàng ca dao của dân tộc, ta thừa hưởng một số lượng câu thơ được gieo vần theo thể “hứng” chứng tỏ khả năng hòa nhập vào đời sống thực tế trước mắt lên đến cao độ của tao nhân mặc khách một thời, bởi lẽ câu thơ sáng tạo theo thể “hứng” bộc lộ sự gắn bó, hòa nhập của thi sĩ với môi trường sống, và tìm qua vạn vật hình ảnh của chính mình đang lăn lóc xoay trở. Ta bắt gặp nơi Bùi Giáng những câu thơ thành hình theo dạng thể này một cách khá bất ngờ và thú vị:

Bài thơ viết hôm nay dường dở quá 

Vì bỗng nhiên ông cảm thấy thua gà

Gà gáy đẹp như vườn cây thắm lá

Mà lời thơ ông mỗi lúc mỗi già

(tập Rong Rêu, Gà gáy, trích)

Con cò trắng nhớ nhung trời bữa trước

Con cá xanh tư lự sóng hôm sau

(tập Mưa Nguồn, Biểu tượng sơ nguyên, trích)

Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày

(tập Mưa Nguồn, Không đủ gọi, trích)

Bay về ổ chín tầng cao

Con chim giã biệt quên chào mái hiên

(tập Mưa Nguồn, Mái hiên, trích)

Con ruồi con kiến con châu chấu

Bươm bướm chuồn chuồn cũng thế thôi

(tập Mưa Nguồn, Nhe răng, trích)

Nắng buồn thương nhớ bên nhau

Nhìn lưa thưa lá niềm đau trong cành

(tập Mưa Nguồn, Nắng buồn, trích)

Bùi Giáng làm thơ nhưng không cần biết thơ là gì:

Bắt chước ông Khổng Tử

Con chim thì ta biết nó bay

Con cá thì ta biết nó lội

Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ

Nhưng thơ là gì

Thì đó là điều

Ta không biết

(Sa Mạc Trường Ca)

Nếu có ai yêu cầu định nghĩa thơ là gì, Bùi Giáng sẽ trả lời:

“Thơ tôi làm (…) chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão động một lúc thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi (…). Tôi ra bờ sông nằm ngủ khóc một mình thơ dại giữa chiêm bao. Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vẫn bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao.

Bùi Giáng đã giải thích, định nghĩa thơ như vậy thì thiết tưởng ta cũng không nên giải thích lại cái giải thích của Bùi Giáng để tránh nạn vẽ rắn thêm chân. Có lẽ chúng ta chỉ nên mường tượng rằng làm thơ là mở mắt nhìn đời theo một lối khác, là mở miệng nói ra những lời nói khác.

Bùi Giáng viết: “Chúng ta quen thói chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu chữ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ.” Ông đã từng nói: “Đã là người Việt Nam thì chẳng lẽ lại viết triết học bằng chữ. Phải viết bằng lời. Mà lời của biển dâu không thể là lời văn xuôi. Phải là lời thơ “tái tân thanh” tái tạo. Văn xuôi cũng phải buộc là thơ. Và mở cửa cho thơ rúc vào nằm trong một vòng tròn trịa mát mẻ ôm nhau.” (Martin Heidegger và Tư Tưởng Hiện Đại I).

Bùi Vĩnh Phúc có viết: “Những gì ông (Bùi Giáng) viết ra đều nằm trong một bài thơ lớn. Một bài thơ lớn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bài thơ đó chính là đời sống của ông, là cuộc tồn lưu kỳ thú mà ông đã chọn lựa để sống trọn vẹn sinh mệnh mình trong cuộc lữ trần gian này.” (Đoàn Tử Huyến, Bùi Giáng trong cõi người ta).

Bình luận


Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ