CÁC THỰC HÀNH VÀ GIÁO HUẤN CHUẨN BỊ CHO MÌNH KHI CHẾT

ANDREW HOLECEK

Trích: Bàn về sinh tử; Nhóm Dòng Sống dịch; NXB Thế Giới, Công ty Sách Thiện Tri Thức năm 2022.

Thiền shamatha

Có hai chủ đề trọng tâm được lặp lại xuyên suốt trong cuốn sách hướng dẫn quan trọng nhất trong Phật giáo Tây Tạng. Chủ đề đầu tiên là “không sao lãng” Điều này liên quan đến shamatha, khả năng để tâm an trú trên bất cứ điều gì xảy ra (chủ đề thứ hai, thiền vipashyana, sẽ được thảo luận sau). Sự an định có được thông qua shamatha cho phép bạn tự tin đối mặt với bất kỳ trải nghiệm nào. Trong cuộc sống, và đặc biệt là trong cái chết, mất tập trung là một vấn đề lớn. Triết gia Pháp Blaise Pascal đã viết: “Sao lãng là điều duy nhất an ủi chúng ta về những nỗi khốn khổ của mình, nhưng chính nó lại là nỗi khốn khổ lớn nhất của chúng ta.” Shamatha xóa tan sự đau khổ.

Shamatha, hay thiền định tĩnh, là một hình thức căn bản của thiền smrti (thiền niệm). Smrti là một sự chuẩn bị mạnh mẽ bởi nó không tan rã khi chết. Nếu trau dồi thuần thục chỉ một thực hành này thì nó sẽ đóng vai trò như một huyết mạch tinh thần mà chúng ta có thể nắm giữ trong suốt các bardo, và điều đó sẽ dẫn chúng ta vượt qua những khó khăn nguy hiểm của chúng.

Một trong những cách chuẩn bị tốt nhất cho cái chết là học cách chấp nhận nó và hiện diện hoàn toàn để đón nhận nó. Hiện diện hoàn toàn là bản chất của smrti, được phát triển qua shamatha. Bởi cái chết rất khó chịu, rất khó để ở cùng nó. Như Woody Allen đã nói: “Tôi không sợ cái chết, tôi chỉ không muốn ở đó khi nó xảy ra.” Hầu hết chúng ta không ở đó với cái chết của mình và do đó khiến nó trở nên khó khăn hơn. Để cảm nhận điều này, hãy nhớ xem mình đã khó khăn như thế nào để hiện diện hoàn toàn khi bị ốm. Hầu hết chúng ta chỉ muốn thoát khỏi đó.

Ngay cả với một hành giả cao cấp, có thể rất đau đớn khi sinh khí rời khỏi cơ thể. Kháng cự lại sự đau đớn này, trước cái chết, hoặc bất kỳ sự kiện không mong muốn nào, là những gì tạo nên đau khổ. Chúng ta có thể chuẩn bị để đón nhận sự khó chịu của cái chết bằng cách đón nhận mọi khoảnh khắc với smrti ngay bây giờ. Thay thế chống đối bằng bình tĩnh. Như Dzogchen Ponlop Rinpoche đã nói, khi là một người sắp chết, nên là một người sắp chết hoàn toàn. Đừng cố là một người đang sống khi cuộc sống không phải là điều đang diễn ra.

Smrti ban đầu được nuôi dưỡng bằng cách thực hành “shamatha có hình tướng” hay shamatha có đề mục. Loại shamatha này sử dụng đề mục từ cơ thể, hơi thở hoặc một đối tượng để định tâm. Ý tưởng là sử dụng một hình tướng ổn định – trong khi chúng ta vẫn còn một hình tướng – như một cách để định tâm. Khi sự ổn định về thể chất biến mất vào lúc chết, sự ổn định về tinh thần trở thành nơi nương tựa chính của chúng ta.

Khi chúng ta chết, nơi nương tựa cơ thể bị cắt bỏ và tâm được tự do. Nếu không chuẩn bị cho sự tự do này, chúng ta có thể hoảng sợ. Hãy hình dung mình được phóng từ một tên lửa ra ngoài không gian. Sự phiêu dạt sau đó buộc chúng ta phải nắm lấy bất cứ thứ gì có thể thiết lập lại cảm giác vững chắc. Giống như túm lấy chính mình ngay trước khi bị ngã trên tảng băng theo phản xạ, chúng ta đưa tay nắm lấy bất cứ thứ gì giúp mình không bị ngã. Phản xạ nắm giữ này có thể thúc đẩy chúng ta tới việc nhận lấy một hình thức đáng tiếc – và do đó có một sự tái sinh không may mắn.

Kết quả của shamatha là năng lực trụ tâm vào bất kỳ đối tượng nào trong thời gian bạn muốn, và làm như vậy mà không bị phân tâm. Bất cứ nơi nào bạn đặt sự nhận biết của mình, nó ở đó, như một túi đậu đặt xuống đất. Shamatha có hình tướng (đề mục) phát triển thành shamatha không hình tướng (đề mục). Đây là năng lực trụ tâm trên bất cứ điều gì nảy sinh, không chỉ là một hình tướng (đề mục) cụ thể. Bạn cởi bỏ bánh xe tập và đạp xe nhẹ nhàng trên bất cứ thứ gì.

Shamatha không hình tướng, hay không đề mục là quan trọng vì khi cơ thể lìa xa vào lúc chết, chúng ta không còn bất kỳ hình tướng ổn định nào để đặt smrti. Không có gì ổn định làm đề mục. Vào thời điểm không có nền tảng để nương tựa này, thay vì hoảng loạn tìm kiếm một hình tướng để nắm bắt, shamatha không hình tướng cho phép chúng ta an trụ trên bất kỳ trải nghiệm nào mà không bị cuốn đi. Sẽ không thành vấn đề nếu không có một cơ thể để quay lại. Chúng ta chỉ đơn giản là đặt tâm mình vào bất cứ điều gì đang xảy ra và đạt được sự ổn định từ đó. Các pháp “thiền đảo ngược” và “yoga chữa mất ngủ” được thảo luận dưới đây rất hữu ích trong việc phát triển trình độ này. Shamatha không hình tướng là một cứu cánh giúp chúng ta không bị chìm trong trải nghiệm về đại dương hoang mang.

Sự đơn giản của smrti bao hàm sự sâu sắc của nó. Đó là cửa ngõ dẫn đến sự bất tử. Triết gia Ludwig Wittgenstein nói: “Nếu vĩnh cửu được hiểu không phải là thời gian vô tận mà là vượt thời gian, thì người sống vĩnh viễn là người sống trong hiện tại.” Trungpa Rinpoche và Padmasambhava cũng đồng ý về điều này. Các ngài đã dạy về bốn cách liên quan đến trải nghiệm về thời gian, nhấn mạnh vào khoảnh khắc thứ tư. Ba “khoảnh khắc” đầu tiên liên quan đến những kinh nghiệm thông thường về quá khứ, hiện tại và tương lai. Khoảnh khắc thứ tư là vượt thời gian, và do đó là bất diệt. Nó nằm ngoài ba khoảnh khắc đầu tiên. Khoảnh khắc thứ tư là kinh nghiệm tức thời về bardo pháp tính, như chúng ta sẽ thấy, vượt thời gian và không gian. Chúng ta không cần phải chết để có trải nghiệm về pháp tính bất tử. Nó nằm tĩnh lặng giữa mỗi ý niệm – không chỉ giữa mỗi kiếp sống.

Dù vượt ngoài ba khoảnh khắc đầu tiên, cách duy nhất để bước vào khoảnh khắc thứ tư là đi qua lối cổng của hiện tại. Nói cách khác, hiện tại là chiếc phễu đi vào cõi vĩnh hằng. B. K. S. Iyengar, bậc thầy yoga hiện đại, nói: “Yogi học cách quên đi quá khứ và không nghĩ đến ngày mai. Anh ta sống trong hiện tại vĩnh cửu.”

Nếu không thể thấy điều này nơi khoảng trống giữa những ý niệm, có thể cảm nhận được điều này khi đắm mình trong một hoạt động. Nếu hoàn toàn có mặt, cho dù đó là chơi với con, tham gia một buổi hòa nhạc lớn hay mải mê làm việc, thời gian dường như đứng yên. Bạn có thể trải qua một kinh nghiệm như vậy, nhìn đồng hồ và giật mình vì thời gian đã trôi qua bao lâu.

Đây là một trải nghiệm tương ứng với khoảnh khắc thứ tư – thâm nhập một cảnh giới mà thời gian, và do đó là mình, biến mất.

Những trạng thái kỳ diệu này giống với điều mà các nhà tâm lý gọi là trạng thái “dòng chảy”, và các vận động viên gọi là “vùng”, không phải sự ngẫu nhiên. “Vùng” của khoảnh khắc thứ tư có thể được nuôi dưỡng bằng cách luyện tâm để hiện diện. Về việc này, như thiền sư Baker Roshi nói, smrti khiến bạn “dễ gặp rủi ro”. Càng thực hành smrti, bạn càng ngã nhiều hơn vào trong “vùng”. Những người thực hành shamatha có thể an trụ tâm mình trong samadhi (định), và nếm trải sự bất tử. Họ đã bước vào vùng bất tử của sự hiện diện hoàn toàn.

Bất kể sự phức tạp của các bardo, những pháp thiền chuẩn bị cho chúng ta không cần phải phức tạp. Đơn giản và thư giãn là hai chỉ dẫn quan trọng trong bardo. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của smrti. Đạo sư Ấn Độ Naropa nói: “Bởi tâm thức [trong bardo] không có chỗ dựa, rất khó để ổn định smrti. Nhưng nếu có thể duy trì smrti, việc vượt qua con đường sẽ không gặp rắc rối. Thiền một buổi trong trạng thái trung gian đó có thể được giải thoát.”

Thiền Vipashyana

Chủ đề chính thứ hai trong Tử Thư Tây Tạng là “nhận ra và giải thoát đồng thời”. Điều này liên quan đến vipashyana, thiền minh quán. Shamatha làm an định tâm, vipashyana giúp chúng ta nhìn thấy nó. Bằng cách nhìn thấy tâm rõ ràng hơn, chúng ta có thể nhận ra cách hoạt động của nó. Điều này giúp chúng ta liên hệ với tâm một cách khéo léo. Trong các bardo, chúng ta “buộc” phải liên hệ với tâm mình, đơn giản là vì không có gì khác. Thế giới bên ngoài đã biến mất, cơ thể cũng không còn, vì vậy tâm trở thành thực tại. Qua thiền vipashyana, chúng ta khám phá ra bất cứ điều gì nảy sinh trong các bardo chỉ là sự hóa hiện của chính tâm mình. Tri kiến này giải thoát chúng ta.

Giống như việc nhận ra mình đang mơ khi vẫn đang trong một giấc mơ (giấc mơ sáng suốt) giải thoát chúng ta khỏi đau khổ của giấc mơ, việc nhận ra mình đang ở trong bardo giải thoát chúng ta khỏi sự đau khổ của các bardo. Trước khi trở nên sáng suốt, giấc mơ quăng quật chúng ta tới lui như bọt biển nhấp nhô trên mặt nước đầy sóng gió. Nhưng một khi chúng ta thức tỉnh về giấc mơ – khi vẫn đang trong đó – thì bàn cờ đột nhiên đảo lộn. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn kiểm soát trải nghiệm vừa mới kiểm soát mình. Cho dù trong giấc mơ hay cái chết, mức độ nhận biết này, và sự giải thoát sau đó, đều được nuôi dưỡng bằng vipashyana, hay “thấu suốt”.

Thay vì coi những hình ảnh đáng sợ của bardo là có thật và bị cuốn vào cơn ác mộng, chúng ta có thể thức tỉnh trong bardo. Chúng ta làm điều này bằng cách nhận biết tất cả những hình tướng hiển hiện đều là sự hóa hiện của chính tâm mình. Sự nhận biết này được đào luyện trong thiền. Chỉ dẫn thiền là dán nhãn bất cứ điều gì khiến chúng ta sao lãng là “ý niệm”. Ví dụ: Một ý niệm xuất hiện là cần mua một ít sữa. Chúng ta nói trong tâm, “ý niệm”, tức là nhận ra mình đã đi lạc, rồi trở lại với thiền. Sự thấu suốt của chúng ta làm tan biến ý niệm gây sao lãng khi tiếp xúc. Dán nhãn và giải phóng là đồng thời.

Ý niệm không được nhận biết là trạng thái ngủ mơ trong lúc thức. Mỗi ý nghĩ lan man là một giấc mộng ngắn ban ngày. Chìm đắm vào những ý niệm vẩn vơ là cách chúng ta sống như mộng du suốt cuộc đời – và do đó là cái chết. Vì vậy, việc nói trong tâm “ý niệm” khi thiền cũng giống như việc nhắc mình “tỉnh dậy!” Chúng ta tỉnh dậy và quay lại với thực tại – chứ không phải với những cảnh tượng (ý niệm) trong mộng của mình. Nếu có thể tỉnh thức suốt ngày và hiện diện, chúng ta sẽ có thể tỉnh thức trong bardo sau khi chết. Đây là ý nghĩa của việc trở thành một vị Phật, một “người đã tỉnh thức”. Và đó là kết quả của thiền shamatha-vipashyana (thiền tĩnh-quán).

Trên đây, chúng ta đã nói rằng trong bardo, tâm (ý niệm) trở thành thực tại. Bạn quay lại làm gì nếu chỉ có tâm thôi? Bạn quay lại chỉ để nhận biết điều đó. Như trong một giấc mơ sáng suốt, bạn nhận ra bất cứ điều gì sinh khởi chỉ thuần túy là trò chơi trong tâm mình. Điều này cho phép bạn chứng kiến bất cứ thứ gì xuất hiện mà không bị nó cuốn đi. Vì không còn cơ thể hay bất kỳ đối tượng vật chất nào khác để nương tựa, nên bạn nương tựa vào chính sự nhận biết (tính biết). Từ quan điểm tỉnh thức đó, điều gì xảy ra không quan trọng. Tất cả chỉ là sự hóa hiện của tâm.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. PHÁP BẢO HIỂM
  2. LÀM GÌ CHO NGƯỜI KHÁC TRƯỚC KHI CHẾT
  3. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG THỰC TẾ

Bài viết mới

  1. NHỮNG GIỚI LUẬT CỦA BỒ ĐỀ TÂM HẠNH
  2. SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI
  3. TÂM VÀ TRÍ